Chí Blog – “website duy nhất gì đó nghệ thuật” hoàn toàn ủng hộ việc cấm chiếu bộ phim này ở VN khi nó đi ngược lại với sự thật, nếu một bộ phim – sản phẩm của giải trí và nghệ thuật bị lợi dụng cho mục đích chính trị không lành mạnh – khôn lõi – vị lợi bất chính thì chúng ta cần có những phản ứng chính trị thích đáng. Tuy nhiên nếu gạt qua mấy thứ khôn lõi đó thì phần còn lại của phim vẫn đáng được công nhận, vì đây là một bộ phim hay, giàu ý nghĩa, giải trí tốt, thể hiện quan niệm đấu tranh cho nữ quyền kiểu cấp tiến và lành mạnh, không cực đoan như phần lớn những bộ phim khác trước đây. IMDb 7.4 , bài viết tiết lộ nội dung phim.
Ý nghĩa thông điệp truyền tải
Ban đầu, sau khi xem xong Trailer thì tôi có ngay một nhận định là phim sẽ châm biếm về chủ nghĩa tiêu dùng ở Mỹ, và rất may là không chỉ có thế. Việc nhân vật chính trải qua một hành trình và sau đó trưởng thành thì không có gì xa lạ với hầu hết khán giả thời nay, nhưng bài học đó có giá trị hay không lại là chuyện khác. Chính vì điểm đó, bộ phim này được trộn lẫn sắc màu của 5 câu chuyện, sự thuận/nghịch của Alice Lạc Vào Xứ Sở Thần Tiên – một “bé gái” qua lại giữa thế giới mộng mơ và đời thực, câu chuyện trong phim The Truman Show – một thế giới giả tạo với cuộc sống giả tạo lặp đi lặp lại, câu chuyện trong phim The Matrix – “bé gái” nhận rõ hiện thực, câu chuyện trong phim Avengers: Endgame – cuộc chiến dành gái của các “bé trai”, câu chuyện thiên thần muốn làm người phàm (từng có trong rất nhiều phim) – từ “bé gái” biến thành một người phụ nữ trưởng thành cả về thể xác lẫn tinh thần.
Bộ phim được khởi đầu bằng diễn biến rất ấn tượng, những em bé gái đang chơi búp bê có hình ảnh là những đứa trẻ sơ sinh, rồi bỗng nhiên Barbie xuất hiện với một hình thể cao lớn – xinh đẹp – quyến rũ như một nữ thần, thế là một cuộc cách mạng đã diễn ra, những em bé gái đập nát tất cả búp bê của chúng. Đây là một hình ảnh mang tính châm biếm sâu sắc, thú vị và hài hước, nó mang tính ẩn dụ cho phong trào nữ quyền khi còn ở trạng thái “trẻ con”, chúng ta đã quá quen với việc các bé gái chơi búp bê có dạng em bé và xem chuyện đó là bình thường, nhưng nếu xét sâu xa hơn, thì đó là một định kiến mà xã hội áp đặt lên vai người phụ nữ, nghĩa là vai trò của phụ nữ chỉ gắn liền với việc gia đình và chăm sóc con cái, tất nhiên là tôi đang nói về tính cực đoan của nó, được chăm sóc con cái là một đặc ân rất lớn dành cho phụ nữ, nhưng nếu xem đó là thứ mang tính áp đặt thì nó thành gánh nặng – bất công – bất bình đẳng, và nam giới lợi dụng định kiến này để rũ bỏ trách nhiệm của họ.
Cảnh tiếp theo cho chúng ta thấy thiên đường của những Barbie, mọi thứ trong thế giới này đều mang màu sắc tươi trẻ và xinh đẹp, những Barbie với đủ loại vai trò trong xã hội như tổng thống – khoa học gia – nghệ sĩ – nhà văn – bác sĩ – kỹ sư – nhà quản lý …, ngoài ra thì có những búp bê nam được tạo ra với vai trò làm nền và phục vụ cho Barbie, tuy nhiên tất cả chỉ thể hiện bởi vẻ ngoài và mọi thứ đều là đồ chơi, những cốc nước không có nước, những đồ dùng trong tủ lạnh chỉ là nhãn dán, bánh không ăn được, phòng tắm – hồ bơi – biển không tắm được. Hàm ý đây chỉ là một thế giới ảo, những sự vẻ vời giả dối về tương lai “thành công” dành cho những bé gái, và thực chất thì những món đồ chơi đó đang phục vụ cho chủ nghĩa tiêu dùng phát sinh từ thế giới thật – như nhận xét của cô bé ở tuổi mới lớn trong phim.
Rắc rối phát sinh với Barbie chính của chúng ta khi bàn chân của cô ấy không còn định hình ở kiểu nhón chân lúc mang giày cao gót, thế là cô ấy nghĩ rằng chân cô ấy bị “hỏng”, và vài biểu hiện bị “hỏng” khác như trong cuộc vui thì cô ấy chợt nhắc đến “công việc”, vì “công việc” là một khái niệm không tồn tại trong thế giới mộng mơ này, ở đây chỉ có vui chơi và hưởng thụ. Cảnh này mang tính ẩn dụ hen, rất nhiều người trong chúng ta bị nhồi nhét cái ảo tưởng rằng khi làm tốt công việc chính là sự cống hiến dành cho xã hội, hoặc đó là điều chúng ta ước ao, là sự thành công, là mọi thứ tốt đẹp nhất, nhưng thực chất thì chúng ta chỉ là những nô lệ và là món đồ chơi không hơn không kém, cho nên khi “công việc” được nhắc đến thì thế giới của những Barbie ngừng hoạt động. Để giải quyết rắc rối thì Barbie phải tìm đến một Barbie khác bị “hỏng” nặng hơn, vì Barbie này có thể kết nối với thế giới thực và biết con đường để đi đến đó.
Chí Blog có kịch bản phim điện ảnh, ai mua không?
Vậy là nàng Barbie của chúng ta lên đường tìm đến thế giới thực, và bởi vì Ken là búp bê được tạo ra để “yêu” Barbie nên anh đã theo cùng. Trong thế giới thực có gì? Tất cả mọi thứ đều do đàn ông làm chủ, nó làm Barbie bối rối, và làm Ken thần tượng – vì anh ấy chưa bao giờ được tôn trọng trong thế giới mộng mơ. Lúc này chúng ta thấy một phiên bản hài hước của The Matrix, những đặc vụ mặc áo vest rượt đuổi, những căn phòng và bà già “phù thủy” – là 1 trong 2 “đấng sáng tạo”. Ở thế giới thực này, Barbie học được bài học về ý nghĩa của sự sống, còn Ken học được bài học về quyền lực thông qua những cảnh sát cưỡi ngựa trong thành phố.
Các bạn có biết tôi thích những bộ phim hay của phương tây ở điểm gì? Đó là khi nói đến một điều gì thì nó đều mang tính 2 chiều và đa diện, ví như việc chuyển đổi từ búp bê có hình tượng trẻ con sang búp bê người lớn là Barbie, nó vừa thể hiện cái chủ nghĩa tiêu dùng – mặt tiêu cực, nó lại thể hiện khát vọng về sự công bằng và bình đẳng giới của người phụ nữ – bà “phù thủy” đã tạo ra búp bê Barbie với đủ mọi hình thái khác nhau về địa vị trong xã hội, vì bà ấy phải sống trong một thế giới mà mọi thứ đều do đàn ông làm chủ. Một đối chiếu 2 chiều khác cũng mang hàm ý này là trạng thái tâm lý của Ken, trong thế giới mộng mơ thì Ken chỉ là món hàng kèm theo, như vật trang sức dành cho Barbie, nên khi vào thế giới thực, quyền lực khiến anh ấy say mê; trong góc nhìn ngược lại, khi phụ nữ là phụ thuộc, họ sẽ say mê và muốn nắm giữ quyền lực như đàn ông.
Các bạn có biết việc Barbie bị “hỏng” là do đâu? Là do chủ nhân đầu tiên của Barbie tạo ra, đó là người mẹ, sau khi lớn lên thì bà ấy vỡ mộng vì cuộc sống thật không đẹp như mộng tưởng, tiếp theo sau là con gái bà ấy, khi cô bé đến tuổi vị thành niên, cô bé nhận ra thứ chủ nghĩa tiêu dùng tồn tại trong cách người ra tạo ra búp bê Barbie, nhận thức thực tế đã làm biến đổi thế giới mộng tưởng.
Barbie và Ken vì bị rượt đuổi nên lại chạy về thế giới mộng tưởng, và Ken sau khi học được bài học về quyền lực đã làm một cuộc “cách mạng” tại đây, những nàng Barbie nhanh chóng đánh mất quyền lực của họ và trở thành những cô nàng phục vụ cho những Ken. Các bạn có biết tại sao quyền lực của những Barbie dễ sụp đổ? Vì quyền lực của họ là những ảo tưởng mà họ được người khác trao cho, họ không thật sự hiểu được giá trị của nó, quyền lực thật sự chỉ có được khi tự thân tranh đấu chứ không phải sự ban ân từ kẻ khác, trong khi đó thì Ken hiểu được. Tiếp theo thì những Barbie được nàng Barbie chính giúp đỡ để thay đổi cục diện, mưu kế của họ là tạo ra sự mâu thuẫn trong nội bộ của những Ken, lúc này chúng ta thấy được một cuộc chiến hết sức hoành tráng giữa 2 phe Ken, nó giống như trận chiến cuối cùng trong phim Avengers: Endgame, thú vị hơn nữa là có thêm những vị khách mời áo vest đen của “The Matrix”, loạn tùng phèo.
Kết phim, Barbie muốn trở thành con người, bởi cô ấy tìm thấy những vẻ đẹp sâu sắc hơn từ thế giới thực, cảnh cuối cùng là chuyện cô ấy khám phụ khoa, để giải mã hàm ý của đoạn này cũng khá thú vị. Các bạn biết đấy, búp bê Barbie có hình dáng như phụ nữ trưởng thành nhưng nó không có con “hến” hen (haha – yên tâm là mình không bàn với hàm ý bậy), nhưng khi cô ấy trở thành con người thì cô ấy có con “hến”, nghĩ là thế này, khi búp bê trong hình tượng một đứa bé, chúng ta nghĩ đến định kiến là phụ nữ chỉ có vai trò chăm con, và “hến” chỉ dành cho mục đích sinh con, có cũng không thật sự là có, trong hình tượng Barbie, chúng ta nghĩ đến chủ nghĩa tiêu dùng và phụ nữ chỉ là món “đồ chơi” của đàn ông, và “hến” là vật sở hữu của đàn ông, có như không có, còn khi Barbie trở thành con người, “hến” cô ấy là thật sự của cô ấy, và cô ấy có thể dùng nó cho bất kỳ thứ gì mà cô ấy muốn, không bị tướt đoạt, không bị áp đặt, cô ấy có thể dùng nó trong tình yêu, dùng nó để sinh con.
Từ câu chuyện về sự biến đổi của những búp bê, bộ phim cũng cho chúng ta thấy được sự biến đổi mang tính 2 chiều của xã hội loài người, một mặt tối và một mặt sáng, một mặt khiến xã hội đi xuống và một mặt khiến xã hội đi lên, và quá trình đó là tất yếu. Tiêu đề tôi ghi “nữ quyền cấp tiến” là do bộ phim không dừng ở chỗ khi những Barbie giành lại được quyền lực từ những Ken, và sau đó Barbie chính đã chọn lựa làm con người và trân trọng những vẻ đẹp chân thật đến từ cuộc sống, còn những Barbie và Ken khác thì vẫn còn lẫn quẫn trong thế giới ảo – đó là những người còn say mê những thứ bên ngoài như vật chất hoặc quyền lực, nhiều phong trào nữ quyền cực đoa đang tồn tại thì chẳng khác nào những Barbie còn lại trong phim, họ chỉ đang tự biến họ thành đàn ông và giống như đàn ông – thứ mà họ muốn chống lại.
Về biểu tượng con ngựa mà Ken tôn vinh, Ken đánh đồng hình ảnh con ngựa với quyền lực, trong khi nó chỉ là vật cưỡi, giống như cái ghế của vị vua, Ken nghĩ rằng khi có được quyền lực thì sẽ được yêu thương và tôn trọng, đó cũng là sự lầm lẫn, nếu dùng quyền lực để đạt được yêu thương và tôn trọng thì yêu thương là giả dối và tôn trọng chỉ là hình ảnh của sự sợ hãi, yêu thương phải xuất phát từ yêu thương, tôn trọng phải xuất phát từ trách nhiệm và hy sinh. Đoạn gần cuối khi Barbie nhấn mạnh chữ “Ken” hàm ý rằng các Ken là giống nhau nhưng mỗi cá thể là 1 Ken độc nhất, Ken chính của chúng ta gật đầu có vẻ hiểu nhưng anh ấy không thật sự hiểu, cho nên anh ấy ở lại thế giới mộng mơ và cái áo của anh ấy có hình con “hải mã”, nếu anh ấy hiểu thì anh ấy đã muốn trở thành con người như Barbie và có một cái tên riêng và có được cái “vòi nước của ấm trà” (haha), vì nếu chỉ dùng nó như một thứ phục vụ bản năng thì có cũng như không có, con ngựa là biểu tượng hòa trộn giữa cá nhân – tập thể – bản năng.
Sau khi đọc bài này thì bạn nghĩ bộ phim này có xứng đáng đạt được doanh thu cao? Đây là một bộ phim hay, cả về mặt thông điệp lẫn tính giải trí, phim không được chiếu rạp nhưng đã có trên mạng, chúc các bạn xem phim vui vẻ.
Nhớ tài trợ “cà phê” cho mình, vì các bạn sẽ không tìm được bất cứ bài nào thế này trong ở mọi quốc gia hoặc ngôn ngữ hoặc trong những thế giới lượng tử khác.
OCB – ngân hàng phương đông, tk: 0003100008898001, NGUYỄN MINH CHÍ, chi nhánh Thủ Đức
Review phim Kill Boksoon: ai là cao thủ số 1?
Review phim In The Mood For Love: nỗi ám ảnh tính dục
Review phim Burning (2018): một xã hội té giếng
Review phim three colors: Blue – xe đụng cây, tự do rồi!
Review phim Aftersun (2022): tự do không nơi chốn
Anh Chí Xem Thử Love Exposure 2008 Đi Ạ Nếu Hay Thì Lên Một Bài Review
Ừ,phim này xem trailer rất thú vị nha, viết bài cho phim nghệ thuật hoặc kinh dị nhiều quá cũng mệt, có thể đổi khẩu vị trẻ trung và vui tươi hơn, nếu phim có nhiều thông điệp ý nghĩa sẽ viết bài lên website, nếu ít hơn thì sẽ viết bài lên facebook.
Ủa Phim Dài Quá Hay Sao Mà Chưa Lên Bài Vậy Anh Chí
Từ từ bạn ơi haha, phim rất hay, chờ 2-3 hôm nữa sẽ có bài, mấy ngày gần đây hơi bận tí 🙂
Cho mình xin link phim Barbie với. Xin cám ơn
Bạn có thể lên google đánh chữ “phim barbie vietsub” sẽ ra vài trang có thể xem phim á, bởi vì đa số là các trang xem phim lậu nên mình không tiện dẫn link hen.