Khi bắt đầu viết loạt bài này, tôi không có tham vọng nói về điều gì đó quá cao xa, nhưng tôi nghĩ ít ra thì nó sẽ có ích lợi dù là nhỏ mọn đối với người đọc, nó sẽ giải phóng tư duy và giúp người đọc đạt được tự do trong suy nghĩ, sắp xếp lại mọi thứ cho rõ ràng hơn, để hiểu được bài này thì không khó, chỉ cần một ít trí tưởng tượng là được.
Trong hiện tại, đối với bản thân mỗi chúng ta, khi đọc hoặc nghe về điều gì đó, chúng ta sẽ đưa ra một nhận định đúng – sai, nhưng liệu nhận định đó của chúng ta có phải thật sự là đúng hay không? Tất nhiên, nhận định của chúng ta sẽ luôn đúng trong cách nhìn nhận của bản thân, tuy nhiên, nhận định đó vẫn có thể là sai lầm khi nó vượt thoát khỏi hiểu biết và kinh nghiệm của bản thân. Chính vì vậy nhận ra giới hạn của chính mình là điều quan trọng nhất đối với mỗi con người.
Tri thức chúng ta đang sở hữu không phải tự nhiên mà có, nó được tiếp thu từ nhiều nguồn khác nhau trong môi trường đã sinh ra chúng ta. Vậy câu hỏi đặt ra là: phải chăng nguồn tri thức đó luôn đúng và đầy đủ? Không thể nào có chuyện đó, đặt biệt là khi nguồn tri thức của nhân loại thì vô cùng rộng lớn, chẳng ai có thể tự nhận là biết hết được mọi lẽ, nhưng sẽ tốt hơn nếu có một cái nhìn bao quát để biết được vị trí mà chúng ta đang đứng.
Ví dụ như tôi sinh ra ở một tỉnh của Việt Nam, cha mẹ tôi bình thường như bao người khác, khi lớn lên tôi đến Sài Gòn học một trường bình thường nào đó, tôi đọc qua một số quyển sách có giá trị, tiếp thu những nguồn thông tin phổ biến trong thực tế và trên mạng, gặp gỡ và quen biết những người bình thường và vài người đặt biệt. Tóm lại thì sự hiểu biết mà tôi có sẽ thế nào nếu so với một người được sinh ra ở Luân Đôn của nước Anh, có cha mẹ là giáo sư hoặc tiến sĩ đang giảng dạy ở trường đại học danh tiếng, và từ nhỏ cho đến lớn thì người đó được đọc hàng ngàn quyển sách hay, tiếp xúc hàng ngàn người cùng hoàn cảnh, rồi người đó học ở trường đại học danh tiếng thế giới. Cách biệt sẽ lớn thế nào khi so sánh? Làm sao có thể đếm cho xuể những điều mà tôi không biết?
Điều đáng nói ở đây chính là, chúng ta chỉ biết được những điều mà chúng ta đã biết và không biết về những điều chúng ta chưa biết. Tư tưởng của chúng ta giống như một mảnh đất sét, hình hài của nó được nhào nặn từ cha mẹ, từ nền giáo dục, từ nguồn tri thức đang trôi nổi trong xã hội chúng ta đang sống, từ đó nó định hình lên những quan điểm đúng sai trong chúng ta, nó tạo ra những định kiến về cách mà chúng ta nhìn mọi mặt trong đời sống, nếu cái khuôn đúc ra chúng ta bị lỗi, nhận định của chúng ta cũng sẽ bị lỗi. Nên hiểu là tôi không ám chỉ đối với Việt Nam, vì bất cứ cái khuôn nào cũng có giới hạn và ẩn chứa lỗi của nó. Nhưng khi chúng ta nhận ra được bản thân chỉ là sản phẩm của một khuôn đúc nào đó, chúng ta có thể bước ra ngoài nhìn lại những cái khuôn và tìm ra giới hạn cùng lỗi của chúng, thì đó cũng là lúc chúng ta tự trở thành một người thợ nắm đất sét, và nắm lại chính chúng ta cho được hoàn hảo hơn.
Điều đó giống như thuở ban đầu khi nhìn vào nước Nhật, chúng ta ngưỡng mộ sự phát triển của họ, nhưng khi tìm hiểu sâu hơn một chút, chúng ta thấy đất nước này đang biến dân chúng thành những robot làm việc không ngừng nghỉ, cảm xúc con người bị đè nén, nhìn sâu hơn chút nữa, chúng ta lại thấy trong nền văn hóa của họ có những vẻ đẹp cao quý đang bị vùi lấp. Hoặc nước Đức là trung tâm nền triết học thế giới, nhưng lại ẩn chứa luồng tư tưởng về giống nòi – dân tộc thuộc loại cực đoan nhất, và kể cả những con người có học vị hoặc học hàm như tiến sĩ hay giáo sư cũng không thoát khỏi sự tác động của nó lên tư tưởng của họ. Những điều này chỉ có thể thấy được khi đứng bên ngoài để quan sát, khi chúng ta không bị bất cứ cái khuôn nào chi phối lên tư tưởng của chúng ta.
Sau khi thấu hiểu những điều này, chúng ta sẽ tự hỏi, liệu giá trị của bản thân chúng ta có phải phụ thuộc vào chuyện chúng ta được sinh ra ở đâu, giới tính là gì, màu da thế nào? Hay giá trị đó phụ thuộc vào việc chúng ta hiểu bản chất của con người, của xã hội, của đời sống … nhiều bao nhiêu? Nếu con người chọn lựa điều đầu tiên, thì dù họ có địa vị lớn lao thế nào, họ vẫn chỉ là một bộ phận nhỏ bé của cái tổng thể; còn khi chọn lựa điều thứ 2, con người đang hòa vào cái tổng thể, không còn phụ thuộc vào dân tộc tính, mà đang tìm hiểu trong cấp độ nhân loại tính.
Điều tôi đang nói sẽ đúng trên mọi phương diện, văn hóa, giáo dục, nghệ thuật, tôn giáo, chính trị. Tuy nhiên, hãy cẩn trọng, vì không phải chúng ta nói rằng “tôi đã thoát khỏi cái khuôn đúc nên tôi, thoát khỏi xiềng xích đang trói buộc tôi” là có thể thoát được, điều mà chúng ta “cho mình là” thì phải tương ứng với cấp độ hiểu biết và nhận thức, nghĩa là nó đòi hỏi về nỗ lực học hỏi rất lớn, vì tri thức ở cấp độ mà chúng ta “cho mình là” lại rất bao la bát ngát.
Chí Blog có kịch bản phim điện ảnh, ai mua không?
Thoát khỏi xiềng xích hoặc ràng buộc cũng không có nghĩa là phủ định nó, mà là hiểu được bản chất của nó. Ví như tôi là một người có tôn giáo là Kito giáo hoặc Phật giáo, việc tôi thoát ra khỏi sự trói buộc thể hiện ở sự nhận định của tôi về tôn giáo mà tôi đang theo, với nhận thức đạt được, tôi có thể chọn lựa sống như một người vô thần, hoặc chọn lựa tin vào nền tảng cốt lõi của tôn giáo đó và rũ bỏ những điều tôi cho là không đúng, hoặc niềm tin đó là sự tổng hợp từ nhiều tôn giáo khác nhau; sự chọn lựa trong từng thời điểm sẽ khác biệt nhau, nó tương ứng với việc nhận thức của cá nhân đang ở cấp độ nào, đúng hướng hay lạc hướng.
Tuy nhiên có một điều cần cảnh báo trước, khi bạn thật sự thoát khỏi cái khuôn đúc nên bạn, bạn sẽ phải chấp nhận sự cô độc, vì con đường mà bạn đang đi thì có rất ít người từng đi qua, nếu có thì chỉ là vài vị tôn sư từng hiện diện trong quá khứ; bạn sẽ dễ dàng hiểu người khác hoặc đám đông, nhưng rất ít người thật sự hiểu bạn để chia sẻ cùng bạn; và tôi cũng có một góp ý nho nhỏ, nếu chọn lựa con đường này thì nên chọn con đường nào có nhiều ánh sáng hy vọng và sự tin tưởng vào những điều tốt đẹp, nếu không thì kết cục rất dễ đi đến hành vi tự sát (cười), vì lịch sử cho chúng ta thấy có không ít các nghệ sĩ, nhà tư tưởng, nhà văn, triết gia … đã tự sát vì đường mà họ chọn là đi vào sự bế tắt và tuyệt vọng.
Nếu các bạn thấy bài viết hay thì nhớ chia sẻ bài viết và giới thiệu Chí Blog cho nhiều người, và nhớ “cứu tế” nhé, đừng chỉ đọc xong rồi thôi, như vậy rất dễ làm nản lòng chiến sĩ.
OCB – ngân hàng phương đông, tk: 0003100008898001, NGUYỄN MINH CHÍ, chi nhánh Thủ Đức. Hoặc: Nguyễn Minh Chí, NH TMCP SAI GON THUONG TIN CN TIEN GIANG, Số TK: 0601 4671 8526
…………………….
Nhớ Share bài viết, Like Chí Blog (Facebook) để dễ dàng theo dõi những bài viết mới.
Top 120 Best review phim ý nghĩa trên Chí Blog
Top 50 bài review sách văn học kinh điển của Chí Blog