Prey (2022) là phim hành động – viễn tưởng khá hay, cốt truyện đơn giản dễ hiểu, nhưng phải chăng nó chỉ như vậy? Chí Blog – “website duy nhất vũ trụ lượng tử giải mã phim nghệ thuật” sẽ giúp bạn thấy nó “đơn giản” thế nào, khi bạn đọc khá nhiều bài trên Chí Blog, bạn sẽ thấy rằng mọi thứ không hề đơn giản như chúng ta thấy, tôi sẽ chỉ ra khá nhiều “ngôn ngữ điện ảnh” trong bài này, nếu nền điện ảnh VN cứ mãi chú trọng cái “bề nổi” thì còn rất rất lâu mới đuổi kịp các quốc gia khác. IMDb 7.2 , bài viết tiết lộ nội dung phim.
Ý nghĩa thông điệp truyền tải
Nội dung phim Prey khá đơn giản, một kẻ UFO đến trái đất để săn mồi, hắn rất ghê gớm, vũ khí trang bị đến tận … trán, nhưng rủi thay là hắn đã dây vào một cô nàng trên hành tinh này, thế là sau đó hắn bị bẻ răng và bị chặt đầu; đi săn không bị xem là ngu ngốc, nhưng nghĩ rằng phụ nữ giống như con mồi thì quả là quá dại khờ. Tôi đùa chút thôi, nhưng từ đó cũng thấy được bộ phim này có hơi hướm nói về nữ quyền, tuy nhiên đó cũng không phải là tất cả, nó còn rộng lớn hơn thế, nó liên quan đến một thứ mà chúng ta gọi là vượt qua chính mình hoặc sự giác ngộ.
Không phải ngẫu nhiên mà bối cảnh phim được đặt vào khoản thời gian là năm 1719, đó là thời kỳ có vô số dân từ châu Âu đổ sang châu Mỹ để khai thác tài nguyên thiên nhiên, họ tham lam và độc ác, họ săn bắn vô tội vạ, họ mơ về sự giàu có, nhưng thứ họ nhận được lại là cái chết.
Tôi sẽ không đi sâu vào tình tiết phim mà bắt tay ngay vào việc phân tích, chìa khóa sẽ là “bộ 3”, có 3 nhóm người cùng tồn tại, bộ lạc châu Mỹ, người châu Âu, và UFO. Như chúng ta thấy, họ thể hiện 3 cấp độ “văn minh” khác nhau. Bộ lạc – xã hội nguyên thủy với công cụ và vũ khí thô sơ, người châu Âu – vũ khí hiện đại hơn, UFO – vũ khí cực kỳ tối tân. Ngoài sự khác biệt về “công cụ” thì khi xét đến trí tuệ lại không có sự cách biệt nào quá lớn.
Thật ra thì “bộ 3” này đang thể hiện hướng “phát triển” trong nền “văn minh” của chúng ta, ở cấp độ đầu tiên thì loài người sống theo tính cộng đồng, họ săn bắn để sống, trong cấp độ 2, loài người sống theo tính cộng đồng và cá nhân, họ săn bắn vì tham lam, chỉ vì bộ da mà họ tận diệt cả đàn bò rừng và vứt bỏ lại thịt của chúng, trong cấp độ 3, loài người sống thành những cá thể riêng lẽ – UFO là biểu tượng cho sự lên ngôi của tính cá nhân, việc đi săn chỉ còn là một trò chơi mang tính mạo hiểm, giết chóc để thỏa mãn sở thích bản thân.
Điều tôi vừa nói thể hiện rất rõ ràng trong phim, khi một ai đó trong bộ lạc mất tích, họ sẽ tìm kiếm và mang về, họ chiến đấu cùng nhau, sự phối hợp tương đối bình đẳng, họ ngăn cảm một người đến nơi nguy hiểm – đừng chỉ nhìn vào việc Naru bị cười chê. Còn với những người châu Âu, cả đám đông làm theo lệnh của “ông chủ” tham lam, ai chết mặc ai, khi nhận ra sự nguy hiểm thì họ mặc nhiên bỏ rơi đồng đội. Đến phiên UFO thì hắn chỉ hành động một mình. Như vậy quá trình đó đi từ cộng đồng tính sang cá nhân tính, đi từ máu “đỏ” đến máu “xanh”.
Chí Blog có kịch bản phim điện ảnh, ai mua không?
Biểu tượng UFO này rất đặt biệt và đa nghĩa, một mặt nó ám chỉ tính cá nhân trong từng cá nhân, mặt khác sâu xa hơn thì nó ám chỉ một xã hội mà tính cộng đồng chỉ còn là cái vỏ bề ngoài, và đám đông bị biến thành cô cụ vô cảm để phục vụ cho một ý chí duy nhất; ở đây chúng ta có thể liên hệ đến những chế độ độc tài toàn trị, hoặc liên hệ luôn cả các nước phương tây khi mà đa số con người trong đó bị dẫn dắt bởi một thiểu số cực kỳ giàu có. Nhưng phần lớn con người trong cả 2 mô hình xh này đều không nhận ra điều đó – tính năng “tàng hình” là “ngôn ngữ điện ảnh” cho điều đó.
Bộ phim phản ánh cho chúng ta thấy rằng nếu con người sống dự trên nền tảng là thuyết “đấu tranh sinh tồn” của Darwin sẽ dẫn đến đâu, đó là sự chết, thuyết này chỉ dùng cho những loài vật cấp thấp trong thế giới tự nhiên, mà con người thì vượt qua những giống loài này – câu chuyện về con rái cá có chân bị mắc kẹt mà Naru kể mang hàm ý này, cô ấy bảo rằng cô ấy không phải là con rái cá ngu ngốc đó.
Naru là biểu tượng cho hình ảnh con mồi, hoặc hình ảnh bị xem là kẻ yếu về mặt sinh tồn khi hiểu theo bề nổi, nhưng bạn cũng cần nhớ rằng con người thì có trí tuệ, con người có thể học hỏi để trưởng thành và trở thành “kẻ mạnh”. Để đánh dấu sự trưởng thành thì người của bộ lạc có nghi thức Kuhtaamia, người mẹ của Naru bảo rằng nghi thức đó không phải dùng để chứng minh Naru có thể đi săn, mà mục đích chỉ có một: học được cách sống sót. Nghĩa là đi săn là hình thức bên ngoài, sống sót là bản chất bên trong; hoặc nói về điện ảnh, nội dung chỉ là hình thức, thông điệp ý nghĩa mới là bản chất.
Suốt chiều dài của bộ phim là quá trình học hỏi để trưởng thành của Naru, ban đầu cô ấy muốn trở thành kẻ săn mồi để chứng minh bản thân, muốn được công nhận từ mọi người trong bộ lạc, và kết phim cho thấy rằng cô ấy đã trưởng thành, nghĩa là học được bài học “sống sót”, rời xa “sự chết”, còn những kẻ như đám người châu Âu hoặc UFO thì cứ đâm đầu và chỗ chết nên họ chết sạch, cả đám đàn ông của bộ lạc cũng vậy.
Bộ phim chỉ ra cái xu hướng mà loài người cần hướng tới, đó là học hỏi để sống sót chứ không phải để trở thành “kẻ mạnh” ở hình thái bề ngoài. Sức mạnh được thể hiện qua khả năng giết chóc, qua vũ khí – công cụ giết chóc, liệu chúng có giúp cho người sữ dụng thoát được cái chết? Hay họ bị giết bởi chính thứ công cụ mà họ tạo ra? Naru là một cô gái có trí tuệ, bởi vì bị xem là con mồi, là kẻ yếu, cô ấy có được kinh nghiệm quan sát và tìm ra điểm yếu của kẻ đi săn, cô ấy sữ dụng những “công cụ” của họ để tiêu diệt họ.
Về “ngôn ngữ điện ảnh”, màu đỏ và màu xanh, vị tộc trưởng bộ lạc có nửa khuôn mặt tô đỏ – ông ấy được cộng đồng bộ lạc tôn vinh và công nhận, Naru với vệt máu màu xanh dưới 2 mắt – cô ấy vượt qua được chính mình, cấp độ trưởng thành của cô ấy cao hơn các chiến binh khác hoặc vị tộc trưởng.
Điều gì giúp Naru trở thành kẻ mạnh thật sự, hoặc sống sót trong cuộc sinh tồn này? Đó chính là khả năng chữa lành và khả năng chiến đấu. “Nóng” và “lạnh”, UFO không thấy được cơ thể “lạnh”, hắn chỉ thấy được cái “nóng” – những kẻ đi săn như hắn, nên hắn chết. Sức mạnh của UFO (hoặc đám người châu Âu) phụ thuộc vào sức mạnh của công cụ giết người nên hắn chết bởi trí tuệ của Naru khi cô ấy dùng cả “thế giới” này (mà trong đó có cả công cụ của hắn) chiến đấu với hắn, nên hắn chết bằng cách mũi tên xuyên qua đầu – “não ngắn” á.
Trong phim có 2 thứ công cụ giống nhau, cây búa của Naru và súng bắn tên theo đèn laser của UFO. Cây búa là một công cụ “chặt rễ cây” do cha Naru để lại, cô ấy dùng nó cho công việc, cho chiến đấu, sau đó nó có sợi dây nối dài, nó cũng là dây móc câu giúp Naru thoát khỏi đầm lầy, Naru biến một công cụ chuyên dùng thành đa dụng và chỉ có cô ấy là có thể khống chế nó cách tốt nhất, cũng giống cách cô ấy dùng loài hoa chữa bệnh thành công cụ chiến đấu. Trong khi khẩu súng của UFO chỉ đơn thuần là một công cụ giết người, bởi vì nó “tự động” theo lập trình, nên có lúc công cụ này cả chó cũng không giết được khi sự khống chế thoát khỏi sự điều khiển của hắn, và bởi vì thế lần bóp cò sau cùng chính là hắn giết hắn; chúng ta có thể liên hệ xa hơn, một kẻ độc tài tạo ra một đám đông “vô não”, ngày nào đó cái đám đông này sẽ bị người khác lợi dụng để lật đổ chính kẻ độc tài đã tạo ra họ – chuyện này không hiếm trong lịch sử loài người.
Có lẽ bài viết đến đây đã đủ, còn rất nhiều “ngôn ngữ điện ảnh” khác được thể hiện trong phim, bạn phải tự tìm ra và liên tưởng thôi. Sau khi đọc bài viết thì bạn cảm thấy bộ phim này có đơn giản không? Hay tất cả sự phức tạp đó là do tôi tưởng tượng ra? Muốn tạo ra một bộ phim tầm thế giới không đơn giản đâu nghen, đừng tưởng bở, cho nên nếu bạn đọc thêm nhiều bài trên Chí Blog thì sau đó bạn sẽ thấy rằng có rất nhiều nhận định khá ngô nghê được phát ra từ những nhà bình luận “chuyên nghiệp” ở VN hay thậm chí là ở nước ngoài, và công chúng vẫn ầm ầm tung hô họ.
Cảm ơn các bạn đã đọc bài, nhớ chia sẻ bài viết và website Chí Blog đến nhiều người hơn, và nhớ “cứu tế” mình nhé:
OCB – ngân hàng phương đông, tk: 0003100008898001, NGUYỄN MINH CHÍ, chi nhánh Thủ Đức. hoặc: Nguyễn Minh Chí, NH TMCP SAI GON THUONG TIN CN TIEN GIANG, Số TK: 0601 4671 8526
Bí Ẩn Hành Tinh Chết – Prometheus (2012): bài học từ nguồn cội
Người Máy Trỗi Dậy – Ex Machina (2015): thông minh hay khôn lỏi
Vùng Hủy Diệt – Annihilation (2018): ung thư hay tiến hóa?
Nâng Cấp – Upgrade (2018): nâng cấp hay hạ cấp?
Equilibrium (2002): vô cảm là cái giá để được hạnh phúc?
Cuộc Đổ Bộ Bí Ẩn – Arrival (2016): món quà quý nhất – trí tuệ
Lucy Siêu Phàm – Lucy (2014): khi nghệ thuật đá đểu khoa học (cười)