The Hater (Mạng Lưới Thù Ghét – 2020) có nội dung xoay quanh các vấn đề xã hội chính trị phương tây thời hiện đại, một phim hay để chúng ta nhìn lại các vấn đề đang nổi trội ở các nước phát triển, để tự hỏi rằng thật sự điều gì đang xẩy ra? Liệu những điều mà chúng ta ủng hộ hay phản đối có phải là nguyên nhân khiến cho thế giới này trở nên hỗn loạn như thế? Còn riêng đối với chúng ta – nước VN, về hình thức, những điều đó dường như không tồn tại; nhưng về bản chất hoặc sự gián tiếp, chúng ta vẫn chịu ảnh hưởng bởi sự xáo trộn đó, vì nếu họ (phương tây) loạn thì chúng ta cũng chẳng thể yên bình được. IMDb 7.1
Phim kể về một thanh niên đang theo ngành luật bị đuổi học vì ‘đạo văn’ trong bài luận của cậu ta, từ đó cuộc đời đã có nhiều thay đổi theo chiều hướng tăm tối. Xem phim nếu muốn biết thêm chi tiết hoặc đọc bài tiếp.
Phân tích / giải thích ý nghĩa thông điệp
Nội dung phim không thật sự khó hiểu, nhưng để có cái nhìn rộng hơn và rõ ràng hơn thì đòi hỏi người xem phải có cái nhìn sâu sắc vào xã hội phương tây. Trên các trang mạng, chúng ta thường thấy có nhiều phong trào được thành lập, họ sẽ ủng hộ cánh tả hoặc cánh hữu, và những phong trào này thường lấy những kẻ cực tả hoặc cực hữu như sự biện minh cho quan điểm của chính họ, nhưng bộ phim cho chúng ta thấy bản chất của sự việc không nằm ở đó; vậy nó nằm ở đâu?
Trước khi trả lời cho câu hỏi đó, chúng ta cần trả lời một câu hỏi khác, ‘Ai’ đang điều hành xã hội phương tây? Rất rõ ràng không phải là những kẻ đi bầu, không phải những người dân, mà là những kẻ được bầu, chính xác hơn thì người ta gọi thành phần đó bằng từ ‘giới tinh hoa’, đó là thành phần có học vấn và địa vị cao trong xã hội, chính xác hơn nữa thì đa số trong họ thuộc về giới thượng lưu – giàu có. Luật pháp hay nguyên tắc xã hội, hay các quan điểm / định kiến đều xuất phát từ giới tinh hoa này, chính họ tạo ra mọi luật lệ và buộc phần đông dân chúng tuân thủ, xét về cơ bản, hệ thống này khá hoàn hảo, nhưng trong đó tồn tại những vấn đề cốt lõi tạo nên những mâu thuẫn xã hội.
Tomasz đã ‘đạo văn’ trong bài luận của cậu ấy, điều đó là không thể tha thứ đối với ngôi trường mà cậu ấy theo học – ngành luật, nhưng khi xét về tình, lời bào chữa của Tomasz là có cơ sở để thông cảm, vì cậu ấy phải bỏ rất nhiều thời gian làm thêm để có chi phí cho việc học. Giả sử Tomasz thuộc về giới thượng lưu, có gia đình tài trợ cho chi phí ăn học thì cậu ấy khó mà chọn con đường ‘đạo văn’ vì hậu quả của nó vô cùng nghiêm trọng. Họ – các giáo sư đã không cho Tomasz cơ hội để sửa chữa sai lầm, không một cơ hội nào. Tôi không có ý biện hộ cho hành động ‘đạo văn’, tôi đang nói về cái nguyên nhân khiến cho việc ‘đạo văn’ hình thành.
Tiếp theo chúng ta chú ý đến cách mà ‘giới tinh hoa’ đã đối xữ với những người như Tomasz. Những người trong gia đình của Gabi có thể được xem là người tốt vì họ tài trợ học bổng cho Tomasz, nhưng trong cách nhìn của họ, họ không thật sự xem cậu ấy có cùng đẳng cấp, sự tiếp xúc của họ chỉ mang tính chất xã giao, và rồi khi biết được chuyện Tomasz bị đuổi học thì họ quay đi vô cùng lạnh lùng, như cách mà vị giáo sư đã làm đối với cậu ấy. Nghĩa là, họ định ra nguyên tắc cho phần đông những kẻ có địa thấp hơn họ phải tuân theo, nếu ai vi phạm thì sẽ bị loại bỏ không thương tiếc.
Câu hỏi tiếp theo chúng ta cần trả lời, ‘giới tinh hoa’ này có tuân thủ nguyên tắc do họ định ra không? Hoàn toàn không, Gabi vừa đóng vai trò là con gái trong một gia đình thượng lưu, vừa là hình tượng cho ‘giới tinh hoa’. Vì chúng ta thấy sự tương đồng trong việc Gabi phản bội lời hứa trong cuộc chơi ‘nói thật’ và việc ông thượng nghị sĩ thuê công ty mạng dùng thủ đoạn bôi nhọ đối thủ, về hình thức thì chuyện lớn nhỏ khác nhau, về bản chất thì y như nhau.
Cánh tả chủ trương về công bằng xã hội (có thiên hướng cào bằng – điều mà cánh hữu không ủng hộ), họ chỉ trích cánh hữu là phát xít, là thiếu lòng trắc ẩn, họ ủng hộ việc giúp đỡ dân nhập cư (tôi cũng ủng hộ). Cánh hữu thì đổ lỗi cho việc xã hội hỗn loạn vì có quá nhiều dân nhập cư, về việc nền văn hóa truyền thống bị ‘xâm thực’. Nhưng cả bộ phim cho chúng ta thấy trong sự hỗn loạn và tội ác diễn ra sau đó thì chả liên quan gì đến dân nhập cư hết. Mọi nguyên nhân đều xuất phát từ bản chất về cách mà cái xã hội đó vận hành, họ khắc khe với những vấn đề nhỏ nhưng lại để cho cái công ty mà Tomasz làm việc được tồn tại; và những loại công ty này có thể tồn tại là bởi vì bản thân ‘giới tinh hoa’ không chơi đúng nguyên tắc mà họ định ra.
Chí Blog có kịch bản phim điện ảnh, ai mua không?
Những công ty loại này là những kẻ ‘hai mang’, chính nó tạo ra những con người cực hữu lẫn cực tả, nó kích động thù hận, nó tạo ra sự cực đoan và bạo lực, chẳng liên quan gì đến người nhập cư hay tổ chức khủng bố nào cả, mục đích của nó là phục vụ cho lợi ích của thành phần ‘tinh hoa’ nắm quyền từ cả hai cánh tả – hữu, và thành phần bị biến thành những kẻ cực đoan chính là dân chúng đang sống trong sự nghèo hèn và thất học.
Nếu nói về luật lệ, chúng ta thấy sự tương phản giữa việc Tomasz bị đuổi học vì ‘đạo văn’ và sự tồn tại của những công ty mạng với điều khoản ‘bảo mật’ của nó, luật lệ khắc khe với những sai phạm nhỏ nhưng hoàn toàn thả lỏng với những sai phạm lớn. Vị thượng nghị sĩ có con gái, bà chủ công ty có con trai, chị của Gabi là một cô gái tốt theo đuổi nghệ thuật ở ngôi trường danh tiếng; tất cả họ đều có con cái và họ đều mong mọi thứ tốt đẹp đến với con cái họ, nhưng bản thân họ lại góp phần tạo ra một xã hội hỗn loạn và không có bất kỳ lòng trắc ẩn nào đối với những kẻ có địa vị thấp hơn, kết quả là những kẻ bị họ lợi dụng đã xã súng giết họ trong buổi tiệc ủng hộ tranh cử.
Bàn về sự ‘xâm thực’ văn hóa, có lẽ chúng ta khó ai mà không biết đến 36 kế binh pháp Tôn Tử, nó có thể tóm tắt bởi 4 từ ‘bất chấp thủ đoạn’, nó là thứ mà Tomasz đã học theo để thực hiện việc trả thù xã hội. Nếu có một đánh giá đúng đắn cho 36 kế này thì tôi có 2 từ dành cho nó, đó là ‘khôn lỏi’, vì việc bất chấp thủ đoạn sẽ tạo ra những hậu quả vô cùng thảm khốc và khó có thể khắc phục, nó có thể phá hư mọi nền tảng tạo nên xã hội. Chúng ta có thể đồng hóa tri thức với những khẩu súng, tri thức về luật pháp xã hội, về lòng nhân ái của Kito giáo (hoặc Phật giáo) là những khẩu súng tốt dùng để bảo vệ và chống lại kẻ thù hoặc cái ác; nhưng loại tri thức như 36 kế này lại giống với khẩu súng dỏm nhập khẩu từ TQ dùng để giết người và phục vụ cái ác.
Phương tây đổ lỗi cho việc dân nhập cư tham gia vào xã hội của họ nên nền văn hóa tốt đẹp của họ bị biến chất, bị những cái xấu của những nền văn hóa khác ‘xâm thực’ (nếu sự xâm thực bởi cái tốt từ nền văn hóa khác thì chẳng ai chê trách cả), nhưng thực chất là bởi vì chính bản thân họ đã không giữ gìn cái bản sắc tốt đẹp trong văn hóa của chính họ, họ dùng cái xấu trong nền văn hóa khác để phục vụ tính tư lợi của chính họ. Những thành phần dưới đáy xã hội, nghèo đói và dốt nát không hiểu bản chất vấn đề nên cứ đổ lỗi lung tung, họ bị chính thành phần ‘tinh hoa’ đầu độc và kích động.
Phim này không nghiêng về cánh tả hoặc cánh hữu, mà mĩa mai châm biếm thành phần gọi là ‘tinh hoa’ của xã hội, chính xác hơn thì là thành phần làm chủ và dẫn dắt xã hội; chính họ đã biến những người trẻ tuổi tài giỏi, chân thành, và có học thức như Tomasz trở thành kẻ phản xã hội. Liệu Tomasz có vui sướng sau khi trả được thù? Không! Càng trả thù thì cậu ấy càng đau đớn, càng hãm hại những người như cô gái ủng hộ ăn kiên và chơi thể thao (bị hại vì tạo tổn thất cho các tập đoàn bán thức ăn), hoặc anh chàng mê chơi game nhưng rất có hiếu, hoặc người chị của Gabi, hoặc ông bảo vệ trường bắn, hoặc người đàn ông tranh cử cho cánh tả, thì Tomasz càng đau đớn, nó khiến cảm xúc của Tomasz trở thành tê liệt. Mĩa mai càng sâu cay là sau đó người ta tôn vinh Tomasz – kẻ chủ mưu như một anh hùng, thân nhân những người bị giết đã gửi thật nhiều hoa cho kẻ giết người, giống như cách người ta ủng hộ vị thượng nghị sĩ và sẽ bầu cho ông ta vì đối thủ của ông ta đã bị sát hại. Đó là cách mà xã hội phương tây đang tự hủy hoại bản thân nó trong hiện tại.
Cuối cùng thì Gabi đã quay lại tìm Tomasz nhưng sự việc đã quá muộn, tóm lại thì thứ giúp cho xã hội trở nên tốt đẹp hơn không phải là những luật lệ hay quan niệm về đạo đức mang tính rập khuôn, mà là tình yêu thương, lòng trắc ẩn và sự cảm thông. Phải nói rằng bộ phim này của Ba Lan rất hay, ý nghĩa. Các bạn nên xem để cảm nhận và hiểu hơn những gì thật sự đang diễn ra trong xã hội hiện đại này.
Để xã hội tốt đẹp hơn – Hãy ủng hộ tài chính Chí Blog:
Hàng tháng: https://www.patreon.com/chi_blog_movie_reviews
Paypal: https://www.paypal.com/paypalme/nguyenminhchi2806
Bank – Người nhận: Nguyễn Minh Chí, NH TMCP SAI GON THUONG TIN CN TIEN GIANG, Số TK: 0601 4671 8526
Ví momo:
…………………………………..
Nhớ Share bài viết, Like Chí Blog (Facebook) để dễ dàng theo dõi những bài viết mới.
Top 120 Best review phim ý nghĩa trên Chí Blog
Top 50 bài review sách văn học kinh điển của Chí Blog
Những phim cùng chủ đề:
Kim Cương Trong Đá – Uncut Gems (2019): cuộc sống là hỗn độn
Kẻ Sát Nhân Không Mùi – Perfume: The Story of a Murderer (2006): phù du – vĩnh cữu
Lễ Hội Đẫm Máu – Midsommar (2019): bóng tối giữa bông hoa
Thiên Nga Đen – Black Swan (2010): con đường của sự hoàn hảo và tự do
Tiền Định – Predestination (2014): 2 thế giới, 2 vòng lặp giao nhau
Vùng Hủy Diệt – Annihilation (2018): ung thư hay tiến hóa?
Ngày Tận Thế – Melancholia (2011): nỗi u sầu ẩn giấu
Mặt Trăng – Moon (2009): tất cả chỉ là ảo ảnh
Chuyện Tào Lao – Pulp Fiction (1994): chuyện tào lao không tào lao
Vẻ Đẹp Mỹ – American Beauty: vũ điệu cơn gió xoáy
Đời Sống Thượng Lưu – La grande bellezza (2013): ta thấy gì khi cúc áo cô gái mở ra?