Review sách Bức Tranh Dorian Gray – Oscar Wilde: linh hồn của thời đại

Bức Tranh Dorian Gray của Oscar Wilde là một tác phẩm lớn, dù chỉ có khoản 400 trang. Chữ “lớn” được tôi dùng khi nó trở thành biểu tượng mang tính kinh điển cho bản chất con người hoặc hình thái xã hội. Nếu bạn đã từng đọc những truyện ngắn của O.Wilde thì hẳn biết ông có một trái tim vô cùng nhân ái dành cho những con người thấp hèn và cùng khổ, lời văn nhẹ nhàn lãng mạn với lối châm biếm rất thâm thúy, ông là một trong vài nhà văn mà tôi quý trọng nhất.

Trước tiên, để dễ hiểu thì tôi sẽ ngược dòng lịch sử một tí. Ngày nào đó có một người rau giảng về tình yêu thương và nước trời – một thời đại mới mở ra; sau đó tôn giáo ấy trở thành độc tôn và nắm giữ quyền lực thế tục, thần quyền được nâng lên và nhân quyền bị hạ xuống, tình yêu và tự do vốn là nền tảng ban đầu thì trở nên thoái hóa, tôn giáo trở thành xiềng xích trói buộc con người. Bản chất con người là sự kết hợp của tâm hồn và thể xác, khi những nhu cầu hiển nhiên của thể xác bị xem là căn nguyên tội lỗi thì con người phải sống trong sự khổ đau và sợ hãi, khi lý trí vốn là yếu tố đưa con người đến với văn minh bị xem là dị giáo thì con người sống trong ngu muội; ngày nào đó con người vùng lên tháo bỏ xiềng xích – ta gọi giai đoạn này là thời kỳ Phục Hưng, triết học – khoa học – văn học – nghệ thuật phát triển rực rỡ, những nhu cầu thiết yếu của con người được công nhận. Trong sự phản khán đối với thần quyền này, ta tìm thấy tác phẩm tiêu biểu là Faust của Goethe kể về một con người đã “bán linh hồn cho quỷ” để được sống như một con người trong bản chất con người, đây là tác phẩm vĩ đại mang đến tự do và sự khai sáng.

Phục Hưng đến là điều rất đáng hân hoan, vậy sau đó đã tiếp diễn thế nào? Lịch sử loài người cho ta thấy sau khi bước qua một cực đoan thì con người lại lạc vào một cực đoan, khi niềm tin tôn giáo gần như sụp đổ kéo theo niềm tin về những giá trị tinh thần mang tính vĩnh cữu cũng sụp đổ theo, chủ nghĩa khóa lạc và tính vị kỷ lên ngôi, triết học và khoa học thống trị thế giới, đây chính là giai đoạn mà tác phẩm Bức Tranh Dorian Gray ra đời (cuối TK 19) cũng lấy nội dung “bán linh hồn cho quỷ” nhưng theo một chiều hướng khác, chiều hướng gần như đối đầu với “Faust” – một “Faust” mục nát của thời đại mới.

Ở đây tôi sẽ phân tích các nhân vật mang tính biểu tượng và vài yếu tố quan trọng:

Basil: là một họa sĩ tài ba, anh có tâm hồn đẹp và đôi mắt sáng nhìn thấu con người, anh tìm thấy vẻ đẹp cả về tâm hồn lẫn thể xác của Dorian nên đã dùng tất cả tài năng – tình yêu – nhiệt huyết của mình để vẽ chàng lên bức tranh. Basil có thể đại diện cho hầu hết các nghệ sĩ, họ luôn tìm kiếm những vẻ đẹp thần thánh nơi con người và giữ lại chúng thông qua các tác phẩm nghệ thuật, họ giúp ta hiểu về sự thật và buộc ta phải đối diện với sự thật, cho ta thấy lương tâm cũng như tâm hồn mình. Nhưng đó cũng là bi kịch của chính họ, phải mang vác nỗi đau khi nhìn thấy vẻ đẹp (tâm hồn và thể xác) ấy bị hủy hoại, bi kịch có thể là cái chết khi họ chỉ cho người đời thấy sự xấu xa trong họ. Lịch sử loài người đã chứng kiến biết bao người đã ngã xuống vì làm chứng cho sự thật.

Henry: đây là nhân vật ấn tượng nhất trong truyện, anh đại diện cho quan điểm đang thống trị thời đại mà chúng ta ngày nay thường gọi là “hiện thực cuộc sống” – một hiện thực không có niềm tin vào các giá trị vĩnh cữu, anh mang thiên hướng cho tính vị kỷ, theo đuổi khoái lạc, xem cuộc sống như một vở kịch, xem con người như những diễn viên và hoàn toàn đánh mất tình yêu hay lòng trắc ẩn. Trong những gì Henry nói, chúng ta tìm thấy vô số câu kết luận như là châm ngôn, hầu hết chúng đều mang tính trào phúng chua cay. Và sẽ không lạ lắm nếu những con người theo chủ nghĩa khoái lạc hoặc vị kỷ hoặc hiện sinh vô thần sẽ lấy những lời này như là lẽ sống của chính họ. Điều này cho thấy O.Wilde hiểu thời đại sâu sắc đến thế nào! Bằng lời của Henry, O.Wilde cũng châm biếm thói đạo đức giả của giới thượng lưu nước Anh. Nhưng bạn đừng nhầm mà cho rằng ông ủng hộ quan điểm sống của Henry, lời càng chua cay thì càng nói lên sự thất vọng và đau đớn của ông đối với con người nói chung.

Chí Blog có kịch bản phim điện ảnh, ai mua không?

Dorian: là nhân vật chính, là đại diện cho con người của thời đại, là mẫu thử cho quan điểm thời đại – cái thời đại theo đuổi vật chất và sự khoái lạc, cuộc đời của Dorian sẽ cho ta biết con người sẽ nhận lấy kết quả gì khi “bán linh hồn cho quỷ”, liệu anh có hạnh phúc không khi sở hữu vẻ đẹp bất tử, liệu khi không thể yêu thì cuộc đời phải chăng trở nên có ý nghĩa?

Một chủ nghĩa hoặc một thuyết để có thể tồn tại thì nó phải dựa trên một giá trị thần thánh nào đó, mà giá trị này phải đưa con người lên cao. Ví như khi đạt được sự tự do tuyệt đối, bỏ qua mọi quan niệm đạo đức, thông qua những trải nghiệm lầm lỗi thì con người đạt được sự đốn ngộ về cuộc sống, khi ấy tâm hồn họ sẽ biến đổi và trở nên đẹp hơn. Nhưng bằng cuộc đời của Dorian, O.Wilde đã chứng minh điều ngược lại với Faust, nghĩa là càng đi xuống thì con người càng trở nên thối nát và mục rữa chứ không phải là đốn ngộ; gần đến cuối truyện, khi Dorian chán ngán quá đỗi với những thú vui phù phiếm nên anh muốn trở thành người tốt, anh bỏ qua một cô gái trong trắng, anh thấy mình trở nên cao thượng, sự thật thì sao? Sự thật mà O.Wilde cho ta thấy thì đó chỉ là một thứ đạo đức giả, về điều này thì tôi đồng ý với O.Wilde, vì nhìn vào xã hội, vô số người khi còn trẻ họ làm ác rồi khi về già lại tỏ ra mình là người công chính.

Một nền tảng khác của những chủ nghĩa theo đuổi tự do tuyệt đối là đặt vào lối sống đó một vẻ đẹp mỹ miều mang tính nghệ thuật cao sang, nhưng thêm một lần nữa O.Wilde cho ta thấy chúng chỉ là thứ nghệ thuật rẻ tiền phù phiếm (chương 11), thứ nghệ thuật chết và vô hồn. Cả cuộc đời của Dorian là lời giải cho câu hỏi:


“Một người có lợi gì nếu hắn dành được cả thế gian để rồi đánh mất linh hồn chính hắn?”

Sybil Vane: đây là nỗi đau của O.Wilde cũng như là nỗi đau cho những ai thật sự hiểu. Dorian yêu nàng vì nàng đẹp và vì những gì nàng thể hiện trên sân khấu. Khi nàng diễn, nàng không xem các vở kịch là kịch, nàng xem chúng là thật, là nơi để bày tỏ trái tim mình; rồi khi nàng yêu, nàng tìm thấy nơi để giãy bày tình yêu đó nên nàng không thể diễn. Nhưng than ôi! Con người không tin tình yêu trong hiện thực, họ chỉ bị hấp dẫn từ một sản phẩm nghệ thuật. Biết bao người sẽ si mê các nhân vật chung tình trên sân khấu, trên phim ảnh, trong tiểu thuyết…, nhưng lại trở nên đốn mạt đối với những người dâng cho họ trái tim trong đời thực. Nghệ sĩ tìm thấy tâm hồn trong đời và mang vào tranh, con người mua tranh với giá trên trời, đời mang tâm hồn cho con người, con người mua nó với giá rẻ mạt.

Bức Tranh: là biểu tượng cho linh hồn và lương tâm con người, nó mang tính siêu thực (tạm gọi thế), nó cũng là chân dung của linh hồn thời đại trong con mắt của O.Wilde , với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, thế giới đã trở nên đổi khác, vật chất xa hoa giống như vẻ đẹp của Dorian, nhưng tâm hồn thì mục rỗng và tàn tạ như bức tranh. Dorian sở hữu vẻ đẹp của cả tâm hồn và thể xác, nói cách khác thế giới (đặt biệt là thời Phục Hưng) sở hữu vô vàn cái đẹp, những giá trị nền tảng của con người được tìm lại (kể cả tôn giáo), chúng ta dễ dàng tìm thấy qua các tác phẩm nghệ thuật, nhưng Dorian lại chỉ nhìn thấy cái đẹp của thể xác mang tính vị kỷ, thế giới này chỉ biết theo đuổi những ham muốn vật chất. Qua bức tranh, O.Wilde còn muốn cho ta hiểu rằng, nghệ thuật chỉ thật sự là nghệ thuật khi nó có được một linh hồn, cho ta thấy được sự thật về chính ta.

Cái kết: khi con người mất đi linh hồn, thứ còn lại chỉ là một cái xác rỗng không có sức sống, dù trên nó mang hình ảnh đẹp đẽ nào đó của một con người.

Tác phẩm tuy viết vào cuối TK 19 nhưng vấn đề được O.Wilde đưa ra vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay và mãi sau này, cuốn này rất nên mua. Còn rất nhiều điều phải bàn, nhưng tôi tạm dừng bài viết ở đây. Cảm ơn bạn đã đọc bài.

Cảm ơn các bạn đã đọc bài, nhớ chia sẽ bài viết và giới thiệu Chí Blog đến mọi người, và tích cực “cứu tế” để mình có thêm động lực viết bài nghen.

OCB – ngân hàng phương đông, tk: 0003100008898001, NGUYỄN MINH CHÍ, chi nhánh Thủ Đức. Hoặc: Nguyễn Minh Chí, NH TMCP SAI GON THUONG TIN CN TIEN GIANG, Số TK: 0601 4671 8526

Top 50 bài review sách văn học kinh điển của Chí Blog

Note: nếu bài viết trên trang có giá trị, nhớ tích cực like, share, comment, và giới thiệu với bạn bè về Chí Blog.

Facebook Comments

About Author

Minh Chí

Bạn tôi góp ý là: nhiều người ở VN thích làm màu, nên tôi cần làm màu hơn thế. Cho nên các bạn cứ nghĩ tôi rất "đỉnh" là được!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Next Post

Tủ sách gia đình và ý nghĩa của việc đọc sách

T4 Th7 17 , 2019
Có rất nhiều thống kê cho thấy rằng tỉ lệ đọc sách ở các nước phát triển vượt xa các nước kém phát triển, và khi nói về sách, phần lớn mọi người đều gật đầu đồng ý là sách mang lại rất nhiều lợi ích; chỉ có điều đáng […]

You May Like

Translate» English - Vietnamese