Jacob’s Ladder (Giấc Mơ Có Thật – 1990) là phim kinh dị – tâm lý, thuộc loại hack não đối với nhiều người, thật ra muốn hiểu phim cũng không khó, hãy vứt bỏ ‘chi tiết’ đi, đừng xem trọng ‘sự thật’ duy nhất mà nội dung cho chúng ta thấy, vì những phim như thế này giống như những bức tranh trừu tượng đa nghĩa, tất cả chúng được nén lại thành một nội dung hoặc một câu chuyện của một con người; mà nội dung – câu chuyện – con người có thể là biểu tượng cho một nhóm đối tượng hoặc toàn bộ con người trong xã hội, cho một thời kỳ hoặc toàn bộ lịch sử; đừng cố gói gọn hoặc đóng khung nó trong một hình thái là được, vì phim là nghệ thuật chứ không phải toán học. IMDb 7.5
Phim kể về Jacob Singer là cựu chiến binh Mỹ từng tham gia chiến tranh ở Việt Nam, sau khi trở lại với cuộc sống bình thường, anh ấy thường thấy những ảo giác rất khủng khiếp, và bạn nên xem phim để biết thêm chi tiết hoặc đọc bài tiếp.
Ý nghĩa thông điệp truyền tải
Nếu chỉ xét theo nội dung phim, chẳng có gì là khó hiểu, tất cả chỉ là cơn ác mộng của một người sắp chết đang tìm sự giải thoát; nếu cắt phần cuối phim đi, đó là câu chuyện về tội ác chiến tranh chưa bị vạch trần của chính phủ Mỹ; nhưng nếu nhìn theo cách khái quát, thì đó là câu chuyện về xã hội chúng ta đang sống. Ví như đoạn những người lính bắn nhau, chúng ta không thấy được kẻ địch, chỉ thấy họ nổ súng, bị thương, bị giết; cuối phim cho chúng ta câu trả lời là họ tự giết lẫn nhau, nhưng cuộc chiến nào không phải là con người đang tự giết nhau? Có cuộc chiến nào không xuất phát từ tội ác? Ai là kẻ thù ở đây? Trong mắt chúng ta thì phe địch là kẻ thù, trong mắt phe địch thì chúng ta là kẻ thù, và thường thì cái tội ác dẫn đến việc tự giết nhau thuộc về một nhóm người nào đó chứ không phải những kẻ đang cầm súng, kẻ gây ra tội ác đã biến những người lính thành hung thủ và thành nạn nhân của nhau.
Sau khi Jacob trở về từ cuộc chiến, anh ấy là cựu chiến binh, đối với những con người không tham chiến và sống tại Mỹ, thì anh ấy giống như một kẻ ngủ quên đã xuống nhầm ga đến và bị bỏ lại sau lưng, cái ga bỏ hoang ấy giống như cuộc chiến mà Jacob tham gia, khi con tàu xã hội đã đi qua người ta rào cái ga ấy lại, và nếu Jacob muốn tìm đến một ga tàu đang vận hành để trở lại với xã hội thì anh ấy buộc phải vượt qua con đường hầm nguy hiểm và tối tăm đó một mình. Tôi đang nói theo nội dung lẫn hàm ý, cũng may là con đường hầm đó vẫn còn một chút ánh sáng le lói dẫn đường. Bạn thấy những những bóng đèn trong đường hầm? Vậy ‘bóng đèn’ đó là ai? Là Jezebel bạn gái của anh ấy, là tình yêu còn sót lại đối với người vợ cũ và tình yêu của cô ấy và các con hướng về anh ấy, là người thợ massage – nắn khớp mà bảo là giống tổng lãnh thiên thần, là những người quen đã khuyên anh ấy tiếp tục việc học, là những người da đen trong khu phố thường khiến anh cười, tất cả họ đã giúp anh cảm thấy bản thân vẫn đang sống.
Jacob giống như một kẻ ngủ quên sau khi trở về với xã hội, và mọi thứ đã đổi thay rất nhiều, ví như thế hệ của Jezebel không có đức tin đối với tôn giáo, dù rằng tên trong giấy khai sinh của cô ấy được đặt theo tên thánh, hoặc những cuộc vui mà cô ấy tham gia, nó không phù hợp với Jacob, hoặc chuyện ông bác sĩ vừa mất mới một tháng mà người phụ nữ ở cơ quan bảo trợ xã hội không còn nhớ, hoặc việc tên của Jacob không có trong hồ sơ của bà ấy; tất cả những việc này thể hiện xã hội mới giống như đoàn tàu đang chạy rất nhanh, nó bỏ lại những kẻ của quá khứ như Jacob, hoặc nó cố tình xóa luôn khỏi ký ức mọi người những sai lầm mà nó đã tạo ra và đáng buồn là Jacob có trong sai lầm đó; đây là sự tàn nhẫn của xã hội mà chúng ta đang sống, dù chúng ta hiểu theo tính khái quát hay theo nội dung phim thì đều thế cả thôi.
Bộ phim thể hiện sự phức tạp trong tâm trí của con người, khi con người sống trong nỗi đau, họ mơ ước được sống trong những tháng ngày hạnh phúc, giống như khi Jacob bị sốt và mơ thấy đang ở cùng vợ và các con, khi tỉnh giấc thì giấc mơ ấy là mộng đẹp, nhưng trong giấc mộng đó thì cuộc sống hiện thực nhiều đau khổ lại là ác mộng, tuy nhiên cũng không hoàn toàn là ác mộng, vì sự có mặt của Jezebel là phần tốt đẹp trong ác mộng đó mà Jacob không thể phủ nhận, vì cô ấy thật sự yêu Jacob. Làm sao biết được đâu là thực và đâu là mộng, khi bạn ở trong mộng thì bạn cứ nghĩ nó là thực, nhưng dù vậy, giống như những gì Jacob đã nói khi nằm trên giường bệnh lúc gặp lại người vợ cũ, anh ấy bảo là anh ấy còn sống chứ chưa chết, chuyện ở đây không phải là sống thật hay chết thật, mà là thiên đường hay địa ngục, và theo cách nhìn khác, đó là gặp những người thân yêu đang còn sống thì ta còn ‘sống’.
Khi con người bị sốt, người ta sẽ bảo là do virus gây ra, nhưng bộ phim giúp chúng ta hiểu căn bệnh của Jacob là do sự chấn thương ở tinh thần, những nỗi đau thể xác thì thường xuất phát từ tinh thần nhưng ít người nhận ra và công nhận. Việc ông thợ massage giúp Jacob cảm thấy khỏe thì tác dụng của việc nắn khớp thì ít mà ở những lời chỉ dạy thì nhiều. Cuộc sống sẽ trao cho chúng ta cả hai thứ đó là hạnh phúc và đau khổ, giống như cái chết của đứa con; nhưng điều quan trọng là chúng ta chọn lựa gì? Jacob đã làm gì sau cái chết của đứa con? Anh ấy nhập ngũ để tham gia chiến tranh ở VN, hành động đó chính là sự tự hủy hoại bản thân, và tinh thần anh ấy càng suy sụp và điên loạn hơn khi tìm đọc những quyển sách viết về quỷ dữ, nó cũng giống với việc anh ấy luôn đau đớn khi nhớ đến vụ tai nạn của con trai.
Chí Blog có kịch bản phim điện ảnh, ai mua không?
Đó không phải là cách giúp chúng ta sống hạnh phúc, để vượt qua nỗi đau, hãy nhớ đến những tháng ngày hạnh phúc, giống như giấc mơ khi Jacob bị sốt, mộng đẹp giúp anh ấy thoát chết, và anh ấy khỏe hơn khi giữ lấy cuốn kinh thánh nhỏ trong người, và khi mở ra cái hộp đựng bằng cấp khi còn đi học và những tấm ảnh kỷ niệm hạnh phúc, hoặc như cảnh ở cuối phim khi con người đối diện với cái chết, Jacob tìm về nhà và được đứa con trai ‘sống’ đã dắt lên thiên đường, nếu lúc đó mà anh ấy thấy đứa con đang nằm trong quan tài thì anh ấy sẽ xuống thẳng địa ngục luôn. Lời ông thợ massage là bí quyết giúp con người sống hạnh phúc, là hãy xem nỗi đau như một thứ giúp ta giải thoát, đừng xem nó là quỷ dữ, nói rõ nghĩa hơn thì hãy xem nỗi đau là biểu hiện của tình yêu thương, chấp nhận nỗi đau để nỗi đau vơi bớt, chứ không phải sa vào nỗi đau để khiến chúng ta đau đớn hơn và tự hủy hoại hạnh phúc và cuộc sống của mình.
Nói tóm lại, phim thể hiện sự song hành của khổ đau và hạnh phúc, khổ đau – bóng tối gắn kết với những cảnh như ảo giác, điên loạn, chiến tranh, âm mưu, chết chóc; và Jacob vượt qua nó để tìm thấy hạnh phúc – ánh sáng gắn liền với những cảnh như gặp được gia đình, thấy đứa con trai khi còn sống, được người thợ massage cho lời khuyên, được Jezebel chăm sóc, tìm về những kỹ niệm đẹp. Nếu ai đó còn thắc mắc rằng cuối cùng thì nội dung phim nói cái gì, thì tôi sẽ trả lời, nói về một ‘Jacob’ chết trong chiến tranh và mơ thấy mình lên thiên đường; nói về một ‘Jacob’ cựu chiến binh tìm và học được cách vượt qua nỗi đau để tìm lại cuộc sống hạnh phúc để hòa nhập lại với xã hội; nói về sự khắc nghiệt, sự vô tình của xã hội, và trong đó vừa tồn tại ánh sáng lẫn bóng tối; nói về hậu quả, sự vô nghĩa, sự độc ác của chiến tranh; và cuối cùng là nói về vô số thứ khác mà chúng phụ thuộc vào kinh nghiệm sống của bạn.
Cảm ơn các bạn đã đọc bài, nhớ chia sẽ bài viết và giới thiệu Chí Blog đến mọi người, và tích cực “cứu tế” để mình có thêm động lực viết bài nghen.
OCB – ngân hàng phương đông, tk: 0003100008898001, NGUYỄN MINH CHÍ, chi nhánh Thủ Đức. Hoặc: Nguyễn Minh Chí, NH TMCP SAI GON THUONG TIN CN TIEN GIANG, Số TK: 0601 4671 8526
…………………..
Nhớ Share bài viết, Like Chí Blog (Facebook) để dễ dàng theo dõi những bài viết mới.
Top 120 Best review phim ý nghĩa trên Chí Blog
Top 50 bài review sách văn học kinh điển của Chí Blog
Những phim cùng chủ đề:
Quái Xế – Taxi Driver (1976): chứng nhân thời đại
Kẻ Ngoại Cuộc – The Outsider (2020): “con quỷ” đói khát sự sống
Bí Mật Dưới Nấm Mồ – The Cell (2000): hậu quả của sự cực đoan
Ngôi Lều Huyền Bí – The Shack (2017): tha thứ để được hạnh phúc
Cây Đời – The Tree of Life (2011): biết ơn và oán trách
The Professor And The Madman (Giáo Sư Và Kẻ Điên – 2019): nếu yêu … thì sao?
Kẻ Mất Trí Nhớ – Memento (2000): vật lưu niệm của tử thần
Nhà Tù Shawshank – The Shawshank Redemption: Sự cứu rỗi nằm ở đâu?
tác giả của bài phân tích này thực sự có một lối phân tích rất thâm sâu và kín kẽ, cho chúng ta thấy được sự ẩn dụ trong từng cảnh phim và mình thích nhất là cái cách anh diễn tả cái sự ẩn dụ ấy trong đoạn đầu của bộ phim. Nể phục! Cám ơn tác giả về bài viết này ạ! Chúc anh thành công trên con đường của mình
Cảm ơn bạn đã đồng cảm, trên trang cũng còn rất nhiều bài viết về những phim hay nữa đấy 🙂