Bàn về điện ảnh: phim remake – chọn kịch bản nào hốt bạc?

Trong bài này tôi sẽ phân tích việc chọn phim remake mà có thể đạt được doanh thu cao ở thị trường Việt Nam, không phải cứ thấy phim nào thành công ở nước khác rồi mang về là có thể thành công, nó có liên quan vô số những nhân tố con người và xã hội nước ta. Phim remake là một giải pháp tốt để phát triển nền điện ảnh Việt khi quá thiếu những kịch bản hay và có chất lượng.

Trước tiên là thái độ của khán giả Việt đối với phim Việt là như thế nào? Không khó nhận ra rằng khán giả Việt cực kỳ thích xem phim Việt, mặc dù phim Việt rất trời ơi đất hỡi khi đánh giá về mặt chất lượng nội dung, một bộ phận không nhỏ người quay lưng với phim Việt cũng vì lý do này. Tại sao người Việt thích xem phim Việt? Vì sự thân quen, vì niềm tự hào dân tộc, vì thần tượng, vì ảnh hưởng của giới showbiz đối với người Việt quá khủng, các bạn chỉ cần đi dạo trên các trang tin tức thì sẽ hiểu; nào là hotgirl, người mẫu, ngôi sao ca nhạc, người dẫn chương trình của các gameshow, diễn viên điện ảnh … nhiều như sao trên trời. Việc chọn xem phim Việt đa phần là do cảm tính và yêu thích chứ không phải là sự chọn lựa của lý trí.

VN có dân số trẻ, khán giả yêu thích phim Việt hầu hết là giới trẻ. Câu hỏi đặt ra là giới trẻ thích xem gì? Việc thích hay không thích này liên quan rất mật thiết đối với trình độ nhận thức của họ, và môi trường sống hằng ngày. Vậy thì thể loại học đường là ưu tiên số một, tiếp theo là những phim thuộc loại truyền cảm hứng, hài hước, phim tình cảm, phim hành động, phiêu lưu, huyền bí, kinh dị giật gân, khoa học giả tưởng.

VN là một đất nước đang phát triển, về trình độ nhận thức lẫn sự phát triển xã hội, hoặc văn hóa thì đi sau các nước phương tây là hàng chục năm, thậm chí cả trăm năm, đây là tôi nói thật. Tại sao điện ảnh Việt không có kịch bản hay? Việc này liên quan đến thành phần trí thức ở cấp độ cao nhất, ví dụ như triết gia, nhà tư tưởng, nhà văn, nhà xã hội học, thành phần nghệ sĩ thực thụ…; tôi đang nói về đẳng cấp và chất lượng quốc tế, chỉ khi thành phần này đông đảo thì mới có thể sản sinh ra lực lượng biên kịch tài giỏi và có nhiều kịch bản hay. Khi mà thành phần này quá nhỏ bé mà muốn có biên kịch giỏi thì chỉ là giấc mơ hão huyền, có chăng thì chỉ là sao chép và sao chép.

Vậy nền điện ảnh Việt giống cái gì? Giống một nhà máy có lực lượng kỹ sư và công nhân đông đảo có thể đáp ứng về mặt kỹ thuật nhưng thiếu một người điều hành giỏi và những nhà thiết kế có thể sáng tạo ra những sản phẩm tốt, nhu cầu thị trường thì vô cùng to lớn. Cái gì thiếu thì tìm kiếm nó ở nước ngoài, đi thuê lại, kịch bản remake cũng giống vậy. Nếu so sánh phim Việt như một con người thì điều còn thiếu là một bộ khung sườn hoàn hảo, đó là kịch bản phim hay, một cốt truyện có chất lượng. Tuy nhiên việc chọn phim để remake lại có một nhược điểm rất lớn, đó là rất dễ bị chê khi được mang ra so sánh với phim gốc đã làm trước đó, chỉ cần khắc phục được điều này thì mọi việc sẽ ổn.

Tại sao tôi nhắc đến thành phần khán giả và việc xã hội VN đi chậm hơn người ta? Để biết cách chọn phim remake sao cho phù hợp với thị hiếu (nhận thức) của khán giả và việc đủ sức để tạo ra một bộ phim tốt trong khả năng đang có. Muốn làm phim dòng giả tưởng và kinh dị, chúng ta không chơi lại Mỹ, làm phim mang nhiều yếu tố nghệ thuật thì chúng ta kém quá xa châu Âu, đó là chưa nói đến việc chúng ta quá nghèo. Vì thế đừng dại chọn những kịch bản quá nặng ký, nên cần một bước lùi về nội dung kịch bản lẫn thời gian mà bộ phim đó được sản xuất lần đầu.

Với thể loại phim học đường, hãy nhắm đến những phim của Mỹ từ khoản năm 1995-2012, dân Mỹ đã chán chê những phim loại đó, nhưng xã hội VN lại đi sau người ta, mang kịch bản về, thay bối cảnh hiện tại ở VN, sữ dụng những kỹ thuật làm phim mới, lực lượng diễn viên – người mẫu trẻ có thể đáp ứng những phim không quá đòi hỏi về diễn xuất ở VN thì cực kỳ dồi dào. Dù là phim về học đường của Mỹ nhưng về vấn đề liên quan đến tình dục thì nó khá nặng với văn hóa Á đông, giảm biên độ xuống thành tình yêu là được. Khi được remake kiểu này thì do cách biệt thời gian, khác biệt văn hóa, nên sẽ rất khó mà so sánh 2 bộ phim với nhau.

Thể loại phim phiêu lưu, ưu thế lớn nhất của VN là danh lam thắng cảnh, muốn loại nào cũng có, biển, núi rừng, đồng bằng sông nước, những hồ nước ngọt lớn cũng có, đồi cát đồi trọc hoặc cao nguyên đồng cỏ cũng có. Sao không mang mấy thứ đó vào phim? Loại phim mà một nhóm người trẻ đang trên chuyến hành trình khám phá gì đó, hoặc bị săn đuổi, trên đường họ đi sẽ vượt qua biết bao danh lam thắng cảnh của VN, rất lợi cho du lịch.

Thể loại truyền cảm hứng, cốt truyện thường là những học sinh hoặc thanh niên đang ở giai đoạn sa ngã, rồi một người “dẫn đường” đến truyền cho họ nhiệt huyết, phương tây thường lấy đề tài thể thao, VN có thể lấy đề tài âm nhạc, hoặc truyền hình, hoặc du lịch… sau đó mời các ngôi sao ca nhạc hoặc các MC nổi tiếng vào những vai phụ, vừa kéo khán giả vừa hợp mong muốn của các ngôi sao của chúng ta. Lấy những phim của Mỹ trong khoản thời gian như phim về học đường. VN ta có rất nhiều diễn viên bỏ nghề diễn đi làm MC, vì không có kịch bản hay cho họ diễn, giờ chúng ta đảo lại tình thế đó.

Thể loại phim lãng mạn thì có thể nghĩ tới nền điện ảnh của Ấn Độ, chỉ cần bỏ đi lối diễn quá phô trương và các bài hát. Phim của nền điện ảnh Ấn có rất nhiều ý nghĩa và ưu thế là thông điệp trong phim họ cực kỳ trực quan dễ hiểu chứ không ẩn giấu như của phương tây (đó cũng là lý do tôi rất ít viết review cho phim Ấn, ai xem cũng hiểu thì viết làm chi), rất phù hợp với tầm nhận thức của khán giả Việt, sự khác nhau về văn hóa cũng khiến cho phim rất khó so sánh với phiên bản gốc.

Về thể loại hành động, yêu hận tình thù, điều tra phá án, xã hội đen… thì hãy nghĩ đến những phim của Hongkong những năm 1985-2000, đó là thời kỳ vàng son của điện ảnh Hongkong, nhưng sau đó họ bỏ vì chạy theo thể loại hài nhảm của TQ, cũng bởi thị trường TQ quá lớn, lợi nhuận quá cao. Nhưng nếu mang về VN với bối cảnh và kỹ thuật hiện tại thì sẽ tạo ra không ít phim hay cho người Việt. Biết đâu điện ảnh Việt có thể thay thế và tiếp nối điện ảnh Hongkong trong thể loại này, việc so sánh cũng không cần lo lắng.

Chí Blog có kịch bản phim điện ảnh, ai mua không?

Như vậy là chúng ta đã có 3 kho kịch bản lớn có thể remake, yếu tố cần xem trọng là sự trẻ trung, hài hước; khán giả Việt rất thích phim hài và sự vui tươi nhưng bị chê khi nó nhảm, vậy chỉ cần bỏ chữ “nhảm” đi, làm cho chỉnh chu là được. Hạn chế thể loại giả tưởng và kinh dị, vì về kỹ thuật cho đến độ kinh dị thì chúng ta không so nổi với phương tây, mà nó cũng là xu hướng trong hiện tại ở phương tây, nghiệp dư mà muốn chạy đua với chuyên nghiệp thì rất dễ chết, đặt biệt là thể loại tâm lý nặng nề thì diễn viên Việt cũng diễn không tới. Còn đối với nền điện ảnh Hàn Quốc, nền điện ảnh này đang đi lên và được ưa chuộng ở VN, làm lại phim của họ rất dễ bị mang ra so sánh.

Nếu phim do VN sản xuất được làm chỉnh chu, xóa bỏ được hài nhảm, nó cũng sẽ tác động ngược lại với lực lượng biên kịch, không còn tồn tại kịch bản nhảm, và nếu điện ảnh Việt phát triển thì cũng góp phần thúc đẩy sản sinh ra nhiều biên kịch tài năng, dù rằng giai đoạn đầu chủ yếu là viết lại kịch bản của người ta, nhưng đó cũng là quá trình học hỏi, khi chưa đủ trình độ mà cứ muốn đón đầu đi trước thì rất dễ bị ngã dập mặt, bất cứ thứ gì cũng cần một quá trình, quan trọng là làm cách nào rút ngắn quá trình đó theo cách nhanh nhất. Giới showbiz Việt có ảnh hưởng rất lớn với người Việt, vậy chỉ cần có kịch bản tốt, sau đó bế họ vào phim, thế là có thể kéo người Việt đến rạp xem phim.

Văn hóa VN là văn hóa thế nào? Trọng tình cảm, thích sự vui tươi, đầu tiên là bị ảnh hưởng của văn hóa TQ (thích ăn uống), sau đó là Pháp (thích vui chơi), sau đó là Mỹ (thích tự do), hiện tại là Hàn (thích hình thức). Tổng hợp lại, văn hóa VN còn đa dạng hơn cả Mỹ, vì Mỹ bị ảnh hưởng của châu Âu rất nặng. Thành ra phim Việt cứ theo đà đó tiến tới là có thể phát triển, quan trọng nhất là phải cố gắng tạo ra sản phẩm có chất lượng, khi đó mới có thể mở rộng thị trường ra bên ngoài.

Còn việc đón đầu đi trước? Có đấy, chính là những yếu tố mà tôi vừa nói, những bộ phim của Mỹ và châu Âu ngày càng đen tối nặng nề, toàn là chết chóc và bi quan, nó đang đi vào thời kỳ đỉnh điểm và sẽ rơi xuống, lúc nó rơi xuống là thời điểm của chúng ta, cho họ thấy sức sống trong phim Việt. Tuy nhiên, phim phải coi trọng những thông điệp mang tính nhân văn, như tình yêu, gia đình, lòng tốt, trách nhiệm, tôn trọng thiên nhiên, sự sống; không có những thông điệp này thì đừng nghĩ đến chuyện xuất khẩu trong thế giới ngày nay.

Facebook Comments

About Author

Minh Chí

Bạn tôi góp ý là: nhiều người ở VN thích làm màu, nên tôi cần làm màu hơn thế. Cho nên các bạn cứ nghĩ tôi rất "đỉnh" là được!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Next Post

Bàn về điện ảnh: Nam tài tử “anh hùng”? Thiếu biên kịch?

T7 Th4 10 , 2021
Đây là 2 vấn đề đang nổi trội của điện ảnh Việt hiện nay, tôi sẽ phân tích căn nguyên dẫn đến thiếu biên kịch, thiếu nam tài tử. Như tất cả những bài viết khác của tôi, sẽ nói thẳng, nói thật, điểm sơ qua, hoặc không nói vì […]

You May Like

Translate» English - Vietnamese