Compartment No. 6 là phim có vẻ rất thông thường, vậy tại sao đoạt giải thứ 2 ở cannes 2021? Chí Blog – Website duy nhất VN giải mã phim nghệ thuật (giờ tôi bắt đầu ngán câu quảng cáo này) sẽ giải đáp cho bạn. Phim điện ảnh (nói chung) phụ thuộc rất lớn vào tiền, nhưng giá trị về mặt nghệ thuật của nó thì hơn 90% là phụ thuộc vào kịch bản và đạo diễn, kịch bản là linh hồn, đạo diễn tạo ra “xác thịt”, cho nên khi chúng ta không hoặc chưa “đoạt giải” thì điều cần làm không phải là theo đuổi doanh thu hoặc công nghệ, cái chúng ta thiếu chính là tầm nhận thức để có thể tạo được một linh hồn thật và thân xác thật cho bộ phim. Phim không dành cho giải trí, IMDb 7.3 , bài viết tiết lộ nội dung phim.
Ý nghĩa thông điệp truyền tải:
Phim kể về Laura – sinh viên Phần Lan, cô ấy ở trọ tại Moscow và sau đó đến Murmansk để ngắm hình khắc đá, trong toa số 6 trên chuyến tàu, cô ấy gặp gỡ Lyokha – thợ mỏ, giữa họ đã xẩy ra chuyện gì? À! Nếu bạn chưa xem phim thì đừng nghĩ lung tung, họ chỉ trò chuyện với nhau thôi (hihi).
Phim được bắt đầu bằng một câu trích “để trốn thoát, điều cần biết rõ không phải là chạy đi đâu, mà là chạy khỏi đâu”, và câu trích tiếp theo “chỉ một phần trong ta chạm đến một phần trong kẻ khác”. Những diễn biến tiếp theo sẽ diễn giải ý nghĩa của 2 câu này. Laura ở trọ trong nhà của Irina và là người tình của cô ấy, một tình yêu đồng tính, nhưng điều đó chỉ mang tính biểu tượng. Họ dự định cùng đi xem hình khắc đá, tuy nhiên đến phút cuối thì Irina không đi, còn Laura quyết định vẫn đến đó.
Chìa khóa để hiểu bộ phim này chính là cá nhân (bản thể) – cộng đồng (tập thể), và tính hiện sinh. Không khó để nhận ra rằng mặc dù trong nhà của Irina (giáo sư văn học) lúc nào cũng đông vui, chủ đề mà họ trò chuyện đều rất “cao cấp” và lôi cuốn đối với những ai được gọi là “trí thức”, nhưng Laura dường như vẫn có cảm giác cô đơn và lạc lõng ở nơi đó. Có một số người khó lòng phân biệt được sự khác biệt giữa niềm vui và hạnh phúc, nơi ngập tràn niềm vui có thể khiến chúng ta say mê, chúng ta cứ tưởng mình đang hạnh phúc, nhưng ở sâu bên trong, chúng ta vẫn cảm thấy sự cô độc nào đó đang tồn tại, bởi vì cái bản thể của vô thức nó nhận ra một điều – nơi đó không thuộc về nó và nó không thuộc về nơi đó.
Điều đó càng rõ ràng hơn, khi một người bạn của Irina hỏi người bạn khác rằng Laura là ai, người đó trả lời “một người ở trọ”, hoặc khi Irina giới thiệu về Laura: “cô ấy từ Phần Lan đến Nga để học”, trong khi họ là tình nhân của nhau. Câu hỏi được đặt ra là liệu Laura có yêu Irina? Trên chuyến tàu, Lyokha hỏi Laura nơi cô ấy ra đi nó thế nào, có gì trong máy quay phim cầm tay, cô ấy nói rằng đó là một ngôi nhà thật đẹp với những đồ gia dụng nghệ thuật, và tiệc tùng vui vẻ. Đôi lúc chúng ta yêu một người không phải vì chính họ, mà vì những thứ họ đang sở hữu, rất nhiều sự lầm lẫn như thế tồn tại trong hiện thực.
Bản thân Laura không nhận ra những điều đó, nhưng bản thể trong vô thức của cô ấy nhận ra nên nó tạo ra sự khao khát muốn nhìn thấy hình khắc đá, nó muốn chạy khỏi nơi không làm nó hạnh phúc, chạy khỏi một người không thật sự yêu nó và nó cũng không thật sự yêu người đó. Irina có yêu Laura không? Không! Nếu có thì cũng quá ít, và Irina yêu bạn bè (tập thể) hơn. Không chỉ Laura muốn chạy khỏi nơi đó, bản thân Irina cũng muốn Laura rời đi bằng cách khuyến khích cô ấy, hoặc những diễn biến sau đó đã chứng minh, mỗi khi Laura gọi điện về thì Irina luôn bắt máy, nhưng Irina lại nói là sắp ra ngoài, cô ấy không thật sự bận rộn, cô ấy chỉ không muốn tiếp tục trò chuyện cùng Laura, hoặc cô ấy bận tiếp bạn bè.
Chí Blog có kịch bản phim điện ảnh, ai mua không?
Bạn nghĩ ngôn ngữ điện ảnh là gì? Và “thể hiện chứ không kể” là gì? Tất cả chúng đều là những gì tôi vừa phân tích và dẫn ra, đừng nghĩ đơn giản rằng chúng chỉ là màu sắc hoặc hoặc một biểu tượng nào đó. Về phần biểu tượng, hãy chú ý đến những thứ sau: những câu trích hoặc cuốn sách được dẫn ra, cái camera cầm tay, hình khắc đá, 2 bản vẽ bằng tay; chúng là những thứ ghi lại những gì đã diễn ra trong cuộc sống, nhưng ý nghĩa của chúng khác nhau đấy, và đây là thông điệp chính của phim.
Vậy sự khác biệt lớn nhất của chúng là gì? Là cách mà chúng được tạo ra, Irina và những người bạn của cô ấy thích trích dẫn những câu nói ý nghĩa trong những cuốn sách hay, họ trầm trồ khen ngợi, họ thấy lâng lâng hạnh phúc, nhưng có một điều mà họ đã quên, đó là họ đang nói về những thứ “bên ngoài” – những thứ không do họ tạo ra, những thứ không thuộc về họ, không xuất phát từ họ. Nó cũng tương đồng với cách là Laura yêu quý cái camera cầm tay đã lưu giữ những gì diễn ra trong căn nhà của Irina, tất cả chúng được tạo ra và thuộc về Irina chứ không phải Laura. Hình khắc đá cũng vậy, những gì được kể trong đó là thực tại của một người tiền sử nào đó, là hạnh phúc và khổ đau của chính người đó.
Laura muốn nhìn thấy hình khắc đá của người tiền sử để tìm về nguồn gốc của bản thể người hoặc muốn tìm lại chính mình, và như chúng ta thấy điều đó cũng không có ý nghĩa gì lớn với cô ấy. Khi Laura và Lyokha đến nơi, Lyokha hỏi “thế thôi?” và Laura đáp “thế thôi”, tuy nhiên chuyến đi đó là vô cùng quan trọng và cần thiết, vì có nó mới tạo ra được cái thực tại mang nhiều ý nghĩa đối với Laura, thuộc về cô ấy và cô ấy ở trong nó, điều này được gọi là hiện sinh, nếu các bạn muốn biết hiện sinh là gì.
Những hình ảnh trong camera không có Laura (vì cô ấy là người quay phim), nó chỉ thể hiện lại những gì đã diễn ra như là những gì đã diễn ra; bức tranh Laura vẽ Lyokha lại khác, khác ở chỗ chính cô ấy vẽ nó và vì vậy nó cũng mang trong đó cách mà cô ấy nhìn Lyokha, hình vẽ thật đẹp, anh ấy ngủ như một đứa trẻ hồn nhiên thơ ngây, cái được thể hiện trong bức tranh không chỉ là khoảnh khắc đó, mà nó được kết thành từ những quan sát của Laura đối với Lyokha. Anh ấy có thể không phải là một người có học thức, anh ấy có một vẻ bề ngoài hơi thô lỗ, nhưng khi nhìn kỹ vào anh ấy, chúng ta nhận ra anh ấy là một người tốt và chân thật, khi anh ấy vui, buồn, ghen ghét, giận dỗi, yêu thương … đều bộc lộ ra ngoài, hoàn toàn tương phản với Irina.
Nếu cần sự so sánh nào đó, thì Irina giống như những cuốn sách mà cô ấy trích dẫn, nó phức tạp và trừu tượng, nó bao hàm quá nhiều thứ, nó thuộc về mọi người; ngược lại thì Lyokha lại giống như hình khắc đá, đơn giản – mộc mạc – thô sơ – dễ hiểu, và quan trọng hơn, hình khắc đá mà Laura đến nhìn là “bản chính”, cô ấy tìm đến bản chính và cô ấy gặp Lyokha, trong khi những câu mà Irina trích dẫn thì chỉ là “một phần” trong một cuốn sách, nghĩa là trong mỗi cuốn sách mà Irina đọc thì cô ấy chỉ thích một phần trong nó, bạn nhớ câu trích dẫn thứ 2 ở đầu phim chứ? Cho nên Irina yêu cuộc sống thuộc về cộng đồng, cô ấy yêu một phần trong mỗi người mà cô ấy gặp, kể cả Laura.
Muốn biết một điều gì đó có thuộc về ta hoặc ta có thuộc về nó không thì chúng ta cần một thứ rất quan trọng, đó là sự phản hồi, sự đáp lại, sự chủ động, sự hy sinh. Laura đi xem hình khắc đá, Irina đã không đi cùng, cô ấy yêu những người bạn hơn; ngược lại thì khi Laura liên hệ với Lyokha, anh ấy tức khắc dừng công việc và tìm cô ấy, thuê taxi, thuê cả con tàu để đưa cô ấy đến một nơi khá nguy hiểm mà hầu hết người khác sẽ không muốn đi – chi phí này rất đắt đỏ đấy các bạn, việc này thể hiện điều gì? Có giống với bức tranh thô (xấu xí) mà Lyokha vẽ Laura kèm với dòng chữ “anh yêu em”?! Đó là sự phản hồi mà tôi vừa nói.
Kết phim là một buổi sáng thật đẹp, Laura ngồi trong chiếc taxi trở về khách sạn, ngay khi cô ấy nhận được bức tranh, ánh nắng chói chan và ấm áp đã xuyên qua lớp kính để chiếu rọi vào khôn mặt mỉm cười vì hạnh phúc của Laura. Chúng ta tự hỏi sau đó chuyện sẽ thế nào? Họ có tiếp tục yêu nhau không? Sẽ, họ sẽ hạnh phúc bên nhau mãi mãi, vì những thể hiện của họ là như vậy, và cũng vì thế nên phần trên tôi mới nói tình yêu Laura dành cho Irina không phải là đồng tính, nó chỉ mang tính biểu tượng cho sự chuyển dời từ cộng đồng đến cá nhân, từ bên ngoài vào bên trong, từ tập thể đến bản thể.
Và quá trình đó luôn gắn liền với một thực tại mang tính hiện sinh, nghĩa là con người chỉ thật sự hạnh phúc khi sống hiện sinh trong thực tại, không phải chỉ là lý thuyết trên một cuốn sách hay một bộ phim hoặc hình khắc đá nào đó ở thời tiền sử. Mặc dù tôi hiểu nôm nà về cái gọi là hiện sinh, nhưng tôi chưa từng nhận mình là một người hiện sinh, vài triết gia hiện sinh cũng không thích người khác gọi họ như thế, vì chỉ khi thật sự sống hiện sinh mới là người hiện sinh, tuy nhiên càng hiểu về nó thì chúng ta càng tiến gần đến nó hơn, và khi thật sự sống trong nó, chúng ta sẽ đạt được hạnh phúc viên mãn (chỉ có điều đừng đi theo mấy ông hiện sinh nhìn thế giới theo cách tiêu cực và bế tắc là được).
Giờ thì bạn đã hiểu tại sao bộ phim này đoạt giải?! Để hiểu được thông điệp những phim thế này là một chuyện cực khó (tôi đang khen tôi đấy kkkkk, nhưng nó đúng mà phải không?), vậy để tạo ra được một kịch bản và thể hiện nó lên phim thì còn khó đến mức nào nữa? Nhưng ít ra thì cũng nên tìm hiểu để làm sao có thể hiểu phim, nếu kể cả phim mà xem không hiểu thì việc đoạt được giải này giải nọ là rất mong manh, thậm chí bất khả thi, nhớ thường xuyên đọc bài trên Chí Blog vì các bài viết sẽ giúp bạn phần nào, và nhớ ủng hộ tài chính để mình còn hy vọng tiếp tục viết.
Cũng như sự “phản hồi” trong bài này, nếu không có sự “phản hồi” nào đối với việc làm của mình thì tất cả sẽ kết thúc, lẽ ra bài này đã không được viết, trong lúc tôi đang phân vân, mở thử ví momo thì thấy một bạn vừa”ủng hộ” vào ngày hôm qua. Vấn đề không nằm ở tiền (mà đôi khi cũng nằm ở tiền), nó nằm ở việc các bạn xem trọng những bài viết ở mức độ nào và điều đó thể hiện qua sự “phản hồi” từ các bạn, đó có thể là tiền, là việc chia sẻ bài viết, là cách giúp website phát triển hơn. Mặt nào đó nó cũng giống ý nghĩa bộ phim này, Laura ban đầu đặt tình yêu vào Irina – biểu tượng mang tính tập thể, nhưng cô ấy chẳng nhận được gì cả, cô ấy đang tự hỏi điều đó có xứng đáng không? Laura không nhận thức được điều đó, nhưng tôi thì luôn tự hỏi về điều đó.
Cảm ơn các bạn đã đọc bài, nhớ chia sẽ bài viết và giới thiệu Chí Blog đến mọi người, và tích cực “cứu tế” để mình có thêm động lực viết bài nghen.
OCB – ngân hàng phương đông, tk: 0003100008898001, NGUYỄN MINH CHÍ, chi nhánh Thủ Đức. Hoặc: Nguyễn Minh Chí, NH TMCP SAI GON THUONG TIN CN TIEN GIANG, Số TK: 0601 4671 8526
Cá Nhỏ – Little Fish (2021): nhớ hạnh phúc – quên khổ đau
Giác Quan Hoàn Hảo – Perfect Sense (2011): thảm họa hay lời cảnh báo
Vé Tàu Tới Tình Yêu – One Way to Tomorrow (2020): lạ nhưng mà quen – new
Chuyến Đi Của Tình Yêu – 303 (2018): giáo dục xã hội và giới tính cho thanh niên
Sao Y Bản Chính – Certified Copy (2010): quá trình ‘thực chứng’ của bản sao
Tia Nắng Vĩnh Cửu Của Tâm Hồn Tinh Khiết (2004): đồng nghĩa – khác ý
Paterson (2016): chúng ta yêu sự tầm thường – Nghệ Thuật
Kể ra cũng sợ khi một ai đó lạ rủ mình đi như thế vào buổi đêm thì cũng sợ thật có khi ngày mai niêm mạc hay một thứ “gì đó” của mình xuất hiện trên thị trường “đen” thì chết nhất là trong thời buổi con người có thể định giá được
Bài viết vẫn hay như mọi lần hihi
Đúng là khi xem đoạn đó thì mình cũng sợ cho cô gái thật, tuy nhiên cô ấy đang ở trong trạng thái chán đời với cô “người tình” nên cũng bất cần, huống hồ qua vài quan sát dù ngắn nhưng để cô ấy nhận ra rằng anh ấy không phải là người xấu. Cảm ơn bạn đã khen bài viết, ước gì người đọc nào cũng khen như bạn nhỉ kkkk, sắp tới sẽ viết review cho một số bộ phim hay, bạn nhớ đón đọc nhé