Làm cách nào để đến được thiên đường? Dù đó là thiên đường ở trần gian hay sau khi chết thì chúng ta đều hiểu rằng, để có được nó thì con người cần phải tìm kiếm và đánh đổi. Bài này tôi chỉ nói về thiên đường của trần gian, vì thiên đường sau khi chết thì quá trừu tượng, mỗi tôn giáo đều có một hình ảnh riêng về nó. Vì thiên đường mà chúng ta hướng đến và xây dựng trong tương lai được khái quát bằng những hiểu biết của hiện tại, nên việc cần làm trước tiên chính là cố gắng hình dung tâm thái và nhu cầu của ta sẽ có trong tương lai. Việc này tương đối khó khăn nhưng có thể đạt được, thế giới mà chúng ta đang sống đã truyền lại không ít tri thức về vấn đề này, những điều thành công cũng như thất bại được ghi chép lại trong sử – sách.
Hình ảnh thiên đường phụ thuộc vào nhận thức, vậy nhận thức của chúng ta phụ thuộc vào cái gì? Trước tiên là nhu cầu của thân xác, một đứa trẻ mới sinh ra chỉ sống theo bản năng sinh tồn của nó, đói thì nó ăn, mệt thì nó ngủ, đau thì nó khóc; ở giai đoạn này nó chưa cảm nhận được sự tách biệt giữa nó và thế giới xung quanh, nó cảm thấy nó là trung tâm của vũ trụ, mọi thứ đều là của nó. Đến giai đoạn thiếu niên, nó hiểu rằng bản thân và thế giới là có sự tách biệt, nhu cầu của nó phụ thuộc vào nhiều người xung quanh. Đến giai đoạn trưởng thành, nó hiểu rằng để đạt được điều nó muốn thì nó phải tự tìm kiếm và làm ra, nó học được nhiều bài học về sự tranh đấu trong sinh tồn. Đến giai đoạn trung niên, có một sự chuyển hóa rất đặt biệt, đó là có sự tách rời giữa tinh thần và thể xác. Đến khi già nua thì cuộc sống gần như chỉ chú trọng những hoạt động của tinh thần. Vậy từ khi sinh ra cho đến khi già nua, chúng ta thấy sự đối lập giữa thể xác và tinh thần; ban đầu thể xác mang tính chủ đạo với những nhu cầu của nó, theo thời gian, những nhu cầu của nó lụi tàn; ngược lại, ban đầu tinh thần (tri thức, trí tuệ) thì nhỏ nhoi, nhưng càng về sau, thông qua học hỏi cũng như kinh nghiệm sống thì tinh thần càng trở nên phát triển hơn. Vậy theo thời gian, nhu cầu của thân xác giảm xuống và nhu cầu của tinh thần tăng lên.
Tất nhiên không phải ai cũng đi theo quá trình đó, thân xác ngày càng già nua và thoái hóa thì chắc chắn, nhưng tinh thần ngày càng phát triển hơn thì không hẳn. Nếu không chịu học hỏi, tiếp thu kinh nghiệm sống thì tinh thần (tâm trí) của một số người sẽ bị đóng khung và dừng lại.
Thiên đường là nơi giúp ta sống hạnh phúc, hạnh phúc có được khi nhu cầu được thỏa mãn. Bởi quá trình sống trên thế gian này luôn gắn liền với thân xác trong thế giới vật chất, nên để các nhu cầu (vật chất và tinh thần) được đáp ứng thì không thể thiếu được một thứ rất quan trọng, đó là tiền, đây là một thực tế không thể chối cãi. Nhưng vấn đề quan trọng ở đây là có rất nhiều người vì kiếm tiền mà bất chấp tất cả, kể cả sự hủy hoại tinh thần của chính họ. Họ không hiểu rằng, khi tinh thần phát triển hơn, nói cách khác thì khi nhận thức được nâng lên, họ sẽ có nhiều hiểu biết hơn về những chân lý của đời sống, đó có thể là sự công bình, tình yêu thương…, vì vậy nếu phương thức kiếm tiền ấy đi ngược lại với những điều đó thì cái mà họ đạt được chỉ là sự đau khổ, và sự bất an trong trong tâm hồn. Hoặc đôi khi, vì kiếm được nhiều tiền hơn, họ không còn thời gian để sống, tiền vốn là phương tiện thì nay đã trở thành mục đích sống, mà lẽ ra việc tạo ra một môi trường sống hạnh phúc (thiên đường) mới chính là mục đích tối thượng.
Ta có thể lấy vài ưu điểm trong mô hình giáo dục – xã hội ở các nước phát triển để làm ví dụ về cách đạt được thiên đường, đó là họ khuyến khích mỗi người nên lựa chọn theo đuổi nghề nghiệp mà mình thích, mục đích giáo dục là giúp con người hiểu về đời sống và trang bị đầy đủ tri thức cho công việc, xã hội thì tôn trọng sự thật, công bằng, tự do, dân chủ; và trên hết, sự phát triển của các quốc gia ấy đều đặt giáo dục về tri thức lên hàng đầu. Tri thức là nguồn dinh dưỡng của tinh thần, là con mắt của trí tuệ, là ánh sáng dẫn đến sự thành công và tránh sự thất bại. Không lạ khi dân các quốc gia đó có tỉ lệ đọc sách cao hơn các quốc gia kém phát triển khác.
Ngoài ra, còn có một yếu tố rất quan trọng giúp con người đạt được thiên đường, đó là ý thức trách nhiệm từ những người có tầm nhận thức cao đối với những người có tầm nhận thức thấp. Làm cha mẹ phải có trách nhiệm tạo ra thiên đường cho con cái, giới trí thức phải có trách nhiệm với giới bình dân, giáo viên phải có trách nhiệm với học sinh, chính phủ phải có trách nhiệm với dân chúng. Như tôi đã nói, thiên đường chỉ là thiên đường thật sự khi nó phù hợp với nhu cầu và nhận thức lúc chúng ta đạt tới, vậy điều này sẽ có được nếu những người có tầm nhận thức cao có trách nhiệm và sự dẫn dắt với những người có tầm nhận thức thấp. Khi ấy xã hội sẽ trở thành thiên đường cho tất cả mọi người.