Review phân tích phim Zerkalo – Mirror: lạc mất lối về

Zerkalo (Mirror – Hồi Ức – 1975) là phim nghệ thuật của đạo diễn Andrei Tarkovsky, phim là sự hòa trộn nhiều quảng thời gian khác nhau (phi tuyến tính) tạo nên một chuỗi những hình ảnh siêu thực khiến người xem phải bối rối và tự hỏi, liệu những điều này có ý nghĩa gì? Đâu là mơ và đâu là thực? Đâu là quá khứ và đâu là hiện tại? Hay tất cả những gì mà chúng ta thấy thì được phản chiếu từ một tấm gương đã vỡ nát thành nhiều mảnh của thời gian và không gian. Đôi khi tôi rất tiếc nuối khi có quá ít người quan tâm 7 bộ phim của Andrei Tarkovsky, trong khi những phim này mang nền tảng cốt lõi nhất để hiểu và tạo nên những phim nghệ thuật khác của nhiều đạo diễn sau này. Đây là phim hay nhất và đẹp nhất của Andrei Tarkovsky, IMDb 8.1

Phim kể về cuộc đời của Alexei qua những mảnh ký ức trước khi anh ấy chết vì một căn bệnh kỳ lạ. Xem phim để biết thêm chi tiết hoặc đọc bài tiếp. Có thể xem phim trên Youtube có phụ đề dịch tự động

Phân tích ý nghĩa thông điệp

Để hiểu phim, tôi sẽ nhắc lại một số ý đã nói ở các bài trước và tóm tắt ngắn gọn nội dung câu chuyện theo hướng tuyến tính. Đối với Andrei Tarkovsky thì nước Nga có sự tác động vô cùng lớn lao lên tình cảm của ông ấy, vì đó là quê hương và là “nhà”, ông ấy luôn khắc khoải về những biến đổi đang diễn ra ở Nga trong thời kỳ đó; song song đó là sự ảnh hưởng của Kito giáo lên tư tưởng của ông ấy. Mọi sự biến đổi mà chúng ta nhận thấy thì không chỉ diễn ra ở Nga, nó đang bao phủ trên toàn bộ thế giới con người, đó sự đấu tranh nội tại của bộ 3 thuộc về bản chất bên trong mỗi con người hoặc cả nhân loại; nhưng trên tất cả, điều mà Andrei Tarkovsky tìm kiếm là câu trả lời về thực tại đời sống của mỗi con người (mà trong đó có ông ấy) sẽ bị tác động như thế nào, chính vì vậy mà các bộ phim của ông ấy đều mang tính hiện sinh.

Câu chuyện bao gồm nhiều móc thời gian, trước chiến tranh – 1935, thời chiến – 1940, sau chiến tranh – khoản 1970. Vào khoản năm 1935 thì Alexei sống với mẹ và em gái ở thôn quê, còn người cha thì tham gia quân đội, sau đó gia đình Alexei chuyển lên thành thị để sống, khi cuộc chiến diễn ra vào khoản 1940 họ lại trở về ngôi nhà cũ, chiến tranh qua đi và người cha trở về, ông ấy mang Alexei vào trường thiếu sinh quân, tiếp đó là khoản năm 1970 sau khi Alexei có vợ là Natalia nhưng đã chia tay, anh ấy cũng có con trai là Ignat, anh ấy dự định mang con trai đến trường thiếu sinh quân để học, cảnh gần cuối là khi Alexei sắp chết vì căn bệnh kỳ lạ.

Bởi vì hoàn cảnh của người mẹ và vợ cũ có phần tương tự nhau nên chúng ta thấy họ có cùng khuôn mặt, cảnh người mẹ ở đầu phim và cảnh nói chuyện với vợ cũ. Tương tự, đôi khi chúng ta thấy Alexei trong diện mạo của đứa con là Ignat, trong cảnh người cha trở về sau chiến tranh và cảnh ở trường thiếu sinh quân – cảnh này có thể hiểu cho cả 2 là Alexei hoặc Ignat, kể cả những cảnh có người cha thì cũng có thể hiểu áp dụng cho Alexei. Có sự phản chiếu hoàn toàn giống nhau ở nhân vật nữ là người mẹ và người vợ; ở nhân vật nam là người cha, Alexei và con của anh ấy là Ignat.

Phim được bắt đầu bởi cảnh Ignat bật TV xem cách bác sĩ chữa bệnh nói lắp (cà lăm) cho một thanh niên bằng phương pháp thôi miên của khoa học, chúng ta thấy bệnh nhân bị bàn tay của bác sĩ điều khiển, bác sĩ bảo anh ấy mang suy nghĩ và sự căng thẳng đặt vào đôi bàn tay của anh ấy, cuối cùng bệnh nhân có thể nói chuyện bình thường. Đoạn phim này có hàm ý gì? Phải chăng căn bệnh đã được chữa khỏi? Hoàn toàn ngược lại! Phương pháp này đã phá hủy hoàn toàn cấu trúc vốn có của một con người, tôi đang nói theo hàm ý nhé các bạn.

Khi người thanh niên nói lắp nghĩa là tâm trí của anh ấy có vấn đề, lẽ ra người ta nên tìm cách điều chỉnh nó cho đúng, khi cái sai của tâm trí được chuyển dời vào 2 tay thì 2 tay của anh ấy xem như phế, khi tâm trí không còn đặt trong bộ não thì bộ não cũng bị phế luôn, còn việc nói năng bình thường thì nó chỉ là tiếng vọng lại của âm thanh phát ra từ người khác, bệnh nhân đã trở thành một con vẹt và nói như một con vẹt. Sự đánh đổi từ việc nói lắp sang nói bình thường đã phải trả một cái giá quá đắt, đó là đánh mất hoàn toàn bản thể hoặc bản ngã của chính mình để biến thành một con rối bị người khác điều khiển, phải chăng khi ấy chúng ta mới được xem là “hoàn hảo” giống với người khác? Điều này có giống với cách mà cá nhân phải chạy theo tập thể để thấy rằng bản thân là một người “bình thường”?

Nếu dùng bộ 3 để nói, đôi bàn tay là biểu tượng cho lý tính và khoa học, còn bộ não là cảm xúc của con người với những mâu thuẫn đấu tranh nội tại, khi chúng ta để cho 2 thành tố trước làm chủ tư tưởng, thì đời sống con người sẽ biến mất hoặc hoàn toàn biến đổi, chúng ta sống như những robot hoàn toàn vô cảm hoặc trở thành những bản sao giống y như nhau, điều này có liên kết với một cảnh sau đó về những hồng vệ binh của TQ. Và cũng có liên kết với cảnh người mẹ đang ngồi trên hàng rào với 2 thanh ngang, Alexei kể rằng người cha thường trở về theo lối băng qua những bụi cây, chúng ta thấy hình ảnh một cơn gió lớn thổi vào căn nhà từ những bụi cây. Người mẹ có thể biểu tượng cho bản thân nước Nga hoặc gia đình, khi vị bác sĩ đến (gắn liền với 2 cơn gió từ đồi cỏ) ngồi lên hàng rào, cả người mẹ và vị bác sĩ đều té ngã và hàng rào gãy đổ, đó cũng là lúc người cha – biểu tượng cho tình yêu vắng mặt.

Khi có tình yêu bên cạnh và được rửa trong nước, chúng ta sẽ thấy được tâm hồn

Trong phim có một cảnh khiến tôi rợn người nhưng lại có ý nghĩa vô cùng sâu sắc, đó là khi Alexei nhớ lại lúc người cha trở về theo cơn gió và giúp người mẹ tắm cho mái tóc trong nước. Nhìn vào mái tóc bao phủ trước khuôn mặt, nó giống như đầu của người mẹ bị xoay ngược và khuôn mặt thì úp vào cổ để nhìn sâu vào cơ thể; cảnh đó thể hiện hàm ý là người mẹ đang nhìn sâu vào nội tâm của cô ấy, chính xác hơn là khi con người có tình yêu và cảm xúc ở cùng thì con người có thể nhìn rõ bản ngã của chính mình.

Trong tất cả những phim từng xem, tôi chưa bao giờ thấy cảnh nào độc đáo, lạ lùng và ám ảnh đến như vậy. Sau đó chúng ta thấy căn nhà đang tan rã, và người mẹ thấy bản thân đang trở nên già nua – đó là khi người chồng không ở nhà và cô ấy phải chờ chồng về. Trong tấm kính phản chiếu, ở giữa là người phụ nữ già nua, bên phải của cái bóng là ánh sáng, bên trái của cái bóng là bức tranh đồi cỏ và cây đang trổ hoa, đó là sự phản chiếu của tâm hồn, “ánh sáng” và “gia đình” chỉ còn là ảo ảnh.

Sau khi thế giới bước qua thời đại mới, gia đình đã sụp đổ, vợ chồng bị tách rời, đàn ông nhập ngũ còn phụ nữ thì làm ở các xưởng in của những tờ báo, họ không còn là những cá nhân thuộc về thứ gì đó riêng lẻ như gia đình, họ thuộc về 2 nhóm tập thể, điều khiến họ chú tâm và lo lắng chỉ là công việc. Đoạn ở xưởng in, người phụ nữ bất ngờ nói ra những lời khiến người mẹ đau lòng – nó không có thật, đó chỉ là những gì đang diễn ra trong nội tâm của cô ấy, một khoảnh khắc khi cô ấy đang tự hỏi những gì mà cô ấy đang theo đuổi có ý nghĩa gì?

Trong cuộc trò chuyện với những người bạn về đất nước Tây Ban Nha, Andrei Tarkovsky cho chúng ta thấy 2 góc nhìn trong cùng một sự việc. Với người đàn ông – đại diện cho lý tính, diễn tả lại trận đấu bò tót như điều gì đó mang lại sự thích thú, hoặc sự hân hoan sau khi chiến thắng trong một cuộc chiến; còn với người phụ nữ – đại diện cho cảm xúc, họ cảm thấy thương cho số phận con bò bị giết, về chiến tranh thì nó khiến họ nhớ lại cảnh chết chóc, phụ nữ và trẻ em phải chạy xuống hầm để tránh bom, nhà cửa tan hoang.

Chí Blog có kịch bản phim điện ảnh, ai mua không?

Điều tôi vừa nói cũng tương ứng với đoạn khi Alexei hoặc Ignat đang học ở trường thiếu sinh quân, đối với những đứa trẻ, việc tập bắn hoặc trở thành một người lính thì giống như một trò chơi, trong khi thực tế của chiến tranh lại hoàn toàn khác hẳn, nó được thể hiện trong những thước phim cũ, người lính mặc những bộ quần áo rách rưới hoặc trần truồng đang khuân vác vũ khí, họ phải vượt qua con sông, đi trên vùng đất băng giá hoặc bùn lầy, giữa cái đói và cái lạnh; vũ khí với những đứa trẻ là món đồ chơi, nhưng với vị huấn luyện viên thì nó là thứ đã thổi bay một mảnh xương sọ trên đầu của ông ấy, đó không phải là đồ chơi.

Khi Alexei trò chuyện với Natalia, cô ấy bảo rằng không biết có nên kết hôn với một nhà văn tên là Dostoyevsky hay không?! Có thể hiểu đó là một người đàn ông thật sự tên Dostoyevsky, nhưng cũng ám chỉ rằng Natalia (hoặc người mẹ là Maria) – biểu tượng tâm hồn nước Nga muốn có một người chồng hoặc một người con giống như đại văn hào Fyodor Mikhailovich Dostoyevsky; nhưng Alexei trả lời rằng trong thời đại này thì điều đó là không thể, vì giả sử như có một người như thế, thì tác phẩm của ông ấy cũng không thể xuất bản, hoặc ông ấy bị gọi nhập ngũ, hoặc chỉ có thể trở thành một nhà báo bình thường. Đây cũng là nỗi đau của Andrei Tarkovsky khi những kịch bản phim của ông ấy bị chính quyền bác bỏ.

Trong phim có một đoạn khiến nhiều người cảm thấy khó hiểu, đó là khi Ignat đọc bức thư của Pushkin, bức thư ấy Pushkin trả lời rằng “Sự chia rẽ của nhà thờ (Kito giáo) đã tách chúng tôi (Chính Thống giáo) khỏi châu Âu. Chúng tôi bị loại trừ từ mọi sự kiện lớn đã làm rung chuyển nó. Tuy nhiên chúng tôi đã có số phận đặt biệt của riêng mình. Nga, với lãnh thổ rộng lớn của mình đã nuốt chửng cuộc xâm lược của Mông Cổ. Người Tartar không dám vượt qua biên giới phía tây của chúng tôi. Họ rút lui về nơi hoang dã và nền văn minh Cơ Đốc (Kito giáo) đã được cứu. Để đạt được mục tiêu đó, chúng tôi phải dẫn đầu một kiểu sống đặt biệt, đã khiến chúng tôi xa lạ với thế giới Cơ Đốc …

Quá khứ của nước Nga với người Tartar có thể hiện trong phim Andrey Rublyov, đối với Pushkin hoặc Andrei Tarkovsky thì vai trò của Chính Thống giáo giống như là một “người lính” canh giữ một mặt của biên giới để không cho những Tartar – thế giới vô thần kiểu hoang dã xâm nhập và phá hủy thế giới Cơ Đốc. Nhưng điều này có liên quan gì đến hiện thực trong phim? Andrei Tarkovsky muốn nói rằng việc những người đàn ông Nga rời bỏ gia đình và nhập ngũ để trở thành những người lính là có mục đích, đó là ngăn chặn sự xâm nhập từ … những hồng vệ binh TQ. Andrei Tarkovsky xem bản thân ông ấy như một “người lính” trên mặt trận tư tưởng và văn hóa.

Đoạn này giải mã cho đoạn chiếu về cảnh những bức tượng của vị lãnh tụ, hồng vệ binh giống như những bản copy của ông ấy. Chúng ta thấy một đám đông cầm cuốn sách nhỏ bị ngăn lại bởi một vòng tròn những người lính Nga đang xoay mặt vào trong. Điều này cũng được Andrei Tarkovsky cảnh báo trong bộ phim Solaris, hoặc được thể hiện qua cách chữa bệnh nói lắp ở đầu bộ phim, nó khiến con người biến thành con rối hoặc những bản copy, hoặc sự đồng hóa.

Ở đoạn gần cuối phim, khi có người chồng (có thể hiểu đó là người cha hoặc bản thân Alexei) ở bên cạnh người vợ – có tình yêu, thì người vợ giống như một thiên thần đang bồng bềnh giữa khoản không, giống như con chim trắng tung cánh bay qua, đây cũng là một trong vài cảnh đẹp nhất trong những phim mà tôi từng xem. Sau đó là cảnh Alexei đang hấp hối trên giường bệnh, thực tế hoàn toàn cách biệt với những gì mà con người có thể mong ước, và anh ấy muốn trở thành con chim tung cánh bay lên. Nếu thời đại khiến cho tâm hồn con người chuyển đến bàn tay thì Andrei Tarkovsky muốn tâm hồn đó chuyển sang con chim đang hấp hối – biểu tượng của tự do, để nó được sống lại.

Người chồng hỏi vợ rằng cô ấy muốn có con trai hay con gái? cô ấy không trả lời, cảnh tiếp theo là người mẹ trong hình ảnh một phụ nữ già nua đang dẫn 2 đứa con rời khỏi nơi họ sống, căn nhà thì tan hoang, cái giếng thì đầy rác; người mẹ nắm tay đứa bé gái đi trước, còn đứa bé trai lạc loài ở phía sau; hình ảnh người mẹ khi còn trẻ đang đứng lại với cây cột điện có hình thập tự. Mọi thứ đã thay đổi, những gì tốt đẹp chỉ còn là quá khứ, còn những gì đang tồn tại là sự đổ nát, già nua, chia lìa. “Con trai hay con gái”? Có tương lai hạnh phúc nào đang chờ đón những đứa trẻ sau khi được sinh ra? Hay con trai và con gái sẽ nhận lấy nỗi đau theo những cách khác nhau?

Tôi đang tự hỏi là những gì diễn ra trong phim này – thực tại của Andrei Tarkovsky, thì có khác với những đang diễn ra trong thực tại của thế giới mà chúng ta đang sống lúc này? Với tôi thì không có gì khác biệt, chỉ là ít có người nhận ra điều đó. Thời của Andrei Tarkovsky, con người chia lìa bởi thành tố lý tính – ý thức hệ, thì ngày nay bởi thành tố vật chất – khoa học – bản năng. Thứ mà Andrei Tarkovsky đã cảnh báo và muốn ngăn chặn đã bao phủ lên thế giới chúng ta, nó không hẳn là một quốc gia hay một hệ tư tưởng nào đó, nó là sự mất đi của thành tố quan trọng nhất – tình yêu.

Cảm ơn các bạn đã đọc bài, nhớ chia sẽ bài viết và giới thiệu Chí Blog đến mọi người, và tích cực “cứu tế” để mình có thêm động lực viết bài nghen.

OCB – ngân hàng phương đông, tk: 0003100008898001, NGUYỄN MINH CHÍ, chi nhánh Thủ Đức. Hoặc: Nguyễn Minh Chí, NH TMCP SAI GON THUONG TIN CN TIEN GIANG, Số TK: 0601 4671 8526

…………………….

Nhớ Share bài viết, Like Chí Blog (Facebook) để dễ dàng theo dõi những bài viết mới.

Top 120 Best review phim ý nghĩa trên Chí Blog

Top 50 bài review sách văn học kinh điển của Chí Blog

Những phim cùng chủ đề:

Thời Thơ Ấu Của Ivan – Ivanovo detstvo (1962): đừng sang bờ sự chết

Cuộc Đời Của Andrey Rublyov – Andrei Rublev (1966): một trong những phim hay nhất mọi thời đại – Nghệ Thuật

Solaris (1972): đại dương tinh thần của thế giớiNghệ Thuật

Thương Nhớ Cố Hương – Nostalghia (1983): khi sự sống phân đôi – Nghệ Thuật

Cây Đời – The Tree of Life (2011): biết ơn và oán trách – Nghệ Thuật – Cành Cọ Vàng

Đi Qua Màn Sương – Landscape In The Mist (1988): về bên Cha … trên trời – Nghệ Thuật 

Cây Lê Dại –The Wild Pear Tree (2018): loài “xương rồng” trên đồi hoang

Một Thời Ở Anatolia – Once Upon a Time in Anatolia (2011): ánh sáng thiên thần trong đêm Nghệ Thuật

Ngủ Đông – Winter Sleep (2014): chập chờn – lạnh lẽo – cô độc – Nghệ Thuật – Cành Cọ Vàng

Người Soát Vé – Kontroll (2003): đợi chờ nàng Thỏ thiên thần – Nghệ Thuật

Facebook Comments

About Author

Minh Chí

Bạn tôi góp ý là: nhiều người ở VN thích làm màu, nên tôi cần làm màu hơn thế. Cho nên các bạn cứ nghĩ tôi rất "đỉnh" là được!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Next Post

Review phân tích phim Stalker: không còn ai để dẫn đường

T5 Th11 12 , 2020
Stalker (Kẻ Rình Mò – 1979) là phim giả tưởng – nghệ thuật của đạo diễn Andrei Tarkovsky, phim nói lên nỗi đau vô tận của những trí thức chân chính khi họ phải sống trong một thế giới đang dần trở nên lạnh lùng và vô cảm. Nếu Mirror […]

You May Like

Translate» English - Vietnamese