Nine Perfect Strangers (2021) là series phim có sự tham gia của Nicole Kidman và Michael Shannon, đây là 2 cái tên mà tôi rất thích khi họ chọn lựa kịch bản phim để tham gia, tuy rằng bộ phim này không được đánh giá cao đối với các “chuyên gia” bình phim ở nhiều trang quốc tế, nhưng với Chí Blog thì đây là phim hay và cực kỳ hiếm hoi của điện ảnh thế giới ngày nay, khi mà đa phần đều nói về sự chết, máu me, kinh dị, hận thù, sự tuyệt vọng. Phim này cũng có liên quan đến cái chết, nhưng nỗ lực là vượt qua nó để sống hạnh phúc, nên mang tính chữa lành. IMDb 7.0 , bài viết tiết lộ nội dung phim.
Về phần đánh giá không cao của các “chuyên gia” bình phim ở các trang quốc tế, sẽ có lúc bạn nhận ra mấy “chuyên gia” này có rất nhiều thành phần xàm xí trong đó, họ chỉ được cái danh được xây dựng từ truyền thông, thực chất thì họ xem phim nhưng chả hiểu gì đâu, mấy bài viết của họ chỉ để làm màu và để kiếm tiền, phục vụ cho ngành quảng cáo.
Chuyện kể về 9 người tham gia một “lớp” học mang tính nghỉ dưỡng – thiền định – yoga – chữa lành của một trung tâm tên là Tranquillum House trong 10 ngày. Tất nhiên một “lớp” thế này thì không rẻ tí nào, thường thì nó chỉ dành cho những người giàu có, hoặc có vấn đề thật sự trong cuộc sống và cần “điều gì đó” để thay đổi, hoặc được phiếu giảm giá đặt biệt; và nhiều người chịu bỏ tiền ra cũng vì danh tiếng của nó, nó đã khiến nhiều người thay đổi cuộc đời, đó là nhờ vào vị “thầy” Masha (Nicole Kidman).
9 người bao gồm 1 cặp đôi giàu có, 1 nhà văn, 1 phóng viên, gia đình 3 người : 2 vợ chồng và con gái tuổi thanh niên, 1 cựu cầu thủ bóng bầu dục, 1 phụ nữ bị chồng bỏ rơi. Về phần trung tâm thì có Masha và 4 nhân viên. Như vậy thì tổng cộng có 14 người trong bộ phim này. Vì sao là 14 người? Các bạn biết đấy, mọi thứ được nêu ra đều có lý do của nó, quá trình chuyển biến của nội dung phim cũng thế, đó là một cấu trúc hết sức phức tạp chứ không phải biên kịch tạo ra cho có. Phim này liên quan rất nhiều vấn đề, đó là tôn giáo, thiền định, nhận thức, vô thức, y học, tâm lý học, nấm thần – chất gây ảo giác, và “thị kiến” do sự “cận tử” tạo ra; cho nên nhiều “chuyên gia” bình phim hoặc khán giả xem phim không hiểu cái hay của nó là chuyện bình thường.
Về tôn giáo, chuyện liên quan đến Đức Jesus sẽ có bao nhiêu người? Là 14 người, gồm Đức Jesus, 12 vị tông đồ, vị thứ 14 là thánh Phao Lô – một gián điệp muốn bắt các tông đồ nhưng sau đó lại trở thành tông đồ; trong 12 vị tông đồ có 1 người sẽ phản bội, có 1 vị tông đồ làm nghề “thu thuế” có thể bị xem là thuộc về thành phần những người tội lỗi. Tất cả các thành phần đó đều hiện diện trong 13 người vây quanh Masha, có người phản bội cô ấy, có người từng bắn cô ấy, có người muốn trà trộn vào nhóm để bắt cô ấy, nhưng đến cuối cùng thì cô ấy tha thứ cho tất cả; cấu trúc liên quan tôn giáo nhưng tinh thần bộ phim thì không liên quan gì về tôn giáo mà liên quan đến khoa học.
Tiếp theo là vấn đề liên quan đến “cận tử”, có khá nhiều bài / video phỏng vấn những người từng trải qua cái chết lâm sàn nhưng sau đó họ tỉnh lại, họ kể lại những câu chuyện khi đang rơi vào trạng thái hôn mê sâu, như việc gặp lại người thân đã chết, gặp được Đức Jesus trên thiên đường, hoặc linh hồn lìa khỏi thể xác và chu du đến nơi cách họ hàng chục km, mà khi đối chứng thì đúng là nó xẩy ra như họ thấy, hoặc có người từng dạo qua nơi hỏa ngục …; việc bạn tin hay không những điều này là tùy thuộc vào quan điểm và đức tin của từng người, có người cho rằng đó chỉ là ảo giác được tạo ra từ vô thức của bộ não chứ không thuộc về tâm linh.
Tiếp theo là thiền định, khi thiền sâu, người thiền cũng đạt được trạng thái gần như tương tự, ví như những vị thiền sư hoặc các vị Phật kể về việc họ chu du trong nhiều thế giới khác nhau, trải qua hàng ngàn kiếp nhân sinh và nhờ đó mà đạt đến trạng thái giác ngộ, nghiệm ra những căn nguyên tạo nên sự đau khổ của con người, và những căn nguyên mang đến đời sống an nhiên và hạnh phúc vĩnh cữu.
Tiếp theo là trạng thái khi con người sữ dụng các chất thức thần / nấm thần, nó tạo ra những ảo giác gần như là siêu nghiệm (vượt qua cảm nghiệm thực tế khi tỉnh táo), tuy nhiên rất nhiều nhà tu hành cho rằng đây không phải là phương pháp thuần chính như thiền và không phải là chánh niệm (tôi đồng ý với quan điểm này); giải thích điều này không khó, khi con người sữ dụng thức thần, nó kích thích bộ não hoạt động với tần suất cao hơn bình thường, giống như dùng chất kích thích trong thể thao, nó kích thích các dây thần kinh bộc phát trong giai đoạn ngắn, và vì vậy nó sẽ làm tổn tương thần kinh và não của bạn sau khi sự hưng phấn mất đi, hoặc vì não làm việc quá tải mà dẫn đến tử vong; cái sự siêu nghiệm được tạo vì vô thức của bạn giống như một bộ nhớ cực kỳ khủng khiếp, khi tỉnh táo thì não bạn chỉ hoạt động trên dưới 10% (tôi không nhớ rõ lắm), nếu có thể tăng vài % thì bạn có thể thông minh gấp hàng chục lần người bình thường chứ không đơn giản như một phép cộng thông thường.
Chí Blog có kịch bản phim điện ảnh, ai mua không?
Trở lại phim, liệu pháp chữa lành mà Masha đưa ra cho từng giai đoạn là hoàn toàn mang tính khoa học và phù hợp với tâm lý học; một người rơi vào trạng thái đau khổ vì người thân đã chết vì cái mà họ thường xuyên nhớ lại là khoảnh khắc khi người thân đó chết – nó hoàn toàn mang tính tiêu cực và tuyệt vọng, giống như mang vào một cặp kính hoàn toàn màu đen, mặt khác thì vô thức con người chứa đựng những tâm tình hoặc kỹ niệm vừa có khổ đau vừa có hạnh phúc, có sự tuyệt vọng lẫn hy vọng, hoặc những sự dồn nén cảm xúc.
Như vậy điều mà Masha phải làm là giải tỏa những sự dồn nén mang tính tiêu cực, khi con người đang rất tiêu cực mà bị ai đó kích thích, họ sẽ bùng nổ và gây ra phản ứng bạo lực đối với đối tượng đó – như chuyện của vị cựu cầu thủ bóng bầu dục, nhưng trong liệu trình thì Masha khiến họ “xả stress” vào một cái hình nộm, tức giải tỏa sự dồn nén trong hoàn cảnh có kiểm soát và không gây hậu quả gì. Tiếp theo là đưa mọi người vào một trạng thái hưng phấn với những hoạt động hoàn toàn tích cực, đó là sự kết nối với cộng đồng, những hoạt động tạo ra niềm vui, những hoạt động nghệ thuật có ý nghĩa, sự sẻ chia và đồng cảm, thúc đẩy tình yêu thương lẫn nhau, thấy được những điều tốt đẹp của người khác .v.v..
Một vấn đề tâm lý khác, tương tự mà lại khác với hiện tượng cận tử, đó là khi con người ở trong hoàn cảnh tuyệt vọng, khi phải đối diện với cái chết sắp xẩy đến, họ chợt nhận ra những thứ mà họ từng theo đuổi là hoàn toàn vô nghĩa, và họ cũng nhận ra điều gì mới thật sự quan trọng nhất trong cuộc sống của họ; Masha cũng sẽ tạo ra một hoàn cảnh tương tự như thế.
Tóm lại thì những điều Masha làm là thúc đẩy những tiến trình đó lặp đi lặp lại, vừa tạo ra ảo giác, kích thích, sau đó thì những người này tỉnh lại và nhận ra sự thật, có cái nhìn chân thật về chính họ, không để cảm xúc nhất thời lừa dối, Masha cũng không giấu họ việc dùng thức thần, vừa buộc họ bộc lộ những nỗi niềm thầm kín nhất để giải tỏa dồn nén, vừa giúp họ học được sự kiểm soát và cái nhìn trung thực nhất và khách quan nhất với sự kiện được tạo ra từ ảo giác; việc này có phần tương tự như cảm giác thiền định mà tôi có nói ở trên trong việc giác ngộ khi trải qua nhiều kiếp nhân sinh, cho nên liệu pháp mà bộ phim này đưa ra là tương đối khả thi về mặt khoa học và tâm lý học, nhưng cũng không phải là không có rủi ro, đó là từng có một khách hàng của lần trước đó đã tử vong vì có tiền sử bệnh (có lẽ là tim mạch).
Với những gì vừa phân tích, chúng ta đến với phần kết của bộ phim, liệu trình của Masha trước đó đã giải phóng hầu hết sự tiêu cực, tăng sự tích cực đến mức cao nhất có thể, nên giai đoạn cuối là kích thích ảo giác đến mức cao nhất trong sức chịu đựng, giúp những người đau khổ “gặp lại” người thân đã chết, và vì hiện tại cán cân cảm xúc hoàn toàn nghiêng về mặt tích cực, nên khoảnh khắc “gặp lại” người thân đó thì không phải là khoảnh khắc khi chết, mà trong khoảnh khắc khi người đó sống với tất cả những hoài niệm tốt đẹp nhất và bao dung nhất, lúc này người chết hiện ra với những lời an ủi và tha thứ cho người còn sống, chỉ cho người còn sống thấy được nỗi đau và sự tự trách đó là không đúng.
Chuyện của gia đình 3 người có đứa con trai tự sát, người cha tự trách là sao ông ấy không thức dậy đúng giờ để ngăn đứa con tự sát, người mẹ thì tự trách là thuốc trị hen gây ra ảo giác mà vẫn để con dùng, người chị gái tự trách là vì trước đó đang chơi trò giận dỗi và thi nhau xem ai “im lặng” lâu hơn. Nhưng các bạn biết đấy, việc dậy trễ thì ai cũng từng trải qua hàng ngàn lần trong đời, tác dụng phụ thì thuốc nào mà chả có và người mẹ cho con dùng thuốc theo kê đơn của bác sĩ, hoặc sự giận dỗi của chị em thì nó thường xuyên diễn ra; vấn đề ở đây chỉ là nó trùng hợp khi người con trai tự sát trong sự bộc phát nhất thời nào đó, làm sao con người biết trước mà ngăn cản?! Cho nên trong cái ảo giác siêu nghiệm đó, người chết khuyên giải là gia đình nên sống hạnh phúc và để cho cậu ấy ra đi.
Liệu pháp này đã thành công trong việc chữa lành cho gia đình nọ, và nhờ vào đó mà nỗi đau của Masha cũng được chữa lành, cô ấy cũng có một đứa con gái đã chết, sau khi đứa bé chết thì Masha hoàn toàn lạc lối trong cuộc sống, sự lạc lối đó là cái nhân gây ra cái quả là “tai nạn” khiến cô ấy rơi vào trạng thái cận tử, cô ấy “gặp lại” con gái và thay đổi cuộc đời, trở thành một bậc thầy về việc chữa lành như quá trình tôi nói ở trên, cuối cùng nhờ vào quá trình với gia đình này, bằng vào vô thức tập thể được kích hoạt bởi ảo giác, cô ấy gặp lại con gái thêm lần nữa để “đưa tiễn” nó, lần gặp này đủ lâu để 2 mẹ con có những tâm tình tràn đầy yêu thương.
Còn những nhân vật khác thì sao? Cặp đôi giàu có, chàng trai trúng số 20 triệu USD, thế là anh ta chả phải làm gì mà vẫn sống khỏe, nhưng đó cũng là sự bất hạnh khi đời sống không còn có mục tiêu gì để hướng tới, còn cô người yêu có ngoại hình xinh đẹp, nên cô ấy bị ám ảnh bởi những gì có sẵn, khi ai đó khen cô ấy đẹp thì nó như ám chỉ rằng cô ấy chỉ có vẻ ngoài và châm biếm tâm hồn cô ấy trống rỗng, nên cô ấy luôn khâm phục những nhà văn.
Cô nhà văn thì bị ám ảnh bởi những cuốn sách đã viết, cô ấy thấy nó quá lãng mạn – phi thực – rẻ tiền – sáo rỗng, thật ra thì chúng là sự khao khát được sống hạnh phúc của một người phụ nữ không có ngoại hình đẹp và phải trải qua sự lừa dối trong tình cảm lẫn tiền bạc.
Anh chàng phóng viên là người đồng tính, anh ta không thích trẻ con, nó tạo ra mâu thuẫn với người bạn trai và họ chia tay, và nhờ vào việc tiếp xúc với những người khác, nhờ vào ảo giác do Masha tạo ra, anh ta mơ thấy bản thân sinh em bé (haha), được trở thành “mẹ”, từ một người ích kỷ, anh ấy học được sự yêu thương.
Vị cựu cầu thủ nổi tiếng phải bỏ nghề vì bị chấn thương, phải giã từ sự nghiệp khi đang ở đỉnh cao, rất nhiều người tiếc thương và khâm phục anh ta, nhưng khi họ nhắc đến tai nạn, anh ta bị kích thích, anh ta cảm thấy như bị nhạo báng, anh ta nóng giận và gây ra lỗi lầm, giải pháp của Masha đã trao cho anh ấy sự tự tin, trao cho anh ta một tình yêu từ trong số 9 người xa lạ kia.
Cuối cùng là cô gái bị chồng bỏ, cô ấy là người tốt nhưng vì sự bất hạnh nên dễ bị kích động, Masha liên tục kích động cô ấy, liên tục tha thứ cho cô ấy, chữa lành những sợ hãi trong cô ấy, và đưa cô ấy vào một “tử cung” giả để được “sinh ra” lần thứ 2.
Tóm lại thì phim này nhẹ nhàng, vì có chất gây ảo giác nên nó sẽ có những diễn biến rất hài hước, cũng có kèm yếu tố giật gân vừa phải, và quan trọng nhất là sự chữa lành cho tất cả, phim cực kỳ đáng xem với những ai đã quá chán chê với thể loại bắn giết máu me và góc nhìn tiêu cực trong phim ảnh hiện giờ. Cảm ơn các bạn đã đọc bài, nhớ mời “cà phê” Chí Blog “website chỉ dành cho người ở tầng không” nhé!
OCB – ngân hàng phương đông, tk: 0003100008898001, NGUYỄN MINH CHÍ, chi nhánh Thủ Đức
Monster (2023): người cấy não lợn, là lợn hay người?
Bên Trong Vỏ Kén Vàng: khi Chúa thương gọi tôi về
Review phim Love Exposure (2008): Faust và Jesus của Á Đông
Review phim The Glory (series 2022): báo thù hay đòi công lý thật?
Suối Nguồn – The Fountain (2006): suối nguồn sự sống – Nghệ Thuật
Ngôi Lều Huyền Bí – The Shack (2017): tha thứ để được hạnh phúc
Tìm Lại Cảm Xúc – Cashback (2007): dừng lại để cảm nhận cuộc sống
Cá Lớn – Big Fish (2003): bí mật của hạnh phúc – Nghệ Thuật
Review phim On Body And Soul (2017): sự đồng điệu của tâm hồn