Review phim Past Lives (2023): nhân duyên, nhân quả và kẻ ngốc

Past Lives là phim lãng mạn của Mỹ, phim hay nên xem, mình hiểu phim này hoàn toàn khác với phần lớn khán giả, vì họ xem nhưng không … à mà thôi, nếu bạn muốn hiểu trọn vẹn thì đọc bài này của Chí Blog – “website duy nhất đa vũ trụ lượng tử giải mã phim nghệ thuật” – câu quảng cáo này vốn là đùa, nhưng có phải là đùa? Sau khi đọc bài thì sẽ rõ (tôi đùa đấy). IMDb 8.0 , bài viết tiết lộ nội dung phim.

Ý nghĩa thông điệp truyền tải

Có khá nhiều người sau khi xem phim xong thì bảo rằng kết thúc như vậy là hợp lý, vì đó mới là hiện thực cuộc sống, và nếu cặp đôi ban đầu đó đến với nhau thì sẽ rơi vào kiểu drama mơ mộng, sau đó họ dùng từ “nhân duyên” hoặc “tiền kiếp” để giải nghĩa cho lập luận này, giống như cách mà nhân vật Hae Sung đã tự hỏi bằng những câu “nếu như … thì sẽ thế nào?”, với tôi thì anh ta chỉ là kẻ ngốc.

Sau khi xem được nửa phim thì tôi tính đặt tiêu đề bài viết là “nhân duyên hay nhân quả?”, cũng giống như từng đặt một tiêu đề là “tự do hay tất định?”, vì 2 từ trong cặp đôi này có phần đối lập nhau, nhưng nếu hiểu “nhân duyên” đối lập với “nhân quả” thì lại không đúng, vì Đức Phật từng giảng rằng 2 thứ này cùng tồn tại, chẳng lẽ Đức Phật sai? Đức Phật không sai, vì còn 1 nhân tố thứ 3 hiện ra ở cuối phim để liên kết 2 từ đó tạo thành một chuỗi “nhân duyên – nhân quả – giác ngộ”, gặp nhau vốn là “nhân duyên”, chọn lựa chính là “nhân quả”, nhưng để giữ được “nhân duyên” thì con người phải có “giác ngộ” mới có thể nhận ra nó, và bởi vì Hae Sung chưa “giác ngộ” nên dù có đến 3 cơ hội mà anh ta vẫn không giữ được “nhân duyên” vốn là của anh ta, cho nên tôi thay từ “giác ngộ” thành từ “kẻ ngốc” trong tiêu đề.

Chí Blog có kịch bản phim điện ảnh, ai mua không?

Nhìn tủ rượu phía sau, Nora là chai rượu, 2 anh chàng là ly rượu ở 2 bên, họ có “nhân duyên” để thưởng thức cùng 1 chai rượu, nhưng ai có thể mang “chai rượu” đó về nhà thì phụ thuộc và nhận thức và tài chính – “ngôn ngữ điện ảnh”

Phim được bắt đầu bằng cặp đôi nào đó nhìn vào 3 nhân vật chính và chơi trò “nhìn nhóm người, đoán quan hệ”, nếu bạn chú ý giọng nói thì người nam đoán đúng thực tế và lý trí, còn người nữ thì đoán đúng bản chất cảm xúc, nghĩa là Arthur tuy là chồng của Nora nhưng giống đồng nghiệp hoặc bạn hoặc hướng dẫn viên du lịch hơn, và lẽ ra Hae Sung và Nora mới là một đôi.

Nửa đầu phim cho chúng ta thấy con người trải qua 3 giai đoạn cơ bản của cuộc đời cách nhau 12 năm, giai đoạn 1 là từ trẻ nhỏ đến bắt đầu biết yêu, giai đoạn 2 là thiếu niên đến hoàn tất việc học và chuẩn bị cho tình yêu chân chính để chuẩn bị cho chuyện kết hôn, giai đoạn 3 là con đường sự nghiệp, đời sống hôn nhân và bước vào giai đoạn trung niên hiểu rõ bản chất cuộc sống và hiểu về chính mình. Nửa sau phim là cuộc gặp gỡ của 3 người và đưa ra những sự lựa chọn quan trọng quyết định phần đời còn lại.

Nora và Hae Sung là một đôi bạn “thanh mai trúc mã” và là 2 học sinh học giỏi nhất lớp, Nora có bản tính phần nào giống với người mẹ – bà này có tính cách giống đàn ông ở cách ăn mặc và hút thuốc, cho nên cô bé thích sự cạnh tranh, có nhiều tham vọng đối với tương lai, mơ về một giải Nobel văn học; trong khi Hae Sung có phần ít nói. Trong cảnh khi họ chia tay, Nora bước lên con đường bậc thang còn Hae Sung đi trên con đường hướng lên, nó báo trước tương lai của họ, Nora sẽ thăng tiến nhanh hơn Hae Sung về sự nghiệp cũng như nhận thức, nhưng cô bé phải chịu sự đứt gãy về mặt tinh thần, được cái này thì mất cái kia như lời nói của người mẹ. Trong khi Nora bắt đầu cuộc sống có phần độc lập từ lúc 12 tuổi, còn Hae Sung vẫn sống với gia đình gần suốt 24 năm sau đó, so với cô ấy thì anh ấy gần giống như một đứa trẻ chưa trưởng thành.

Sự trưởng thành của Nora thể hiện qua lý tưởng của cô ấy, ban đầu là mơ về một giải Nobel văn học – giải thưởng cao quý nhất mang tầm quốc tế, sau 12 năm thì là giải Pulitzer cho tác phẩm văn học, lại sau 12 năm là giải Tony – thiên hướng giải trí, điều đó chỉ ra cô ấy đi lên về mặt nhận thức và nhận ra hiện thực cuộc sống cũng như khả năng của chính cô ấy; giai đoạn 1, cô ấy sống ở Hàn, giai đoạn 2 cô ấy sống ở Canada, giai đoạn 3 cô ấy sống ở Mỹ, khi gặp Arthur thì Nora bắt lấy ngay cơ hội để thăng tiến, một người yêu, một người chồng lý tưởng cũng là nhà văn, và một “thẻ xanh” để được ở lại Mỹ.

Còn Hae Sung thì sao? Cậu ấy nhập ngũ, rồi học đại học, rồi sang TQ học tiếng; cuộc đời của Hae Sung diễn ra với con đường truyền thống, anh ấy hoàn toàn không xác định được bản thân muốn gì, không lý tưởng, nó chỉ là học hành – bạn bè – yêu đương – kết hôn như mọi người khác thuộc về thứ văn hóa Á Đông, sỡ dĩ anh ấy chưa kết hôn là bởi vì người mà anh ấy yêu đã không còn ở bên anh ấy, và những khó khăn về mặt kinh tế.

Cũng giống như những gì mà Arthur đã nói, chuyện tình của Nora với Hae Sung đẹp như mơ, và cảm nhận rằng chính anh ấy mới là kẻ thứ 3 chen giữa họ, nhưng bản thân 2 người trong cuộc lại không nhận ra điều đó, và vì không nhận ra nên bỏ lỡ phần “nhân duyên” tuyệt vời vốn nên thuộc về họ, Arthur nhận ra vẻ đẹp của Hae Sung nên khi có cơ hội thì anh ấy chủ động “hốt” ngay, nhận thức của anh ấy đủ cao để nhận ra cái “nhân duyên” ngay từ cơ hội gặp gỡ đầu tiên, quảng thời gian sau hôn nhân, chúng ta thấy Arthur có phần buồn bã vì nhận ra “nhân duyên” mà anh ấy có được không đẹp như phần “nhân duyên” trước đó của Nora, nhưng anh ấy vẫn nỗ lực để bồi dưỡng nó qua việc học tiếng Hàn và văn hóa Hàn để có thể hiểu Nora hơn, so với Arthur thì Hae Sung quá kém cỏi về mặt nhận thức.

Khi so sánh các nền văn hóa thì văn hóa Á Đông chỉ đẹp ở giai đoạn đầu, còn sau đó, nó trở nên bảo thủ và trở thành xiềng xích trói buộc con người, nó phân tách bản thể người theo giới tính, nó tạo nên 2 cộng đồng tách biệt nhau càng xa là nam và nữ, cho nên chúng ta thấy Hae Sung thường gặp mặt những người bạn nam; trong khi đó văn hóa phương tây thiên hướng tự do cá nhân, sự độc lập, sự hướng lên về mặt nhận thức (tinh thần) và vật chất; chỉ khi có được tự do thì nhận thức của con người mới đi lên, mới đạt được sự “giác ngộ”, nhận ra và nắm giữ “nhân duyên”, quá trình đó là thuộc về “nhân quả” tương ứng.

Nếu không đủ cấp độ nhận thức, chưa giác ngộ, thì người ta cũng chưa thật sự hiểu “nhân duyên” là gì, họ nói đến “nhân duyên” hoặc “số phận” hoặc “tiền kiếp” như thứ gì đó mang tính lãng mạn hóa hoặc dùng nó để an ủi bản thân đối với những khát vọng không đạt thành, không đạt thành vì không nhận ra chứ không phải nó không thuộc về mình – rất nhiều người Á Đông bị rơi vào trường hợp này. Gặp gỡ là “nhân duyên” được tạo nên từ 8000 tiền kiếp, thật ra mà nói thì nếu bản thân bạn không giác ngộ, đừng nói là 8000 tiền kiếp, dù là 80.000 tiền kiếp hay 8.000.000 tiền kiếp thì bạn vẫn không thể giữ được “nhân duyên” đó.

Bạn có nhớ Nora khi gặp lại Hae Sung lần 2 thì có nhắc đến bộ phim  Eternal Sunshine of the Spotless Mind? Tôi có Review phim này đấy, và như những gì viết trong bài, việc xóa đi ký ức chẳng giải quyết được gì, mỗi lần xóa ký ức giống như trải qua một tiền kiếp mà chưa “giác ngộ”, sự việc cứ lặp lại như cũ và không thể giữ được “nhân duyên” trời ban, nhớ đọc bài này để hiểu thêm.

Nora là một phức hợp của 2 nền văn hóa Đông Tây, nên cơ hội của 2 anh chàng có phần ngang nhau, tuy nhiên “nhân duyên” của Hae Sung có phần vượt trội hơn của Arthur, vậy phần quyết định phụ thuộc vào sự “giác ngộ” của mỗi người. Sẽ có rất nhiều khán giả không cho là như vậy vì Arthur đang là chồng của Nora trong hiện tại, thật ra thì với cấp độ nhận thức như Nora thì hôn nhân chỉ mang ý nghĩa về hình thức, cô ấy biết cô ấy muốn gì, dù cô ấy có yêu Arthur, nhưng cô ấy yêu Hae Sung nhiều hơn. Giả như Nora bỏ Arthur để đi theo Hae Sung thì Artrur cũng sẽ cảm thông và chúc phúc cho cô ấy, anh ấy sẽ buồn đau nhưng không níu kéo, vì anh ấy đã “giác ngộ”.

Khi bàn về vấn đề bộ 3 này, tôi nhớ đến 2 tác phẩm văn học kinh điển là Nỗi Đau Của Chàng Werther (Goethe) và Những Đêm Trắng (Dostoyevsky), cả 2 tác phẩm có phần đầu giống nhau nhưng phần kết khác nhau, một nam thứ 3 là người đến sau, trong câu chuyện trước thì Werther tự sát vì Goethe là người Đức – khát khao chiếm hữu quá lớn, còn câu chuyện sau thì người thứ 3 chúc phúc cô gái vì Dostoyevsky là người Nga – nhà tư tưởng hiện sinh tôn giáo giàu lòng nhân ái.

Khi mang Arthur và Hae Sung lên bàn cân thì chúng ta thấy sự tương phản về nhận thức của họ cực lớn; Arthur là người Mỹ – biểu tượng của tự do mang tính thực tế – khác với tự do lãng mạn kiểu Pháp, gốc Do Thái – nền tảng tôn giáo lâu đời nhất thế giới, lại là nhà văn – người hiểu rõ bản chất con người và xã hội, khi kết hợp 3 yếu tố đó lại thì xem anh ấy là người đã “giác ngộ” là hoàn toàn logic; Còn Hea Sung mang tư tưởng Á Đông thủ cựu, anh ấy từng tham gia “quân dịch” bắt buộc – chỉ được hành động theo lệnh của cấp trên dù nó vô lý, sau đó anh ấy sang TQ học tiếng – nguồn gốc của Khổng giáo. Trong bài review phim Tro Tàn Rực Rỡ tôi có góp ý với anh Bùi Thạc Chuyên là nên tăng tính tương phản trong phim nghệ thuật, có thể nhìn vào sự tương phản của Arthur và Hae Sung để tham khảo, sự tương phản càng lớn thì những quyết định trong lựa chọn của họ càng trở nên hợp lý.

Trong phim này có rất nhiều “ngôn ngữ điện ảnh”, ví dụ như chuyển biến tâm lý của Nora, văn hóa phương tây mang con người đến tự do và cạnh tranh, nhưng nó cũng mang tính thực dụng, nó cũng góp phần vào việc phá hủy cái lý tưởng và cái nữ tính ban đầu của cô ấy, nó nam tính hóa cô ấy, nên trong lần gặp gỡ đầu tiên với Hae Sung thì cô ấy ăn mặc vô cùng xề xòa, sau khi gặp anh ấy thì cô ấy tìm lại được phần nữ tính của mình trong quá khứ, ăn mặc lần 2 đẹp hơn, và lần 3 đẹp hơn nữa. Còn đối với văn hóa phương tây và sự tự do tư tưởng của nó thì Hae Sung chỉ như 1 du khách, anh ta chụp ảnh với tượng nữ thần tự do, còn Nora và Arthur thì chưa từng cùng nhau đến xem nó, tại sao? Vì bản thân họ đã đạt được sự tự do rồi, cần gì phải quan tâm một “bức tượng” của hình thức, hoặc cảnh Hae Sung du lịch bằng phà và chụp ảnh cây cầu, du khách đi phà để tham quan, người Mỹ mới ở trên cầu để đi từ bờ này sang bờ kia, hoặc cảnh Nora dẫn Hae Sung đi dạo ở công viên trẻ em, cuộc tình của họ đẹp như cổ tích của tuổi thơ, nhưng vì không nhận ra nên nó giống như vòng đu quay, con ngựa gỗ cứ quay vòng này đến vòng khác, rồi nó sẽ dừng lại và bọn trẻ ai về nhà nấy, rất thâm thúy nghen.

“Nhân duyên” ngay trước mắt lao tới hôn ngay đi!

Bạn thấy tấm ảnh ở trên? Đó là cảnh gần cuối phim, hãy nhìn vào màu sắc của chiếc vali và cửa cuốn của căn nhà phía sau, khoản cách để nắm giữ “nhân duyên” nó cực gần, hoặc chỉ là “du khách” hoặc có được một “căn nhà – gia đình” với tình yêu trọn vẹn, sau đó nhìn màu của chiếc xe “taxi” và màu của trang phục Nora đang mặc, Hae Sung mở miệng nói nhảm về “nhân duyên” trong khi “nhân duyên” đang ở ngay trước mắt anh ấy, lúc đó không nên nói nhảm mà phải bay đến ôm hôn cô ấy, kéo cô ấy vào xe và tìm khách sạn qua đêm, ôi trời ơi anh chàng này là “kẻ ngốc” không ai bằng; các bạn có thấy lúc đó cô ấy đang nghĩ gì? Cô ấy đang nhớ lại quá khứ? Không phải đâu! Trong quá khứ là cảnh ban ngày, khi mà cả hai chưa hiểu “nhân duyên” của họ đẹp đến thế nào, nhưng trong cảnh này là ban đêm, và Nora đang chờ đợi, tiếc là Hae Sung không đủ nhận thức để hiểu ra điều đó, khi Hae Sung hỏi thì Nora trả lời là “không biết”, cô ấy biết, nhưng để đi chung đến trọn đời thì phải cả 2 cùng “biết” mới được.

“Nếu có kiếp sau gặp lại thì chúng ta sẽ …” – ngừng á! Hạnh phúc ngay trong kiếp này thì quái gì phải trông chờ vào kiếp sau hay phải có sự thuyết phục từ 8000 tiền kiếp? Bằng cách bỏ lỡ “nhân duyên” trong kiếp này, Hae Sung đã tự biến kiếp này thành tiền kiếp. Sau khi Hae Sung bước lên xe, Nora trở về bên chồng và khóc nức nỡ trong vòng tay của anh ấy, những giọt nước mắt đó là sự đau lòng khi nhìn thấy một “nhân duyên” tuyệt vời vừa mất đi – lỗi không do cô ấy, nhưng cô ấy sẽ được hạnh phúc bên chồng – người đã nhận ra “nhân duyên”, nắm bắt và bồi đắp nó.

Lẽ ra bài viết đến đây là kết thúc, nhưng vì dân Á Đông của chúng ta rất thích mấy chuyện tình tay 3 nên tôi sẽ bàn sâu về nó thêm chút nữa hen. Có nhiều cấp độ nhận thức về chuyện tình tay 3 này, cấp độ đơn giản nhất là trong phim Mắt Biếc, với trình độ nhận thức như Hà Lan thì miễn bàn, về phần Ngạn, cho đến tuổi trung niên mà anh ấy còn lẫn lộn giữa Hà Lan và Trà Long thì đúng là bó tay, nên chuyện tình này chỉ dành cho lứa tuổi mới lớn – ở phương tây, còn ở phương đông thì có khi đến tuổi trung niên vẫn chưa bước qua cấp độ nhận thức này.

Cảnh ngoái đầu nhìn lại của Nora có phần tương tự như 1 cảnh trong phim Burning (2018) mà tôi review, bản chất của Hae Sung trong phim này không khác chi nhân vật chính trong phim đó, còn nữ chính đi sai đường nên gặp kẻ đến sau là người xấu. Hoặc Hae Sung giống nữ chính trong phim Verdens verste menneske (2021) tôi có review, cô ấy không biết bản thân muốn gì nên bỏ lỡ “nhân duyên”.

Hoặc có thể so phim này với phim Mùi Đu Đủ Xanh của Trần Anh Hùng mà tôi review, 2 phim hoàn toàn tương tự nhau về bản chất, cho nên các bạn sẽ thấy đạo diễn phim này với Trần Anh Hùng là cùng một đẳng cấp quốc tế; trong phim Việt, nữ chính mang vẻ đẹp hồn nhiên của văn hóa Á Đông, 2 đứa con của bà chủ nhà lẽ ra là “kẻ đến trước” nhưng lại không nhận ra vẻ đẹp đó, trong khi “kẻ đến sau” lại là anh chàng nhạc sĩ học từ tây về, sự khác biệt nho nhỏ là nữ chính trong phim của TAH thì nhận ra cái đẹp của “kẻ đến sau” bằng tâm hồn và được anh ấy giúp nâng cao nhận thức, còn phim này thì nữ chính tự chọn con đường nâng cao nhận thức của chính mình, “kẻ đến sau” trong cả 2 phim khi nhìn thấy “nhân duyên” là “hốt” ngay chứ không nói nhảm. Những bộ phim có liên quan tôi sẽ dẫn link phía dưới, các bạn nhớ đọc để hiểu thêm.

Khi bạn đọc được bài viết này cũng là “nhân duyên” – nếu bạn nhận ra giá trị của nó, cho nên để duy trì “nhân duyên” thì lâu lâu cũng cần phải “hóa duyên” á! Bằng cách mời Chí Blog những “ly cà phê” ngọt ngào uống cho đỡ khát. Qua bộ phim, qua bài review, các bạn sẽ hiểu rõ hơn về bộ 3 “nhân duyên – nhân quả – giác ngộ” một cách trực quan và dễ hiểu, chứ không chỉ là những bài giảng mang tính lý thuyết. Cảm ơn bạn đã đọc bài và chúc bạn xem phim vui vẻ, nhớ “hóa duyên” và tích cực chia sẻ bài viết với nhiều người nhé.

OCB – ngân hàng phương đông, tk: 0003100008898001, NGUYỄN MINH CHÍ, chi nhánh Thủ Đức

Tia Nắng Vĩnh Cửu Của Tâm Hồn Tinh Khiết (2004): đồng nghĩa – khác ý

Review phim Burning (2018): một xã hội té giếng

Review phim Tro Tàn Rực Rỡ: rắn – chim – lửa – nước

Review phim Mùi Đu Đủ Xanh: cũ – mới , xanh – vàng

Review phim The Worst Person in the World: không biết mình muốn gì

Facebook Comments

About Author

Minh Chí

Bạn tôi góp ý là: nhiều người ở VN thích làm màu, nên tôi cần làm màu hơn thế. Cho nên các bạn cứ nghĩ tôi rất "đỉnh" là được!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Next Post

The Sacrifice (1986): ngụ ngôn châm biếm văn minh châu Âu

CN Th10 15 , 2023
The Sacrifice (Sự Hy Sinh) là phim cuối cùng của đạo diễn Andrei Tarkovsky, có thể đây không phải là bộ phim vĩ đại nhất hoặc đẹp nhất trong 7 phim của ông ấy, nhưng chắc chắn nó thể hiện tâm tình sâu sắc nhất dành cho thế giới này, […]

You May Like

Translate» English - Vietnamese