Khi bàn về những vấn đề liên quan đến “lịch sử” VN, chúng ta chạm vào những vấn đề rất “nhạy cảm” vì nó liên quan đến văn hóa – chính trị – lợi ích quốc gia dân tộc, vì vậy nếu làm bậy hoặc nói bậy thì rất dễ “chết”, đó cũng chính là lý do Chí Blog luôn tránh nói về những đề tài này, và trong các bài review phim nước ngoài chỉ nhắm đến những bài học thuộc về bản chất con người hoặc xã hội theo cách phổ quát và nền tảng để bạn đọc có thể đạt được ích lợi thật sự, dù bạn đọc thuộc về bất kỳ quốc gia nào. Lần này viết sẽ chạm vào tí xíu, để những bạn nếu có làm phim liên quan đến lịch sử thì tránh được những cái hố mà nếu rơi vào thì có thể “xong phim” hen.
Trước tiên là về phía chính phủ VN đang đẩy mạnh việc chấn chỉnh văn hóa trong nước và truyền bá vẻ đẹp văn hóa Việt ra thế giới, thêm nữa là tình hình bất ổn đang diễn ra trên thế giới, việc nâng cao lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, sự đùm bọc yêu thương lẫn nhau… là rất cần thiết, nên dòng phim lịch sử sẽ rất phát triển trong tương lai gần. Đó là định hướng vô cùng chính xác về mặt chính sách (tôi muốn ghi là “chính trị” nhưng hơi cảm thấy run tay hihi), gạt chuyện “chính gì đó” qua một bên, thực tế hơn, điện ảnh là một loại hình nghệ thuật đậm chất giải trí, mà giải trí muốn đạt được sự thu hút từ khán giả thì bộ phim phải mang đến cho họ điều gì thú vị – mới lạ – độc đáo, đó chính là lý do các bộ phim như hành động – phiêu lưu – kinh dị – trinh thám – giả tưởng thường đạt được doanh thu lớn, trong khi các bộ phim nói về thế giới hiện thực lại rất ít người xem – trừ khi chạm vào được cảm xúc của khán giả.
Nói cách khác, muốn thu hút khán giả xem phim thì việc dễ làm nhất là mang họ đến một bối cảnh – thế giới – cuộc sống khác biệt với hiện thực thường ngày của họ, nếu VN có nhiều biên kịch hoặc đạo diễn tài năng và giàu có về tiền bạc thì có thể tạo ra những bộ phim với kịch bản hay và kinh phí khủng, nhưng nền điện ảnh của chúng ta rất “yếu” về 2 vấn đề này, nên dễ làm hơn cả là tạo ra một bộ phim có bối cảnh thuộc về quá khứ, đồng thời sữ dụng những tài liệu lịch sử, những truyền thuyết hoặc câu chuyện dân gian để lôi cuốn người xem. Thật ra thì sẽ dễ dàng hơn nhiều nếu biên kịch có đủ trình độ để “diễn sinh” (suy diễn sự sống) ra một thế giới hoàn toàn mới, nhưng việc này quá khó với VN, thành ra việc quay về quá khứ vẫn là dễ làm nhất trong các sự chọn lựa, và lúc này thì phim sẽ chạm đến “lịch sử” và “văn hóa”.
Dù đã nói rồi nhưng vẫn phải nhắc lại, “phim dã sử có thể thêm thắt chút đỉnh, miễn là không làm sai lạc một số điểm mấu chốt của lịch sử, không gây hiểu lầm về văn hóa Việt và văn hóa ngoại ban, không gây tổn hại đến lợi ích quốc gia dân tộc, không đi ngược lại với chính sách nhà nước”, ai làm phim mà không nằm lòng mấy thứ cơ bản này thì rất dễ “xong phim” nha.
Vậy việc an toàn nhất là dùng bối cảnh quá khứ nhưng lại kể câu chuyện mang thông điệp phản ánh những vấn đề của đời sống hiện thực, giống một khách du lịch vào khu di tích và mặc trang phục cổ để chụp ảnh thế thôi, tất nhiên là lối hành xử nên mô phỏng một chút văn hóa của ngày xưa, tôi bảo là “mô phỏng” để nó phù hợp bối cảnh câu chuyện, nó tạo ra một thế giới “cổ xưa” hợp lý, chứ thật ra là phim đó chiếu cho khán giả hiện đại xem chứ không phải người “cổ xưa” xem. Nói như vậy hơi khó hình dung, tôi sẽ ví dụ cụ thể, ngày xưa dân đen mà gặp quan thì sợ như gặp “trời”, nhưng ngày nay thì không còn như vậy, nghĩa là nếu làm y “như lịch sử” thì mặt dân sẽ tái mét, thân run như cầy sấy, quỳ mọp dưới đất thưa bẩm; những gì diễn ra như tôi vừa nói thì nó đều có trên khắp thế giới vào thời xưa, nhưng phim của nước ngoài có thể hiện điều đó trong phim của họ không? Không nha các bạn, vì nếu đưa nó lên phim thì làm xấu mặt dân tộc chứ đẹp đẽ gì mà khoe, nghi lễ của dân đen với vị quan sẽ có nhưng không đến mức “như lịch sử”, bộ phim chỉ làm “như lịch sử” khi nội dung của nó nhằm đả kích chế độ phong kiến trong quá khứ, còn nếu không thì lối cư xử không nên quá khác với hiện thực thời nay.
Trong nhiều bài viết tôi luôn nhắc đến “trang phục”, tại sao? Vì cái thứ này rất dễ khiến bộ phim rơi vào cái kiến thức cơ bản nhưng rất nghiêm trọng mà tôi nhắc ở trên là “gây hiểu lầm về văn hóa Việt và văn hóa ngoại ban”, nên cái mảng này cần tìm ra những sự khác biệt từng tồn tại ở thời xưa để đưa vào, nếu quá ít thì phải sáng tạo thêm. Nói thật là cái vụ xàm xí này nó diễn ra rất nhiều lần rồi mà sao những người làm phim cứ rơi vào là sao nhỉ? Khi tôi cảnh báo thì một đám “khôn sử” nhảy vào chửi tôi, nhưng sau đó thì sao? Nhẹ thì bị dân Việt xúm vào chửi phim, nặng thì có khi bị ghi tên vào “sổ gì đó” là “xong phim” , nói chung thì cái gì tôi đã nói mà không chịu nghe thì đều lọt “hố”.
Không nên “nâng tầm quan điểm” vì sẽ khiến cho nhiều người sợ vu vơ nhỉ? Nói chung nếu bạn thật sự vô tư thì không có gì phải lo lắng (cứ cho là vậy). Giờ thì chúng ta đến với vấn đề trọng yếu, đó là làm phim gắn với đề tài lịch sử, ví như nói về một cuộc chiến chống quân xâm lược để tôn vinh tinh thần yêu nước nồng nàn, chuyện này nhìn thì đơn giản nhưng không thật sự đơn giản, vì sao? Vì đó là sự việc diễn ra trong quá khứ, trong khi quan hệ ngoại giao với quốc gia từng xâm lược đó đã đổi khác trong hiện tại, ngày xưa là kẻ thù còn ngày nay là “bạn bè”, nếu không khéo thì bạn sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ đang có, và lúc đó bộ ngoại giao sẽ rất khó nói chuyện với “nước bạn”, mà chúng ta lại không thể làm mờ đi “lịch sử”, vậy phải làm cách nào?
Đó là tạo ra sự cân bằng, nghĩa là thêm vào các nhân vật “bạn tốt” thuộc về quốc gia xâm lược đó, hầu hết những bộ phim nước ngoài đều sữ dụng cách này, ví dụ như phim RRR của Ấn, phim khắc họa chế độ thực dân Anh hết sức tàn bạo đối với người Ấn, nhưng bên cạnh đó thì lại có những nhân vật “bạn tốt” như cô gái người Anh đã nhiệt tình giúp đỡ cho nhân vật chính; bạn cũng có thể tìm thấy sự tương tự trong phim Tinh Võ Anh Hùng (1994) có Lý Liên Kiệt đóng chính, Trần Chân trong phim có người yêu là cô gái Nhật Bản. Đừng cho rằng những nhân vật “bạn tốt” này thêm vào cho có, họ thật sự tồn tại trong lịch sử, ví như trong giai đoạn chống Pháp thì VN chúng ta vẫn có những người bạn Pháp luôn nỗ lực giúp những nhà cách mạng ở ngay tại VN hoặc ở bên Pháp.
Với giai đoạn trước đó – chống quân xâm lược phương bắc cũng vậy thôi, nếu không có những người bạn như vậy thì sao mà cha ông chúng ta có được thông tin về những cuộc xâm lược để có thể chuẩn bị trước để “nghênh đón”? Dù cho là thời kỳ bắc thuộc hay sau đó nữa, vẫn có người “phương bắc” di chuyển xuống VN để sinh sống hoặc buôn bán, và họ xem nơi này là nhà và là quê hương, nên khi xẩy ra chiến tranh thì họ sẽ đứng về phía chúng ta, bất kỳ quốc gia nào trên thế giới đều tồn tại chuyện như thế. Khi có các nhân vật “bạn tốt” này, chúng ta cũng thể hiện một lập trường hết sức quan trọng và rõ ràng về ngoại giao: Bất kì ai làm tổn hại đến lợi ích chính đáng của dân tộc Việt thì đều là kẻ thù của người Việt, còn ai giúp đỡ và bảo vệ những lợi ích chính đáng đó thì là bạn tốt.
Cái chuyện tôi vừa nói thì nó rất đơn giản (sau khi được nói ra) nhưng ít người chịu làm và làm cho tốt, tóm lại thì trong quốc gia thù địch cũng có bạn, và trong số những người VN cũng có kẻ bán nước; với lịch sử thế giới thì lúc bạn lúc thù là chuyện diễn ra liên tục, nó phụ thuộc vào lợi ích mà thôi, hiểu được điều này mới thật sự là hiểu lịch sử, và vì hiểu nên sẽ không rơi vào những quan niệm quá cực đoan trong chuyện hận thù, lại không quá tin người và luôn học cách đề phòng, và cách tốt nhất tự vệ là tự lực tự cường, còn những kẻ “khôn sử” thì … à mà thôi.
Vấn đề tiếp theo là quá trình “sáng tạo”, khi có liên quan đến nhân vật lịch sử VN thì biên kịch có thể thực hiện đến cấp độ nào? Tức là với những phim thuộc thể loại “dã sử”, cái này thì tôi không dám tự chủ trương nhé, mà thuộc về sự cho phép của các bộ ngành của chính phủ, các bộ ngành có thể thảo luận để đưa ra những giới hạn nào đó để biên kịch có thể “sáng tạo” mà vẫn trong khuôn khổ.
Tôi sẽ đưa ra vài ví dụ cụ thể, như sự biến đổi về tính “nhân quả” trong Tầm Tần Ký của TQ, hay phép thuật như Phong Thần Diễn Nghĩa, hay như ý tôi từng nói là thời vua Hùng vì tìm được căn cứ của người ngoài hành tinh nên có thể dùng điện thoại di động và mặc bộ giáp siêu cấp, hay các nhân vật lịch sử có võ công như phim kiếm hiệp hoặc sức mạnh như siêu anh hùng, hay đạt đến mức độ tự do “sáng tạo” như trong phim Hành Tinh Khỉ (Planet of the Apes 2001) – đoạn cuối phim thì tượng tổng thống Lincoln bị biến thành khỉ, tất nhiên là phim ngụ ý châm biếm cả loài người chứ không phải nhắm vào vị tổng thống này hoặc bản thân nước Mỹ.
Khi tôi nêu ra những vấn đề này là đang nói đến sự sáng tạo của những bộ phim được làm nghiêm túc và sự đầu tư kỹ lưỡng, chứ không phải những bộ phim dạng xàm xí như “Huyền Sử Vua Gì Đó” có tóc xanh tóc đỏ, với dạng phim này thì đề nghị không cho ra rạp là tốt nhất.
Vấn đề cần chú ý tiếp theo là chọn diễn viên, một bạn đọc trên Chí Blog đã nói rất đúng là khi xem các diễn viên của phim Việt đóng vai vua thì cứ như khách du lịch mặc “hoàng bào” chứ không nhìn giống vua, cái này thì tôi cực kỳ đồng ý, nghĩa là các diễn viên đóng những vai có phẩm cấp cao thì không có cái “thần” của vai đó, nói châm biếm một tí, một con khỉ nếu mặc áo của người thì người ta vẫn biết đó là khỉ, hoặc “áo cà sa không làm nên thầy tu”. Thử hỏi là mấy vị anh hùng dân tộc như Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Nguyễn Huệ đánh đâu thắng đó, giặc nghe tên đã sợ thì diễn viên thế nào để thể hiện được cái “thần” đó? Vấn đề này không thuộc về diễn xuất mà là cái tinh thần được bộc lộ ra bên ngoài, cho nên khi chọn diễn viên thì điều trọng yếu nhất là hợp vai, các bạn có thể nghĩ đến mời những bạn bè từng giữ những chức vị cao trong cuộc sống thật để thử các loại vai này, ví như giám đốc hoặc lãnh đạo của 1 công ty hoặc 1 tổ chức, thậm chí bản thân đạo diễn (quen việc chỉ đạo người khác) cũng có thể vào vai này.
Khi tôi nói đến cái “thần” nghĩa là nói đến tầm nhận thức, kinh nghiệm sống, nó phải phù hợp với vai diễn, ví dụ như chúng ta sẽ cho diễn viên diễn vai Trần Quốc Toản thế nào? Theo “kinh nghiệm” xem phim Việt thì nhân vật TQT sẽ trầm tư (như ông cụ non), lo lắng cho quốc gia xã tắc, miệng giảng triết lý về lòng yêu nước với những người bạn thiếu niên cùng chí hướng, và đám bạn này cũng trầm tư gật đầu khen hay – đây là diễn tầm bậy, mười mấy tuổi đầu thì biết gì chuyện đánh trận và sinh tử, cái mà TQT có chỉ là sự hăng máu của “trẻ trâu”, nghe bàn chuyện đánh trận thì muốn cầm giáo xông lên, nhưng cái nhiệt huyết đó sẽ thay đổi khi qua những trận chiến đầu tiên, khi thấy làng xóm chìm trong biển lửa, khi thấy người thân và bạn bè lần lượt ngã xuống, khi thấy máu và nước mắt chảy dài, khi không biết trả lời thế nào với cha mẹ của những người bạn đã hy sinh, sau khi trải qua những việc đó thì TQT mới hiểu lòng yêu nước có ý nghĩa thế nào, làm cách nào để tổn thất ít nhất nhưng diệt giặc nhiều nhất, lúc nào cần xông lên và lúc nào cần lùi lại dưỡng sức cho cuộc chiến lâu dài, lúc nào phải quyết tử không lùi, như vậy mới đúng diễn biến tâm lý. À! Khi đọc về vị anh hùng thiếu niên TQT trên wikipedia thì có người nói là “anh ấy” hy sinh sớm, có người lại nói là “anh ấy” có tham gia cuộc chiến lần sau, cho nên tôi đề nghị là nếu có làm phim thì cho “anh ấy” sống lâu đến lần sau, vì nhân vật lịch sử này có thể tạo ra “truyền thuyết”, và những người bạn trong quân đoàn của “anh ấy” nữa.
Khi nói về diễn viên của VN, tôi có một góp ý rất chân thành, là đừng cố mà “diễn”, chỉ cần thể hiện sự tự nhiên như cuộc sống thường ngày là được, tại sao? Tại vì mỗi người dân VN vốn là một “diễn viên” đẳng cấp quốc tế bẩm sinh rồi! Tôi không có ý nói người VN giả tạo, mà ý nói người VN bộc lộ cảm xúc bên trong chân thật nhất thế giới, “diễn” là bộc lộ nội tâm ra bên ngoài để khán giả thấy được, cái đó thì người VN đã có sẵn một cách tự nhiên, nên không cần phải cố “diễn” để trở thành giả tạo và “kịch”, cái cần làm là hiểu nhân vật của mình là được, mà muốn hiểu nhân vật thì phải nâng cao tầm nhận thức, đó là cái cần học chứ không phải học “diễn”; các bạn cứ nhìn những diễn viên hạng A trên thế giới là hiểu, thử tìm kiếm xem họ đạt trình độ thế nào, họ học qua những trường gì, họ chọn những phim có kịch bản ra sao.
Các bạn có biết tại sao có rất nhiều người từ các nước tiên tiến muốn đến VN để sống? Là vì khi sống ở VN thì họ thể hiện được cảm xúc – điều mà họ không thể có được ngay ở đất nước của họ, vì người VN sống hồn nhiên, vui tính, lạc quan, dễ kết bạn, tràn đầy sức sống, và như tôi đã nói “sống hiện sinh dù không biết hiện sinh là gì”; sẽ có người hỏi là thế sao người VN thích chạy ra nước ngoài sống? Vì mê tiền chứ sao! Nói đến chuyện này làm tôi nhớ đến lần xem cuộc phỏng vấn anh Bùi Thạc Chuyên trong “Chuyện Thứ VI” trên Youtube, anh ấy nói rằng đã ngăn cản cô diễn viên Bảo Ngọc Doling tham gia đóng phim web drama để không bị làm “hư”, quá chí lý luôn; hoặc trong phim Con Nhót Mót Chồng, với tôi thì Thái Hòa và Thu Trang vẫn là “diễn” (dù nhiều người khen lên tới cung trăng), chỉ có Tiến Luật là tự nhiên như thật; hoặc trong Chị Chị Em Em 2 mà tôi có review, tôi khen Vũ Ngọc Đãng khi biết chọn Ngọc Trinh rất hợp vai, còn các vai khác đều là “diễn” như kịch.
Tôi nghĩ bài này viết đến đây là đủ, các bạn có thể đọc thêm nhiều bài Bàn Về Điện Ảnh trên Chí Blog để rút kinh nghiệm, nếu không thì rất dễ lọt “hố”, với lại trong lúc tình hình thế giới đang căng thẳng thì việc tạo ra tác phẩm văn hóa giải trí cần sự nghiêm túc, sản phẩm chất lượng sẽ được phía chính phủ tạo nhiều điều kiện để đưa ra thế giới, còn ai thích “ăn hôi” hoặc thích “nhảy nhót” lung tung thì khó mà tồn tại lâu dài, các bạn nhớ cẩn thận giữ mình nghen, và nhớ tài trợ Chí Blog á, đừng làm chiến sĩ nản lòng vì không có “cà phê” uống:
OCB – ngân hàng phương đông, tk: 0003100008898001, NGUYỄN MINH CHÍ, chi nhánh Thủ Đức
Điện ảnh Việt: những điều đạo diễn cần lưu ý khi làm phim
Chí Blog có kịch bản phim điện ảnh, ai mua không?
Bàn về điện ảnh: thuần Việt – hiện sinh – đạo tự nhiên
Bàn về điện ảnh: văn hóa Việt, tìm bản sắc, đừng màu sắc
Bàn về điện ảnh: cách làm phim lịch sử Việt
Bàn về điện ảnh: phong cách đánh trận cho phim lịch sử
Bàn về điện ảnh: cách tạo trang phục cho phim lịch sử VN
Bàn về điện ảnh: Kế hoạch phát triển điện ảnh Việt
Bàn về điện ảnh: phân tích khán giả trẻ “trâu” VN
Bàn về điện ảnh: biên kịch, đạo diễn, diễn viên nhiễm độc thế nào?
Bàn về điện ảnh: lỗi tư duy trong kịch bản phim Việt