Dear Child (Liebes Kind) là series phim của Đức được Netflix sản xuất, Chí Blog – “website gì đó nghệ thuật” rất thích những series của Đức, vì phần lớn phim của họ đều hàm chứa rất sâu tính triết học. Thời gian vừa qua có rất nhiều bài viết ca ngợi phim One Piece nhưng mình chỉ xem đúng tập 1 là ngừng, vì phim này chỉ dành cho các bạn trẻ, và sở dĩ nó nổi tiếng vì gắn liền với bộ truyện tranh của Nhật; còn Dear Child mới thật là bộ phim dành cho người lớn, mà người lớn xem xong chưa chắc đã hiểu hết thông điệp của nó. IMDb 7.5 , bài viết tiết lộ nội dung phim.
Ý nghĩa thông điệp truyền tải
Như mọi khi, trước khi phân tích phim thì chúng ta cần hiểu thêm một chút về dân tộc Đức, đây là một quốc gia được thống nhất từ nhiều bang, là cái nôi của triết học hiện đại, cũng là cái nôi của những thứ thuộc về tinh thần ví như âm nhạc, và cũng là nơi sinh ra 2 thứ chủ nghĩa cực đoan hoàn toàn đối lập nhau, là chủ nghĩa gì thì bạn tự suy diễn nha, không nói vì nó rất nhạy cảm, bản thân nước Đức hiện đại cũng từng trải qua giai đoạn lịch sử phân đôi của hai nửa đối lập, trong mỗi cái nửa này lại mang trong nó sự đối lập cực đoan, nửa này tự do nhưng mang tính cá nhân, nửa kia kiểm soát nhưng mang tính cộng đồng, nếu muốn hiểu thêm thì đọc bài về phim Possession (1981) mà mình đã review; bởi cùng tồn tại trong 2 trạng thái cực đoan mang tính “bệnh hoạn” nên nó tạo ra sự phân ly, sau đó bởi vì sự phân ly mà sinh ra sự khao khát được hợp nhất cũng “bệnh hoạn” không kém.
Sau khi bạn xem phim thì sẽ hiểu rằng tại sao “người cha” – kẻ bắt cóc Lena lại hành động như thế, vì ông ta có người cha độc đoán thích kiểm soát, người mẹ thì bỏ gia đình để đi theo tình yêu mới, cho nên khi ông ta phát hiện Lena vừa giống với người mẹ lại vừa có được những phẩm chất tuyệt vời thì ông ấy bắt cóc cô ấy về làm vợ, muốn “sở hữu” cô ấy hoàn toàn, để sự việc quá khứ không bị tái diễn, ông ấy nhốt Lena trong một căn phòng với sự kiểm soát tuyệt đối, mà cũng chính vì thế, cái chết của Lena là không thể tránh khỏi. Sau đó thì sao? Ông ấy sẽ tiếp tục bắt cóc những cô gái khác về làm vợ? Có và không! Vấn đề ở đây là thuộc về tinh thần, tinh thần của một “người vợ” với những phẩm chất tuyệt vời đã chết về mặt thể xác, cho nên ông ấy bắt cóc những cô gái trẻ có khuôn mặt giống người mẹ và giống Lena nhưng hoàn toàn bỏ qua tính cách của những cô gái này, bắt họ về, biến họ thành Lena về thể xác cũng như tinh thần, buộc họ làm những điều mà Lena đã từng làm khi còn sống.
Chí Blog có kịch bản phim điện ảnh, ai mua không?
Mặc dù bộ phim ít cho chúng ta thấy những gì Lena đã trải qua sau khi bị bắt cóc, nhưng sự tuyệt vời trong phẩm chất của cô ấy là không có điểm nào để chê, điều đó được thể hiện qua việc cô ấy đã tác tạo nên một Hannah cực kỳ thông minh trong điều kiện sống cực kỳ tối thiểu, phải nói rằng để làm được điều này là cực khó. Hãy tưởng tượng, một đứa trẻ bị nhốt trong ngôi nhà từ lúc sinh ra đến khi được 12 tuổi, nhưng sau khi bước ra ngoài lại vô cùng bình tĩnh, không những thế, cô bé còn có thể kiểm soát mọi tình huống, nhận ra ông ngoại, đã vậy có thể qua mặt tất cả mọi người và “hệ thống” để đạt được kế hoạch đề ra, kiểm soát luôn cả “người cha” và mạng sống của “người mẹ” mới. Phải nói rằng tôi chưa từng chứng kiến một “cao thủ” nhí có trí tuệ cao như vậy mà không trái với logic. Còn mấy cái thứ “thông minh” của trẻ con ở những phim khác thì chỉ là bọn nhải nhép. Hannah càng thông minh bao nhiêu thì càng thể hiện Lena tuyệt vời bấy nhiêu, và cũng không thể bỏ qua sự góp phần về mặt trí tuệ cũng như khả năng kiểm soát cực đoan của “người cha” mà Hannah đã học được.
Từ đó có thể thấy rằng, mặc dù “người cha” là một kẻ giết người hàng loạt, nhưng ông ấy không phải là một tên biến thái, ông ta bị truyền nhiễm “căn bệnh” thích kiểm soát của người cha và khao khát sở hữu một gia đình trọn vẹn “hoàn hảo” đến cực đoan, bằng chứng là ông ấy không buộc Lena hủy đứa bé trong bụng là Hannah. Về phần cô bé Hannah – là kẻ đồng lõa trong những cái chết của những “người mẹ” sau, nhưng cô bé hoàn toàn ngây thơ và trong sáng, cô bé chỉ muốn có đủ cha và mẹ, một người cha thích kiểm soát – thứ mà cô bé đã quen từ khi mới được sinh ra, còn người mẹ có đủ trí tuệ và tình yêu thương để biến sự bất thường trở nên bình thường, về phần tội ác thì cô bé vốn không biết nó là gì, vì kể cả “cha” và mẹ luôn biết cách tránh tạo ra sự ảnh hưởng tiêu cực đối với những đứa con, không những thế, cô bé đã cố gắng rất nhiều trong việc “giúp đỡ” những “người mẹ” kế tiếp hoàn thành vai trò của mẹ ruột, nhiều người trong họ đã thất bại và đã chết, “người mẹ” sau cùng có thể sống được là vì … trong cô ấy có một phần phẩm chất như Lena nên được Hannah chọn, và cũng bởi vì “người mẹ” này làm những điều Lena làm nên nó cũng góp phần biến đổi tính cách của cô ấy.
Bộ phim của Đức này cũng chạm đến những vấn đề rất quan trọng như tinh thần – trí tưởng tượng – vai trò của nghệ thuật – sự kiểm soát – tự do – tình yêu thương – tội ác.
Tinh thần – trí tưởng tượng – tình yêu thương – vai trò của nghệ thuật có thể giúp con người sống hạnh phúc và vượt qua những khó khăn tưởng chừng như bất khả, nhờ có nó mà Lena có thể tác tạo nên một đứa trẻ hoàn hảo như Hannah, cũng nhờ có nó mà Hannah có thể kiểm soát được hành vi của “người cha” bệnh hoạn muốn hủy diệt những phiên bản “thay thế” của người “vợ” đã chết; “người cha” mặc dù thích kiểm soát nhưng không hề buộc Hannah phải trở về căn nhà sau khi cô bé thoát khỏi đó nhờ vào “người mẹ”, vì với cả “người cha” và Hannah thì tinh thần gia đình là quan trọng nhất, “người cha” còn thực hiện kế hoạch do đứa con gái đề ra.
Còn về sự kiểm soát, bởi vì cha của “người cha” sống bằng sự kiểm soát nên vợ ông ta mới yêu người khác, tiếp theo, vì sự kiểm soát và cưỡng bức của “người cha” mà một cô gái tuyệt vời như Lena và nhiều cô gái trẻ khác phải chết. Đôi khi chúng ta tưởng rằng sự kiểm soát chính là sự bảo vệ (công ty bảo vệ), nhưng hóa ra nó lại là tác nhân tạo ra sự hủy hoại, kiểm soát có chừng mực mới thật sự là bảo vệ; nó cũng giống với việc một căn cứ quân sự lại là nơi giam giữ 2 đứa trẻ, giết chết một người mẹ hoàn hảo cùng với đứa trẻ sơ sinh, và nhiều cô gái trẻ khác nữa; hoặc sự kiểm soát thái quá giống như lớp thủy tinh của món đồ chơi, ban đầu lớp thủy tinh là thứ bảo vệ những gì bên trong, nhưng vì nó quá cứng và sắc bén, nên sau khi vỡ ra thì nó trở thành hung khí giết chết “người cha”.
Còn về sự tự do, tự do thái quá cũng là sự hủy hoại, hãy nhìn cách Lena sống trước khi bị bắt cóc, cô ấy “quan hệ” từa lưa – để biết được ai mới là cha thật của Hannah thì đám bạn trai xếp thành hàng kiểm tra ADN, hoặc việc về quá khuya nên bị bắt cóc, những cô gái trẻ khác cũng vậy. “Tự do” và “yêu thương” không kiểm soát giống như chỉ đạo của nữ cảnh sát, cả nhóm nhân viên xâm nhập vào khu quân sự và lao thẳng vào bãi mìn, sau đó thì có người bị tổn thương. Các bạn có nhớ trò chơi của “gia đình” khi “người cha” ở bên ngoài bước ngang bước dọc và bên trong căn nhà thì “người mẹ” và 2 đứa trẻ cũng làm y như vậy? Đó là phương pháp để vượt qua bãi mìn đấy, là câu trả lời cho việc tại sao “người mẹ” cuối cùng và Hannah không dính mìn khi thoát khỏi căn nhà, và ở mọi nơi Hannah luôn đếm bước cùng quan sát kỹ mọi thứ xung quanh để có thể kiểm soát tất cả mọi thứ nếu rơi vào bóng tối.
Nếu sự kiểm soát trở thành cực đoan và không có tự do thì nó sẽ tạo ra điều gì? Nó sẽ tạo ra một Hannah tuy cực kỳ thông minh nhưng lại không hiểu gì về thứ gọi là “tội ác”, cô bé trở thành đồng lõa trong cái chết của nhiều người mẹ và một người đàn ông tốt, sau đó là cái chết gián tiếp của bà y tá tốt bụng. Chúng ta tự hỏi có bao nhiêu người trong các chế độ cực đoan thực sự hiểu “tội ác” là gì, khi mà tiêu chuẩn đạo đức hoàn toàn phụ thuộc vào quan điểm của kẻ độc tài?! Các bạn có nhớ bộ phim “The Reader – 2008”, người phụ nữ “mù chữ” từng là quản tù, đã làm theo lệnh cấp trên khi đưa nhiều tù nhân người Do Thái vào phòng hơi ngạt, cô ấy đâu hiểu việc làm đó là tội ác, và cô ấy chỉ hiểu điều đó và hiểu về tình yêu sau khi đọc sách, hoặc những đứa trẻ trong thời Pol Bot ở Campichia trở thành “cai tù”, tìm và chỉ ra những người trí thức hoặc có ý nghĩ chống chế độ để mang ra xử bắn, hoặc bạn cũng có thể tìm thấy ở những tôn giáo cực đoan.
Phim còn nhiều ý nghĩa và thông điệp khác nữa nhưng các bạn tự tìm ra nhé, lẽ ra một bộ phim như thế này nên viết nhiều hơn, nhưng có rất nhiều điều cần sự cảm nghiệm hơn là phân tích thuần túy, và đây là một bộ phim tràn đầy cảm xúc chứ không phải chỉ toàn lý tính, cảm xúc thì khó nói thành lời. Đây là một series phim rất hay nên xem và suy ngẫm, nhớ mời “cà phê” Chí Blog, vì bạn sẽ không tìm đâu ra những bài viết thế này ở bất kỳ nơi nào khác, và chia sẻ bài viết với nhiều người ở nhiều diễn đàn để Chí Blog phát triển hơn.
OCB – ngân hàng phương đông, tk: 0003100008898001, NGUYỄN MINH CHÍ, chi nhánh Thủ Đức
Thương Nhớ Cố Hương – Nostalghia (1983): khi sự sống phân đôi – Nghệ Thuật
Hòn Đảo Bí Ẩn – The Third Day (series 2020): treo cổ thần học – quỷ học lên ngôi – new
Đêm Lặng – Dark (P2 – 2019): vấn đề triết học trên nền viễn tưởng – new
Rũ Bỏ – Unorthodox (2020): thoát khỏi truyền thống – new
Thiên Nga Đen – Black Swan (2010): con đường của sự hoàn hảo và tự do – Nghệ Thuật
Chiếm Hữu – Possession (1981): cơn vật vã của sự tách biệt – Nghệ Thuật