Chân Dung Chàng Nghệ Sĩ không phù hợp với đa số chúng ta – những con người sống và lớn lên với văn hóa phương đông. Tác phẩm phù hợp với số ít người có nhiều hiểu biết về Công Giáo, triết học và mỹ học phương tây. Tác phẩm như một cuốn hồi ký của tác giả về quá trình hình thành tư tưởng từ khi còn bé cho đến khi tìm được tự do để trở thành một nghệ sĩ. Bản hồi ký kể về cuộc sống thường ngày với những chuyện vụn vặt, không có nội dung cụ thể nên cốt lõi không nằm ở đây mà nằm ở sự chuyển biến tâm lý (tôi thích điều này)
Stephen sinh ra trong một gia đình trí thức thuộc hàng khá giả và bố có quyền chức thuộc về phe đòi tự trị, cậu được học trong một ngôi trường danh giá. Ireland là một đất nước sùng Cơ Đốc, màu sắc tôn giáo thấm nhuần trong đời sống người dân xứ này. Từ nhỏ cậu là một thằng bé thông minh, học giỏi nhưng khá nhút nhát, thường xuyên bị bạn bè bức hiếp và chế nhạo. Điều này tạo ra một trạng thái vừa tách biệt lại vừa hòa nhập làm tiền đề cho một cá nhân có tư duy độc lập.
Sự thất bại trong sự nghiệp khiến gia đình cậu rơi vào nghèo khổ. Chuyển đến môi trường mới, cậu cảm nhận được sự bẩn thỉu mục rỗng và hèn kém ở khắp mọi nơi, chúng mang đến cảm giác chán chường. Cậu cảm nhận được sự sa sút trong tinh thần của những người thân yêu, đặt biệt bố trước là một quý ông thì nay tràn đầy thất vọng, ông kết bạn và nói chuyện với đủ loại người để chia sẻ với họ những gì thuộc về quá khứ. Dù cậu vẫn hòa nhập vào ngôi trường mới, vẫn là một trong những học sinh giỏi nhất, ngoan nhất nhưng bên trong có một sự thay đổi lớn lao trong cách nhìn những gì diễn ra xung quanh. Cậu thấy được sự dốt nát của bạn bè, sự vô nghĩa trong lời nói cũng như hành động của chúng, đời sống thì nhạt nhẽo và vô vị.
Cậu lớn lên thành một thiếu niên với những xúc động và ham muốn đầu đời, nhưng bởi những ràng buộc của xã hội nên chúng chỉ nằm trong suy nghĩ cậu. Bên ngoài cậu là con ngoan trò giỏi, bên trong thì vô vàn những ý nghĩ báng bổ thần thánh và nhục dục. Ta phải hiểu rằng vì là một người có tư duy độc lập, cậu luôn ý thức được những gì đang diễn ra, cả trong lẫn ngoài. Nhưng sự chán chường, việc không tìm thấy một thế giới đẹp đẽ hơn cái hiện thực đang có nên cậu rơi vào sự sa ngã một cách lén lút, nhục dục mang đến cho cậu những trải nghiệm vượt lên trên cái đời sống vô vị. Hoặc nói cách khác, bởi đời sống tinh thần của cậu quá khác biệt, nó đòi hỏi những cảm nhận ở mức cao hơn cái mức bình thường mà một con người đòi hỏi. Bởi ảnh hưởng của tôn giáo, cậu luôn ý thức được bản thân là một tội đồ, một con người nhơ nhớp. Chuyện đó chỉ thực sự chấm dứt khi cậu bước vào mùa chay thánh, sau khi nghe bài giảng về hỏa ngục của thầy giảng mà cũng là cha xứ.
Tôi thích bài giảng về hỏa ngục này, nó nói về một nơi mà con người chịu vô vàn sự đau đớn khủng khiếp, đau đớn trên thân xác cũng như trong tâm hồn, sự đau khổ đó không phải chỉ là những hình phạt mang tính biểu tượng đơn thuần, mà được xây dựng và hình thành từ những suy luận mang tính triết học kết hợp với thần học, một thứ khủng khiếp nhất mà con người có thể chạm đến bằng lý tính. Bài giảng ấy kết hợp với niềm tin tôn giáo đã được hình thành từ nhỏ trong cậu đã khiến cậu sợ hãi khiếp vía như thấy mình đang đứng trước ngày phán xét ở trước mắt Chúa, cậu tưởng tượng mình đang chịu đau đớn cùng cực trong hỏa ngục tối tăm. Vì cậu yêu cuộc sống, vì ý thức bản thân nhơ nhớp, cậu đã ăn năng bằng tất cả trái tim và tâm hồn, cậu đã xưng tội.
Nếu bạn không là người Công Giáo, bạn sẽ không thể hiểu được sự tái sinh sau khi xưng tội, nó giống như bạn được sinh ra lần nữa với một cơ thể mới, một tâm hồn mới và thấy mình sống trong một thế giới mới huyền diệu hơn. Tâm hồn cậu được gột rửa sau lần xưng tội ấy, bất cứ khi nào những ý nghĩ tăm tối thoáng qua, cậu xóa bỏ nó bằng những ý nghĩ tốt đẹp, bằng sự khiêm nhượng, và vì những thứ tăm tối quá mãnh liệt, nên sự cố gắng của cậu càng mãnh liệt hơn, những chuẩn mực được đặt ra, sự nghiêm khắc như hành xác, và cậu giống như một thầy tu thực thụ.
Do những biểu hiện từ trước (ngoan, giỏi) và sau này (như một thầy tu) mà cậu được hiệu trưởng cũng là linh mục cấp cao cho gọi lên hỏi xem cậu có cảm thấy được ơn kêu gọi để trở thành một linh mục. Cậu đã tự hỏi mình điều đó, nửa muốn trở thành linh mục để hòa tâm hồn vào cái thế giới tuyệt hảo vượt lên trên những thứ tầm thường của đời sống, nửa khác thì cậu hiểu mơ hồ mục đích của mình là một thứ gì đó khác hơn. Trong thời gian suy tư về lời đề nghị đó, cậu nhìn vào mắt các thầy tu cũng như linh mục khác, cậu không còn nhận ra ánh sáng trong họ, cậu thấy linh hồn họ như một đốm lửa đang tắt dần, không còn nhiệt huyết, trong họ chỉ còn duy nhất một thứ, đó là sự vâng lời, họ giống như những chú chim bị nhốt trong lồng, dù những nghi lễ họ làm mang trong đó ý nghĩa vượt trên mọi ý nghĩa. Liệu tâm hồn ta có thể vượt thoát những thứ thuộc về thế gian tầm thường này khi không còn tự do? Liệu ta có thể thật sự vượt lên trên tội lỗi nếu chưa từng vấp ngã? Sự chuyển hóa tâm hồn chỉ diễn ra khi ta dám đối mặt với những tội lỗi trần tục, có thể trong phút yếu lòng ta ngã vào đấy, nhưng ta sẽ vươn lên và chiến thắng nó, đạp lên nó từng bước từng bước một.
Cậu từ chối lời đề nghị, cậu vào đại học, bởi cái tự do của tư tưởng, cậu trở nên bất tín với giáo hội, còn về Thiên Chúa? Cậu vẫn tin vào Ngài, vị Thiên Chúa của sự hoàn mỹ, của những gì vượt lên trên tất cả, một nơi mà mọi linh hồn luôn muốn hướng đến. Không phải thiên giới là nơi mà mọi nghệ sĩ luôn muốn đạt đến thông qua đứa con nghệ thuật của mình hay sao?
Quá trình chuyển biến của cậu có thể tóm lược qua các giai đoạn sau, nhận ra hiện thực, sa ngã, ý thức sự sa ngã, hối cải và tìm thấy thiên giới trong một con người mới, cuối cùng là thoát khỏi mọi thứ trói buộc trần tục để trở thành một nghệ sĩ thực thụ. Cái giai đoạn cuối này, cậu không còn tin vào đất nước hay giáo hội. Vì cậu thấy Ireland như một tấm lưới của quá nhiều những sợi dây thừng trói buộc nó, những sự chia rẽ về quan niệm đan xen nhau như một vũng lầy, điều cậu cần làm là thoát khỏi nó để không trở thành đối đầu với nó, hay với những gì cậu thương yêu.
Lưu ý: Truyện có nhiều câu khó hiểu do dẫn lời của các nhà thơ, nhà triết học phương tây dù người dịch đã cố gắng chú giải rất nhiều. Việc dịch từ ngôn ngữ khác sang tiếng Việt cũng khiến ngữ cảnh cũng khác đi.
Nếu bạn thấy bài viết có ích cho bạn – cộng đồng – xã hội, hãy Share hoặc hỗ trợ tài chính bằng cách thỉnh thoảng mời Chí Blog 1 “ly cà phê bình dân”: