Review sách Kính Sợ Và Run Rẩy – S.Kierkegaard: Phúc cho ai không thấy mà tin

Kính Sợ Và Run Rẩy – S.Kierkegaard là tác phẩm mà những ai muốn tìm hiểu về triết học và chủ nghĩa hiện sinh thì nên mua, tuy vậy để hiểu được những gì tác giả viết thì tương đối khó khăn đối với người Việt, vì nền văn hóa VN nói chung thì cách biệt khá xa với văn hóa phương tây, không những thế, nền tảng về tri thức của VN thiếu hụt một cách trầm trọng (trong đó có cả tôi), do đó để diễn giải được tác phẩm này là hết sức khó khăn.

Không cần biết bạn theo tôn giáo nào và có tin vào thần thánh hay không, thì việc bạn “mù” về Thiên Chúa giáo sẽ khiến bạn rất khó khăn trong việc đọc hiểu các tác phẩm như văn học, triết học, mỹ học… của phương tây, bởi Kito giáo gắn liền với nền văn hóa của họ. Hạn chế lớn nhất trong việc đọc tác phẩm này là ở chỗ định kiến về Kito giáo được hình thành bởi sự thiếu thốn kiến thức, nghĩa là việc tin hoặc không tin phải được xác lập trên những hiểu biết và lập luận có cơ sở. Ở VN có khá nhiều người ngây ngô không có một chút kiến thức gì nhưng họ sẵn sàng phủ định niềm tin vào thần thánh và xem nhiềm tin đó là ngu muội. Tương tự, việc hiểu cũng khó khăn đối với những người theo đạo (bất cứ tôn giáo nào) nhưng lại quá cuồng tín và có ác cảm với tôn giáo khác. Sẽ thuận lợi hơn đối với những người có niềm tin về Đấng Sáng Tạo nhưng nhận thức vượt qua sự giới hạn trong một tổ chức tôn giáo nào đó, tất nhiên đây là điều tương đối khó khăn với số đông con người. Dù không có số liệu chính xác, nhưng tôi dám cả quyết rằng, kể cả trong thành phần ưu tú nhất của nhân loại, ví như các tiến sĩ, giáo sư, nhà khoa học, tư tưởng gia, chính trị gia, nhà triết học… thì việc tin và không tin vẫn là 50-50, thành ra đừng bảo người tin hoặc không tin thì là ngu ngốc, vì bản thân mỗi chúng ta không đủ trình độ để phán xét điều đó.

Để dễ nắm bắt tư tưởng của Kierkegaard, tôi đã đọc lại chương viết về Kierkegaard trong Thế Giới Của Sophie: “Kierkegaard cho rằng có 3 thái độ khả hữu trước hiện sinh. Ông dùng thuật ngữ ‘giai đoạn’: giai đoạn thẩm mỹ, giai đoạn đạo đức và giai đoạn tôn giáo. Ông muốn chứng minh rằng người ta có thể đang sống ở một trong hai giai đoạn thấp thì bất ngờ nhảy vọt qua hố ngăn cách lên tới giai đoạn cao. Nhưng hầu hết mọi người suốt đời vẫn ở mãi một giai đoạn”. Như vậy là bạn hiểu tại sao trong tác phẩm Kính Sợ Và Run Rẩy thì Kierkegaard thường dẫn ra những tác phẩm văn học hoặc mang các vấn đề về luân lý ra để biện luận. Tôi cũng nhắc lại lý do tại sao Kierkegaard được xem là ông tổ của chủ nghĩa hiện sinh, các triết gia đi trước tìm hiểu về bản chất của thế giới khách quan và về con người, riêng với Kierkegaard thì điều quan trọng nhất chính là những điều đó có ý nghĩa thế nào đối với mỗi chúng ta.

Kính Sợ Và Run Rẩy nói về đức tin của Abraham trong thử thách mà Thiên Chúa muốn ông thực hiện, đó là hiến tế chính con trai độc nhất của ông, trong khi trước đó Thiên Chúa hứa rằng Abraham sẽ trở thành tổ phụ của một dòng giống vĩ đại nhất trên mặt đất này. Ấy vậy mà Abraham vẫn thực hiện yêu cầu đó một cách bình thản, điều phi lý chính là ở đây. Kierkegaard phân tích rằng, bất kỳ một con người nào khi thực hiện một hành động trái với luân lý (giết con mình) chỉ được xem là đúng khi nằm trong luân lý, ví dụ người cha dù rất thương con nhưng phải giết nó khi nó phản bội lại dân tộc nòi giống, hành động đó được gọi là “anh hùng bi kịch”, người cha ấy sẽ đau đớn nhưng hành động giết con đó được cảm thông, thậm chí ca ngợi. Trong khi điều Abraham làm lại không nằm trong bất kỳ trường hợp nào tương tự, ông không có một chút nghi ngờ nào đối với yêu cầu mang tính phi lý từ Thiên Chúa, vì nếu nghi ngờ thì ông đã mất đức tin, ông cũng không cảm thấy tội lỗi khi muốn thực hiện việc đó. Kierkegaard tự hỏi cái trạng thái ấy của Abraham là như thế nào, và Kierkegaard vô cùng muốn trải nghiệm cảm giác tinh thần đó, vì nó khiến ông kính sợ và run rẩy. Kierkegaard nhắc lại vô số lần rằng, ông có thể cảm nhận được điều mà Abraham đã làm nhờ lý luận, nhưng ông không có nổi một sức mạnh tinh thần hoặc một đức tin như thế để có thể thực hiện được điều đó.

Chí Blog có kịch bản phim điện ảnh, ai mua không?

Hẳn nhiên sẽ có vô số kẻ hời hợt bảo rằng Abraham thực hiện điều đó bởi sự mù quáng như của người điên, hoặc rằng Abraham sẽ vờ thực hiện điều đó vì biết rằng Thiên Chúa sẽ ngăn cản ông, Kierkegaard cười vào mũi những kẻ có lập luận như vậy, vì con người có thể khôn lỏi đối với Thiên Chúa hay sao? Theo Kierkegaard thì Abraham không phải như vậy, nghĩa là đức tin của Abraham cao đến nỗi vượt qua sự phi lý, vượt qua giới hạn của luân lý mà bất cứ con người nào cũng khó có thể vượt qua, chính vì tế Abraham còn được xem là ông tổ của đức tin. Một điều cần lưu ý nữa là, vì Abraham sẽ thực hiện điều mà Thiên Chúa muốn ông làm, nên khi thiên thần giữ tay ông khi ông đâm con dao xuống, thì khi ấy ông như một lần nữa được Thiên Chúa ban tặng một đứa con, điều này tương ứng với câu “Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời.” (Ga 12,25).

Kierkegaard hẳn nhiên sẽ không xem Abraham như những kẻ có niềm tin mù quáng vì hai trường hợp cách biệt nhau rất xa, không những thế, Kierkegaard “mắng” tan nát mọi kẻ tỏ ra hiểu biết nhưng thực chất chẳng biết gì cả. Ông xem những giảng viên, những giáo sư, kể cả các linh mục khi thao thao bất tuyện trước công chúng như một bọn huênh hoang tỏ ra “biết tuốt”, ông “mắng” cả châu Âu và cái thời đại này là sẽ đi đến chỗ phá sản, và chúng ta không thể bỏ qua đoạn này:

“Nếu thời đại này phải chứng nghiệm một điều như thế, cốt cho nó một lần có đủ dũng khí để tin vào sức mạnh của tinh thần, đủ dũng khí để từ bỏ việc hèn hạ dập tắt những cơn đột hứng tốt đẹp của chính mình, để từ bỏ việc đố kị dập tắt những cơn đột hứng tốt đẹp của người khác – bằng tiếng cười? Phải chăng thời đại này cần có một ‘màn phô diễn lố bịch’ của một người tâm huyết cốt để có cái gì đó mà đem ra cười cợt? Hay phải chăng nó chẳng cần đến một kẻ tâm huyết như vậy để gợi nhắc đến cái đã bị nó lãng quên” – trang 259-260

Ở đây bạn có thấy những điều mà Kierkegaard nói đã ứng nghiệm sau đó gần 100 năm? Đó là 2 cuộc thế chiến mà đặt biệt là thế chiến thứ 2 với sự xuất hiện của Hitler. Một nơi được xem là văn minh nhất thế giới, là trung tâm của sự tiến bộ loài người lại xẩy ra chuyện khủng khiếp đi ngược lại và phủ định hoàn toàn mọi giá trị thuộc về luân lý của loài người. Sau CTTG II, loài người rẽ theo 2 hướng, một bộ phận đặt niềm tin vào các giá trị tinh thần đến mức cuồng tín, một bộ phận khác lớn hơn thì biến thành hoài nghi tuyệt đối và làm tiền đề cho sự xuất hiện của chủ nghĩa hiện sinh vô thần.

Tôi dừng bài viết ở đây vì cũng khá dài, mặc dù khi tự cảm nhận thì tôi thấy mình cũng hiểu tác phẩm một cách kha khá, nhưng nói thật với các bạn là tôi nghĩ mình hiểu không quá 1/10 những gì mà Kierkegaard muốn nói (như thế là tôi đã huyênh hoang lắm rồi đấy). Điều đó cũng không sao cả, tiếp tục trao dồi kiến thức thì mỗi ngày hiểu thêm một ít, đó chính là điều thú vị khiến tôi rất muốn đọc những cuốn sách thế này. Không hẳn những gì tôi nói là đúng, mỗi người có một nhận định riêng, bài này chỉ có giá trị để bạn tham khảo mà thôi.

Cảm ơn các bạn đã đọc bài, nhớ chia sẽ bài viết và giới thiệu Chí Blog đến mọi người, và tích cực “cứu tế” để mình có thêm động lực viết bài nghen.

OCB – ngân hàng phương đông, tk: 0003100008898001, NGUYỄN MINH CHÍ, chi nhánh Thủ Đức. Hoặc: Nguyễn Minh Chí, NH TMCP SAI GON THUONG TIN CN TIEN GIANG, Số TK: 0601 4671 8526

…………

Top 50 bài review sách văn học kinh điển của Chí Blog

Note: nếu bài viết trên trang có giá trị, nhớ tích cực like, share, comment, và giới thiệu với bạn bè về Chí Blog  (Facebook) .

Facebook Comments

About Author

Minh Chí

Bạn tôi góp ý là: nhiều người ở VN thích làm màu, nên tôi cần làm màu hơn thế. Cho nên các bạn cứ nghĩ tôi rất "đỉnh" là được!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Next Post

Review sách Chúa Biết Sự Thật Nhưng Chẳng Nói Ngay - Lev Tolstoy

T6 Th10 18 , 2019
Tập truyện ngắn Chúa Biết Sự Thật Nhưng Chẳng Nói Ngay của Lev Tolstoy gồm 6 câu chuyện mà trong ấy mỗi chuyện đều ẩn chứa những hàm ý mang tính kinh điển. Hình như rất nhiều bạn trẻ hơi bị ác cảm với 2 từ “kinh điển”, đặt biệt […]

You May Like

Translate» English - Vietnamese