Review sách Thần Thoại Sisyphus – Albert Camus: một tác phẩm cơ bản về chủ nghĩa hiện sinh

2

Thần Thoại Sisyphus là một cuốn sách triết học thuần túy viết về thuyết hiện sinh, dù được viết bằng thứ ngôn ngữ phổ thông đại chúng nhưng cũng không dễ để hiểu, nhưng lại rất quan trọng để chúng ta có một cái nhìn khái quát về chủ nghĩa hiện sinh – chủ nghĩa tác động cực kỳ sâu sắc đối với quan niệm sống và văn hóa phương tây đương đại, cuốn sách này rất… rất (n+ lần) quan trọng nhé các bạn. Khó hiểu vì nó là cuốn sách triết học, vì để hiểu một cách sâu sắc thì cần rất nhiều kiến thức liên quan triết học – thần học – văn học – lịch sử, tuy vậy nếu so tính dễ/khó đọc với những tác phẩm chuyên sâu như Phê Phán Lý Tính Thuần Túy của Kant (tôi phải đặt xuống sau khi đọc vài mươi trang) thì cách biệt một trời một vực. Bài review này chỉ mang tính dẫn dắt và tham khảo để bạn dễ tiếp cận với tác phẩm, chưa hẳn đã chính xác với quan điểm của Camus vì kiến thức của tôi còn quá nhiều hạn chế.

Trong khá nhiều bài viết khác tôi thường nói đến giới hạn của con người, ta biết con người bị giới hạn trong chính nó, giống như con cá chỉ có thể nhận biết thế giới chung quanh trong giới hạn “trí tuệ” của một con cá, nó không thể có được nhận thức như một con người, tức nó không thể đạt được một “nhận thức” vượt qua chính nó; con người cũng vậy, giả như có một nhận thức cao hơn con người thì sao, con người làm sao hiểu được nhận thức ấy là như thế nào. Theo quan điểm của Camus, khi đối diện với thực tại đời sống thì có một số vấn đề con người có thể lý giải và một số khác không thể lý giải vì nó vượt qua cực hạn của con người, ông gọi những điều không thể lý giải một cách chính xác là “sự phi lý”. Vậy đời sống của mỗi người chìm nổi trong những điều “hợp lý” và “phi lý”, khi đối diện với sự phi lý không thể lý giải thì phần lớn sẽ chấp nhận một “sự đầu hàng” bằng cách gán ghép chúng vào những biểu tượng mang tính siêu nhiên như Thượng Đế hoặc những khái niệm trừu tượng như Số Phận. Ở đây cần hiểu rõ là Camus không quan tâm việc Thượng Đế có hiện hữu hay không, tức ông cũng không hoàn toàn phủ định Thượng Đế, ông chỉ quan tâm việc con người đối diện như thế nào với chính cái thực tại phi lý của chính họ. Khi gán ghép mọi sự phi lý cho Thượng Đế hoặc những quan niệm đạo đức thì chính là lúc con người thể hiện sự hèn yếu, với ông thì con người cần sự dũng cảm để chấp nhận và đương đầu với sự phi lý, chấp nhận sống trong sự phi lý.

Có vô số người xem đời sống thực tại như một phương tiện đạt được đời sống vĩnh cữu ở kiếp sau – một đời sống mà chính họ không thể lý giải và không biết nó có tồn tại hay không. Trong khi đó chính cái đời sống thực tại này mới là nơi con người đang sống, và nó bị giới hạn bởi cái chết. Vậy vấn đề đặt ra là tại sao con người không quý trọng cái thực tại đang biết, mà lại đi quý trọng điều không biết ở kiếp sống nào đó khác? Nhìn vào con người, Camus kinh ngạc khi thấy họ sống như không biết rằng một ngày nào đó họ sẽ phải chết. Bởi chỉ có một đời sống này mà ta biết, nên Camus cho rằng con người nên nỗ lực sống – sống một cách trọn vẹn trong từng giây phút; mà để làm được như vậy thì con người cần đạt được sự tự do tuyệt đối, tức không bị ràng buột bởi các quan điểm đạo đức xã hội hay lề luật của tôn giáo, con người chịu trách nhiệm với những việc mình làm không phải với một Thượng Đế nào đó mà là với chính bản thân người đó.

Ở đây ta bắt gặp một hình ảnh mà Camus đưa ra, đó là Don Juan – một anh chàng quý tộc điển trai chuyên săn tìm và chinh phục phụ nữ, Don Juan quyến rũ bất cứ phụ nữ nào mà chàng thích, đó có thể là những cô gái trẻ hoặc các quý phụ đã có chồng hoặc cả các nữ tu đã hiến mình cho Chúa. Don Juan làm thế không phải hoàn toàn vì những đam mê xác thịt, chàng chỉ muốn có được những trải nghiệm tuyệt vời trong tình yêu về cả tâm hồn lẫn thể xác trong một cuộc đời được xem là quá ngắn ngủi. Một hình ảnh khác là Sisyphus, Sisyphus đã bán bí mật của các vị thần để đổi lấy nước cho thành đô Corinth nên bị trừng phạt, anh phải đẩy một tảng đá lên đỉnh núi rồi sau đó tảng đá lăn xuống và anh lại tiếp tục đẩy lên, đó là một việc làm mang tính vô ích và phi lý đến nghiệt ngã. Đời sống của con người theo Camus cũng giống vậy khi đối diện với vô vàn sự phi lý, ông cho rằng dù đó là sự nghiệt ngã thì khi con người đẩy tảng đá lên tới đỉnh, chính lúc đó con người đã vượt qua chính mình, vượt lên trên cái số phận vô nghĩa không lối thoát, dù phải trở xuống chân núi bắt đầu lại từ đầu thì con người vẫn dũng cảm đối mặt, không bao giờ chấp nhận đầu hàng số phận.

Chí Blog có kịch bản phim điện ảnh, ai mua không?

Khi nói đến chủ nghĩa hiện sinh thì ta thường nghe những câu như “Thượng Đế đã chết” hoặc “triết học đã chết” hoặc “thần tượng đã chết”, từ “chết” ở đây không mang ý nghĩa Thượng Đế không tồn tại, hoặc triết học trở thành vô nghĩa, hoặc các thần tượng không xứng đáng; mà cần hiểu rằng khi đối diện với sự phi lý thì con người không nên gán nó và trút bỏ gánh nặng cho những biểu tượng để tìm sự giải thoát, mà phải đối đầu trực diện. Con người phi lý là con người dũng cảm dám đưa vai mang gánh nặng đời sống dù đời sống là phi lý, dám chịu trách nhiệm với chính đời sống đó. Có thể nói thuyết hiện sinh mang tính duy lý đến cùng cực, đẩy đời sống cá nhân lên vị trí cao nhất, không có bất kỳ thứ gì qua trọng hơn sự trải nghiệm cá nhân.

Tác phẩm còn có nhiều phân tích sắc bén về các vấn đề khác, như lướt qua các quan điểm của Nietzsche, Rousseau, Kierkegaard hoặc các nhà văn vĩ đại như Shakespeare, Goethe, Dostoevsky, Kafka… nhưng vì giới hạn đọc của tôi quá thấp nên không dám lạm bàn.

Lời bình của tôi:

Tôi đánh giá tác phẩm Thần Thoại Sisyphus – Camus cao hơn Thuyết Hiện Sinh Là Một Thuyết Nhân Bản – Sartre rất nhiều, vì những quan điểm mà Camus đưa ra là rất thuyết phục, sau khi đọc xong nửa cuốn thì gần như khiến tôi ngã hoàn toàn theo thuyết hiện sinh, đây là điều cực nguy hiểm. Tại sao nói vậy? Xét về mặt lý tính, quan điểm của Camus không có chỗ để chê, nhưng chính việc đưa “tính cá nhân” lên cao nhất khiến con người đánh mất vô số điều mà tôi hằng quý trọng và xem như mục đích sống, đó chính là tình yêu và lòng trắc ẩn. Con người hiện sinh theo tôi là con người không biết yêu, nếu có thì tình yêu đó là hời hợt, và hoàn toàn thiếu lòng trắc ẩn, xem thường nỗi đau của tha nhân – Don Juan là một ví dụ. Một điều khác nữa là với tôi có thể “tính cá nhân” rất quan trọng nhưng không phải là quan trọng nhất, lý tưởng hay tự do tuyệt đối chẳng là gì nếu con người phải sống trong sự cô độc, điều quan trọng nhất là hạnh phúc, mà hạnh phúc chỉ có thể tìm được qua sự hợp nhất với thế giới, để có sự hợp nhất ấy thì thứ mà con người cần chính là tình yêu chứ không phải lý trí (lý tính).

Điểm tích cực theo tôi quan trọng nhất trong chủ nghĩa hiện sinh chính là con người nên biết quý trọng thực tại, dũng cảm đối diện với thực tại, nghĩa là luôn “tỉnh thức” trong từng phút giây. Tuy nhiên tôi muốn trải nghiệm thực tại trong tình yêu và cảm xúc chứ không phải thuần lý trí mang màu sắc cá nhân; hiện sinh – tình yêu – trách nhiệm là điều Đức Jesus vẫn thường rao giảng.

Bàn xa hơn, những quan điểm của Camus chỉ dừng lại trong giới hạn nhận thức của con người, tức sự phi lý là sự phi lý và không gán ghép nó cho bất cứ điều gì khác, nhưng nếu đi theo quan điểm này thì con người sẽ không bao giờ vượt qua được thân phận nó – thân phận con người, con người dù có biến thành siêu nhân thì cũng chỉ là con người mà thôi. Trong khi tôi tin rằng có những con đường khác có thể vượt lên cao hơn, đó là niềm tin tôn giáo, tất nhiên chữ “tôn giáo” này không chỉ giới hạn bởi quan điểm của các tôn giáo đang tồn tại, mà là niềm tin về tình yêu và sự hợp nhất với Thiên Chúa thông qua lời dạy của Đức Jesus. Còn về phần bạn, nếu bạn theo tôn giáo thì có thể tìm thấy sự hợp nhất với thế giới thông qua tôn giáo của bạn, hạnh phúc đến từ sự hợp nhất chứ không phải sự phân ly.

Chủ nghĩa hiện sinh là một chủ nghĩa vô cùng nguy hiểm đối với những tâm hồn yếu đuối và ích kỷ, nếu tinh thần không đủ mạnh mẽ, kiến thức hời hợt thì rất dễ bị sa ngã vào con đường tư lợi cá nhân; khi đó chủ nghĩa hiện sinh sẽ biến thành cung cụ để ngụy biện cho lòng ích kỷ, cho đam mê và những ham muốn vật chất, khiến con người biến thành vô tình – cay nghiệt – độc đoán – cực đoan, những kẻ biến chất thế này tôi thấy rất nhiều, kiến thức nông cạn nhưng bởi vì đọc chút cuốn sách về hiện sinh nên cứ mở miệng ra là bảo “Thượng Đế đã chết” và “triết học đã chết” rồi khinh thường tôn giáo và triết học, những lời này không thể nói lung tung khi không đủ tầm, nó chỉ phù hợp với những người có kiến thức uyên bác như các nhà triết học ví như Camus hoặc Nietzsche.

Chủ nghĩa hiện sinh hình thành có thể rất sớm, tôi nghĩ đáng chú ý là vào thời phục hưng, và phát triển rầm rộ sau thế chiến thứ 2 khi mà con người đối diện với chiến tranh và cái chết, chính sự tuyệt vọng trong đời sống khiến chủ nghĩa hiện sinh phát triển rực rỡ, niềm tin về tình yêu vĩnh cữu bị lung lay, chính vì thế chủ nghĩa cá nhân ở phương tây lên ngôi, nền tảng gia đình dễ vỡ tan, nó có mặt tích cực lẫn tiêu cực. Chính vì thế bản thân mỗi người phải không ngừng tiến lên trên con đường tiếp thu tri thức (nhanh nhất bằng cách đọc sách và sự trải nghiệm mang tính hiện sinh) để không bị lạc lối.

Cảm ơn các bạn đã đọc bài, nhớ chia sẽ bài viết và giới thiệu Chí Blog đến mọi người, và tích cực “cứu tế” để mình có thêm động lực viết bài nghen.

OCB – ngân hàng phương đông, tk: 0003100008898001, NGUYỄN MINH CHÍ, chi nhánh Thủ Đức. Hoặc: Nguyễn Minh Chí, NH TMCP SAI GON THUONG TIN CN TIEN GIANG, Số TK: 0601 4671 8526

Top 50 bài review sách văn học kinh điển của Chí Blog

Note: nếu bài viết trên trang có giá trị, nhớ tích cực like, share, comment, và giới thiệu với bạn bè về Chí Blog.

Facebook Comments

About Author

Minh Chí

Bạn tôi góp ý là: nhiều người ở VN thích làm màu, nên tôi cần làm màu hơn thế. Cho nên các bạn cứ nghĩ tôi rất "đỉnh" là được!

2 thoughts on “Review sách Thần Thoại Sisyphus – Albert Camus: một tác phẩm cơ bản về chủ nghĩa hiện sinh

  1. Theo chủ nghĩa phi lý, hay hiện sinh nói chung thì
    Làm gì có lối để mà lạc, làm gì có nghĩa để mà theo
    Ta phải tự tưởng tượng ra ý nghĩa
    Ta phải tự tưởng tượng ra mình theo 1 giá trị nào đó ( Sisiphus đẩy đá) thì sẽ hạnh phúc.

    Tôi không nói là lạc lối theo chủ nghĩa hiện sinh, mà tôi nói là vươn tới chủ nghĩa hiện sinh

    1. Định nghĩa của bạn về cơ bản là đúng với chủ nghĩa hiện sinh với ý rằng tự chúng ta sẽ phải định ra một lối đi cho riêng mình chứ không nên dựa vào định nghĩa có sẵn của người khác.

      Tuy nhiên, bình luận của bạn có vẻ ám chỉ câu cuối của tôi trong bài, vậy thì có lối để mà lạc, đó là khi trước mắt bạn là vực thẳm mang đến sự chết nhưng bạn vẫn quyết tâm nhảy xuống và xem việc nhảy xuống vực là lối đi lý tưởng của bạn, và nếu bạn nghĩ đó là cách vươn tới chủ nghĩa hiện sinh thì tôi cho rằng bạn đang lạc lối, còn việc bạn không nghĩ đó là lạc lối thì đó là chuyện của bạn và con đường hiện sinh theo cách bạn định nghĩa. Đôi khi con người ta lao vào “chủ nghĩa hiện tử” mà cứ nghĩ đó là chủ nghĩa hiện sinh.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Next Post

Review sách Bức Tranh Dorian Gray - Oscar Wilde: linh hồn của thời đại

T7 Th7 13 , 2019
Bức Tranh Dorian Gray của Oscar Wilde là một tác phẩm lớn, dù chỉ có khoản 400 trang. Chữ “lớn” được tôi dùng khi nó trở thành biểu tượng mang tính kinh điển cho bản chất con người hoặc hình thái xã hội. Nếu bạn đã từng đọc những truyện […]

You May Like

Translate» English - Vietnamese