Dù là nhà văn Đức, tiểu thuyết của Hermann Hesse (Nobel 1946) cũng dễ đọc, dễ hiểu một cách tương đối. Tôi nói “tương đối” ở đây là khi bỏ qua những sự lồng ghép tư tưởng từ triết học hoặc thần học thì ta còn có điều gì đó để mà hiểu. Đừng lấy làm lạ khi trong nhiều bài viết thì tôi thường nói về triết học hoặc tôn giáo này nọ, 2 điều đó có thể xa lạ đối với chúng ta, nhưng với văn hóa châu Âu cận đại hoặc hiện đại thì không lạ lắm, đặt biệt là đối với văn học Đức. Xin nhắc lại một lần nữa là để có thể cảm nhận và hiểu cho đúng các tác phẩm của phương tây thì bạn phải tìm hiểu thêm về triết học và tôn giáo (Kito), điều này là khó khăn với một đất nước như Việt Nam, vì chúng ta không có được một nền học thuật mang tính bài bản cho lắm. Nói nhiều như vậy cũng không thể hiện tôi biết nhiều về 2 thứ vừa nêu, tất cả chỉ là sự chấp vá kiến thức mà thôi, biết mình dốt, mình thiếu là kiến thức tối thiểu cần phải có.
Dưới Bánh Xe Cuộc Đời kể về đời sống của một thiếu niên thiên tài đã phải chật vật như thế nào khi phải sống dưới sức ép của một xã hội biến thiên tài thành gỗ mục, đề tài này cũng được nhiều nhà văn lớn khác nói đến, nó cũng là điều dễ hiểu vì nếu không thì thiên tài đã không hiếm như lá mùa thu trong hằng hà sa số những con người bình thường mà chúng ta bắt gặp mỗi ngày. Tôi xin mượn lại một đoạn trong cuốn Xứ Con Người của Saint-Exupery (tác giả của Hoàng Tử Bé) để làm ví dụ:
“Khi bằng phép đột biến, cho nẩy được một đóa hoa hồng mới trong các khu vườn, tất cả những người làm vườn đều xúc động. Người ta che chở nó, vun xới nó, nuông chìu nó. Nhưng đối với những con người, nào có người làm vườn nào! Mozart trẻ thơ cũng sẽ bị cái máy rập đánh dấu như mọi người khác. Mozart sẽ làm ra những cái vui sang nhất của mình từ một thứ âm nhạc thiu ôi trong mùi hôi hám của các quán nhạc giải khát. Mozart bị phế bỏ!”
Cậu bé Hans là niềm hy vọng của cả thị trấn, ngay từ rất nhỏ thì cậu đã có những biểu hiện thông minh vượt xa đám bạn cùng lứa, vì vậy cậu được rất nhiều vị mà mọi người kính trọng đặt biệt quan tâm, họ tạo nhiều sự thuận lợi đối với việc học của cậu. Cha cậu cũng có một kế hoạch khác cho cậu, kế hoạch này sẽ khác với những đứa trẻ thông thường – là sẽ phải học một nghề nào đó để kiếm sống. Mọi chuyện đều diễn ra vô cùng thuận lợi vì cậu rất thông minh và chăm chỉ. Nhưng có vẻ như cậu càng tỏ ra vượt trội thì những áp lực mà người ta đặt lên vai lại càng chồng chất hơn, nó gần như là sự vắt kiệt sức sống dành cho một đứa trẻ.
Con người vốn là vậy, không khi nào họ thỏa mãn với những gì đang có, họ muốn nhiều và nhiều hơn nữa dù kết quả nhận được có vượt xa sự mong đợi ban đầu. Lẽ ra Hans phải có thời gian để nghỉ ngơi, để vui chơi, để có một tuổi thơ như mọi người, điều này là cực kỳ quan trọng để tâm lý của một đứa trẻ phát triển đầy đủ. Tất nhiên bản thân họ cũng biết được điều đó, nhưng bằng nhiều lý do, những lý do khiến Hans khó lòng từ chối vì nó được thể hiện qua những biểu hiện như “sự quan tâm” hoặc vì “tương lai tươi sáng” của chính cậu. Thế là ngày nghỉ của Hans cứ bị cắt xén dần để rồi cuối cùng chỉ còn lại có học và học. Có lẽ với mỗi người trong họ chỉ chiếm lấy thời gian của Hans không nhiều lắm, nhưng họ ở đây không phải là một người mà là nhiều người, một điều vượt ra ngoài sự chú ý và nhận thức của họ.
Giới hạn của mỗi người nói chung nằm ở chỗ họ khó lòng mà hiểu được cảm nhận của người khác, khi họ chỉ nhận thức bằng góc nhìn của họ, họ chưa bao giờ tự đặt họ trong vai trò của Hans để hiểu được cái áp lực trong cậu là khủng khiếp đến mức nào. Một điều đáng để nói nữa là Hans dù sao cũng chỉ là một đứa trẻ, nó luôn bị đặt ở tình thế khó có thể phản kháng, vả lại nó cũng chưa có một nhận thức đầy đủ về nhu cầu của bản thân cần có, nó không biết cách để tự bảo vệ chính nó, thành ra cái cơ thể và tình thần nó ngày càng suy sụp hơn. Đó là chưa nói đến những điều mà người ta dồn vào nó thì bản thân chúng cũng có sự cuốn hút riêng, ví như sự thú vị khi học một thứ ngôn ngữ mới chẳng hạn.
Xã hội của chúng ta hoạt động theo một lối thông thường phù hợp với đa số những con người bình thường, mà nếu người ta áp dụng nó với một thiên tài thì thiên tài đó bị phá hủy là điều không thể tránh khỏi. Điều chúng ta thường thấy nhất chính là tính mục đích trong những việc họ bắt bọn trẻ làm, thay vì mục đích lớn nhất phải là vì sự phát triển một cách toàn diện nhất cho lợi ích của đứa trẻ, nhưng không, mục đích lớn nhất của họ đều là sự mong muốn của chính họ, lúc này đứa trẻ bị biến thành một công cụ cho mục đích bất chính đó, “bất chính” ở đây nghĩa là sự áp đặt và sự ích kỷ của mỗi người hoặc mỗi tổ chức trong xã hội, có thể ví tất cả những điều đó như những bánh xe của cuộc đời đang từ giờ từng phút cán qua con người và đè bẹp con người, như những khuôn dập sẽ dập ra hàng loạt những sản phẩm y như nhau.
Chí Blog có kịch bản phim điện ảnh, ai mua không?
Bởi tính mục đích tự thân của nguyên liệu con người không được coi trọng nên việc học cũng biến thành lầm lạc, sự lầm lạc này có thể tóm gọn ở câu “biến phương tiện thành mục đích”, nghĩa là những gì được học chỉ nên xem là phương tiện để phục vụ con người, chứ không phải xem việc học hoặc các môn học trở thành mục đích tối thượng để theo đuổi, trừ phi đó là mong muốn tự thân của ai đó. Chính vì thế, xã hội của chúng ta có rất nhiều những người thợ sửa chữa, những chuyên gia, những giảng viên trong nhiều lĩnh vực nhưng số người có thể sáng tạo ra những cái mới, những nhà khoa học thực thụ, những triết gia, những nhà tư tưởng lớn … thì cực kỳ hiếm hoi.
Bởi vì những gì Hans tiếp nhận không phải là thứ cậu mong muốn, mà xuất phát của chúng là sự mong muốn của người khác, và dù bản thân chúng có sự hấp dẫn đi nữa thì Hans cuối cùng cũng nhận ra sự vô nghĩa trong những điều mà cậu đã cố gắng. Đó chính là lúc Hans dần tuột dốc trên con đường học tập, và hậu quả là chúng ta sẽ thấy sự quay lưng hoàn toàn của những người lớn – những người được kính trọng. Như vậy, ngoài những áp lực từ việc học, giờ thì cậu bé còn phải nhận thêm những lời trách móc, sự nhạo báng, sự thất vọng đến từ người thân, bạn bè và xã hội.
Hans là một thiên tài, tâm hồn cậu vô cùng nhạy cảm. Bằng sự nhạy cảm và sự khát khao tự do, đã không ít lần cậu đã chạm đến cái cảm giác của sự siêu nghiệm, nghĩa là nhìn thấy và cảm nghiệm được những tầng thứ vượt ra khỏi nhận thức thông thường của con người. Nếu Hans được dạy dỗ cho đúng cách thì ắt hẳn cậu có thể sáng tác ra những vầng thơ như Homer hoặc Goethe, nếu cậu là nhạc sĩ thì có thể sẽ trở thành một Mozart hoặc Beethoven nào khác; nhưng không, chính những bánh xe cuộc đời đã hủy hoại cậu, họ xem những gì cậu trải qua giống như sự loạn trí hoặc sự suy nhược thần kinh.
Người ta đã trả Hans lại với cuộc đời bình thường và cuộc sống dành cho những người thường. Trong quảng thời gian này cậu cũng nhìn thấy vô số thứ rất đáng để trân trọng, những thứ mà trước đây cậu đã khinh thường, vì ở bất cứ mọi điều thuộc về đời sống đều tự thân mang trong nó một ý nghĩa nhân sinh nào đó, đơn giản bởi đó là biện chứng cho sự tồn tại của chúng. Nhưng liệu chúng có đủ đối với một thiên tài như Hans? Chắc chắn là không, và mọi sự bình thường đó đã giết chết cậu.
Bàn thêm ngoài lề:
Không khó để chúng ta đưa ra một nhận định rằng, khi nhận thức của con người vươn lên đến tầm cao mới thì đều có xu hướng chống lại sự hoạt động và vận chuyển của xã hội. Người ta sẽ chống lại nhà trường, tôn giáo, hoặc sự vận hành của chính phủ; và những sự chống đối này có thể bị gọi là phản xã hội, đó là nhìn theo cách tiêu cực, còn về mặt tích cực, sự chống đối này giúp xã hội tiến bộ hơn, nhân văn hơn và vị nhân sinh hơn, miễn là nó đừng đi đến sự cực đoan. Vì chúng ta cũng nên hiểu rằng mọi sự vận động đang có thì phù hợp với đa số con người, dù nó có vẻ rất tàn nhẫn với con người. Nói như vậy không phải là chấp nhận rằng chúng sẽ mãi như thế, nhưng sự cải thiện không phải là chuyện có thể làm ngay được, có rất nhiều bài học lịch sử cho thấy những hậu quả vô cùng khủng khiếp khi người ta muốn thay đổi điều gì đó lớn lao trong phút chốc, sự dục tốc có thể khiến chúng ta đi lạc hướng.
Gần đây những gì tôi đọc hoặc xem có sự tương đồng một cách kỳ lạ, ví như tác phẩm này và cuốn sách Thư Của Bố, hoặc bộ phim 5 To 7 và phim Loveless. Nếu cuốn Thư Của Bố khiến ta hiểu được những chấn thương tinh thần mà một người cha có thể tạo ra với con cái, thì tác phẩm này giúp ta tránh được sự hủy hoại tương lai của một đứa trẻ, mà 2 bài học này là vô cùng cần thiết với những gia đình ở Việt Nam.
Cảm ơn các bạn đã đọc bài, nhớ chia sẽ bài viết và giới thiệu Chí Blog đến mọi người, và tích cực “cứu tế” để mình có thêm động lực viết bài nghen.
OCB – ngân hàng phương đông, tk: 0003100008898001, NGUYỄN MINH CHÍ, chi nhánh Thủ Đức. Hoặc: Nguyễn Minh Chí, NH TMCP SAI GON THUONG TIN CN TIEN GIANG, Số TK: 0601 4671 8526
……………..
Top 50 bài review sách văn học kinh điển của Chí Blog
Note: nếu bài viết trên trang có giá trị, nhớ tích cực like, share, comment, giới thiệu với bạn bè về Chí Blog (Facebook) và vào chi-blog.com để đọc các bài review phim & sách hay khác.