Night on Earth (Một Tối Ở Địa Cầu – 1991) là phim nghệ thuật – hài kịch, sẽ đưa chúng ta dạo chơi bằng taxi vào ban đêm, qua 5 “kinh đô” của thế giới. Los Angeles – điện ảnh, New York – tự do, Paris – ánh sáng, Rome – nghệ thuật và tôn giáo, Helsinki – đáng sống nhất. Khi bạn tiếp thu nhiều kinh nghiệm sống, hoặc hiểu biết, hoặc nhận thức, thì cảm nhận của bạn sẽ đứng trước 2 lối rẽ; thứ nhất là bạn sẽ cảm thấy cuộc sống này nhạt hơn, đáng thất vọng hơn, và bạn yêu nó ngày càng ít đi; thứ hai là cảm xúc của bạn sẽ thăng hoa, một phần thế giới sẽ nhạt, phần còn lại thì trở nên đặc sắc một cách kỳ lạ, vì bạn sẽ khám phá ra nhiều bí mật của trước kia không biết. Như bạn cũng thấy, Chí Blog đã bắt đầu chuyển hướng sang phân tích dòng phim nghệ thuật, vì tôi đã quá ngán ngẫm với mấy loại phim giết người và chặt chém, tất nhiên là thỉnh thoảng vẫn viết bài cho bộ nào đó đặt biệt hoặc khác lạ. IMDb 7.8
Phim là sự kết hợp của 5 câu chuyện chẳng liên quan gì nhau, các câu chuyện phần lớn được diễn ra trên chiếc taxi, mặt ngoài thì chẳng liên quan nhưng mặt trong thì chúng có sự liên kết và phản ánh qua lại. Xem phim nếu muốn biết thêm chi tiết hoặc đọc bài tiếp.
Phân tích ý nghĩa thông điệp
Chìa khóa để hiểu phim này chỉ có 2 từ, đó là “tương phản”, đó chính là lý do câu chuyện được kể lại vào buổi tối. Tuy về mặt thời gian thì nó diễn ra cùng một thời điểm, nhưng do vị trí khác biệt, móc thời gian đó được dàn trải và dịch chuyển từ vừa qua hoàng hôn cho đến sắp tới bình minh, từ vùng khí hậu nóng ấm đến vùng khí hậu giá băng, từ nơi bị xem là “vô tình” đến nơi được xem là “hữu tình”, từ cấp độ sống với nhận thức đơn giản đến cấp độ sống với nhận thức sâu sắc, từ thuốc lá đến rượu (cười). Ngoài tính tương phản, 5 câu chuyện có thêm một điểm chung, đó là hành trình của chiếc taxi, nó di chuyển qua lại giữa 2 khu “bình dân” và “cao cấp”.
Los Angeles – kinh đô điện ảnh, chúng ta thấy 2 loại hình giàu và nghèo, nó thể hiện qua những căn hộ, máy bay, và con người – 2 phụ nữ. Tuy Los Angeles được xem là nơi có tình người rất bạc bẽo, nhưng trong cả 2 chuyến thì cô gái đều được boa thêm tiền, không những vậy, cơ hội để đổi đời có thể đến rất chóng vánh – chỉ trong vòng 30 phút của một chuyến xe, một ý tưởng chợt lóe, nó có thể biến một cô gái lái taxi thành minh tinh màn ảnh. Có lẽ hình ảnh của điếu thuốc lá là biểu tượng phù hợp nhất để nói lên bản chất thật sự của thành phố này, và cách mà con người từ chối cơ hội để đổi đời diễn ra còn chóng vánh hơn. Chúng ta có thể nói gì qua hành vi từ chối của cô gái? Đó là tính phù du ở thành phố này khiến tâm lý con người trở nên miễn dịch, khi thấy có quá nhiều người chạy theo tiền tài và danh lợi.
Sự tương phản còn thể hiện trong phong cách sống, người phụ nữ giàu có thì luôn bận rộn, chuyện hôn nhân gia đình chẳng đâu vào đâu; trong khi cô gái lái taxi thì có vẻ nhàn nhã và sống tùy theo sở thích. Tuy vậy, có một điểm chung giữa 2 người phụ nữ, đó là mọi thứ với họ đều hết sức đơn giản, như bản chất thành phố được thể hiện qua các cửa hàng bán thức ăn nhanh, cho nên cuộc trò chuyện diễn ra với khá ít lời thoại qua lại. Taxi đi từ bình dân đến cao cấp, nhưng cơ hội đổi đời bị từ chối, cái cao cấp bên ngoài thua cái sở thích bên trong.
New York – kinh đô tự do, phần trước chúng ta chứng kiến cô gái lái taxi có thể biến thành nghệ sĩ, phần này chúng ta chứng kiến nghệ sĩ biến thành người lái taxi, quả thật rất là “tự do” hen. Bộ mặt của “tự do” còn đậm nét hơn khi hàng chục chiếc taxi từ chối dừng lại để chở anh chàng da đen, khách thì trở thành người lái, còn người lái trở thành khách, và sau khi đến nơi thì người lái xe phải trả tiền cho người được chở (haha), ông già đến từ vùng từng theo chủ nghĩa xã hội, tự do nghĩa là chuyện gì cũng có thể xẩy ra. Cười là một chuyện, nhưng bạn có cảm nhận được bản chất thật sự của thành phố này đã tạo nên điều gì tuyệt vời? Đó là nó có thể đưa 2 con người rất khác biệt đến gần nhau và trò chuyện hòa ái với nhau, ông già là người Đức – nơi sinh ra chủ nghĩa phát xít, còn anh chàng da đen – nạn nhân cho sự kỳ thị về chủng tộc.
Chiếc taxi đi từ trung tâm ra khu “ổ chuột”, về vẻ ngoài nó di chuyển từ cao cấp xuống bình dân, nhưng khi nhìn về tình người, nó là sự đi lên; chúng ta thấy được điều này qua cách mà người em chồng lo lắng cho chị dâu, dù rằng cách họ nói chuyện hơi “đặt biệt” một chút. Vốn có một tâm hồn nghệ sĩ nên ông già cảm nhận được vẻ đẹp toát lên từ thành phố cho đến con người. Hình ảnh cái nón dùng để bảo vệ “đầu” chính là biểu tượng dành cho thành phố này, một cái nón trắng và một cái nón đen, nhưng chúng đều như nhau cả, chúng chỉ khác “model”, hoặc như cái tên, người này cười người kia vì tên giống cái nón, còn người kia cười người này vì tên giống món đồ chơi, cuối cùng thì nó cũng chỉ là cái tên mà thôi, nó đâu nói lên được bản chất con người, ai hiểu được bản chất tự do thì hiểu được điều này.
Tuy nhiên chúng ta cũng có thể thay đổi cái thô bỉ bên ngoài bằng việc thể hiện nó theo cách tốt đẹp hơn, như lời khen của ông già dành cho cô gái, sau đó chúng ta thấy sự chuyển biến rõ rệt trong thái độ cư xữ. Lúc đầu anh da đen đã hướng dẫn ông già cách lái chiếc xe sao cho nhịp nhàng, lúc sau, ông già “hướng dẫn” anh da đen cách làm sao để cuộc trò chuyện trở nên dễ chịu, đó là giá trị mà tự do mang lại. Đoạn cuối, sau khi rời đi thì ông già đã lạc đường, bạn có biết tại sao không? Vì ngôn ngữ khác biệt nên ông ấy không hiểu rõ sự chỉ dẫn trước đó. Đa phần người ta không hiểu nhau là do “ngôn ngữ khác biệt”, tự do là chìa khóa để tháo gỡ vấn đề này.
Paris – kinh đô ánh sáng, ánh sáng ở đây được tạo ra bởi những ngọn đèn đường nhưng nó cũng có nghĩa là trí tuệ. Buổi tối ở kinh đô ánh sáng có chiếc taxi mà người lái là người đàn ông có màu da tối, chở 2 vị hành khách ngốc nghếch có màu da còn tối hơn, và vị khách tiếp theo là một cô gái mù, bạn có cảm thấy rất thú vị?! Những diễn biến tiếp theo cho chúng ta hiểu rằng một người sáng mắt thì được gì và cô gái mù được gì, cái sáng bên ngoài và cái sáng bên trong. Bạn có thấy cái miếng băng cá nhân gần con mắt? Nó thể hiện rằng khi người ta dùng con mắt của thân xác để nhìn thì rất dễ gặp tai nạn, đặt biệt đối với người dân Paris giàu cảm xúc, 2 vị khách đã bị đuổi xuống xe chỉ vì đùa quá lố, anh lái taxi mất tiền vì dễ nóng giận.
Còn cô gái mù thì sao? Việc đầu tiên mà cô ấy làm là chỉ đường cho người lái taxi … bởi vì phía sau chiếc ghế có tấm bảng chữ nổi dành cho người mù và nó bảo là nên làm thế (haha). Và nếu bạn xem đến cuối phần này thì cái tấm bảng đó có vẻ cũng hợp lý đấy chớ, vì sau khi cô gái vừa bước xuống xe thì người lái taxi đâm ngay vào một chiếc xe khác, lái taxi kiểu gì mà toàn dùng mắt để ngắm gái. Phải nói rằng sự tương phản trong phần này rất đặc sắc, người lái xe hỏi “người mù có thường đeo kính đen không?”, cô gái mù trả lời “có không nhỉ? Tôi chưa từng thấy người mù bao giờ”.
Điều mà người mù không có được thì chúng ta có thể hình dung, nhưng những điều họ có được cũng không ít, ví như họ không bị những thứ bên ngoài che lắp, các giác quan khác trở nên nhạy cảm hơn, sự cảm thụ trọn vẹn hơn; và trên hết là họ nhìn con người không phải ở bộ quần áo hoặc màu da, mà ở cách con người đối xữ với nhau. Biểu tượng của thành phố này chính là đôi mắt – cửa sổ của tâm hồn.
Chí Blog có kịch bản phim điện ảnh, ai mua không?
Rome – kinh đô nghệ thuật và tôn giáo, sau khi xem hết phần này thì bạn sẽ hiểu rằng đây là thành phố nguy hiểm bậc nhất thế giới khi đi dạo vào ban đêm. Để chọn biểu tượng cho thành phố này thì tương đối khó khăn, vì có đến 3 sự chọn lựa, thứ nhất là con đường một chiều, nó có thể đưa bạn đến thiên đàng hoặc rơi thẳng vào địa ngục; thứ 2 là chiếc kính mát, giúp đôi mắt dễ chịu vào ban ngày, nhưng nếu ban đêm mà quên tháo ra thì nó có thể khiến chúng ta tối tăm hơn; thứ 3 là viên thuốc trợ tim, giúp tim trở nên ổn định hơn khi phải chứng kiến những điều khiến nó bất ổn.
Khác với những phần trước, sự tương phản trong phần này được khắc họa vô cùng rõ nét vì Roma gắn liền với rất nhiều thứ nền tảng mang tính lịch sử và văn minh nhân loại, bây giờ thì Roma trở nên quá già nua như vị linh mục bị bệnh tim, thứ giúp ông ấy duy trì sự sống là những viên thuốc chứ không phải đức tin, hoặc ông ấy mặc áo linh mục nhưng cứ bảo rằng không phải linh mục. Sự im lặng của vị linh mục và sự thú tội của của người lái taxi thể hiện những gì đang diễn ra trong hiện thực về sự tha hóa, và màn độc thoại đó rất nghệ thuật, nó giống như một trò đùa – hàm ý rằng sự ăn năn chỉ còn là hình thức. Sau vụ tai nạn, người lái taxi sợ pháp luật trừng phạt chứ không sợ Thiên Chúa.
Bạn nhớ cảnh vị linh mục và chiếc taxi cứ vòng qua vòng lại quanh tượng đài? Tác dụng của tôn giáo ngày nay với con người cũng giống vậy, tôn giáo vẫn còn “đi bộ” còn con người thì đang ngồi trên “chiếc xe”, cho nên khó lòng mà theo kịp nếu không chịu thay đổi tư duy. Đây là phần hài hước nhất nhưng cũng bế tắt nhất trong chuỗi các câu chuyện; tuy vậy, vẫn có một chút ánh sáng, ít ra thì vị linh mục chỉ cho người lái taxi tháo cái kính đen xuống để thấy được ánh sáng, nhờ vậy mà dẫn đến việc xưng tội, nhưng bất hạnh ở chỗ sau khi nghe được sự thật thì vị linh mục quá bức xúc nên đã về trời luôn. Trọng tâm của lời thú tội đó chính là chỉ ra con người đang bị “vật chất hóa” cực kỳ nghiêm trọng, bạn cứ nghe cách anh ta diễn tả thì sẽ hiểu, ngoài ra có thể xem những gì được nói ra theo ý trừu tượng, ví như quả bí ngô, đó có thể là quả bí ngô (haha), nhưng đó cũng có thể là sự ám chỉ khi thiếu vắng cảm xúc và tâm hồn thì con người không khác chi quả bí ngô.
Helsinki – kinh đô đáng sống nhất, điều đầu tiên chúng ta thấy được là người lái taxi rất có trách nhiệm, dù mệt mỏi nhưng vẫn đến đón khách, kế đến là cảnh 3 người say đang đứng dựa vào nhau cho khỏi ngã – có hơi hướm châm biếm cánh tả. Có thể nói rằng những con người trong thành phố này đã thể hiện tình người rất ấm áp, sự ấm áp đó giống như giữa mùa tuyết rơi mà có được một chai rượu mạnh để sưởi ấm, và vì thành phố này mùa nào cũng lạnh nên việc uống rượu thường xuyên và say thường xuyên là không thể tránh được.
Điều này giống với bản chất của thành phố Los Angeles nhưng theo hướng ngược lại, nếu Los Angeles như điếu thuốc đang cháy vội thì Helsinki như chai rượu cứ vơi từ từ, thời gian như bị kéo dãn ra và trôi qua một cách chậm chạp; nếu Los Angeles cho ta cảm thấy sự thiếu kết nối người với người, suy nghĩ đơn giản nhưng cách họ đối xữ với nhau khá rộng rãi về phương diện vật chất – sự ấm áp của vùng nhiệt đới, thì Helsinki giàu sự kết nối nhưng đời sống thực tế lại tương đối khắc nghiệt – cái lạnh vùng cực bắc, nó thể hiện qua câu chuyện mất việc và câu nói “không có gì miễn phí cả” của vị khách rời xe cuối cùng. Tuy nhiên, điều gì mới thật sự là quan trọng? Đó là nhận ra bản chất cuộc sống như câu chuyện mà người lái taxi đã kể, đừng để sau khi đánh mất món quà của cuộc sống thì mới nhận ra và hối tiếc.
Tổng kết: Đầu phim, bước vào đêm, người lái taxi là cô gái trẻ sống theo cảm tính, tiếp theo là một nghệ sĩ vì hoàn cảnh mà phải học lái taxi, tiếp nữa là một thanh niên tốt bụng nhưng bắt đầu thể hiện sự nóng giận với công việc, tiếp nữa là người đàn ông sa ngã, cuối cùng là người đàn ông đã rút ra được bài học của cuộc sống, và trời sáng; đó là quá trình biến đổi của đời người, đi từ cảm xúc đến lý trí, từ nóng sang lạnh. Vậy điều gì tốt hơn? Rất khó để có thể đưa ra một nhật xét thật sự công bằng, vì mỗi thời điểm đều có giá trị của riêng nó, có lẽ tốt nhất là ta cứ trải nghiệm mọi cung bậc của cuộc sống đã dành cho ta, như ý nghĩa trong câu chuyện của người lái taxi cuối cùng.
Cảm ơn các bạn đã đọc bài, nhớ chia sẽ bài viết và giới thiệu Chí Blog đến mọi người, và tích cực “cứu tế” để mình có thêm động lực viết bài nghen.
OCB – ngân hàng phương đông, tk: 0003100008898001, NGUYỄN MINH CHÍ, chi nhánh Thủ Đức. Hoặc: Nguyễn Minh Chí, NH TMCP SAI GON THUONG TIN CN TIEN GIANG, Số TK: 0601 4671 8526
…………………….
Nhớ Share bài viết, Like Chí Blog (Facebook) để dễ dàng theo dõi những bài viết mới.
Top 120 Best review phim ý nghĩa trên Chí Blog
Top 50 bài review sách văn học kinh điển của Chí Blog
Những phim cùng chủ đề:
Lồng Chim – Bird Box (2018): con người thua cả chim
Gã Thợ Máy – The Machinist (2004): cuối con đường hầm
Chiếm Hữu – Possession (1981): cơn vật vã của sự tách biệt – Nghệ Thuật 1k
Nửa Đêm Ở Paris – Midnight In Paris (2011): cảm xúc thật vs vẻ bề ngoài
Tia Nắng Vĩnh Cửu Của Tâm Hồn Tinh Khiết (2004): đồng nghĩa – khác ý 1K
Con Đường Ảo Mộng – Mulholland Dr (2001): giải mã lại tiếng vọng một linh hồn – Nghệ Thuật 1k
Đời Sống Thượng Lưu – La grande bellezza (2013): ta thấy gì khi cúc áo cô gái mở ra? – Nghệ Thuật
Đứa Con Của Thời Tiết – Weathering With You (2019): kệ con.. khỉ nó thời tiết 1K
Hương Vị Của Trà – The Taste of Tea: vẻ đẹp của văn hóa Nhật – Nghệ Thuật 1K