Siddhartha là một tác phẩm cần có trong tủ sách gia đình, bởi những lợi ích mà nó mang đến là rất lớn lao. Qua tác phẩm, ta thấy được sự gần gũi giữa nền triết học Đức và tư tưởng Phật giáo, đặt biệt là sự ảnh hưởng sâu sắc của chủ nghĩa hiện sinh – chủ nghĩa đang chi phối mọi mặt trong đời sống con người hiện đại.
Lợi ích lớn nhất mà chúng ta có được là “sự nhận biết” đời sống qua những cảm nghiệm thật sự mang tính cá nhân, chứ không phải bởi những giáo lý mang tính lý thuyết và rập khuôn. Sự kết hợp giữa triết học Đức và Phật giáo cũng mang đến cho tư tưởng chủ đạo của quốc gia này một ít sinh khí và hy vọng. Vì khi con người chìm quá sâu vào lý tính, tinh thần dễ bị khô cứng và vô tình.
Bàn về các vấn đề tôn giáo hoặc sự giác ngộ là một việc làm quá sức đối với mỗi con người, trừ trường hợp người nói là đấng đã giác ngộ, hoặc họ là nhà văn lớn, tư tưởng gia, triết gia. Vì vậy tôi chỉ nói đến những gì đang diễn ra theo cách thông thường, trong giới hạn nhận thức của chính tôi. Còn những ai bảo rằng sẽ chỉ cho bạn biết thế nào là “giác ngộ”, thế nào là “niết bàn” thì đó chỉ là sự huênh hoang.
Siddhartha là một thanh niên sinh ra trong một gia đình Bà La Môn được mọi người kính trọng. Anh được dạy tốt trong giáo lý của người Bà La Môn, nhưng bởi vì anh là một con người thông tuệ, nên anh nhận ra rằng như thế là chưa đủ để giúp anh đạt đến chân lý tuyệt đối. Điều này không thể hiện rằng đạo Bà La Môn có sự thiếu sót, mà là do những người đã giáo dục Siddhartha có sự giới hạn trong hiểu biết của họ, vì vậy Siddhartha muốn được “ra đi” để tìm người có thể giúp anh học được nhiều hơn.
Đối với phần đông mọi người, họ chỉ cần một cuộc sống hạnh phúc và an bình, nhưng với vài người, mục đích lớn lao nhất của họ là tìm thấy sự giác ngộ, sự thăng hoa của tâm hồn, sự phát triển của tinh thần. Đó là điều không thể tránh khỏi đối với những ai có sự nhận thức đã vượt qua cấp độ thông thường. Nghĩa là những ham muốn vật chất và những nhu cầu của bản năng đã không còn làm họ bận tâm.
Tại sao người cha đã cho phép Siddhartha rời bỏ đạo Bà La Môn? Vì người cha hiểu rằng mục đích cuối cùng trong việc tu tập theo một tôn giáo là sự giác ngộ, tìm cách giải thoát con người khỏi những khổ đau, khỏi vòng luân hồi. Mọi nghi lễ trong tôn giáo quan trọng ở hàm ý chứ không phải hình thức, người cha vẫn giữ đạo Bà La Môn vì ông tin đó là con đường dẫn đến sự giác ngộ, nhưng đó là niềm tin của ông chứ không phải của Siddhartha – con trai ông. Có thể nói, những ai còn tư tưởng ép buộc người khác phải theo một tôn giáo nào đó thì chưa thoát khỏi vòng tục lụy.
Trong bài này tôi không bàn đến quan điểm vô thần, nói chính xác hơn là bỏ qua quan điểm cho rằng con người chỉ tồn tại thân xác mà không có linh hồn bất tử. Còn lại thì quan điểm của Phật giáo cũng không khác với những tôn giáo khác, chỉ là cách gọi và cách hiểu là khác nhau, Niết Bàn – Đại Ngã – Đạo – Thượng Đế đều là một. Chúng ta không cần tranh cãi xem cách hiểu nào là đúng, vì việc đó chẳng bổ ích, chúng ta cứ đi theo niềm tin của mình, khi đến nơi thì sẽ thấy được sự thật.
Siddhartha và bạn của anh đã theo học ở những nhà tu khổ hạnh, nhưng thêm một lần nữa, họ vẫn không tìm được điều họ muốn. Sau đó họ nghe nói đến đức Cồ Đàm – đức Phật, họ đã tìm đến gặp Ngài. Siddhartha nhận ra rằng đức Phật đúng thật là Đấng Toàn Thiện, và những gì Ngài nói đều là chân lý. Tuy vậy, bởi vì sự rõ ràng trong lời dạy của đức Cồ Đàm, Siddhartha đã nhận ra một sự thật khác, điều thường diễn ra với nhiều người:
“Nếu con là một trong những môn đệ của Ngài, e rằng sẽ xẩy ra chuyện bản ngã của con đạt an tịnh và giải thoát, song chỉ là giả dối bề ngoài, vì thật ra nó vẫn tiếp tục sống và lớn mạnh. Vì con sẽ biến đạo pháp, biến sự quy y, biến lòng kính yêu Ngài, biến tăng đoàn thành bản ngã của con”
Chí Blog có kịch bản phim điện ảnh, ai mua không?
Nói cho dễ hiểu thì khi một người gia nhập vào đoàn thể – tổ chức, họ không tìm được sự giải thoát thật sự, mà họ bị ràng buộc và chìm sâu vào đoàn thể đó. Tất nhiên là vẫn có những người mặc dù trong đoàn thể nhưng họ vẫn có thể đạt đến chân lý vĩnh hằng. Sự thật cho ta thấy, có nhiều người đã thành Phật trong Phật giáo, có nhiều người đã nên thánh trong Công giáo, và với những tôn giáo khác cũng vậy. Tất cả phụ thuộc vào đức tin của mỗi người.
Trọng tâm trong giáo lý của Phật là con đường thoát khổ, đó không phải là điều mà Siddhartha tìm kiếm, anh muốn đạt đến sự giác ngộ như Ngài, vì vậy nên anh muốn đi con đường của riêng anh, theo cách hiểu và cảm nhận của riêng anh về mọi thứ. Ví dụ, đến một lúc nào đó chúng ta sẽ hiểu rằng, dù được nghe/đọc về tình yêu, không có nghĩa là chúng hiểu tình yêu thật sự là gì. Chúng ta chỉ thật sự hiểu tình yêu nhờ vào sự trải nghiệm trong cuộc sống, thời gian để hiểu là tùy vào từng người. Mọi thứ khác cũng giống như vậy.
Tôi chỉ giới thiệu tác phẩm này đến đây, tương đương 1/3 tác phẩm, phần còn lại mới là trọng tâm và bạn nên tự cảm nhận. Tôi sẽ nói thêm một ít về những con người sắp giác ngộ hoặc đạt được vài sự giác ngộ nào đó, về sự khác biệt giữa họ và những người giác ngộ giả dối.
Giác ngộ là sự thấu hiểu, sự hiểu ra một vấn đề nào đó về cuộc sống, mà khi ai đó thật sự hiểu ra, họ sẽ không cần nói y như sách, không cần viện dẫn lề luật/giáo lý này nọ, họ có thể giúp người khác hiểu bằng trăm ngàn cách. Đó là vì sao mà các Đấng Giác Ngộ thường nói ngụ ngôn, ngụ ngôn là để người khác hiểu hàm ý, nếu thể hiện chân lý bằng những từ ngữ quá rõ ràng, thì người đời dễ sa vào hình thức, sa vào ngữ nghĩa của câu từ, và vì thế dẫn đến sai lầm.
Giả sử bạn tin vào Thượng Đế, bạn tin Ngài là Đấng công bình tuyệt đối, là người cha nhân từ tuyệt đối. Vậy thì một người cha như thế có thương đứa con này hơn đứa con khác? Ấy thế mà mỗi tôn giáo đều nghĩ rằng họ mới là người được chọn, rồi họ cãi nhau, thù hận nhau và giết nhau. Thật lạ là khi nhiều người vẫn tin vào hai điều mâu thuẫn nhau cùng tồn tại.
Kể cả khi các Đấng Giác Ngộ đã nói ngụ ngôn, nhưng rồi con người lý giải khác nhau và tạo nên sự chia rẽ. Nếu chúng ta đã nhận biết điều này thì sự tranh luận chỉ có ích khi mang tính chia sẻ quan điểm để học hỏi, chứ không phải vì chứng minh mình đúng còn người khác sai. Mỗi người cứ giữ lấy quan điểm của bản thân và tôn trọng quan điểm của người khác là được.
Tư tưởng của Đấng Giác Ngộ sẽ không tồn tại sự mâu thuẫn, nhưng về mặt ngữ nghĩa của câu từ, đôi khi bạn sẽ phát hiện những câu nói có vẻ mâu thuẫn nhau. Thật ra những câu đó là bổ sung cho nhau, chỉ cần bạn hiểu trọng tâm của một tôn giáo, bạn sẽ hiểu đúng mọi câu nói mà không có bất kỳ sự mâu thuẫn nào. Việc hiểu đúng trọng tâm cũng vô cùng cần thiết, ví dụ trọng tâm của Phật giáo là thoát khổ, trọng tâm của Công giáo là tình yêu thương, trọng tâm của Bà La Môn là hòa vào Đại Ngã. Cho nên việc so sánh xem bên nào đúng bên nào sai là một chuyện vô cùng nhảm nhí.
Dù trọng tâm của mỗi tôn giáo là khác nhau, nhưng khi con người đến đích, họ sẽ đạt được tất cả, sự an bình, tình yêu, sự hợp nhất với toàn thể. Mong là chúng ta sẽ có cơ hội để đạt được điều đó.
Cảm ơn các bạn đã đọc bài, nhớ chia sẽ bài viết và giới thiệu Chí Blog đến mọi người, và tích cực “cứu tế” để mình có thêm động lực viết bài nghen.
OCB – ngân hàng phương đông, tk: 0003100008898001, NGUYỄN MINH CHÍ, chi nhánh Thủ Đức. Hoặc: Nguyễn Minh Chí, NH TMCP SAI GON THUONG TIN CN TIEN GIANG, Số TK: 0601 4671 8526
………………….
Top 50 bài review sách văn học kinh điển của Chí Blog
Một số tác phẩm cùng thể loại: Dưới Bánh Xe Cuộc Đời – Hermann Hesse, Kính Sợ Và Run Rẩy – S.Kierkegaard, Thế Giới Của Sophie – Jostein Gaarder, Ngày Cuối Cùng Trong Đời Socrates – Plato, Thần Thoại Sisyphus – Albert Camus, Thuyết Hiện Sinh Là Một Thuyết Nhân Bản – J.P.Sartre, Chân Dung Chàng Nghệ Sĩ – James Joyce, Bức Tranh Dorian Gray – Oscar Wilde