Kawabata Yasunari đoạt giải Nobel 1968, tôi thường bảo rằng không thích văn hóa quá đề cao tinh thần của người Nhật, với lại đọc tác phẩm của Nhật dễ cảm thấy nặng nề bởi sự mông lung vô định của nó. Tuy nhiên trong cái không thích cũng tồn tại cái đáng để cho người ta cảm thấy khâm phục, bởi sự cao cả trong cách sống và hành xữ. Không thích vì cái tinh thần ấy dễ bóp nghẹt hạnh phúc cá nhân mà ta nghĩ lẽ ra xứng đáng để đón nhận. Còn riêng với Xứ Tuyết thì tôi cảm thấy đây là một tác phẩm hay vì tính nhân văn của nó.
Tác phẩm chỉ khoản 170 trang, nội dung và tình tiết khá đơn giản nhưng cũng rất lôi cuốn bởi sự mô tả tâm lý con người trong mối quan hệ giữa Komako – một geisha và Shimamura – chàng lãng tử đã có vợ con, còn có 2 nhân vật phụ khác là Yoko và Yukio – nhân vật ít xuất hiện nhưng nên được nhắc đến bởi vai trò của anh trong câu chuyện. Trước khi tiếp tục, tôi xin nhắc lại rằng, với các tác phẩm loại này thì nội dung không phải là chính yếu, mà là thông điệp được truyền tải, muốn cảm nhận được thì chỉ có cách duy nhất là đọc tác phẩm.
Chuyện kể về hành trình của Shimamura đến “xứ tuyết” – một khu nghỉ dưỡng vùng cao mà phần lớn thời gian trong năm đều bị tuyết bao phủ trong một màu trắng xóa, nơi này có các khách sạn đơn sơ và suối nước nóng cho khách du lịch, có các geisha phục vụ nghệ thuật như đàn ca hoặc múa, dân trong vùng thì hiền hòa chất phác. Shimamura là một lãng tử giàu có, anh yêu nghệ thuật nhưng chỉ mang tính nửa vời, mọi thứ với anh đều không quan trọng, anh không thật sự tin vào bất cứ điều gì, đời anh chỉ như một cuộc dạo chơi. Tất nhiên xét trên phương diện nhân cách thì không có điều gì đáng để chê trách , vì anh không phải là kẻ dối trá hoặc lừa lọc, ngược lại, anh hiểu rõ về những giá trị tốt đẹp của con người và cuộc sống. Có thể khi nhìn vào anh thì người ta sẽ sinh ra một số sự phê phán về lối sống “nghệ sĩ” đó, rằng một người đã có gia đình thì nên có trách nhiệm hơn. Thật sự mà nói thì vai trò của anh chỉ như một phông nền về sự phù du và sự bất toàn của đời sống, hoặc chỉ như một “người quan sát” để qua đó làm nổi bật lên sự mâu thuẫn nội tại và khát vọng sống của Komako.
Truyện không nói chính xác về mối quan hệ giữa Komako với anh chàng Yukio bị bệnh, ta chỉ biết rằng mẹ của Yukio và cũng là “thầy” của Komako mong muốn hai người đến với nhau, và Yukio là người duy nhất đã đưa tiễn khi Komako đến Tokyo để làm việc. Chính vì vậy mà Komako dù không đáp lại tình cảm của anh nhưng cô sẵn sàng bán thân để có tiền chữa bệnh cho anh. Ở đây ta thấy được một sự hy sinh hết sức cao cả của Komako, đó cũng là điều mà tôi nói là đáng để khâm phục trong văn hóa Nhật. Hay chuyện về một geisha có người mến mộ, sẵn sàng chuộc thân và tặng một căn nhà nhưng cô ấy lựa chọn đi theo con tim, cuối cùng bị lừa dối mà vẫn không chấp nhận lời yêu cầu trước đó, bởi trong cô luôn giữ gìn lòng tự trọng của bản thân, cô chỉ nhận khi cảm thấy sự tương xứng. Trong sự tự trọng rất Nhật này, ta không hề thấy sự quấy phá của tính tham lam trong con người, đó là vì sao mà người Nhật nổi tiếng về tính chăm chỉ và trách nhiệm khi làm việc.
Yoko là một biểu tượng mang tính siêu thực về cái tinh thần cao cả đó, mông lung, huyền ảo, đẹp, như ánh sáng, và tinh khiết như những bông tuyết ở xứ tuyết này. Yoko yêu Yukio hết mực, trao cho anh cả linh hồn và trái tim dù chẳng được đáp lại, luôn bên cạnh chăm sóc như một người vợ khi anh bệnh, thường xuyên thăm mộ sau khi anh mất.
Chí Blog có kịch bản phim điện ảnh, ai mua không?
Tác phẩm sẽ không thật sự giá trị nếu thiếu Komako, vì cô là một con người thật, một người mong mỏi được “sống” trong cái thực tại mang tính phù du này. Tình yêu của cô dành cho Shimamura là sự vô vọng, vì anh không thật sự yêu cô, vì anh đã có gia đình, vì anh đến với cô chỉ như cuộc dạo chơi. Trở thành một geisha, cô bị gắn chặt vào một thực tại phù phiếm và vô nghĩa, phải biểu diễn và uống rượu để mua vui cho khách – đó là sự đòi hỏi của đời sống, và mỗi lần cô tìm mọi cách để trốn đến với Shimamura thì chính là lúc cô cảm thấy mình được sống, sống cho chính mình, sống vì mình. Nỗi đau của Komako là biết bản thân không thể thoát được cái cuộc đời vô nghĩa, rằng cái hạnh phúc nhỏ nhoi mà cô đang có lại quá mong manh, nên cô tìm đến với nó bất cứ lúc nào có thể, cô mặc kệ luôn cả sự gièm pha có thể phát sinh, cô thường nói “em về đây” nhưng cô không về. Tuy nhiên, mặc dù vậy, mặc dù có thể trao cho Shimamura mọi thứ, nhưng Komako chưa bao giờ đánh mất lòng tự trọng của bản thân để trở nên bi lụy hoặc van xin một sự bố thí nào về tình cảm ở anh.
Trong Komako ta tìm thấy cái bản chất siêu thực của Yoko, đồng thời là một con người thực đang cố vẫy vùng để vươn lên và thoát ra cái thực tại vô vọng đang bủa vây mà vẫn giữ lấy giá trị của chính mình. Tác phẩm khiến ta cảm nhận được sự thương xót và sự cảm thông sâu sắc với số phận con người, đó là tính nhân văn. Còn lại gì nếu Shimamura ra đi và không bao giờ trở lại? Sẽ không còn gì cả, nó như cái kết của câu chuyện, đời sống như bông tuyết, khi bị ngọn lửa liếm qua thì nó tan đi và biến mất, khiến ta ngỡ ngàng tự hỏi phải chăng thứ đẹp đẽ ấy đã từng tồn tại?! Đời sống người phụ nữ Nhật, giống như xứ tuyết, nơi rất đẹp với những bông tuyết trắng trong tinh khiết, lạnh lùng cao ngạo như ngọn núi phủ tuyết quanh năm, nhưng trong lòng lại mang những dòng suối ấm áp, là nơi giúp người lữ khách rũ bỏ mọi buồn phiền rồi sau đó bị bỏ lại. Xứ tuyết luôn cho đi mà không đòi hỏi, đẹp thay và cũng thương thay!
Để xã hội tốt đẹp hơn – Hãy ủng hộ tài chính Chí Blog:
Hàng tháng: https://www.patreon.com/chi_blog_movie_reviews
Paypal: https://www.paypal.com/paypalme/nguyenminhchi2806
Bank – Người nhận: Nguyễn Minh Chí, NH TMCP SAI GON THUONG TIN CN TIEN GIANG, Số TK: 0601 4671 8526
Ví momo:
……………
Top 50 bài review sách văn học kinh điển của Chí Blog
Note: nếu bài viết trên trang có giá trị, nhớ tích cực like, share, comment, và giới thiệu với bạn bè về Chí Blog (Facebook) .