Review phim Peotry (2010): thi ca, viagra, cây cầu

Peotry là phim tâm lý nghệ thuật của Hàn, đoạt giải kịch bản xuất sắc nhất tại Cannes 2010, là bộ phim hay với Chí Blog – “website duy nhất .. gì đó .. nghệ thuật”. Phim không phải thể loại xem giải trí, nhịp độ chậm rãi và nhẹ nhàng như những vần thơ, không có tình tiết giật gân dù gắn liền với những đề tài nhức nhối của xã hội hiện đại. IMDb 7.8 , bài viết tiết lộ nội dung phim, được tài trợ bởi một bạn đã “cà phê” cho Chí Blog.

Ý nghĩa thông điệp truyền tải

Phim kể về Mija là một người bà 66 tuổi đang chăm sóc đứa cháu trai vị thành niên ở một thị trấn, ngày nọ bà ấy đi khám bệnh và biết mình bị bệnh alzheimer, thế là bà ấy muốn học cách làm thơ, song song với đó là câu chuyện đứa cháu trai vướng vào vụ cưỡng hiếp tập thể một nữ sinh trong trường và khiến cô bé tự sát. Sau khi xem xong, câu hỏi đặt ra với mỗi khán giả là thi ca trong phim này và hiện thực cuộc sống có liên quan gì nhau?

Phim được bắt đầu bằng hình ảnh mặt nước tăm tối, sau đó tầm nhìn hướng ra xa và sáng dần, đó là một con sông như chia thế giới ra 2 phần, một bên là đồng bằng và một bên là núi non, có một cây cầu bắt qua sông; sau đó là cảnh 4 thằng bé đang chơi ở đám cỏ ven bờ, chúng nhìn ra dòng sông, trên mặt nước trôi lững lờ xác một nữ sinh, khung cảnh thật yên bình làm sao! Một sự yên bình cực kỳ đáng sợ! Nếu bạn là một nhà thơ, thì bạn sẽ viết gì về khung cảnh này, khi mà mục đích thi ca là nói về cái đẹp?

Bạn hẳn sẽ giống như nhà thơ trẻ ở đoạn giữa phim, mặt luôn cúi xuống, giọng lè nhè trong men rượu, cười cợt lời giảng dạy thi vị của nhà thơ già, và nhà thơ trẻ này nhìn “màu sắc của bầu trời giống như con mèo chết được một tháng”; hoặc bạn giống như vị cảnh sát ở tuổi trung niên, chuyên làm những bài thơ ngắn, nhưng sau đó định nghĩa lại những hình ảnh đẹp đẽ đó theo cách thô bỉ nhất, rằng nụ hôn như 2 chiếc xe tông thẳng vào nhau.

Lúc này bạn sẽ tự hỏi, phải chăng thi ca đang cố gắng tô hồng cuộc sống, nó giống với cái “thiên đường” dành cho người đã chết – khi Mija bước vào buổi lễ nguyện cầu cho cô nữ sinh trong nhà thờ; hoặc nó giống như vị ngọt của thứ trái cây chín rụng dưới đất chẳng ai thèm ăn; hay thi ca là những kỹ niệm đẹp đến nao lòng đã từng xuất hiện trong quá khứ mà nay đã không còn? Về một người mẹ hết lòng yêu thương con, về khoảnh khắc được làm mẹ, về người chị đã chăm chút cho đứa em bé bỏng mới 3 tuổi, về một cuộc “gặp gỡ” sai trái của 2 người yêu nhau.

Bạn biết đấy, bàn về thi ca, sẽ có 3 nhóm người, phần đông chẳng quan tâm gì về thơ, một ít người thích thơ, và cực ít người biết làm thơ; 2 nhóm người trước rất khó nhận xét về họ, nhưng để có thể làm thơ thì người đó chắc chắn phải có được một thứ mà nhiều người khác không có, đó là sự nhạy cảm trong tâm hồn – tôi đang nói đến những nhà thơ thật sự chứ không phải “nhà thơ” được nhào nặn từ danh lợi và truyền thông và làm màu, nói thế vì xã hội hiện giờ tồn tại rất nhiều hàng giả, giống như chậu hoa giả trong phòng bác sĩ mà Mija đã nhìn lầm.

Chí Blog có kịch bản phim điện ảnh, ai mua không?

Xã hội hiện đại: là một bà lão mất trí và một ông lão bại liệt

Vừa rồi tôi nói lan mang về thi ca để bạn đọc có thể hình dung phần nào cái trừu tượng ẩn trong nó khi liên kết với hiện thực cuộc sống, còn giờ thì mổ xẻ vấn đề theo cách trực diện hơn. Trước khi quan tâm đến thi ca, Mija là người như thế nào? Bà ấy là một người mẹ tốt, luôn liên lạc với đứa con gái làm việc xa nhà, là người bà tốt, luôn chăm sóc đầy đủ cho đứa cháu trai, nhưng tại sao đứa cháu ấy lại có thể gây ra một việc tày đình và khốn nạn đến như vậy? Đã thế nó còn sống cực kỳ vô tư sau khi gây ra chuyện lầm lỗi, không chỉ với 6 đứa trẻ đã hiếp dâm cô bé nữ sinh, mà còn cái “đám” làm cha của chúng cũng không khác là bao, họ chỉ quan tâm khắc phục hậu quả và chẳng hề thương cảm gì đến nạn nhân.

Vậy thì cái xã hội này đang thiếu hoặc quên mất thứ gì? Đó chính là sự thấu cảm trong tâm hồn! Cả thế giới này được xây nên từ vật chất, họ có cả đàn ông và phụ nữ, đàn ông thì lo kiếm tiền, phụ nữ thì ở nhà lo chuyện ăn ở mặc của con cháu, hoặc ngược lại, khi gia đình thiếu mất một trong 2 thành viên là vợ (mẹ) hoặc chồng (cha). Họ cứ nghĩ rằng chỉ bằng vào việc cung cấp đầy đủ về vật chất thì đứa trẻ sẽ có một tương lai vô cùng tốt đẹp, cho chúng có ngôi nhà tiện nghi, học trường tốt, thân xác khỏe mạnh.

Những đứa trẻ sẽ khỏe mạnh thật đấy, nhưng các bạn biết chúng sẽ phát triển thành thứ gì không? Sẽ như đứa cháu vô cảm của Mija, hoặc sẽ trở thành cô bé nữ sinh – nạn nhân của những hành động sai trái. Cái xã hội đó giống thứ gì? Giống Mija đang bị bệnh alzheimer trước khi học cách để làm thơ và lão già bại liệt mà bà ấy đang được thuê để chăm sóc, họ quan tâm và chăm sóc nhau nhưng dựa trên nền tảng là tiền bạc, con người nghĩ rằng tiền bạc hoặc vật chất có thể giải quyết mọi vấn đề trong cuộc sống.

Để thật sự hiểu phim, chúng ta thử đặt lại toàn bộ câu chuyện này theo hướng Mija không đến lớp dạy thi ca, khi ấy diễn biến tiếp theo sẽ thế nào? Bà ấy sẽ gọi điện cho đứa con gái ở xa về giải quyết chuyện tiền bạc, chẳng có gì xẩy ra với đứa cháu trai, chúng ta chẳng biết gì về cô bé nạn nhân, chuyện này lắng xuống, sau đó một khoản thời gian, trên dòng sông đó lại xuất hiện cái xác chết trôi thứ 2, rồi thứ 3, rồi thứ n, và nó cứ thế mãi, một vòng lặp vô tận của tội ác và sự vô cảm.

Nhưng bằng vào việc Mija tham gia lớp thi ca, nó giúp bà ấy nhìn cuộc sống khác đi, nhờ sự hướng dẫn của nhà thơ, bà ấy dần dần tìm lại được những phần đã quên của tâm hồn. Căn bệnh alzheimer có đáng sợ không? Nó rất đáng sợ, nhưng hầu như người ta quên rằng việc không còn nhớ gì đến tâm hồn mình – trong lúc tâm trí hoàn toàn tỉnh táo thì càng khủng khiếp hơn vạn lần, vì khi đánh mất tâm hồn, tội ác không còn là tội ác mà chỉ là một thứ rắc rối có thể giải quyết bằng tiền, việc giết người chỉ như trò chơi game trên màn hình.

Trong lớp thi ca, những nhà thơ chia sẻ về cuộc sống, về những điều tốt đẹp trong quá khứ, để làm chi? Để đừng bao giờ quên rằng chúng ta từng có nó – để biết chúng ta là ai, hoặc đang có nó – để cố gắng giữ gìn, hoặc sẽ có nó – để đừng vuột mất khi nó đến.

 Nếu như bạn để ý, trong bộ phim này, chúng ta thấy sự phân cách vô cùng sâu sắc, những đứa bé trai chơi thành một nhóm, những cô nữ sinh, những cậu bé vị thành niên, những người cha; không gia đình nào xuất hiện với đầy đủ mọi thành viên, luôn luôn thiếu một vai trò nào đó. Tại sao lại như thế? Tại vì con người ngày nay chỉ chú trọng đến tiền bạc và vật chất, họ nghĩ rằng chỉ cần có nhiều tiền thì những vai trò khác đều có thể thay thế được, giống như lão già bại liệt được chăm sóc bởi Mija chứ không phải là con cái lão.

Mọi thứ tôi đã dẫn ra đều là “ngôn ngữ điện ảnh”, nhưng để rõ hơn thì tôi sẽ phân tích tính siêu hình trong các biểu tượng ở đầu bộ phim, nó sẽ khá trừu tượng nhé các bạn, nếu làm bạn đọc mới của Chí Blog thì nên đọc thêm các bài trước sẽ dễ hiểu hơn. Bên đồng bằng – nữ tính hoặc cộng đồng tính, bên núi non – nam tính hoặc cá nhân tính, dòng sông – tình yêu, cây cầu – vật chất; như vậy khi chưa có cây cầu, con người ở 2 bên muốn đến với nhau sẽ rất khó khăn, họ phải “biết bơi” trên sông, phải hiểu “dòng sông”, và khi đó họ có thể đến với nhau mà không chết chìm; nhưng từ khi cây cầu được dựng lên, người của 2 bên bờ đến với nhau quá dễ dàng, và họ rời đi cũng dễ dàng, lúc này “cây cầu” không còn là thứ giúp con người kết nối, nó có thể trở thành thứ khiến con người tự sát.

Cô bé nữ sinh hoặc những đứa trẻ nam vị thành niên, chúng không thiếu thốn về vật chất, nhưng chúng thiếu tình yêu thương về tinh thần, chúng đến với nhau bằng tình dục – việc này quá dễ dàng trong thế giới hiện đại, vì đâu có ai thật sự quan tâm chúng đang làm gì, và cũng chả có ai dạy chúng cái gì là tốt đẹp hoặc tội lỗi, kể cả phụ huynh của chúng cũng không biết nữa là, cho nên thứ mà chúng ta nhìn thấy ở đầu phim là một bài thơ buồn, cái thế giới “tốt đẹp” mà chúng ta thấy chỉ là một chậu hoa giả không có sự sống.

 Sau khi Mija hiểu được cuộc sống, bà ấy đã làm những việc mà bà ấy phải làm, giúp lão già bại liệt có được “thứ” đã mất đi dù phải nhờ đến sự trợ giúp của viagra, dùng tiền bồi đắp nỗi đau mất con của một người mẹ, và cuối cùng là tội ác phải được vạch trần ra ánh sáng, chỉ có như thế thì vẻ đẹp trong “thi ca” mới trường tồn, mới là thật, cái đẹp của thi ca phải là cái đẹp của sự thật, của tâm hồn, của tình yêu, và đó cũng chính là lý do vì sao bộ phim có tựa là Thi Ca.

Bởi vì bộ phim này gắn liền với một loại hình nghệ thuật rất sâu sắc nên tôi chỉ có thể phân tích đến mức độ này, những thông điệp và ý nghĩa khác thì các bạn tự bổ não nhé. Sẵn nói về “thi ca”, mình cũng sẽ thử làm 2 câu thơ gửi các bạn:

Cho tâm hồn:

“Em có biết thi ca là gì?

Là nỗi đau không thốt được thành lời” – Chí Blog

Cho thể xác:

“khi Chí Blog thiếu cà phê,

bộ não thiếu điện, bàn tay thiếu sức” – Chí Blog

Nhớ tích cực mời “cà phê” để có thêm nhiều bài viết giá trị nhé:

OCB – ngân hàng phương đông, tk: 0003100008898001, NGUYỄN MINH CHÍ, chi nhánh Thủ Đức. Hoặc: Nguyễn Minh Chí, NH TMCP SAI GON THUONG TIN CN TIEN GIANG, Số TK: 0601 4671 8526

Kẻ Sát Nhân Không Mùi – Perfume: The Story of a Murderer (2006): phù du – vĩnh cữu

Vua Phá Hoại – System Crasher (2019): “Ai” bị lỗi hệ thống? – new

Khát Vọng Đổi Đời – Minari (2021): lý do phim đoạt giải quả cầu vàng

Lạc Bước Tuổi 17 – Never Rarely Sometimes Always (2020): đời nhạt như chuyến xe qua – Gấu Bạc – new

Đi Qua Màn Sương – Landscape In The Mist (1988): về bên Cha … trên trời – Nghệ Thuật –

Facebook Comments

About Author

Minh Chí

Bạn tôi góp ý là: nhiều người ở VN thích làm màu, nên tôi cần làm màu hơn thế. Cho nên các bạn cứ nghĩ tôi rất "đỉnh" là được!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Next Post

Review phim Kill Boksoon: ai là cao thủ số 1?

T3 Th6 13 , 2023
Kill Boksoon (2023) là phim hành động Hàn quốc, thể loại giải trí, nhưng tại sao nó lại được ra mắt ở LHF Berlin? Chúng ta cần hiểu rằng ở những LHF như Cannes – Venice – Berlin – Oscar thì muốn được công chiếu là cực khó, khi mà […]

You May Like

Translate» English - Vietnamese