Knives Out (kẻ đâm lén – 2019) là phim trinh thám đa phong cách và đa tầng ý, nó thoát khỏi lối mòn của vô số bộ phim cùng loại. Và tất nhiên, đây cũng là phim đầu tiên của thể loại này mà Chí Blog viết bài, vì nó đặt biệt. Tại sao tôi không thích viết về trinh thám? Vì sau khi biết được quá trình phạm tội và tìm được hung thủ thì phim gần như mất hết giá trị. Vấn đề là mức độ phức tạp của phim này không kém hơn bất cứ bộ phim hack não nào, đến nỗi sau khi xem lại vài lần mà tôi cũng không thể đưa ra được kết luận cuối cùng. IMDb 8.0 , nhớ xem phim trước khi đọc, đọc xong thì bạn có thể xem lại lần 2 (cười).
Để bắt đầu, tôi trích lại lời của thám tử tư Blanc – “Nhưng dù cay nghiệt hay an ủi, cỗ máy này sẽ không bao giờ ngừng tiến về sự thật” . Đây là một câu nói có tính ẩn dụ, con người cần “sự thật”, nếu không mang đến “sự thật” cho họ, họ sẽ ray rức mãi và đào bới mãi quá khứ. Và khi có được “sự thật”, vào buổi tối họ sẽ ôm gối ngủ ngon và không còn bận tâm nữa. Một vụ án sẽ khép lại và trôi qua khi tìm được hung thủ. Cũng giống như hầu hết khán giả sẽ thốt lên sau khi xem xong phim này – “À! thì ra mọi chuyện là thế”, miễn là “sự thật” mà họ nhận được có vẻ hợp tình hợp lý với thế giới quan của họ. Đảo ngược chiều suy luận, người ta chỉ cần dựng lên một màn kịch theo cách đó thì có thể “sản xuất” và “đóng gói” hàng loạt “sự thật” thỏa mãn nhiều người.
Phần lớn những bộ phim cũ thường đi theo một lối mòn chung, đó là thể hiện câu chuyện bằng “góc nhìn của Thượng Đế”, nhưng hiện thực khách quan thì hoàn toàn khác hẳn, những gì mà mỗi người có thể nhìn thấy thì chỉ là một góc nhỏ của “tảng băng trôi”, không ai có đủ khả năng nhìn rõ mọi ngóc ngách của sự việc hoặc đời sống, đặt biệt là đối với những suy tính đang nằm trong bộ não con người. Nhưng phần lớn chúng ta ít khi chịu bỏ thời gian ra để suy ngẫm về những gì được nhìn thấy hoặc nghe thấy. Các bộ phim mới đang đi theo xu hướng hiện thực khách quan mà tôi vừa nói, nghĩa là chỉ cho khán giả thấy một phần của những gì đang diễn ra, nó có sự thật lẫn sự dối trá. Quá dễ thỏa mãn với những thông tin mà chúng ta nhận được thì rất dễ rơi vào bẫy của kẻ khác.
Sau khi xem xong phim, tôi phát hiện ra có đến 4 cách để hiểu. Cách thông thường nhất là như mọi người hiện tại đang hiểu, nghĩa là có một cô gái tốt và đáng thương lỡ gây ra sai lầm chết người, sau đó diễn ra như thế và như thế, cuối cùng nhờ vào tài năng của vị thám tử mà mọi việc trở nên tốt đẹp, hung thủ thật sự bị bắt, nó giống hao hao với cái kết của những câu chuyện cổ tích. Nếu bạn muốn nghe cách hiểu thực hơn thì tôi sẽ trình bày ở dưới.

A/ Cách hiểu thứ 2: thông minh nhưng không độc ác
Marta là một cô gái thông minh, tuy chỉ là nhân viên chăm sóc cho Harlan nhưng cô ấy cũng giống như một người bạn đối với ông. Lợi dụng vị thế đó, cô thường gieo vào đầu Harlan những ý tưởng gây bất lợi đối với những thành viên khác trong gia đình. Chúng ta nên hiểu rằng đối với những người già, điều mà họ mong muốn nhất là thấy các con của họ yêu thương nhau chứ không phải thù ghét nhau vì tranh đoạt gia tài. Marta cho rằng chính vì Harlan quá nuông chiều họ, lẽ ra nên nghiêm khắc hơn và không chu cấp, để họ biết sống tự lập và hiểu hơn về giá trị sống chứ không phải giá trị của tiền bạc. Phút 35, chú ý những lời “… điều mà cháu nói rằng ta nên làm” và “… theo như lời cháu”.
Trong cách hiểu thứ 2 này, Marta không thật sự là một cô gái tốt bụng và ngây thơ như ta lầm tưởng. Marta hoàn toàn hiểu rõ bản chất thật sự của những thành viên trong gia đình Harlan, họ nên bị trừng phạt một cách thích đáng. Từ đó có thể suy ra, chiến thắng cuối cùng của Marta không hoàn toàn mang tính ngẫu nhiên và bị động, từ chuyện hợp tác với Ransom cho đến việc nói ra sự thật với Ransom và thám tử Blanc, hoặc trong trường hợp của bà quản gia. Nghĩa là nếu sự việc đi theo chiều hướng có lợi, cô ấy sẽ làm, nếu theo hướng bất lợi, cô ấy không làm và không để mọi thứ đi quá xa ngoài khả năng khống chế.
Điều buồn cười ở đây là các thành viên khác tự họ gây ra sai lầm cho chính họ, càng làm càng sai, càng làm thì họ càng thể hiện bản chất bẩn thỉu của họ. Có lẽ sự việc sẽ không đến nỗi tuyệt vọng nếu Ransom không quá hấp tấp và tham lam. Khi xẩy ra một sự tồi tệ, con người thường chọn những biện pháp tồi tệ hơn để giải quyết vấn đề chứ không phải quay lại để sửa chữa nó. Để cuối cùng đánh mất những gì họ có, và đánh mất luôn cả bản thân họ.

B/Cách hiểu thứ 3: có đến 2 kẻ đâm lén
Trong cách hiểu thứ 3 này, vụ án từ tự sát đã chuyển thành mưu sát có sắp đặt, nghĩa là hầu hết các sự việc diễn ra không phải ngẫu nhiên. Khi xem phim, chúng ta thấy cảm phục sự tài ba của Blanc khi anh ấy đoán được những mâu thuẫn trong gia đình Harlan, về người chồng ngoại tình hoặc người con dâu nhận tiền phụ cấp đến 2 lần. Việc đó rất đơn giản, vì Blanc chính là người đã cung cấp những thông tin đó cho Harlan, bạn nhớ cảnh con chó mang khúc cây đến cho Blanc chứ? Nó thân quen với Blanc. Hãy chú ý đến cặp mắt mô hình phía sau Harlan khi ông ấy nói về việc sửa đổi bản di chúc với Ransom (trong đêm sinh nhật), nó thể hiện rằng có kẻ đang nghe lén. Không loại trừ khả năng các thông tin xấu đến tay Harlan là có mục đích tạo ra mâu thuẫn gia đình.
Như vậy trong âm mưu này, kẻ bên ngoài là Blanc, còn kẻ bên trong giật dây khiến Harlan xóa quyền thừa kế của các con sẽ là Marta – cô gái ngây thơ của chúng ta. Hãy nhớ đến lời của bà quản gia nói sau cái chết của Harlan (phút 46), rằng có 3% người tự sát vì sự đầu độc từ người gần gũi và chăm sóc họ. Trong phiên bản này, Marta đóng vai một cô gái tốt bụng và ngây thơ, sau khi đầu độc tư tưởng của Harlan, khiến ông già lú lẫn chuyển hết gia tài cho cô ấy, sau đó tự tạo ra một sai lầm vô ý để thúc đẩy ông ấy chọn cách tự sát để bảo vệ Marta. Loại mưu sát này không hiếm nhưng đòi hỏi hung thủ phải có trí tuệ cao và khả năng diễn xuất cực kỳ xuất sắc.
Chí Blog có kịch bản phim điện ảnh, ai mua không?
Với sự hợp tác đó, chúng ta không ngạc nhiên khi Blanc chọn Marta như một cộng sự đi theo trong cuộc điều tra. Và trên từng bước họ đi, các dấu vết phạm tội đều bị xóa bỏ dần. Không loại trừ khả năng bà quản gia bị gày bẫy vì những lời của bà ấy phần nào vạch trần âm mưu của họ. Khi chúng ta xem phim, trong các lời đối thoại, đừng hiểu theo nghĩa đen của nó, mà nên hiểu theo tính đa nghĩa và sự ám chỉ. Điều này không mới nếu bạn đã xem quá nhiều phim hình sự, vì nếu nói sai và bị ghi âm, nó có thể trở thành bằng chứng buộc tội. Bạn xem kết phim là hiểu rồi đấy.

C/Cách hiểu thứ 4: Sự sắp đặt hoàn mỹ
Đây mới là cách mà tôi hiểu, nên sẽ được phân tích kỹ hơn. Phiên bản này đến từ một câu hỏi của Harlan, nên nhớ rằng ông ấy là một tiểu thuyết gia trinh thám nổi tiếng, như vậy trí tuệ của ông rất cao. Harlan hỏi Marta vì sao ông ấy thường thua mỗi khi chơi cờ vây, và Marta trả lời rằng “bởi vì cháu không chơi để thắng, mà để dựng nên một bố cục tuyệt đẹp”. Vậy bố cục đó như thế nào?
Bước thứ 1, vì Marta là người chăm sóc và cũng giống như người bạn của Harlan, cô ấy sẽ khuyên Harlan nên quan tâm hơn đến con cái, điều đó thúc đẩy ông tiến hành điều tra về đời sống riêng tư của họ, và không hề ngạc nhiên khi ông biết được những bê bối của các con, nó khiến lòng ông ray rức lẫn đau buồn, ông trở nên nghiêm khắc hơn với họ và cuối cùng đẩy mâu thuẫn giữa họ lên cao.
Bước thứ 2, Marta khuyến khích ông sửa chữa sai lầm đó, như phần tôi đã phân tích ở trên, ông đã bỏ quyền thừa kế của các con. Và như lời của Blanc đã nói, Harlan vừa yêu vừa ghét đứa cháu Ransom, ông không tránh khỏi việc nói về chuyện bản di chúc bị sửa đổi với anh ta. Một kẻ tự cho là thông minh và không có đạo đức như Ransom sẽ làm gì khi nghe tin này? Anh ta sẽ tìm cách hãm hại Marta – kẻ được thừa kế, đồng thời cũng đầu độc Harlan, một mũi tên bắn chết 2 con chim. Không khó đoán là phương cách tốt nhất Ransom có thể làm là đánh tráo các loại thuốc mà Harlan thường dùng.
Bước thứ 3, nếu Marta đã có mục đích từ trước, thì không thể có chuyện thuốc bị đánh tráo mà cô ấy lại không biết. Sau khi phát hiện thuốc bị tráo, điều mà cô ấy làm sẽ là “thuận nước đẩy thuyền” nhưng theo hướng ngược lại, tức đóng một màn kịch sai lầm ngẫu nhiên như ta đã thấy. “sai lầm” này có 2 cái lợi, nó có tác dụng thúc đẩy ông già tự sát, dù ông ấy có tự sát hay không thì cô ấy luôn vô tội.
Ở đây chúng ta nói về tính cách của Harlan, một ông già 85 tuổi sẽ không sợ chết, trong khi ông yêu thương Marta đến mức có thể cho cô thừa hưởng gia tài. Ngoài ra, Harlan là một tiểu thuyết gia về trinh thám, ông bị ám ảnh bởi những gì ông viết, con người ở tuổi đó thường nghĩ đến cái chết, họ thường vẽ ra một cái chết kỳ lạ như tiểu thuyết, không chỉ chấp nhận chết, Harlan còn háo hức hướng dẫn Marta cách để thoát tội.
Tại sao cần một “kẻ chết thế” như Ransom? Nên nhớ rằng việc một người ngoài thừa hưởng gia tài sẽ mang lại rất nhiều rắc rối và kiện tụng sau đó, cách tốt nhất là người đó tự biến mình thành một nạn nhân trong một âm mưu nào đó, lúc này, sẽ như lời của Blanc, kẻ thủ ác sẽ lắp đầy vào “cái lỗ” trước đó và sự việc êm xuôi.

Bước thứ 4, để bộc lộ “kẻ chết thế” thì phải có người đến điều tra như một vụ án mưu sát. Khi bàn đến đây bạn có thấy quen quen (cười), trong truyện Conan của Nhật có tình tiết loại này. Tuy nhiên , trí tuệ ở chỗ, “kẻ chết thế” tự muốn đâm đầu vào chỗ chết chứ không bị ai ép buộc hay bị vu oan, nếu kẻ này không tham lam và độc ác thì sẽ không bị người khác giật dây, cũng như việc Harlan sẽ không tự sát nếu ông không bị tiểu thuyết trinh thám của mình ám ảnh. Trở lại phim, người điều tra vụ án phải là người vô cùng hiểu rõ gia đình này, và không ai phù hợp hơn là Blanc.
Bước thứ 5, theo sát quá trình điều tra, bằng cách nào? Cách tốt nhất là để vị thám tử đó phát hiện ra “hung thủ” ngay từ đầu. Kiểu như “tôi là hung thủ đây!” hoặc “tôi có liên quan đến vụ án này!”, thế là Marta đã được đồng hành cùng Blanc như một trợ thủ. Tuy nhiên nó cũng không đơn giản như vậy, cái “chứng cứ” được “phơi bày” phải đủ thuyết phục để Blanc tin rằng anh ấy hoàn toàn có thể làm chủ được “kẻ tình nghi”. Nhờ theo sát vụ án, Marta có vô số cơ hội xóa các dấu vết để lại, và cung cấp những “bằng chứng” giúp bộc lộ “kẻ chết thế”. Ví dụ như cái khúc gỗ khi Marta leo lên vách tường, con chó mang khúc gỗ đến, Marta ném đi, bạn nghĩ cô ấy phi tang chứng cứ? Thật ra thì Marta muốn con chó mang cái “chứng cứ” đó đến cho Blanc như sự ngẫu nhiên.
Bước thứ 6, khiến cho “kẻ chết thế” hủy hết mọi chứng cứ bất lợi. Mọi điều mà “kẻ chết thế” làm, anh ta tưởng là có lợi cho bản thân, nhưng nó chỉ là cái bẫy đưa anh ta vào gần hơn với cái chết, và hủy hết mọi chứng cứ có thể buộc tội hung thủ thật sự. Cho đến cuối cùng, không ai biết là trong máu của Harlan có chất Morphin hay không, vì mẫu máu và bản xét nghiệm đều bị đốt đi, còn bản photo thì không có giá trị pháp lý và có thể làm giả.
Về cái chết của bà quản gia, đó cũng có thể là cái bẫy dành cho cả 2, nạn nhân và hung thủ. Lá thư Ransom nhận được thì chưa chắc do bà quản gia gửi, bà ấy đến chỗ hẹn cũng chưa chắc vì thấy Ransom tráo thuốc, kể cả việc bà ấy có còn sống hay không khi Marta đến cũng là một bí ẩn, vì bà ta bị tiêm thuốc lúc 8h, còn Marta đến là 10h30, trong khi Marta nói rằng bộ não sẽ chết nếu không được cứu trị sau 10 phút.
Điều khó hiểu nhất chính là vết máu trên giày của Marta, nếu sự việc diễn ra như những gì chúng ta thấy, thì trên giày không thể có vết máu đó. Cũng như phim The Witch, những gì được thể hiện chưa chắc đã là sự thật, nó có thể là “sự tự kỷ ám thị” – một phương pháp tránh bị phát hiện nói dối, các tội phạm cao cấp hoặc gián điệp đều được huấn luyện qua phương pháp này, họ học cách tưởng tượng ra một diễn biến và tin nó là sự thật, để dù bị tra tấn đến mụ mị thì họ vẫn nói những điều họ đã tự “ám thị”. Cho nên kết hợp với việc chứng cứ bị hủy, có khả năng Harlan đã không tự sát mà bị giết khi đã hôn mê. Đó là điều mà chúng ta không bao giờ biết được.

Đa phong cách và đa tầng ý:
Phim có nhiều cảnh rất thú vị và mang tính châm biếm, ví dụ như hình ảnh 2 con chó, trùng hợp là trong phim có 2 cảnh sát. Trái bóng bị người chồng ném ra sân, sau đó vào tay Blanc, bị ném đi, con chó mang về, đến tay người vợ và cuối cùng trở về chỗ cũ. Trong phòng Harlan trước khi chết, khi mở cửa nói chuyện với Joni, phía trên có treo mô hình con báo đang vồ con khỉ, Harlan và Marta, ai là con khỉ và ai là con báo? Hình ảnh Marta ngồi trên ghế đoạn cuối phim, giống như cô ấy là nữ hoàng còn Blanc là phụ tá đứng kế bên, hoặc những con dao như muốn nói “đây là hung thủ thật sự”.
Thú vị nhất là cảnh Marta nằm sau khi bị đâm, làm tôi nhớ đến nàng Juliet, cô ấy tự sát bằng dao găm và chết thật, Marta nằm đó như một nạn nhân nhưng với con dao giả, bên cạnh là hàng trăm con dao đang hướng về khoản trống, cảnh đó mang tính ẩn dụ, hãy tự biến mình thành “nạn nhân” thì bạn sẽ thoát khỏi sự công kích. Trong cảnh về chứng cứ ngoại tình của con rể, Harlan nói “tại sao đàn ông cứ thích tự hủy hoại bản thân”, nhưng sau đó ông ta lại chọn cách tự sát. Hoặc khi cắm con dao thật xuống bàn, Harlan nói là Ransom quá tự phụ, anh ta còn chẳng phân biệt được cái nào là đạo cụ và cái nào là dao thật, sau đó Harlan chết vì dao thật, Ransom dùng dao giả và bị bắt. Chơi dao thật hay dao giả đều chết cả, quan trọng là có thật sự biết chơi dao hay không.
Về sự kỳ thị đối với người nhập cư: Ai cũng nói là xem Marta như người thân, nhưng xem hết phim mà tôi chẳng biết gia đình cô ấy đến từ đâu, lúc thì họ nói Ecuador, sau đó là Paraguay, Uruguay, Brazil. Ai cũng bảo muốn Marta đến dự đám tang nhưng “thua trong cuộc bỏ phiếu”. Hoặc độc đáo nhất là việc người chồng nói “Nghe này, nếu muốn trở thành người Mỹ, có những cách hợp pháp để làm điều đó”, trong khi tay ông ta đưa cái đĩa đã dùng xong cho Marta cầm, câu đó có thể hiểu “hợp pháp” ở đây nghĩa là làm “con ở” hoặc “nô lệ”. Cả bộ phim cũng mang tính châm biếm cho câu nói đó, khi xã hội không còn tình người thì Marta bằng phương thức “hợp pháp” đã làm chủ được ngôi nhà và tống cổ những người chủ trước đó của nó ra đường.
Về chính trị, phim mĩa mai cả cánh tả lẫn cánh hữu, họ giống như những người con ích kỷ và tham lam, thù ghét và chia rẽ nhau vì tranh đoạt gia tài, đến nỗi cuối cùng để cho người ngoài hưởng lợi.
Nếu bạn xem phim với ý nghĩ rằng đây chỉ là phim trinh thám thì rất là sai lầm, phim có nhiều sự hài hước, ví như Blanc, những điều anh ta nói cứ như là đang hướng dẫn Marta cách xóa đi chứng cứ phạm tội. Hoặc thể hiện trí tuệ, Marta biến mọi điểm yếu của cô ấy thành ưu điểm, ví dụ như việc cô ấy sẽ bị nôn nếu nói dối, nó khiến người khác tin tưởng cô ấy hơn, hoặc chuyện mẹ của Marta nhập cư bất hợp pháp, bí mật này là một phép thử để nhận ra một người bạn phản bội (Meg), và gia tăng lòng trắc ẩn của Harlan với cô ấy.
Đối với những người thường viết các bài review cho phim, tôi nghĩ là chúng ta cần rất nhiều sự thận trọng và khiêm tốn, phim không đơn giản như chúng ta nghĩ, đặt biệt là những phim có các diễn viên nổi tiếng đóng, vì kịch bản họ chọn hầu hết là những kịch bản hay. Giờ thì bạn có thể xem lại phim này lần nữa, và cả tôi cũng chẳng biết cách hiểu nào mới là đúng nhất.
Cảm ơn các bạn đã đọc bài, nhớ chia sẽ bài viết và giới thiệu Chí Blog đến mọi người, và tích cực “cứu tế” để mình có thêm động lực viết bài nghen.
OCB – ngân hàng phương đông, tk: 0003100008898001, NGUYỄN MINH CHÍ, chi nhánh Thủ Đức. Hoặc: Nguyễn Minh Chí, NH TMCP SAI GON THUONG TIN CN TIEN GIANG, Số TK: 0601 4671 8526
…………………..
Top 120 Best review phim ý nghĩa trên Chí Blog
Những phim có tính châm biếm xã hội sâu sắc: 12 Monkeys, Girl Interrupted, Get Out, Cube (1997), The Weather Man, La grande bellezza, Người Da Đen Cuối Cùng Ở San Francisco, I Daniel Blake, Capernaum, Happy as Lazzaro, Wall-E, Ký Sinh Trùng, Hitler Trở Về, The Truman Show, Once Upon A Time In Hollywood
Nhớ Like và Share bài viết nhé!
Đoạn Marta “tưởng tượng” ra sự việc diễn ra hôm đó chỉ trong tíc tắc khi blanc tung đồng xu và đỡ nó, ko phải là sự việc được kể.
Việc Marta nghĩ vậy trước khi kể cũng làm việc nôn sau khi thuật lại ở mấy câu sau chậm hơn.
Mình thì nghĩ tay thám tử có nhiệm vụ là diễn và định hướng cho đội cảnh sát hơn. Thật ra phim có nhiều tằng lớp nghĩa, nhà giàu chỉ quan tâm đến tiền và coi thường người nghèo và người nhập cư, giới trẻ chỉ đt hoặc ăn chơi lêu lổng… cảnh sát thì bù nhìn. Nhưng vì thế mà Marta và blanc cũng diễn vở này nhằm định hướng với cảnh sát cũng ko phải cách giải thích logic, marta cao thủ đến thế ko cần phải làm việc này trước đội cảnh sát gà mờ.
Có vài chi tiết khiến tôi nghi ngờ Marta, lúc bấm số đt ko bấm trúng số 9 mà chỉ hạ phần dưới của đầu ngón xuống, đoạn này camera quay macro nên ko thể “bấm lỗi ” thế được mà là dụng ý, lúc marta nổ máy xe ko chạy thực ra là chưa vặn chìa đúng 2 nấc nhằm cơ hội tiếp cận capital ameria vì ta này đánh cờ thắng ông già nên iq ko phải hạng vừa, marta muốn khai thác điểm yếu của tay này là thèm tiền.
Phim đúng là có nhiều tầng lớp, đặt biệt là châm biếm xã hội phương tây, cánh tả cũng như cánh hữu, con người chạy theo ham muốn vật chất, thiếu lòng bác ái. Còn việc Marta và Blanc diễn kịch, thật ra thì đó là diễn nhưng cũng không phải diễn, như tôi đã trình bày, khi cao thủ chơi cờ, chỉ cần đặt các quân cờ vào đúng vị trí, mọi thứ sẽ diễn ra đúng như ý muốn của người đó, giống như sắp những con domino thành hàng, đẩy 1 con ngã thì những con khác sẽ ngã theo, những gì diễn ra trong vụ án cũng giống vậy, do việc hiểu tính cách tâm lý, Marta biết những gì người khác làm sẽ đúng như ý muốn, đó là sự thật, không cần phải diễn.
Điều đó giống như một số phim nói về một số vụ giết người mà hung thủ tạo ra sự ám thị về tâm lý khiến nạn nhân tự sát, từ đó rất khó có bằng chứng để buộc hung thủ vào tội giết người.
Cảm ơn bạn đã bình luận 🙂
Bài viết lập luận hay và không chỉ mình anh là có suy nghĩ như vậy mà không ít người xem trên thế giới cũng nghĩ như vậy nhưng điểm yếu trong lập luận của anh là quá chú ý đến tiểu tiết mà không chú ý đến những yêu cầu nội tại và ngôn ngữ điện ảnh của một kịch bản điện ảnh. Một phim điện ảnh từ lúc là một cuốn phim trên giấy và nó đòi hỏi cơ bản là phải có câu trúc mở thân kết mà trong đó thân bài là sự chứng minh cho cái chủ đề và trong phim phải có hình ảnh ẩn dụ cho chủ đề được nêu lên dù đó là thể loại nào đi nữa. Cái hay của phim được đánh giá cao ở khía cạnh chuyên môn rất nhiều mà chính cách viết kết hợp kịch bản của thể loại trinh thám và thể loại tội phạm cũng nằm trong số đó. Quay trở lại hình ảnh ẩn dụ cho chủ đề thì hình ảnh đó là chìa khóa để hiểu đúng được phim. Hình ảnh quả bóng di chuyển từ lúc gã chồng đọc xong thư rồi ném đi rồi lại quay về tay bà vợ để rồi bà vợ phát hiện ra lá thư và phát hiện ra sự thật về ông chồng nhằm thể hiện cái gọi là nhân quả. Marta là người tốt được ẩn dụ qua hình ảnh cái thập giá treo trước mặt cô trong xe. Một trong những người làm nghề y tá đều xác nhận là không ít lần tránh khỏi việc máu bị rớt ra khi họ rút ống tiêm giải thích cho vết máu trên giày. Chú ý bức tranh vẽ chân chung của ông Harlan trước và sau khi vụ án kết thúc – ông cười cho thấy ông hài lòng khi đóng một vai trò trong chính câu chuyện trinh thám cuối cùng. Cũng cần chú ý là đạo diễn cũng là biên kịch rất hâm mộ với bà hoàng trinh thám Agatha Christie và yêu thích thể loại này và bị ảnh hưởng rất nhiều cho thấy giá trị của trinh thám không mất đi khi hung thủ bị phát hiện mà nằm ở việc khuyến khích người ta suy luận cũng như cho thấy tâm lý con người và xã hội. Nếu cô y tá là kẻ thao túng bậc thầy thì ông thám tử là trò hề thì câu chuyện thể loại này sẽ mất đi ý nghĩa của nó. Và như vậy thì nó chỉ là một tác phẩm độc lập chứ không thể mở rộng thành phần 2 và 3 theo kế hoạch của ông với những vụ án mới và dàn diễn viên mới trừ vị thám tử. Mình nghĩ ẩn dụ về chính trị là đúng nhưng Marta không phải là kẻ xấu hay tự kỷ ám thị vì những hình ảnh ám chỉ điều đó rất mơ hồ và không rõ ràng, chưa muốn nói nó sẽ mâu thuẫn với vai trò của ông thám tử và mục đích cuối cùng của thể loại phá án. Một diễn dịch đúng chắc chắn phải thống nhất và hợp lý với mọi thứ hoặc là nó chưa phải là cách diễn dịch đúng.
Mỗi người một cách hiểu, bạn có thể nghĩ là tôi không hiểu ngôn ngữ điện ảnh, nhưng nếu bạn đọc thêm những bài tôi viết sau này thì có thể bạn sẽ thay đổi quan điểm. Và thật ra thì đây là một bộ phim độc lập, những phần khác nếu có thì chỉ mang tính ăn theo thôi, vì bản thân phim này đã là sự kết thúc của câu chuyện này, và những phim có quan niệm như bạn nói đã không còn phổ biến trong tình hình hiện tại, giống như thể loại phản anh hùng, người ta đã quá chán chê với những kiểu trắng đen rõ ràng, cho nên ông thám tử này không còn mang màu trắng nữa mà đã ngã sang màu xám, nhà văn tự nghĩ là thông minh lại trở thành con cờ của một cô gái nhập cư bất hợp pháp, điều này châm biếm cả cánh hữu và cánh tả. Nói chung là tùy bạn, bạn hiểu 1 cách và tôi hiểu 1 cách, nhưng tôi khuyến khích bạn đọc thêm nhiều bài viết khác của tôi. Cảm ơn chia sẻ của bạn.