100 vấn đề cơ bản – bài 2: đặt lại nền móng

Bài trước tôi chỉ ra chuyện chúng ta chỉ là đất sét – là sản phẩm từ một cái khuôn nào đó, và từ đó ý thức được rằng tự chúng ta nên trở thành người thợ đúc lại chính mình, thì bài này sẽ chỉ ra cách đúc lại bản thân sao cho cái “sản phẩm” chúng ta trở nên cao cấp hơn. Sẽ thật tệ nếu biết rằng bản thân đang bị trói buộc bởi thứ xiềng xích nào đó, hoặc sinh ra từ một cái khuôn mà không tìm cách “vá lỗi” cho chính mình. Vấn đề đặt ra là: chúng ta dùng thứ gì hoặc chiếc chìa khóa nào, hoặc khung sườn nào để tái cấu trúc nhận thức của chính chúng ta? Không thể đập vỡ cái cũ rồi xây lên một thứ còn tệ hại hơn, mà tư tưởng hoặc nhận thức thì không thể đập vỡ như đập vỡ một căn nhà.

Bài trước tôi đưa bạn đọc thoát khỏi góc nhìn của cá nhân – quốc gia – dân tộc, đến với góc nhìn mang tính nhân loại thì chúng ta cứ theo hướng đó mà đi. Thế giới ngày nay rất rộng lớn, đa chiều, tồn tại vô số mâu thuẫn về tư tưởng trong văn hóa – tôn giáo – chính trị; mâu thuẫn trong cái bề nổi mà phần đông thấy được, trong cái phần chìm mà ít người nhận ra. Không những thế, chúng ta đang sống ở thế kỷ 21 sau Công Nguyên, chúng ta không thể bước đi trong tư thế như khi nhân loại vừa mới bắt đầu. Do đó việc đầu tiên cần làm là xác định nhân loại đang đứng ở vị trí nào, đã đi được đến đâu trong sự tiến bộ về nhận thức – điều này sẽ liên quan đến 2 từ “lịch sử”, lịch sử của cái gì? Lịch sử của nhận thức – lịch sử triết học.

Nên nhớ rằng chúng ta đang sống trong một thế giới đa phương về ý thức hệ – sự khác biệt về tư tưởng, cho nên nếu không cẩn thận khi chọn lựa sách thì chúng ta rất dễ sa vào một hệ tư tưởng nào đó – thứ mà chúng ta muốn thoát trở ra. Vì vậy cuốn sách Lịch Sử Triết Học đó phải được viết bởi một tác giả có tư tưởng khách quan – công tâm – trong sáng. Trong những cuốn sách mà tôi từng tiếp xúc thì Thế Giới Của Sophie của Jostein Gaarder là một tác giả người Na Uy là đạt được những đòi hỏi mà tôi vừa nêu. Quyển sách này trở thành “gối đầu giường” ở nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới (kể cả ở Đức – trung tâm triết học), ưu điểm lớn nhất của nó là triết học được trình bày theo lối dễ dàng tiếp cận đối với trẻ nhỏ lẫn người lớn trong tư thế mới tiếp xúc với triết học.

Khi nói về Triết Học thì chúng ta nghĩ rằng nó là thứ vô cùng phức tạp và khó hiểu, thật ra thì nó đơn giản chỉ là những suy tư về cuộc sống, những suy nghĩ mang tính logic. Nền văn minh của chúng ta có thể dùng khoản thời gian là 3000 năm để hình dung, trong khi tuổi thọ con người chỉ giới hạn tầm 60 năm, muốn thấu triệt những khám phá về tư tưởng của biết bao thế hệ trong 3000 năm thì chỉ là ảo tưởng, nhưng để có một cái nhìn tổng quát và sơ bộ để tiếp bước là vô cùng quan trọng và cần thiết. Vật liệu đầu tiên là Lịch Sử Triết Học, còn sau đó muốn nghiên cứu sâu hơn về triết học thì tùy vào tinh lực của mỗi người chúng ta.

Tuy nhiên cần nhớ rõ điều này, chúng ta nghiêng cứu lịch sử triết học hoặc triết học để làm chi? Để hiểu rõ bản chất cuộc sống, để sau khi hiểu rõ thì nó giúp ta có được một cuộc đời ý nghĩa và hạnh phúc – đây mới là mục đích tối thượng nhất mà kiến thức mang lại; nói đơn giản thì học để sống chứ không phải sống để học, ăn để sống chứ không phải sống để ăn, lao động để sống chứ không phải sống để lao động, kiếm tiền để sống chứ không phải sống để kiếm tiền. Tôi lặp lại điều đó 4 lần để chúng ta nhớ rõ cái gì mới thật sự quan trọng, vì cả thế giới này phần lớn đều lộn đầu với đuôi.

Nếu chỉ nói về triết học thì vẫn còn thiếu, vì nó chỉ thể hiện phần lý trí thuần túy của con người; cuộc sống của chúng ta còn bị chi phối bởi những thứ khác, ví như cảm xúc, vấn đề đạo đức và tôn giáo. Cái nền móng mà tôi nói có thể dùng 2 từ “trí tuệ” để hình dung, mà lý tính chỉ là một phần của trí tuệ. Nhận thức của con người phụ thuộc vào sự nhận biết về thế giới khách quan – thế giới vật chất, vậy nếu vượt qua khỏi giới hạn đó thì chúng ta có gì? Khi đó chúng ta chạm vào một lĩnh vực khác gọi là thần học trong tôn giáo, mà theo triết học sẽ được gọi là siêu hình – nghĩa là những suy tưởng vượt qua cái “hình” mà chúng ta có thể thấy được.

Chí Blog có kịch bản phim điện ảnh, ai mua không?

Nói đến thần học hoặc siêu hình thì hơi quá tầm đối với chúng ta, đơn giản hơn, đó là chúng ta nên tiếp xúc với tôn giáo ở phiên bản “gốc”. Với độc thần giáo, chúng ta nên lượt qua những câu chuyện trong kinh thánh của người Do Thái – nó giống như một dạng biên niên sử, hoặc được Kito giáo gọi là phần cựu ước – phần này là bản thiếu trong bộ kinh thánh của người Do Thái, tức Kito giáo chỉ lọc ra những phần phù hợp với tư tưởng trong kinh tân ước; với Kito giáo thì các bạn chỉ cần tìm hiểu về những lời của Đức Jesus, tạm thời bỏ qua sự diễn giải khác biệt của Công Giáo, Chính Thống, hoặc Tin Lành, đó cũng là lý do tôi thêm vào chữ “gốc”; với các tôn giáo khác như Phật giáo hoặc Hồi giáo hoặc Bà La Môn hoặc Đạo giáo cũng vậy.

Còn Khổng giáo thì cá nhân tôi khuyên là bỏ đi nhé, tin lời tôi hay không là tùy bạn. Cũng vì sự diễn giải khác nhau (ý thức hệ) nên các tôn giáo mới bị phân nhánh. Về mặt cá nhân, tôi lấy những lời của Đức Jesus làm nền móng cho mình, vì nền tảng trong lời của Ngài là tình yêu thương, sách thì tôi giới thiệu bạn cuốn Quo Vadis của Henryk Sienkiewicz – thể hiện tốt nhất nền tảng Kito giáo (không giáo điều). Còn tư tưởng Phật giáo thì có thể tham khảo cuốn Siddhartha của Hermann Hesse.

Khi nhắc đến tôn giáo thì có một luật luôn được công nhận, đó là luật nhân quả, không nên cho rằng luật này xuất phát từ Phật giáo; luật nhân quả được công nhận trong mọi tôn giáo, Phật giáo cũng chỉ là một phần hoặc một nhánh được kế thừa từ Bà La Môn, giống như Kito giáo và Hồi giáo được kế thừa từ Do Thái giáo. Đạo giáo hay triết học, kể cả khoa học cũng được xây dựng dựa trên luật nhân quả. À, cũng không nên bỏ qua những câu chuyện ngụ ngôn của các thiền sư, đó cũng là trí tuệ.

Vật liệu tiếp theo là những câu chuyện thần thoại và cổ tích của các dân tộc trên thế giới, đó cũng là trí tuệ được đúc kết qua năm tháng, một dạng thuộc loại chuyện ngụ ngôn. Vậy ngụ ngôn là gì? Là ngụ ý ẩn trong ngôn từ, trọng tâm là ý chứ không phải từ, cho nên các tôn sư thường dùng ngụ ngôn thay cho lời giải thích về trí tuệ mà các Ngài có được, vì nếu giải thích cặn kẽ cho con người thì họ cũng chẳng hiểu; giống như đến hiện tại mà tôi còn chẳng hiểu “tích phân” trong toán học nghĩa là gì, dù rằng công thức có thể học thuộc lòng, họa chăng thì các giáo sư toán học mới hiểu chính xác.

Vật liệu tiếp theo là lịch sử nhân loại, cẩn thận với môn này hen, vì nó thường được “bên thắng cuộc” viết, nó dễ trở thành công cụ phục vụ ý thức hệ, mọi quốc gia, mọi thể chế chính trị đều như thế. Lịch sử chỉ có giá trị khi nó nói lên sự thật, khi đó nó giúp chúng ta không rơi vào cái hố cũ. Nhân loại cứ rơi vào việc “lịch sử” lặp lại chỉ vì họ chẳng rút ra được bài học gì từ lịch sử.

Nếu bạn chỉ đọc những gì tôi vừa nêu theo cách thuần túy, bạn chỉ biết thôi chứ bạn chưa thật sự hiểu đâu, trừ thể loại ngụ ngôn hoặc thần thoại. Do đó để thấu hiểu thì bạn cần sự góp sức của văn học (tiểu thuyết) hoặc điện ảnh, nó là sự mô tả kinh nghiệm sống. Ví như bạn bảo một đứa trẻ phải cẩn thận khi chạy kẻo vấp té, nó sẽ gật đầu nhưng nó sẽ quên ngay và vẫn chạy, chỉ sau khi bị vấp té u đầu chảy máu thì nó mới biết đau và cẩn thận lúc chạy. Đọc sách và xem phim sẽ mô tả những kinh nghiệm đó theo cách gián tiếp, chúng ta trở thành người xem, nhưng cũng bởi vì thế, chúng ta không thật sự cảm nhận được cái kinh nghiệm đó một cách trọn vẹn, vì chúng ta đâu có bị đau khi xem phim. Cho nên học cách cảm nhận phim là vô cùng quan trọng, nếu xem phim mà bạn đánh mất cảm xúc thì coi như bạn “xong phim” rồi đấy.

Việc đọc sách hay xem phim cũng nên chọn lọc, vì đó là “thức ăn” cho tư tưởng, ăn bậy sẽ “chết người” đấy. Đối với điện ảnh, hãy đọc và nghiêng cứu kỹ các bài viết của tôi, vì các bài viết đó giúp hiểu được cái “ý” tồn tại bên trong cái “hình”, là hiểu ý nghĩa – điều đó mới thật sự quan trọng, khi bạn thật sự hiểu ý nghĩa, bạn có thể sáng tạo ra muôn vàn cái “hình”, nhưng nó chỉ là tham khảo thôi nhé. Con người ngày nay lộn đầu và đuôi ở chỗ họ thích chạy theo “hình” hơn là “ý”, giống như chuyện muốn thành công nên đọc toàn mấy thể loại Self Help, trong khi những người thành công thì họ đọc gì? Họ đọc về triết học, xã hội học, văn học kinh điển, chả có người nào đọc mấy thứ rác rưởi như Self Help cả.

Nói thật, chỉ cần bạn dành 1-2 năm đặt lại nền móng như trong bài này thì nhận thức sẽ nhảy lên một cấp độ khác, khi đối diện với sự rối loạn của thế giới hiện tại thì không dễ bị dắt mũi như phần đông con người. Nhưng nhớ là đi từng bước một và cẩn trọng, đừng học theo dạng “chuyên gia” hoặc “học thuật”, học để hiểu chứ không phải để biết, không phải là để thống kê rằng “tôi từng đọc qua vài ngàn quyển sách và xem qua vài ngàn bộ phim có giá trị”, thế giới này lắm “chuyên gia”, trong khi triết gia, tư tưởng gia, và nghệ thuật gia lại quá ít. À! Nhớ bảo vệ thật tốt “trái tim” – cảm xúc, nó là chiếc chìa khóa quan trọng nhất giúp chúng ta hiểu bản chất cuộc sống.

Về quá trình phát triển của nhân loại, tôi có thể lượt sơ qua, ban đầu con người quan sát thế giới và tìm hiểu về nó, sau đó con người trở lại với với bản thân, vì mục đích cuối cùng vẫn là làm sao để sống hạnh phúc trong thực tại – chủ nghĩa hiện sinh, nhưng hiện sinh cũng có nhiều kiểu, nên cần cẩn thận khi chọn đi theo đường nào, và nhớ là hạn chế nhảy cóc, không bắt đầu từ cái ban đầu thì cũng chả hiểu hiện sinh là gì đâu, dù ta cứ tưởng là ta hiểu. Tôi bắt gặp rất nhiều người nói về hiện sinh nhưng toàn là dạng “học thuật”, toàn là lý luận.

Nói vậy chứ tôi cũng chẳng hiểu hiện sinh là gì, vì một người thật sự hiểu thì nó phải thể hiện qua một đời sống hiện sinh chân thực trong đời thực, mà cuộc sống của tôi hiện tại chưa thể hiện điều đó, nó chỉ thật sự là hiện sinh khi có thể sống như cách mà Krishnamurti đã sống, bạn có thể đọc vài bài của ông ấy viết vào quảng cuối đời sẽ hiểu ý tôi. Tuy nhiên cũng không cần phải giống hoàn toàn, có gia đình hạnh phúc, có tình yêu, làm việc, vui chơi, du lịch, cảm nhận được vẻ đẹp cuộc sống – đó chính là hiện sinh.

Để tránh việc các bạn hỏi tôi về kiến thức này hay kia, hoặc bắt lỗi về từ ngữ, tôi cũng xin thú thật là tôi chỉ ở dạng “cưỡi ngựa xem hoa” thôi, tôi không muốn bạn hiều nhầm về điểm này. Còn việc bạn đánh giá bài này giá trị đến đâu thì phụ thuộc ở nhận thức của chính bạn.

Để xã hội tốt đẹp hơn – Hãy ủng hộ tài chính Chí Blog:

OCB – ngân hàng phương đông, tk: 0003100008898001, NGUYỄN MINH CHÍ, chi nhánh Thủ Đức. Hoặc: Nguyễn Minh Chí, NH TMCP SAI GON THUONG TIN CN TIEN GIANG, Số TK: 0601 4671 8526

…………………….

Nhớ Share bài viết, Like Chí Blog (Facebook) để dễ dàng theo dõi những bài viết mới.

Top 120 Best review phim ý nghĩa trên Chí Blog

Top 50 bài review sách văn học kinh điển của Chí Blog

Những bài cùng chủ đề:

100 vấn đề cơ bản – bài 1: con người là đất sét

Siddhartha – Hermann Hesse: con đường giác ngộ

Thế Giới Của Sophie – Jostein Gaarder: bạn có đang sống lần hồi qua ngày?

Facebook Comments

About Author

Minh Chí

Bạn tôi góp ý là: nhiều người ở VN thích làm màu, nên tôi cần làm màu hơn thế. Cho nên các bạn cứ nghĩ tôi rất "đỉnh" là được!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Next Post

Review giải thích phim The Red Turtle: bí mật của sự sống

T7 Th10 10 , 2020
The Red Turtle (Lạc Bước Đảo Hoang – 2016) là phim hoạt hình nghệ thuật đạt được nhiều đề cử cũng như giải thưởng ở các LHP quốc tế, phim đơn giản nhưng đầy những hình ảnh mang tính trừu tượng, chúng có ý nghĩa gì? Có lẽ điều này […]

You May Like

Translate» English - Vietnamese