Khi xem tập đầu tiên 1899 tôi thấy quen quen, sự bí ẩn giống giống series Dark, và quả là thế khi có cùng đạo diễn, Chí Blog – “website duy nhất VN giải mã phim nghệ thuật” sẽ giúp các bạn hiểu thông điệp của phim, nó không hack não lắm so với Dark, nhưng để thật sự hiểu những gì ẩn phía sau của cái hình thức mà khán giả xem thì không dễ tí nào. Tuy nhiên khi bạn đọc tiêu đề bài viết, bạn cũng sẽ phần nào hình dung được hàm ý của nó, việc tiếp theo là truy tìm dấu vết của những mảnh ghép mang tính ẩn dụ trong phim, sau đó bạn sẽ có một bức tranh toàn cảnh.
Khi tôi nói những bài trên Chí Blog rất ích lợi cho những ai làm công việc liên quan đến điện ảnh là không nói chơi, vì những gì tôi viết ra giống như chơi bài ngửa, mọi bí mật đều trở nên sáng tỏ, từ hình dạng bên ngoài của nội dung, tôi cho bạn thấy cái gọi là “ngôn ngữ điện ảnh”, cấu trúc – khung xương – cách vận hành của nó, sau đó bạn chỉ cần làm ngược lại, khoác cho nó bộ áo mới, vậy là bạn có một bộ phim quốc tế hoàn hảo từ trong ra ngoài. IMDb 7.9 bài viết tiết lộ nội dung phim.
Ý nghĩa thông điệp truyền tải
Nếu bạn là người đến Chí Blog lần đầu tiên hẳn sẽ kinh ngạc vì nó sẽ không nói về những gì bạn thường đọc, vì tôi ít quan tâm lắm đến nội dung phim, sự hoành tráng, hay cách người ta diễn, hoặc cách quay phim…, tôi chỉ quan tâm phim này đang nói về điều gì.
Chuyện bắt đầu với con tàu Kerberos khởi hành từ châu Âu sang Mỹ vào năm 1899, đó là thời điểm cuối cùng của thế kỷ 19 mà sau này chúng ta gọi là kỷ nguyên ánh sáng, trong thần thoại Hy Lạp thì vị thần nào đã mang ánh sáng đến với loài người? Prometheus – cũng là tên con tàu mất tích đã khởi hành trước Kerberos. Khi nhìn lại lịch sử thì chúng ta phải công nhận rằng thế kỷ 19 có rất nhiều đột phá đối với loài người, đó là sự phát triển của triết học Đức đã ảnh hưởng đến toàn châu Âu, sự khởi đầu của khoa học kỹ thuật, sự khám phá về vô thức, và tất cả những điều đó tác động đến niềm tin của con người vào tôn giáo.
Biểu tượng – ngôn ngữ điện ảnh:
Nếu Promethues là con tàu nhân loại thế kỷ 19, thì Kerberos là con tàu nhân loại của thế kỷ 20, và vị thuyền trưởng là nền triết học Đức – châu Âu (nên ông ấy là người Đức), còn căn hầm dưới giường là vô thức, người vợ cùng 3 đứa con là đức tin Kito giáo – họ đã chết, điều này cũng ứng với vài cảnh cây thập tự đã bị vứt bỏ trong phim.
Kerberos hướng đến Mỹ – vùng đất của thiên đường và tự do, nhưng cho đến cuối phim con tàu đó vẫn còn nằm trên biển cả bao la, những năm đầu thế kỷ 20, với tác động của kỷ nguyên ánh sáng, loài người nghĩ rằng họ sẽ tìm được thiên đường và tự do tuyệt đối, nhưng khi chúng ta nhìn lại, thì chúng ta đã đạt được điều đó chưa? Hay nó giống như câu chuyện trong phim, khi Kerberros bắt gặp Promethues thì chiếc la bàn cứ xoay mòng mòng? Khi con người nghĩ rằng họ tự do tuyệt đối, thoát khỏi mọi truyền thống thì họ lại chẳng biết hướng về phương nào, nó giống như sự bi quan của các triết gia hiện sinh vô thần, rằng tự do ấy giống như một lời nguyền hoặc sự thống khổ, và cuộc sống như một vòng lặp cứ diễn ra liên tục.
Vị thuyền trưởng hiểu rằng, trong tình hình đó, việc quay đầu trở lại là một chọn lựa tốt nhất, nhưng có vô số người lại hoàn toàn không hiểu điều đó, đặt biệt là những con người đang tìm cách chạy trốn khỏi quá khứ, khỏi khổ đau hoặc tội lỗi từ nơi họ đã ra đi. Theo bạn thì nhân vật viên thuộc hạ đã giao vũ khí cho những hành khách khu bình dân để đảo chính giống nhân vật nào trong lịch sử thế giới thế kỷ 20? Gợi ý: nhân vật này theo một chủ nghĩa sinh ra từ nền triết học Đức.
Trong thế kỷ 20, chúng ta chứng kiến vô số cuộc chiến tranh và sự chia rẽ, cũng giống vậy, nhiều cuộc chạm trán đã diễn ra trên con tàu, lúc thì ưu thế thuộc về phe này, lúc thì ưu thế thuộc về phe kia, sau cùng thì phe nào đã “thắng”?! Chữ “thắng” tôi đặt trong ngoặc kép bởi vì … thực tế bản chất của mỗi phe phái đều hòa vào nhau và cùng tồn tại.
Chí Blog có kịch bản phim điện ảnh, ai mua không?
Các bạn nghĩ hành vi tự sát hàng loạt trong phim có nghĩa gì? Và tại sao có người bị điều khiển, có người lại không? Những người tự sát là biểu tượng cho những kẻ vẫn còn ngủ mê hoặc u mê khi sống trong thời cuộc, những người vẫn còn bị cái vô thức tập thể chi phối hành động của họ, họ sống theo bản năng, theo những xu hướng tư tưởng đang tồn tại và không đủ năng lực để nhận định rằng chúng là đúng hay sai, khi xu hướng hoặc tập thể cười thì họ cười, khóc thì họ khóc, tự sát thì họ tự sát, họ không có tư tưởng độc lập cho riêng mình.
Còn những người không bị điều khiển, và cũng là những kẻ còn sống sót sau vụ tự sát, họ đại diện cho những tư tưởng độc lập, họ biết họ đang làm gì, họ tỉnh thức và đấu tranh cho mạng sống của chính họ. Sự tự do tuyệt đối là thứ rất đáng sợ , nó tạo ra sự hỗn loạn, nhưng nó cũng vạch trần những ung nhọt, những khuyết điểm đã tồn tại trước đó, trao tự do cho điều nên được tự do. Vậy chúng ta thấy gì? Vấn đề đồng tính, đức tin vào Thiên Chúa, vấn đề chủng tộc, tự do yêu đương, phong trào nữ quyền…
Khi bộ phim chuyển dần đến những tập sau và kết hợp với cái kết, chúng ta thấy một phiên bản khá tương đồng với bộ phim The Matrix, lúc này nó đã vượt qua sự phản ánh (ám chỉ) về lịch sử loài người mà đã nhảy sang địa hạt thuộc về triết học (hoặc thần học), mà cốt lõi là câu chuyện ngụ ngôn Hang Động của Platon – rất kinh điển, rằng liệu những gì mà chúng ta đang thấy, chúng có phải là thật, hay nó chỉ là sự phản chiếu bởi những cái bóng trên vách đá trong hang?
Với cái kết, có lẽ một số người nghĩ rằng nó là thật, điều đó không chắc, có thể nó cũng chỉ là một sự phản chiếu khác, giống như một giấc mơ của một giấc mơ của một giấc mơ trong bộ phim Inception. Tuy nhiên, dù nó là gì đi nữa thì thực tại vẫn luôn là những gì đang diễn ra với mỗi nhân vật khi họ bị đặt (hoặc bị mắc kẹt) trong đó. Hãy nghĩ, nếu thực tại chúng ta đang sống chỉ là một giấc mơ của chính mình, vậy phải chăng chính vì thế mà chúng ta sẽ không biết đến đau khổ hoặc hạnh phúc, hoặc sẽ không đau đớn hoặc không thể yêu thương? Đó cũng là ý nghĩa của một câu trong phim, rằng thực tại có thể được tạo ra bởi một tách cà phê trước khi chúng ta ý thức đến nó.
Một vấn đề khác, những gì đang diễn ra luôn là “thực tại” đối với chúng ta dù nó là thật hay mơ, nhưng khi chúng ta biết nó là mơ, thì chúng ta sẽ luôn cố gắng tìm con đường để mở ra cánh cửa đến với sự thật – giống như sự cố gắng của người chồng và đứa con, sau mỗi lần thất bại thì họ lại tiến xa hơn. Chúng ta sẽ khó lòng chấp nhận bản thân mình đang tồn tại trong một giấc mơ, và bạn nghĩ điều gì có thể giúp con người “tỉnh” lại? Đó là tình yêu – sự hy sinh – sự sáng suốt.
Điều thú vị của series 1899 là chúng ta khó lòng biết được phần 2 sẽ diễn ra như thế nào, vì có thể chồng và con của cô gái trong phần 1 sẽ không phải là thế trong series 2 khi họ tỉnh lại. Tuy nhiên, tôi có thể đoán rằng phần 2 sẽ phản ánh những vấn đề đang diễn ra trong thế kỷ 21 này và thêm phần dự đoán tương lai hướng đi của nhân loại, nó sẽ có những vấn đề mới, nhưng xét cho cùng thì những vấn đề “cũ” sẽ vẫn còn lặp lại – chúng chỉ thay đổi về mặt hình thức.
Theo bạn thì thế kỷ 20 phải chăng “tiến bộ” hơn thế kỷ 19, và thế kỷ 21 so với thế kỷ 20 thì thế nào? Còn về biểu tượng kim tự tháp lật ngược, nó có thể thể hiện rằng cả thế giới này đang đi theo hướng nghịch đảo, và nếu có sự liên hệ nào đó, thì nó còn thiếu vài đường nét nữa để hoàn thiện một biểu tượng rất kinh điển – đó là quỷ Satan.
Cảm ơn các bạn đã đọc bài, nhớ chia sẽ bài viết và giới thiệu Chí Blog đến mọi người, và tích cực “cứu tế” để mình có thêm động lực viết bài nghen.
OCB – ngân hàng phương đông, tk: 0003100008898001, NGUYỄN MINH CHÍ, chi nhánh Thủ Đức. Hoặc: Nguyễn Minh Chí, NH TMCP SAI GON THUONG TIN CN TIEN GIANG, Số TK: 0601 4671 8526
Đêm Lặng – Dark (P2 – 2019): vấn đề triết học trên nền viễn tưởng – new
Mã Lệnh Chết Người – DEVS (2020): tự do hay tất định ? – new
Kẻ Đánh Cắp Giấc Mơ – Inception (2010): giải mã lại, from the beginning
Chuyến Tàu Băng Giá – Snowpiercer (2013): sự cân bằng dối trá
Mật Mã Gốc – Source Code (2011): siêu thực tại trong từng khoảnh khắc
Thành Phố Bóng Đêm – Dark City (1998): khi quá khứ là mộng ảo