Review sách Ngày Cuối Cùng Trong Đời Socrates – Plato: một nhân cách cao thượng

Ngày Cuối Cùng Trong Đời Socrates là một trong số vô cùng ít quyển sách mà khi đang đọc thì tôi cảm thấy tiếc nuối cho tôi và cho nhiều người khác, tiếc cho tôi vì phải chi được đọc sớm hơn thì có lẽ bổ ích lắm, tiếc cho nhiều người vì họ không biết hoặc không đọc hoặc cảm thấy không cần đọc.

Socrates gần như được xem là ông tổ của triết học dù trước ông có rất nhiều cá nhân hoặc trường phái, đó là do ảnh hưởng của ông lên các đệ tử và nhiều triết gia khác. Nhắc đến triết học chắc nhiều người Việt chúng ta sẽ cảm thấy nhức đầu, nhưng xin yên tâm, cuốn này ngoại trừ phần Phaedo thì các phần còn lại khá dễ hiểu khi sự việc được làm sáng tỏ qua đối thoại. Phải nói đây là một tác phẩm tuyệt vời cho việc dẫn nhập con người bước vào môn triết học. Tác phẩm này dạy ta rất nhiều điều để có một nhân cách cao thượng, biết sống trong sự thật, đạo đức, và trở thành một công dân chân chính. Với những gì tôi biết, trước giờ chỉ có 3 vị khiến tôi tôn kính là Đức Jesus, Đức Phật, Lão tử, thì nay có thêm vị thứ 4 là Socrates.

Dù kiến thức có hạn, tôi xin diễn giải đôi chút nhằm chia sẻ quan điểm.

Euthyphro: kể về cuộc đối thoại giữa Socrates và Euthyphro, chuyện là Euthyphro muốn kiện cha của ông vì ông này vô tình làm chết một gia nhân. Phần này bạn sẽ cảm thấy khó đọc vì cách xưng hô giữa 2 người (ngô bối, bỉ nhân,…) nhưng tôi nghĩ là cần thiết để thể hiện sự khiêm tốn và tôn trọng với người đối thoại khi thảo luận về một vấn đề nào đó.

Xét theo lẽ thường, phần lớn chúng ta sẽ đặt niềm tin vào điều gì đó, một quan điểm tôn giáo hoặc lối sống, nhưng rất ít người trong chúng ta biết rằng mình chẳng hiểu gì về niềm tin đó, hoặc cái mà ta tưởng là ta hiểu thật ra rất mơ hồ lầm lạc. Euthyphro nghĩ rằng tố cáo bất chính (tức làm điều chính đáng) là một hành động sùng đạo, hoặc ngược lại, làm những gì xem là sùng đạo thì hoàn toàn chính đáng. Nhưng Socrates chỉ ra rằng làm điều chính đáng và sùng đạo chẳng liên quan gì nhau, vì 2 điều đó dựa trên 2 cơ sở hoàn toàn khác nhau. Thoạt nhìn chúng ta nghĩ là đồng nhất, tôi sẽ lấy một ví dụ để chỉ ra một trường hợp mâu thuẫn, chính đáng: giết người thì phải đền tội (trừ trường hợp tự vệ), sùng đạo: giết người theo ý muốn của thần linh (vì bản chất sùng đạo là làm những gì thần linh yêu thích). Nếu không phân biệt rõ về điều này thì rất dễ rơi vào tà đạo, hoặc lạc vào những tín niệm cực đoan, trường hợp thực tế dễ thấy là hành động khủng bố của các tổ chức tôn giáo cực đoan. Hoặc nghĩ rằng xăm lăng nước khác là hành động yêu nước, mà yêu nước là đúng đắn nên xăm lăng là đúng đắn; trong khi nếu hiểu triết học thì bằng lý luận chúng ta cần định nghĩa lại thế nào là đúng đắn, thế nào là yêu nước.

Apologa (biện giải): Kể về sự việc trong phiên tòa. Phần này giúp ta hiểu Socrates là một con người có nhân cách cao thượng và sống đạo đức, ông bị vu cáo bởi ông đã chỉ ra một sự thật là những kẻ huênh hoang chuộng hư vinh thực chất chỉ là những kẻ dốt nát về những điều họ tưởng là họ biết. Bạn có từng nghe qua câu “người khôn ngoan là người biết mình chẳng biết gì cả”? Chuyện xẩy ra khi Socrates hỏi “ai là người hiểu biết hơn bản nhân?” thì vị nữ tư tế (thay mặt thần linh) trong đền thờ phán “không ai cả”, Socrates không nghĩ ông là người hiểu biết nhất nên tìm hỏi những kẻ được gọi là khôn ngoan về những gì họ biết, cuối cùng ông tự nhủ:

“mình biết nhiều hơn những người này một chút nhỏ nhoi, đó là mình không nghĩ mình biết cái mình không biết”

Điều đáng khâm phục ở chỗ, dù đứng trong phòng xử án, ông vẫn hiên ngang nói sự thật, vạch mặt nhiều người và nhiều sự việc sai trái, mà những kẻ đó lại có mặt trong bồi thẩm đoàn. Socrates là một người công chính, không cúi mình cầu xin sự thương xót đối với những kẻ có quyền phán định “có tội” hoặc “vô tội”. Bản chất vị kỷ và ganh ghét của con người thể hiện rõ ở 2 đợt bỏ phiếu, tỉ lệ phiếu có/vô tội là 280-220, sau đó tỉ lệ phiếu tử hình/phạt vạ là 360-140; tại sao trong 220 người cho rằng Socrates vô tội lại có 80 người muốn tử hình ông? Vì họ muốn hạ nhục ông?! Tôi đã thở dài khi nghĩ về việc này.

Chí Blog có kịch bản phim điện ảnh, ai mua không?

Phê phán lời dẫn: trong phần lời dẫn có đoạn “biện giải của Plato xuất hiện đã biến thất bại nhất thời thành thành công lâu dài, mạng sống ông già đổi lấy tiếng thơm muôn thuở” – tôi khá là bất bình với quan điểm này, đây là một quan điểm vô cùng tầm thường khi gán ghép vào những nhân vật như Plato hoặc Socrates. Nói thế chẳng khác nào bảo Plato hoặc Socrates là những kẻ mê hư vinh và hám danh lợi, đó là một sự sỉ nhục đối với họ, con người ở cấp độ này không tồn tại cái ham muốn gọi là “tiếng thơm muôn thuở”. Tôi không biết quan điểm này xuất phát từ đâu, nhưng dù có từ đâu đi nữa, từ người dịch, biên tập viên hay từ bản tiếng nước ngoài thì cũng không nên đưa vào.

Crito: phần này là cuộc trò chuyện giữa Crito và Socrates khi Crito muốn Socrates vượt ngục nhưng ông không đồng ý. Một bài kinh điển để trở thành một công dân gương mẫu và chính trực.

Phaedo: đây là phần khó nhất trong tác phẩm, bàn về các vấn đề siêu hình như bản chất tự thân của sự vật, sống – chết, linh hồn bất tử, ý nghĩa đời sống.

Trước tiên con người có thể xác và tinh thần, sống là biểu hiện những hoạt động của thân xác mà ta nhìn thấy được thông qua sự điều khiển của tinh thần, chết là khi sống không còn được thể hiện nữa, vậy câu hỏi đặt ra là khi con người chết thì cái tinh thần ấy còn tồn tại không? Giờ ta đổi tên “tinh thần” thành “linh hồn”, tức dù gọi là tinh thần hay linh hồn thì nó đều là “cái” tạo nên sự “sống”, linh hồn (hay tinh thần) là thứ ta không thể nhìn thấy được nhưng ta biết nó tồn tại (ta biết ta có tinh thần), sống là cái ta nhìn thấy được.

Như Socrates lấy lửa và tuyết để ví dụ, lửa là hình thái (thấy được) của nóng (không thấy được), tuyết là hình thái của lạnh. Nóng – lạnh là đối lập nhau, khi tuyết gặp nóng nó sẽ biến mất vì cái lạnh lui đi, vậy cái bản chất lạnh đó có biến mất vĩnh viễn không? Chắc chắn là không, vì giả sử cái nóng đó lui đi mà cái lạnh mất đi vĩnh viễn thì cái gì ở đó khi ấy? Thực tế cho ta thấy, khi cái nóng lui thì cái lạnh sẽ quay trở lại, ta không nhìn thấy được, nhưng cho tí hơi nước vào nơi đó thì tuyết sẽ hình thành và ta biết cái lạnh đang tồn tại. Giờ ta thay vào lập luận đó như sau: thân xác cho tuyết, lạnh cho linh hồn; cái chết là sự tan biến của cái sống (biểu hiện qua sự hoạt động của thân xác) là do linh hồn rút lui khỏi thân xác. Tất nhiên đây chỉ là mặt lý luận để bày tỏ quan điểm, còn sự thật thì mỗi người sẽ biết khi chết, có linh hồn bất tử ta sẽ biết, không có thì … không có gì phải bàn.

Điểm cần chú ý nữa là khi Socrates lý giải về việc tại sao con người cần sống đạo đức và biết tiết chế, tránh quá đam mê vật chất và sự thỏa mãn thân xác. Quan điểm theo đuổi triết học của Socrates giống như điều ta thấy ở những người tu đạo, và diễn giải của ông khá giống với quan điểm Phật giáo, khi con người đam mê trần tục, lúc chết đi họ sẽ không vào được thế giới cực lạc vì sự níu kéo và tiếc nuối thế giới vật chất, những linh hồn lạc loài đó sẽ phải chịu đau khổ cùng cực.

Có một đoạn cực kỳ quan trọng mà ta cần suy ngẫm:

“Nếu chết là dứt bỏ mọi ràng buộc, chết sẽ là mối lợi lớn lao đối với người xấu xa, vì qua chết họ không những thanh toán thể xác, thủ tiêu tội lỗi mà còn dứt bỏ linh hồn”

Đọc xong cuốn sách, khiến tôi vô cùng kinh ngạc, chỉ bằng vào sự quan sát cùng một số công cụ tối thiểu, kết hợp với lý luận triết học, con người cách đây hơn hai ngàn mấy trăm năm vẫn có thể khám phá vô số sự thật về thế giới và cuộc sống. Ví như qua sự biến ảo của vạn vật, họ nghĩ đến các nguyên tố. Ví như khi Socrates nói về cách loài sinh vật sống dưới đáy biển nghĩ mặt biển là bầu trời của nó, giống như cách con người nhìn thượng tầng khí quyển là bầu trời của mình, và ông tự hình dung khi vượt qua bầu trời thì sẽ nhìn thấy gì; đây cũng là tiền đề cho ngụ ngôn “cái hang” của Plato, hoặc về một thế giới không nhìn thấy được sau cái chết của thân xác. Con người có linh hồn bất tử không? Tôi không biết (tôi tin là có), nhưng có khá nhiều câu chuyện đáng tin về tiên tri, về những người trong trạng thái cận tử, sự xuất hồn của các vị tu hành uyên thâm và đức độ. Tin hoặc không tin tùy quan điểm mỗi người.

Còn rất nhiều điều, nhiều nội dung … nhiều lắm, nhưng tôi tạm dừng ở đây. Tóm lại mục đích chân chính của triết học là tìm hiểu sự thật để từ đó trả lời cho ý nghĩa của đời sống, triết học không phải là công cụ phục vụ cho lợi ích cá nhân, hoặc dùng để bảo vệ quan điểm mà bất chấp sự thật. Và việc trở thành một con người chính trực là điều mà mọi người nên hướng tới. Một quyển sách rất quan trọng và nên có trong tủ sách gia đình.

Để xã hội tốt đẹp hơn – Hãy ủng hộ tài chính Chí Blog:

Hàng thánghttps://www.patreon.com/chi_blog_movie_reviews

Paypalhttps://www.paypal.com/paypalme/nguyenminhchi2806

Bank – Người nhận: Nguyễn Minh Chí, NH TMCP SAI GON THUONG TIN CN TIEN GIANG, Số TK: 0601 4671 8526

Ví momo:

Top 50 bài review sách văn học kinh điển của Chí Blog

Note: nếu bài viết trên trang có giá trị, nhớ tích cực like, share, comment, và giới thiệu với bạn bè về Chí Blog.

Facebook Comments

About Author

Minh Chí

Bạn tôi góp ý là: nhiều người ở VN thích làm màu, nên tôi cần làm màu hơn thế. Cho nên các bạn cứ nghĩ tôi rất "đỉnh" là được!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Next Post

Review phim La grande bellezza (2013): ta thấy gì khi cúc áo cô gái mở ra?

T7 Th8 3 , 2019
Phim La grande bellezza ( The Great Beauty ) có tên tiếng Việt là Đời Sống Thượng Lưu, sau một thời gian chán nản với những bộ phim thông thường, tôi mớ tìm thấy một phim rất Chất với nhiều giải thưởng lớn. Xin lưu ý … khác với vài […]

You May Like

Translate» English - Vietnamese