Đây là 2 vấn đề đang nổi trội của điện ảnh Việt hiện nay, tôi sẽ phân tích căn nguyên dẫn đến thiếu biên kịch, thiếu nam tài tử. Như tất cả những bài viết khác của tôi, sẽ nói thẳng, nói thật, điểm sơ qua, hoặc không nói vì nhạy cảm và đụng chạm đến nhiều người, ai quan tâm thì đọc tiếp nhé.
Tại sao điện ảnh Việt thiếu nam tài tử mang hình mẫu “anh hùng”?
Câu trả lời rất đơn giản, bởi vì mẫu tài tử kiểu này sống không nổi trong xã hội hiện tại. Để chứng minh điều này rất dễ dàng, các bạn cứ lên những trang tin tức để xem những bài đăng đang nói về vấn đề gì; nào là hotgirl, người mẫu, nữ diễn viên, hoa hậu, ca sĩ, MC nổi tiếng…, làm gì có tin tức như vậy về các nam tài tử điện ảnh, nếu có thì chỉ đếm được trên đầu ngón tay, hoặc chỉ có đối với những nam diễn viên đóng phim hài hoặc diễn hài kịch trên TV.
À tôi không hề có ý mĩa mai gì đâu, thật ra thì không chỉ ở VN, cả thế giới này đều vậy, nền công nghiệp sản xuất vật chất của xã hội đều tập trung vào những sản phẩm phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của con người mà trong đó sản phẩm dành cho nữ giới chiếm phần lớn, sản phẩm dành cho gia đình cũng phụ thuộc vào nữ giới. Vì vậy, khi một nữ diễn viên không có phim để đóng thì vẫn có thể làm người mẫu, quảng cáo sản phẩm, hoặc … có người yêu là đại gia. Nói chung là nữ diễn viên có nhiều ưu thế trong việc theo đuổi con đường điện ảnh, còn nam tài tử, nếu không có phim đóng thì họ làm gì? Chỉ có thể bỏ nghề.
Về mặt diễn xuất, nam giới kém xa nữ giới vốn vô địch về mặt lột tả cảm xúc, nên để có thể đào tạo được một nam diễn viên diễn tốt thì khó gấp mấy lần so với nữ diễn viên. Muốn nam diễn viên phát triển thì phải có nhiều phim cho họ rèn luyện, nhưng có không? Nhìn lại điện ảnh VN trong 10 năm qua, mỗi năm trung bình có khoản 20-30 phim, có bao nhiêu phim với cốt truyện nam chính có tính cách “anh hùng”? Người ta có thể kể ra một loạt phim, nhưng cứ tính tỉ lệ trên tổng số, rất ít nhé, toàn là phim thể loại hài (hoặc hài nhảm), nam tính được thể hiện một cách hời hợt và méo mó, chủ yếu là để mang tính độc lạ chiều ý khán giả trẻ. Vậy là không có phim để nam diễn viên “thuần chính” rèn luyện.
Khi nhà sản xuất đưa ra dự án làm phim, điều đầu tiên hướng tới là doanh thu, kinh doanh mà không lợi nhuận thì chả ai làm, làm mà thua lỗ thì đưa đến phá sản, đó là tất yếu. Như vậy, khi chọn diễn viên, điều nhắm đến đầu tiên là sức ảnh hưởng của diễn viên đó đối với công chúng, điều này thì nam giới kém nữ giới quá xa. Thế thì phải đổi kịch bản phim, nam biến thành phụ, nữ biến thành chính, mà nam phụ thì toàn là các vai thể hiện tính cách méo mó của nam giới, làm gì có “anh hùng”. Đã vậy, nam diễn viên không có tầm ảnh hưởng thì tiền cat-sê rất thấp, không sống nổi.
Nam diễn viên chỉ có thể sống trong trường hợp đi lên từ một nghề chính khác, ví dụ như nổi tiếng từ việc họ là ca sĩ, hoặc MC, điều này chúng ta thấy quá nhiều trong thực tế; nhưng thành phần này lại không quá mặn mà mới con đường điện ảnh, vì làm ca sĩ hoặc MC thì họ đã dư tiền để sống, trong khi tham gia đóng phim thì phải theo dự án suốt 1 hoặc 2 năm, đã vậy nếu diễn không tốt thì sẽ bị mất tiếng và ảnh hưởng đến nghề chính. Họ chỉ thật sự tham gia một bộ phim khi có kịch bản cực tốt có thể làm tăng danh tiếng họ. Vấn đề vẫn là tiền, một năm đóng phim với một năm biểu diễn biết bao nhiêu show ca nhạc hoặc chương trình TV, cái nào lợi hơn thì nhìn vào sẽ biết ngay.
Vấn đề quay trở lại cái gốc của điện ảnh: kịch bản phim tốt – đây là giải pháp duy nhất cho vấn đề này. Muốn có nam “anh hùng” thì phải có dòng phim thiên về chính kịch, hành động, phá án, gia đình thuần túy – nghĩa là đề tài gia đình mẫu mực chứ không phải loại lấy ngoại tình hoặc đánh ghen làm trọng tâm. Mà những dòng phim loại này đòi hỏi kịch bản cực tốt mới có doanh thu cao, trong khi lực lượng biên kịch Việt còn quá yếu, rất khó.
Vậy giải pháp cấp thời là gì? Khán giả VN vẫn yêu thích thể loại hài hoặc độc lạ, nhưng hài thế nào và độc lạ thế nào thì hãy cố gắng dành vài cái vai nam phụ thuần chính để nam tài tử còn có đất mà sống. Thêm một yếu tố cực kỳ quan trọng nữa, là sự hỗ trợ từ giới truyền thông, ý tôi nói là ở quy mô cấp quốc gia, nghĩa là nếu lỡ mà diễn viên đó có diễn dở thì đừng có “dập” sát ván, ngược lại, phải hỗ trợ cho các vai ấy để họ có điều kiện để tiếp tục nghiệp diễn. Kế tiếp là cố gắng mời các nam ca sĩ, nam MC vào những vai phụ này, thật ra thì nghề của họ cũng thiên về biểu diễn, nhập vai phụ không khó, từ đó sẽ có được một lực lượng lớn đối với nam diễn viên “thuần chính”.
Tại sao nền điện ảnh Việt thiếu biên kịch giỏi?
Vấn đề cũng như trên, sống không nổi với nghề biên kịch. Xã hội Việt hay nói trên tổng thể thế giới đều giống nhau ở một điểm, đó là những sản phẩm thuộc về tinh thần thì không hề được xem trọng, đối với những xã hội kém phát triển thì điều này còn khắc nghiệt hơn. Để tạo ra một bộ phim hay thì 2 nhân tố quan trọng nhất là biên kịch và đạo diễn, việc người ta xem trọng đạo diễn nhất cũng là điều tất nhiên, vì đạo diễn là người xây dựng lên một bộ phim hay. Tuy nhiên ở VN đang có một hiện tượng rất phổ biến, đó là đạo diễn đang lấn sân biên kịch.
Chí Blog có kịch bản phim điện ảnh, ai mua không?
Mấy anh đạo diễn có đọc thì đừng có tức giận, không phải tôi đánh giá thấp đạo diễn, mà vì vai trò khác nhau. Một biên kịch thật sự thì chả làm cái gì cả, mỗi ngày cứ ăn không ngồi rồi, đi du lịch, đọc sách, xem phim, ngắm thiên hạ, nhìn cuộc sống … và làm sao để trong một năm phải cho ra ít nhất 2-3 cái kịch bản hay. Trong khi đó đạo diễn thì giống như một tổng công trình sư, có quá nhiều việc để làm, nếu cho mấy anh đạo diễn được thảnh thơi để viết kịch bản thì kịch bản đó chắc chắn sẽ tốt hơn là của biên kịch, vì đạo diễn nắm bắt cuộc sống tốt hơn biên kịch, nắm bắt tốt hơn mới tạo ra bộ phim được.
Bởi vì biên kịch giỏi ở VN quá ít, nên đạo diễn trở thành người viết kịch bản luôn, đó cũng là giải pháp an toàn mà nhiều nhà sản xuất lựa chọn. Tuy nhiên xét cho cùng thì đó cũng chỉ là nhất thời, vì đạo diễn có quá nhiều việc để có thể cho ra một kịch bản hoàn hảo, tuy nói đạo diễn lấn sân, nhưng trong hiện tại thì không có giải pháp nào khả thi hơn.
Người ta bảo nhau thiếu biên kịch giỏi, nhưng có ai thật sự xem trọng biên kịch đâu. Vì cái sản phẩm thuộc về tinh thần thì không ai nhìn thấy được, nếu trong hãng phim có biên kịch thì người ta nghĩ “làm biên kịch sướng thật, cả ngày cứ ăn không ngồi rồi”, thế là họ giao việc thêm, dạng như, có cái chương gameshow này, hãy lên kịch bản cho nó, cứ thế cứ thế, vậy là cái việc chính là một năm cho ra vài cái kịch bản tốt xem như phá sản, có biên kịch giỏi cũng bị đạp cho hư. Biên kịch không có thời gian viết kịch bản phim thì đẩy ra ngoài cho những biên kịch nghiệp dư viết để nộp đúng tiến độ, thế là ra những kịch bản kém chất lượng.
Cái việc này cũng giống như vấn đề giáo viên dạy thêm, giáo viên lãnh lương không đủ sống thì phải dạy thêm, cấm dạy thêm thì làm thêm nghề phụ khác để tăng thu nhập, thế là cái công việc chính bị bỏ bê và kém chất lượng. Việc hô hào và thực tế diễn ra cách biệt nhau quá xa.
Đó là chưa kể đến điều mà tôi cứ nói đi nói lại mãi, là cái lối tư duy trọng hình thức hơn nội dung. Giá trị của một biên kịch là ở chỗ nắm bắt cái tinh túy của cuộc sống, trong khi người ta toàn nghĩ đến chuyện đào tạo biên kịch theo kiểu công nghiệp, viết kịch bản theo chuẩn này chuẩn kia, phải theo trình tự 3 hồi, rồi thì những phương pháp chuyên nghiệp hóa, cách tạo ra một bộ phim kịch tính, cách dẫn dắt tâm lý khán giả … tất cả những thứ đó chỉ là công cụ thôi. Việc đó giống như cách người ta tạo ra một robot hoặc AI, nó mô phỏng cuộc sống nhưng nó không có sự sống, nó bắt chước hình thức sự sống nhưng nó không hiểu gì về sự sống.
Muốn biên kịch sáng tạo nhưng dồn vào đầu óc họ biết bao quy luật và lề thói, những thứ ấy là những xiềng xích trói buộc và giới hạn sự sáng tạo. Cái lề luật mà con người mô phỏng từ thiên nhiên và cuộc sống có lớn hơn bản thân thiên nhiên và cuộc sống? Sao không học cách hiểu quy luật của hoàng vũ mà cứ chạy theo cái quy luật do con người tạo ra? Đó không phải là bỏ gốc lấy ngọn sao? Đó chỉ là khôn lỏi.
Còn những quy luật do con người tạo ra thì sao? Nó bắt nguồn từ cái người đầu tiên khi họ hiểu quy luật cuộc sống, nên họ áp dụng nó và họ thành công, người đi sau thì bắc chước mà không thật sự hiểu, thành ra nó trở thành một nhà tù hoặc xiềng xích cản trở họ trong việc sáng tạo. Còn kẻ tìm hiểu bản chất cuộc sống thì những gì đã được phát hiện sẽ trở thành thứ công cụ tốt cho họ vận dụng. Không thay đổi tư duy thì đừng có mong tạo ra biên kịch giỏi. Kể cả việc đào tạo đạo diễn cũng y như vậy, nếu đạo diễn không nắm bắt được cái tinh túy của cuộc sống thì làm sao mô phỏng nó để tạo ra bộ phim hay? Hoặc nếu đạo diễn đọc kịch bản tốt mà không hiểu thì sao có thể dựng thành phim hay và đúng với ý đồ của biên kịch?
Nghĩa là tầm nhận thức của đạo diễn giỏi phải ngang ngữa biên kịch giỏi, và vượt qua biên kịch khi họ có thể hiện thực hóa cái kịch bản ấy, cho nên vai trò của đạo diễn được đánh giá cao hơn biên kịch là điều tất nhiên. Biên kịch hoặc đạo diễn là không thể đào tạo được theo lối công nghiệp và hình thức, họ phải đi theo con đường nhận thức về mặt tinh thần. Nghĩa là cần đọc nhiều sách hơn, đặt biệt là mảng triết học, tôn giáo, và các tác phẩm tiểu thuyết kinh điển, đó mới là trọng tâm. Sau khi nắm bắt tốt những mặt đó, việc áp dụng những kỹ thuật mang tính hình thức cũng dễ dàng hơn, vì sẽ hiểu “tại sao người ta lại làm như vậy”, chứ không phải theo lối học vẹt rồi áp dụng tùm lum.
Giải pháp là gì? Nói thật là tôi không tiện bàn thêm, vì nó liên quan đến những chính sách thuộc cấp cao nhất của một quốc gia hoặc văn hóa của một dân tộc. Chỉ biết rằng, phần lớn những bộ phim hay được sản xuất ở VN thì đều do nhiều đạo diễn từ nước ngoài trở về, cái “hay” mà tôi nói là chỉ giới hạn ở VN thôi, rồi chuyện những phim đoạt giải quốc tế – chuyện nhạy cảm, rồi phim lịch sử VN nhưng để biên kịch nước ngoài viết – tôi không ném đá cái này, ở VN không có biên kịch giỏi thì mời biên kịch nước khác viết là chuyện tất yếu, đó cũng là nhu cầu tất yếu để phát triển nền điện ảnh, không thể vì cái gọi là “niềm tự hào dân tộc” rồi cấm, và sau đó nhận được một kịch bản trời ơi đất hỡi.
Muốn đào tạo một lực lượng biên kịch trẻ có nhiều sáng tạo? Có thể, nhưng nếu không thay đổi cách tư duy thì … chắc bạn cũng hiểu ý tôi khi đọc đến đây hoặc các bài trước. Có bao nhiêu người thật sự quan tâm để đọc những gì mà tôi viết? Cũng chỉ viết chơi để than thở mà thôi.