578: Phát Đạn Của Kẻ Điên là phim hành động – nghệ thuật, là phim Việt hay đối với Chí Blog – “Website duy nhất VN giải mã phim nghệ thuật”. Khi nghe tôi nói rằng phim này hay chắc nhiều người không đồng ý, và sau khi đọc bài, có lẽ một số người có thể unlike trang vì tôi sẽ chỉ rõ một vài sự thật nhạy cảm, nhưng cái đó thì chịu, cái gì nên nói thì tôi sẽ nói, và bởi vì bộ phim này ra lâu rồi nên đừng có chụp mũ tôi là seeding hay nhận tiền gì từ nhà sx hay đạo diễn Lương Đình Dũng nhé (cười) – nếu được nhận tiền thì quá tốt rồi, nhưng với tôi thì sau khi nhận tiền xong cái gì đáng chê tôi cứ chê và cái gì đáng khen tôi cứ khen (haha). IMDb 7.6 (87 votes) , bài viết tiết lộ nội dung phim.
Ý nghĩa thông điệp truyền tải
Một số (hoặc khá đông) khán giả (trẻ) Việt sau khi xem xong thì chê phim này tơi bời hoa lá cành luôn, đọc nghe mà thấy thương cho bộ phim. Tôi rất ít khi review cho phim Việt, chỉ có phim Vợ 3 – do một người bạn yêu cầu, còn 2 phim Cyclo và Mùi Đu Đủ Xanh của đạo diễn Trần Anh Hùng thì không tính vì anh ấy là người Pháp gốc Việt, và 2 bộ phim cũng không phải nhà sx tại VN. 578 là phim Việt duy nhất tôi coi trên mạng từ đầu đến cuối, trong khi những phim Việt đạt doanh thu cao ở VN thì tôi chưa từng coi quá 15’ kể cả phim Hai Phượng, Bố Già, Tiệc Trăng Máu, Em Chưa 18 gì đó. Tại sao như vậy? Vì những phim đó không có chiều sâu, “ngôn ngữ điện ảnh” kém. Có người sẽ hỏi “vậy 578 có ngôn ngữ điện ảnh và chiều sâu quái gì?”, cứ đọc tiếp thì sẽ rõ.
Có nhiều người bảo kịch bản phim khó hiểu, tôi thấy phim chẳng có gì khó hiểu, một người cha gà trống nuôi con, anh ấy phải dành nhiều thời gian cho công việc, lúc thì anh ấy chở con gái theo và dựng cả căn phòng cho đứa bé trong buồng lái, lúc thì anh ấy phải để nó ở nhà cho người khác chăm lo vì nó còn phải đến trường, có rất nhiều cảnh trong phim thể hiện sự liên kết đó nhưng tiếc là khán giả Việt cảm không được, họ thấy nhịp phim chậm nên họ chê, họ muốn kịch tính xẩy ra ầm ầm như thác đổ thì họ mới thích.
Bộ phim bắt đầu bằng cảnh quay từ trên xuống, chiếc xe container màu đỏ – hàm ý phục vụ cộng đồng, đang chạy qua một đoạn đường đèo mà phía trước và phía sau là 2 đoạn đường thẳng, còn ở giữa là đoạn quanh co ngoằn ngoèo – hàm ý đây là giai đoạn rất khó khăn và trắc trở đối với cả 2 cha con, và nó kết hợp với cảnh 2 con dế bám vào kính chắn gió của chiếc xe, anh ấy có thể dùng cần gạt nước để gạt chúng qua một bên, nhưng vì có con gái đi cùng nên anh ấy dừng xe lại để thả chúng. Đấy! Ngôn ngữ điện ảnh đấy! Nhưng mấy người thích chê có hiểu quái gì đâu?!
Nhiều người bảo phim này giống phim Hai Phượng, đó là do họ chỉ nhìn thấy cái nội dung bên ngoài của phim thôi. Thông điệp phim này sâu hơn nhiều, người cha vì kiếm tiền nuôi con nên phải trở thành tài xế chạy đường dài, nhưng chính cái gã chủ (hàng hóa) mà anh ấy đang phục vụ lại là nguyên nhân tạo ra “tai nạn” cho gia đình anh ấy, gã trùm chỉ biết đến tiền, gã xem những người phục vụ gã như một thứ công cụ để kiếm tiền, cho nên ngoài những thứ hàng hóa thông thường thì gã trùm còn buôn người và buôn nội tạng.
Gã trùm chỉ xem duy nhất con của hắn là người – cảnh 2 tên tay sai nuốt giấy cho thấy bọn đó cũng giống như cái thùng rác thôi, và bọn tay sai này bởi vì chỉ giống như một thứ công cụ vô cảm hoặc như con rối thì làm gì có cảm xúc mà bị chê là diễn “đơ”, xem phim thấy họ “đơ” thì họ đã hoàn thành xuất sắc vai diễn rồi đó các vị “chuyên gia” bình luận.
Trong một bài “Bàn Về Điện Ảnh” tôi từng nói qua, bởi vì các diễn viên trong nền điện ảnh Việt diễn quá giống kịch đi, cho nên nó hủy hoại cả nền điện ảnh lẫn khán giả, người ta diễn đúng lại thành diễn “đơ”, hãy thử mang phim Việt mà khán giả cho là diễn “đúng” ra nước ngoài xem, khán giả quốc tế sẽ chê là phim mà cứ như đang đóng kịch trên sân khấu vậy, cái lẽ ra đúng lại thành sai ở VN. Ví như phim Drive 2011 , Bryan Cranston “đơ” từ đầu phim đến cuối phim luôn.
Người cha bởi vì kiếm sống nên làm công việc phục vụ cộng đồng, không thể chăm lo cho con nên con bị hại, ngược lại, gã trùm vì sự tham lam và tàn bạo mang tính cá nhân của gã nên cũng khiến cho con trai gã bị hủy hoại và trở nên biến thái, đứa con này thiếu tình yêu thương của cha, sống trong sự đối xữ khắc nghiệt nên thích âm nhạc và chơi búp bê, “yêu” những đứa bé gái bằng cách dùng búp bê dụ dỗ và sau đó cưỡng bức bọn trẻ – giống như cách mà cha hắn thường sữ dụng tiền và bạo lực để đạt được mục đích. Mấy bạn thích chê có thấy chiều sâu trong nội dung của phim này chưa?
Để thể hiện sự đối lập giữa tính cá nhân và tính tập thể, đạo diễn đã dùng giới tính và phương tiện di chuyển cùng với màu sắc, bọn tay sai nam giới (công cụ cá nhân tính) thì đi xe lớn, còn bọn được thuê bằng tiền là nữ giới (công cụ cộng đồng tính) thì đi bằng nhiều xe gắn máy và họ ném những màu sắc hoa hòe làm rối mắt để cản đường đi của người cha, và muốn tránh được sự tấn công của cộng đồng thì chúng ta đôi lúc phải biết “nhắm mắt” lại để khỏi loạn trí, trang phục của đám “nữ tặc” này cũng thể hiện nữ giới đang bị “nam giới” hóa theo chiều hướng xấu.
Chí Blog có kịch bản phim điện ảnh, ai mua không?
Hành trình của chiếc container của người cha cũng có hàm ý, lần đầu anh ấy bị đám tay sai nam giới (cá nhân tính – xấu) tấn công, anh ấy vẫn cố gắng đưa chiếc xe trở lại con đường, lần thứ 2 bị đám “lính đánh thuê” nữ giới (cộng đồng tính – xấu) tấn công, anh ấy vẫn cố gắng đưa chiếc xe trở lại con đường, lần thứ 3 gặp gỡ gã trùm và chiến thắng hắn nhưng anh ấy vẫn không giết hắn, kể cả con của hắn, bởi vì anh ấy còn muốn quay lại bên đứa con gái.
Còn về nhân vật đứa con biến thái của gã trùm, số phận hắn giống như là một con chim bị nhốt trong lồng, sống thiếu tình thương của mẹ, khi còn nhỏ có khóc thì cũng không được cha dỗ dành, khi lớn lên thì ở trong một ngôi nhà rộng chỉ toàn bọn đàn ông tàn bạo, điều đó cũng tương đồng với cảnh anh ta bị nhốt trong chiến container, hoặc cảnh anh ta ở trong cái đình nhỏ giữa hồ, anh ta bị cô lập, anh ta khao khát phần “nữ tính”, nên anh ta thích búp bê, và thích cưỡng bức bé gái, anh ta là một đứa trẻ không lớn.
Phê phán cái xấu của cộng đồng tính không chỉ thể hiện qua bọn “lính đánh thuê” mà còn thể hiện qua sự thờ ơ và tiếp tay cho cái ác ở nhân vật nhân viên bảo vệ và người lái xe, họ biết những gì đang xẩy ra ở cái cảng đó, nhưng vì tiền mà họ làm ngơ – cảnh đứa bé bán bánh mì muốn được vào thì phải hối lộ gã nhân viên bảo vệ bằng ổ bánh mì, hoặc sự vô tình trong cảnh cô gái (cảnh sát chìm) bị hư xe container mà không được ai giúp đỡ trừ người cha. Rồi chuyện cô ấy cố vá lại cái ống dầu, có vá thì nó cũng bị bung ra, chỉ có cách thay cái mới, đều có thâm ý cả.
Rồi cảnh ở cuối phim, gã trùm muốn đào tạo con trai trở thành người thừa kế nhưng hắn đã bị “hư”, thế là đứa con gái muốn thay vào vị trí đó, hàm ý rằng cái xã hội trước đây là do nam giới làm chủ, nhưng thời đại đã đổi thay, cái cộng đồng tính đang trên đà vươn lên, nhưng liệu bản chất xã hội có tốt đẹp hơn không?
Sau những gì tôi đã phân tích thì giờ các bạn hãy suy nghĩ về những gì mà gã trùm đã nói, ví như khi gã nói đôi khi bạo lực không giải quyết được vấn đề nhưng tiền thì có thể, thế là gã đàn em thuê bọn “lính đánh thuê”, hoặc lời đó cũng tương ứng với việc gã trùm có thể dùng tiền để thao túng mọi thứ, chỉ có điều gã không hiểu rằng tiền không thể bảo vệ được con trai gã, giống cảnh đứa con trai muốn chạy khỏi ngôi đình giữa hồ bằng chiếc xuồng nhưng nó bị thủng đáy và nước tràn vào xuồng, nước là biểu tượng của tiền.
Tất nhiên khi có cái ác thì phải có cái thiện, nếu không thì xã hội đã sụp đổ cả rồi, và nhân vật của cô hoa hậu nọ là phải có chứ không phải có thể có hoặc có thể không, và tuy nhân vật này là phải có nhưng không trọng yếu trong câu chuyện, cho nên việc cô ấy xuất hiện trong những thời khắc quan trọng là đủ rồi, nếu quá nhiều sẽ thành thừa và lạc khỏi trọng tâm thông điệp phim.
Có rất nhiều người xem xong phim nhưng có hiểu gì đâu, họ chỉ thấy được mấy cái lông gà vỏ tỏi rồi dựa vào đó chê lên chê xuống giống như “chuyên gia” vậy, người không biết thì hùa theo, người biết thì không chịu nói. Giờ thì bạn còn nghĩ là phim này giống phim Hai Phượng không? Giống cái gì mà giống! Cho nên tôi mới nói là đạo diễn đã ở tầm quốc tế rồi nhưng tiếc thay khán giả là quốc nội, cái vụ này giống y như cái phim Dòng Máu Anh Hùng trước kia, nhà sx khi đó cố gắng dồn tiền để sx một phim hành động ngang tầm quốc tế nhưng kết quả là lúc đó khán giả chỉ mê phim hài nhảm, cuối cùng thì phim thất bại doanh thu phải bán nhà trả nợ. Nếu tình trạng này cứ diễn đi diễn lại thì đến thiên thu điện ảnh Việt cũng không phát triển được.
Giờ thì tôi chúc bạn xem phim hoặc xem lại vui vẻ, nếu bạn thích bài viết thì nhớ chia sẻ và giới thiệu Chí Blog cho nhiều người biết nhé, và nhớ “cứu tế” mình:
OCB – ngân hàng phương đông, tk: 0003100008898001, NGUYỄN MINH CHÍ, chi nhánh Thủ Đức. Hoặc: Nguyễn Minh Chí, NH TMCP SAI GON THUONG TIN CN TIEN GIANG, Số TK: 0601 4671 8526
Review phim Vợ 3: số phận người phụ nữ thời phong kiến
Review phim Cyclo (1995): tâm hồn người Việt
Review phim Mùi Đu Đủ Xanh: cũ – mới , xanh – vàng