The Lighthouse (2019) là phim kinh dị – tâm lý – nghệ thuật rất trừu tượng. Phim này trừu tượng như thế nào? Đó là sau khi xem xong thì chúng ta chẳng hiểu gì cả, hoặc hiểu thế nào cũng được (cười). Ngày nay, chúng ta có quá nhiều phim để xem, nên có vẻ như những bộ phim thế này khá được ưa chuộng, vì nó buộc ta phải động não, trong quá trình tìm ra lời giải, chúng ta phải tìm hiểu thêm về thần thoại, khoa học, tôn giáo, văn học và nhiều thứ khác, nó cho chúng ta nhiều kiến thức hơn những bộ phim thông thường. Tên phim tiếng Việt là Ánh Sáng Tăm Tối, IMDb 7.8 , phim đã có trên mạng và rất đáng xem.
Bạn cần gì khi xem những phim trừu tượng? Đó là trí tưởng tượng phong phú, không cần phải sợ bản thân hiểu sai hoặc người khác chê cười (vì không ai dám bảo cách hiểu của họ là đúng), nhưng lập luận cần có chút cơ sở là được. Vì những thông điệp của phim mang nhiều sự đè nén nên câu từ tôi viết sẽ hơi chua chát so với bình thường.
Phim có màu sắc đen trắng, kể về một thanh niên tên Winslow, anh ấy đến hòn đảo biệt lập cùng với người giám sát là Wake để chăm sóc ngọn hải đăng. Nhiều sự việc kỳ lạ đã xẩy ra, có vẻ như họ đã trở nên phát điên sau một thời gian sống trên đảo.
1/ Cuộc đời bất công và dối trá
Chúng ta mong đợi điều gì khi bắt đầu một công việc mới? Đó là những khát vọng về tương lai tươi đẹp, dành dụm một số tiền kha khá để mua một mảnh đất rồi sau đó sống một cuộc đời an bình và vô lo. Đó cũng là điều mà những ông chủ đã vẽ ra cho chúng ta, rằng hãy chăm chỉ làm việc, nghe theo mọi mệnh lệnh của họ, càng chăm chỉ và tuân phục thì tiền lương sẽ càng nhiều và càng được trọng dụng. Thế là chúng ta tích cực làm việc như một nô lệ, như một con chó. Thời gian trôi qua, chúng ta không biết mọi thứ đang trôi theo thời gian, mảnh vườn của ước mơ chẳng thấy đâu, cái còn lại là sự mệt mỏi và cuộc sống ngày càng tồi tệ hơn.
Mọi thứ như dây thòng lọng đang siết chặt từ từ, hoặc như cái vòi bạch tuộc quấn quanh cổ, một mặt thì những ông chủ khuyến khích chúng ta chăm chỉ, mặt khác họ khuyến khích chúng ta uống thật nhiều “rượu” – thứ khiến đầu óc chúng ta trở nên đần độn. Bạn có thể hiểu “rượu” là những sản phẩm của chủ nghĩa tiêu dùng, hoặc các kênh Tivi cho gia đình. Nhu cầu đó càng ngày càng lớn, và thế là suốt đời chúng ta chỉ là những kẻ làm công cho người khác.
Bạn có thể xem ước mơ ban đầu đó như bức tượng nàng tiên cá mà Winslow đã tìm thấy, nàng tiên cá giúp anh ấy không chìm xuống biển. Nó chỉ là ảo ảnh, thứ để chúng ta nhìn vào đó để “thủ dâm tư tưởng”, để chúng ta mãi mãi bị trói buộc vào sự phụ thuộc và sự phục tùng. Những ông chủ sẽ giống như Wake, nắm giữ “ánh sáng” của ngọn hải đăng, chúng ta có thể hiểu đó là của cải vật chất hoặc trí tuệ.
Còn chúng ta thì giống như Winslow, mỗi ngày phải làm việc vất vả trong căn hầm và “sự tối tăm”. Khi con người sống trong sự tối tăm, khả năng tư duy kém cỏi, họ dễ tin vào những luật lệ bất công và sự dối trá. Và sự thật chỉ phơi bày khi chúng ta chiếm lĩnh được ngọn hải đăng, nhưng khi chúng ta được thứ ánh sáng đó soi rọi, khi nhìn thấy chính mình và sự thật về mình, thì đó có thể là điều rất khủng khiếp, nó có thể là tội lỗi và dục vọng của chính ta.

2/ Mục đích thần thánh hay tất cả chỉ là ảo ảnh?
Ở trên là hiểu theo cách thông thường, bây giờ chúng ta hãy nghĩ xa hơn. Cảnh cuối phim khiến ta nhớ đến câu chuyện thần thoại về Prometheus – vị thần mang lửa đến cho loài người nên bị trừng phạt. Khi nhắc đến Prometheus, chúng ta có thể nghĩ đến Sisyphus, cả 2 vị thần này đều cùng phải chịu những hình phạt lặp đi lặp lại. Có nhiều triết gia hiện sinh vô thần đã so sánh chuyện đó với sự vô nghĩa trong đời sống của con người, rằng cuộc đời này hoàn toàn dựa trên sự phi lý, chính vì vậy con người phải tự tạo cho chính họ một mục đích sống có ý nghĩa thần thánh.
Canh giữ ngọn hải đăng trên hòn đảo là một công việc vô cùng buồn chán, không chỉ buồn chán mà nó giống như hoàn toàn vô nghĩa, vì hòn đảo không phải là một bến cảng, chẳng có con thuyền nào cặp bến vào đó. Nhưng để hoàn thành tốt công việc, người trông giữ tự tạo một thứ ảo ảnh huyền diệu và cao cả, nó giống như cái ảo ảnh tương lai mà tôi nói ở trên. Biểu tượng vẫn là nàng tiên cá, chỉ là giờ đây mục đích đó được nâng lên cao hơn, trở thành mục đích thần thánh. Chúng ta thấy điều này trong những lời của Wake.
Chí Blog có kịch bản phim điện ảnh, ai mua không?
Wake đã đồng hóa bản thân với vị thuyền trưởng độc tài Ahab trên con thuyền Pequod trong tác phẩm Moby Dick. Cuộc chiến của Ahab với con cá voi Moby Dick là hoàn toàn vô nghĩa, ít ra thì cuộc chiến đó vô nghĩa với con cá voi, vì nó chẳng quan tâm, nó chỉ muốn sống yên bình trong đại dương bao la. Nhưng nếu Ahab không tạo ra cuộc chiến, thì cuộc đời của ông ấy sẽ chẳng còn lại gì ngoài một thân xác đang thối rữa. Vì vậy Ahab gieo vào đầu các thuyền viên một mục đích sống mang tính thần thánh.
Có thể nhận thấy rằng cái ảo tưởng của Wake đã tác động lên tư tưởng của Winslow, anh ấy khao khát chiếm lĩnh ngọn hải đăng. Bạn biết tại sao Wake đôi khi biến thành con bạch tuộc? Bạch tuộc là loài sẽ chết sau khi tạo ra thế hệ tiếp theo, và Wake đã chết sau khi ông ấy gieo tư tưởng của mình vào Winslow. Sau khi Winslow làm chủ ngọn hải đăng thì anh thấy gì? Chẳng gì cả, hoặc nói theo nghĩa khác, anh ấy hiểu ra tất cả, rằng chúng ta giống như Prometheus đang chịu hình phạt, và để tiếp tục sống, để quên đi sự khốn khổ đó, chúng ta phải tiếp tục chạy theo cái ảo ảnh thần thánh đó.
Cuộc sống hiện thực của chúng ta cũng vậy, những ảo ảnh về thành công và quyền lực, nó cứ lặp đi lặp lại không ngừng. Những ông chủ tự ảo tưởng về quyền lực của họ, giống như ông chủ trước của “Winslow”, người mà anh ấy đang dùng tên cho mình, hoặc giống như Wake. Sự thật là Winslow (thật – đã chết) và Wake đều là những kẻ đang bị đọa đày, nói cách khác thì tất cả chúng ta đều đang bị đọa đày và biến thành loài bạch tuộc. Thần thoại về Zeus đã giết cha cũng giống vậy.
3/ Quan điểm tôn giáo bi quan
Chúng ta cũng có thể so sánh những người trông giữ ngọn hải đăng như những thầy tu. Công việc của họ là bảo vệ ngọn hải đăng, bảo vệ ánh sáng để con thuyền – nhân loại không phải va vào đá ngầm và chìm sâu vào sự chết. Nhưng chúng ta tự hỏi việc đó có thật sự mang ý nghĩa gì không? Hay việc đó chỉ là sự đày đọa chính bản thân ta?
Con người có những nhu cầu về xác thịt, những đam mê và dục vọng. Lúc này hình ảnh người cá đã mang một ý nghĩa ẩn dụ khác. Cơ thể người phụ nữ – sự ám chỉ về dục vọng bản năng , đã bị biến đổi thành những gì thuộc về sự xấu xa, giống như loài yêu tinh, đôi chân biến thành thân cá và không có bộ phận sinh dục. Nhưng kể cả như vậy, con người vẫn là con người, những dục vọng thuộc về bản chất đó vẫn sẽ sống trong chúng ta, nó vẫn tạo ra những ảo tưởng.
Điều mĩa mai nhất là, nếu sự hy sinh đó thật sự xứng đáng thì nó có ý nghĩa, nhưng sự hy sinh đó có được đáp lại một cách tương xứng không? Bạn thấy gì trong phim? Khi “Winslow” còn làm công việc cũ, chỉ có anh ấy với ông chủ và những thanh gỗ. Khi “Winslow” làm công việc mới, chỉ có anh ấy với Wake và những con mòng biển. Bạn biết sự mĩa mai ở đâu không? Ở những thanh gỗ và những con mòng biển.
“Giết mòng biển là xui xẻo, mòng biển chứa linh hồn các thủy thủ đã chết”, bọn mòng biển tượng trưng cho cái gì? Hỏi chính xác hơn, bọn mòng biển tượng trưng cho “ai”? Là tượng trưng cho những con người đang sống trong xã hội, những con người u mê và tăm tối. Phim đã cho chúng ta thấy điều mà bọn mòng biển đã làm, nó cản trở công việc của “Winslow”, nó tấn công “Winslow”, và bọn mòng biển chẳng hiểu gì về ánh sáng, bọn chúng chỉ biết ăn, phá hoại hoặc làm ô nhiễm nguồn nước. Chăm sóc ngọn hải đăng cho bọn mòng biển là một điều hoàn toàn vô nghĩa.
Sau khi “Winslow” giận dữ đập chết một con mòng biển thì cơn bão đã kéo đến, điều đó tượng trưng cho sự phẫn nộ của Thượng Đế, khi kết hợp với cái kết của phim, nó nói lên một sự phản kháng đối với Thượng Đế. Chúng ta hãy nhớ lại những dòng lịch sử, loài người đã làm gì đối với những con người mang ánh sáng đến với thế gian? Loài người ngu muội đã giết họ, “ăn thịt” họ như đám mòng biển ở cuối phim. Và tôi gọi điều đó là “sự đọa đày của thần thánh”.
Cảm ơn các bạn đã đọc bài, nhớ chia sẽ bài viết và giới thiệu Chí Blog đến mọi người, và tích cực “cứu tế” để mình có thêm động lực viết bài nghen.
OCB – ngân hàng phương đông, tk: 0003100008898001, NGUYỄN MINH CHÍ, chi nhánh Thủ Đức. Hoặc: Nguyễn Minh Chí, NH TMCP SAI GON THUONG TIN CN TIEN GIANG, Số TK: 0601 4671 8526
Top 120 Best review phim ý nghĩa trên Chí Blog
………………….
Những gì tôi viết ở trên chưa chắc đã đúng, và nó mang nhiều suy nghĩ bi quan và tiêu cực, bài chỉ có tính tham khảo. Thật ra thì tôi cũng không thích những quan điểm đó, nhưng hiểu thế nào thì trình bày sẽ như vậy. Chúc các bạn ăn tết vui vẻ.
Những phim có nội dung tương tự: Triangle (2009) , Shutter Island (2010) , The Witch (2015), Dogtooth (2009), La grande bellezza (2013), Mystic River (2003) , 12 Monkeys (1995)
Nhớ Like và Share nhé các bạn.