Review phim Joker (2019): nụ cười của nỗi đau

Joker có IMDb 9.1 – số điểm rất cao, những phim thế này thì không phù hợp với những bạn còn quá trẻ hoặc coi với mục đích giải trí, và không lạ khi ta thấy khá đông người Việt xem xong lại chê dở. Việc hay hoặc dở tùy theo sở thích, nhưng nó cũng nói lên phần nào khả năng nhận thức của mỗi người, tất nhiên tôi không khuyến khích ai đó xem xong thấy dở rồi cố khen để thể hiện bản thân, làm thế thì càng tệ hại hơn. Hình như có rất nhiều người lẫn lộn Joker trong hệ liệt phim Người Dơi này với thằng hề trong phim It nên lầm tưởng đây là phim kinh dị. Đúng là thiếu thốn kiến thức sẽ hại chết người. Riêng đối với tôi thì đây là một phim hay, tiếc là tôi “mù” tiếng Anh nên không thể thưởng thức một cách trọn vẹn hơn. Tôi sẽ nói vài ý chính và cố không chạm vào nội dung để bạn còn có thể xem ở rạp.

Khi một tội ác diễn ra, điều mà người ta nhắm đến là kẻ gây ra tội ác đó, nhưng với những ai có hiểu biết thì sẽ hiểu rằng đó là hệ quả của một loạt những khuyết điểm mà hệ thống quản lý tạo nên. Sự thờ ơ của kẻ thống trị, sự lạnh lùng, vô tâm thậm chí nhẫn tâm của thành phần giàu có; tất cả điều đó khiến cho đạo đức xã hội xuống cấp, sự cách biệt giàu nghèo ngày càng xa hơn, những kẻ nghèo hèn phải sống trong sự khốn cùng, bị bốc lột, bị vắt kiệt về cả thể xác lẫn tinh thần, để cuối cùng đẩy họ đến sự điên loạn. Điều đáng nói là khát vọng hạnh phúc của những người hèn mọn đó là nhỏ nhoi thôi, nhưng đạt được lại vô cùng khó khăn, chỉ bởi vì sự tham lam của con người là không có giới hạn.

Nụ cười là một đặc trưng biểu hiện cho cảm xúc vui vẻ và hạnh phúc, nhưng mặt khác, nó như chiếc mặt nạ mà những kẻ khốn khổ phải trưng ra trước những kẻ có địa vị, kẻ nghèo phải mỉm cười để nịnh hót và mong chút sự giúp đỡ hoặc bố thí nào đó từ kẻ giàu. Còn trong mắt kẻ giàu thì sao? Họ xem cái đám hèn kém đó chẳng khác chi những thằng hề mạt hạn đang diễn những vở bi hài để họ thỏa sức cười cợt. Thành ra với một phần thế giới thì nụ cười là vui vẻ, với phần còn lại thì là nỗi đau và sự chua chát, là phương tiện để có thể sinh tồn, là chiếc mặt nạn phải cố trưng ra. Nhân cách con người bị khinh bỉ đến nỗi dù họ không cười, không muốn cười nhưng họ phải vẽ cái nụ cười ấy lên cả khuôn mặt để làm vui lòng những kẻ kia.

Khi xem bạn sẽ thấy nhiều đoạn các diễn viên đang biểu diễn cho đám người giàu có xem, hãy chú ý những điều khiến họ cười, đó là những câu chuyện về sự khốn cùng của kẻ nghèo, là sự phân biệt chủng tộc (về người Do Thái); ta tự hỏi đó là những điều đáng để tạo niềm vui sao? Khi một nụ cười phát ra, đó là sự cười cợt trên nỗi đau mà lẽ ra con người phải khóc mới là đúng. Tất nhiên sự nhạo báng đáng kinh tởm này khác xa với điều mà danh hài Sác Lô đã diễn, ông thường diễn những vai khốn cùng ngớ ngẫn để dù cười thì ta cũng thấy được vẻ đẹp trong tâm hồn và ước mơ đơn sơ của người nghèo, một bên là sự chà đạp và một bên là sự xót thương.

Chẳng ai muốn sống với tội ác, nhưng khi bị chà đạp đến cùng cực, tội ác sẽ diễn ra như là sự phản kháng, sau tội ác thì kẻ hèn mọn cảm thấy bản thân được giải phóng khỏi áp bức, họ thấy đạt được tự do hoàn toàn. Thật ra thì tội ác rất khó diễn ra khi con người còn có một cái neo để giữ họ lại, ví dụ như tình yêu của bà mẹ với đứa con, hoặc một ước mơ thành công nào đó. Nhưng nếu xã hội khốn nạn đến nỗi vô tâm hủy hoại cái neo nhỏ nhoi đó thì nó phải trả một cái giá thật lớn cho điều nó làm.

Còn với những kẻ điên thì sao? Có nên giam họ trong một bệnh viên tâm thần hay không? Tất nhiên là có nếu đó là kẻ điên thật, nhưng sẽ thế nào với những con người mà sự điên dại không phải là do chính họ tạo nên? Vâng! lẽ ra họ không điên đến độ có thể gây tổn hại đến ai, nhưng chính sự vô cảm và kỳ thị của thế giới xung quanh đã tạo ra sự cô lập rồi từ đó gieo mầm cho thù hận với xã hội. Không chỉ trong phim, có thể nói phim chỉ là sự phản ánh của những gì đang thật sự diễn ra trong đời sống, những kẻ dùng súng bắn vào các ngôi trường mà con cái kẻ giàu đang theo học, hay chỉ chút cãi vả mà tạo nên vụ giết người, đó là những ẩm ức bị đè nén chỉ chực chờ để bùng nổ.

Sự vô cảm tạo ra một xã hội đầy tội phạm và bất an, rồi khi sống trong sự bất an thì con người mơ thấy một anh hùng nào đó được sinh ra để tiêu diệt tội phạm. Thật ra thì ngay khi con người mơ tới các siêu anh hùng đã là sự thể hiện của niềm tin đã mất đối với hệ thống quản lý xã hội rồi vậy. Cái vòng lặp mang tính lẫn quẫn đó cứ mãi tiếp diễn cho đến vô cùng, hoặc con người phải biết yêu thương, hoặc họ phải gánh lấy hậu quả do sự vô cảm mang lại. Tội ác chỉ sinh ra ở nơi thiếu tình yêu và sự cảm thông.

Phải nói rằng bộ phim thành công phần lớn dựa vào diễn xuất của Joaquin Phoenix trong sự biến đổi tâm lý từ một Arthur ước mơ mang lại niềm vui cho mọi người thành một Joker khét tiếng thông minh và tàn bạo của thành phố Gotham. Qua bộ phim, ta sẽ thấy cảm thông hơn với gã điên này, sự cô đơn của gã, ước mơ về một tình yêu của gã, khát vọng có một người cha của gã, cho đến cuối cùng thì tất cả chỉ là ảo vọng, kể cả những viên thuốc mà gã cần để ngăn chặn cái “điên” cũng không còn. Không phải gã không muốn làm người tốt, nhưng theo từng bước mất đi thứ để hy vọng và yêu thương thì cuối cùng gã trao cho cái xã hội đó thứ mà nó nên nhận. Joker sẽ diễn cho đám khán giả xem, tuy nhiên hắn không diễn cái mà người ta muốn xem, hắn diễn cái sự thật tàn bạo của đời sống để họ câm ngay những nụ cười nhẫn tâm đó.

Hãy chú ý đến các trường hợp mỗi khi Joker cười, bạn sẽ thấy được sự phi lý của đời sống. Trong khuôn mặt cười của Joker bạn sẽ không thấy được lúc anh khóc, nhưng hãy nhìn vào vệt màu xanh đang chảy dài nơi mắt. Và cái đoạn đường lên xuống, thật đáng buồn khi thế giới này khiến Joker chỉ cảm thấy hạnh phúc lúc “đi xuống”, dù trong lòng anh thật sự muốn đi lên.

Tất nhiên tôi viết bài này không phải để đồng tình với tội ác, mà để bạn hiểu sự vô cảm sẽ tạo ra gì và yêu thương là quan trọng đến mức nào, phim này và rất nhiều phim khác cũng xoay quanh đề tài này, nhưng có vẻ phần lớn người ta xem nó chỉ để giải trí, chỉ để cười, nên họ mong thấy được những pha chém giết đẫm máu, những vụ nổ kinh hoàng, thế là khi không thấy nó trong phim thì họ thất vọng.

Lần này không chúc các bạn xem phim vui vẻ, tôi chỉ chúc bạn hiểu được nỗi đau và sự chua chát ẩn trong nụ cười của Joker, để bạn có thể mang đến cho mọi người những nụ cười của hạnh phúc chứ không phải của sự ê chề.

Để xã hội tốt đẹp hơn – Hãy ủng hộ tài chính Chí Blog:

Hàng thánghttps://www.patreon.com/chi_blog_movie_reviews

Paypalhttps://www.paypal.com/paypalme/nguyenminhchi2806

Bank – Người nhận: Nguyễn Minh Chí, NH TMCP SAI GON THUONG TIN CN TIEN GIANG, Số TK: 0601 4671 8526

Ví momo:

…………

Top 120 Best review phim ý nghĩa trên Chí Blog

Di Truyền – Hereditary (2018): chúng ta là vật chứa
Sự Im Lặng Của Bầy Cừu – The Silence of the Lambs (1991): người, cừu, và nhộng
Kẻ Đâm Lén – Knives Out (2019): có những cách hợp pháp để làm điều đó!
Gã Thợ Máy – The Machinist (2004): cuối con đường hầm
Trốn Thoát – Get Out (2017): tẩy não của thời đại mới
The Lighthouse (2019): sự đọa đày của thần thánh

Note: nếu bài viết trên trang có giá trị, nhớ tích cực like, share, comment, và giới thiệu với bạn bè về Chí Blog  (Facebook) .

Facebook Comments

About Author

Minh Chí

Bạn tôi góp ý là: nhiều người ở VN thích làm màu, nên tôi cần làm màu hơn thế. Cho nên các bạn cứ nghĩ tôi rất "đỉnh" là được!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Next Post

Review sách Xứ Tuyết - Kawabata Yasunari: khát vọng hạnh phúc

T3 Th10 8 , 2019
Kawabata Yasunari đoạt giải Nobel 1968, tôi thường bảo rằng không thích văn hóa quá đề cao tinh thần của người Nhật, với lại đọc tác phẩm của Nhật dễ cảm thấy nặng nề bởi sự mông lung vô định của nó. Tuy nhiên trong cái không thích cũng tồn […]

You May Like

Translate» English - Vietnamese