Có khá nhiều bộ phim mà bạn không nên bỏ qua để hiểu rõ hơn về bản chất cùng khả năng của con người, và Split chính là một phim như thế. Phim dựa trên sự kiện có thật về một thanh niên bị chứng đa nhân cách, 24 nhân cách hoàn toàn tách biệt nhau, mỗi nhân cách như một con người bình thường với những khả năng riêng. Theo một số thông tin điều tra thì dù có nhiều nhân cách nhưng trong đó vẫn có vài nhân cách được xem là rất tài giỏi, hoàn toàn vượt qua người bình thường.
Không những vậy, điều kỳ diệu ở chỗ tùy nhân cách mà cơ thể sinh ra những phản ứng khác nhau khi bị tác động hoặc tổn thương; ví dụ như bị ong đốt, khi ở nhân cách này thì sẽ đau nhức và sốt cao, ở nhân cách khác thì như một vết ngứa. Với sự phân chia như vậy mà vẫn đáp ứng được tinh thần – cảm xúc – trí tuệ thì có thể thấy rõ bộ não anh ta có khả năng làm việc gấp 7-10 lần người thường. Như một số nghiêng cứu khoa học nói rằng bộ não chúng ta chỉ đang thể hiện 5-15% năng suất mà nó có. Khi nhìn từ quá khứ nền y học hiện đại cho đến nay, ta thấy những bước dịch chuyển theo hướng từ thể xác đến tinh thần, thể xác không còn đóng vai trò chính trong mọi hoạt động – phản ứng – khả năng, mà là tinh thần/tâm hồn (hoặc theo tôn giáo là linh hồn).
Trong vài hoàn cảnh đặt biệt, con người có thể làm những điều siêu việt mà lúc bình thường không làm được. Có lẽ điều này không mới đối với các trường phái huyền học hoặc các tôn giáo lớn có nguồn gốc từ xa xưa. Mặt nào đó có thể nói là nhờ sự phát triển của khoa học mà nhiều trường phái tâm linh đang mọc lên và trở lại trong thế giới hiện đại (được giảng dạy trong các trường đại học ở phương tây).
Trở lại với bộ phim, “lũ người” bên trong Kevin bắt cóc 3 cô gái để làm tế phẩm cho con quái vật, vì họ cần con quái vật đó lớn mạnh, nhưng để làm gì và tại sao cần nó? Nên hiểu rằng chúng ta đang sống một xã hội tồn tại luật lệ, nhưng bản thân nó cũng tồn tại những thứ khác, đó là sự nguy hiểm, dục vọng, sự hành hạ, định kiến; Chúng khiến cho con bị tổn thương và thống khổ, như lời bà bác sĩ “chúng ta coi những người đã phải chịu thương tổn và khác biệt như những kẻ thấp kém. Nhưng biết đâu họ cao cấp hơn chúng ta thì sao?”.
Khi sự tổn thương vượt qua giới hạn, vì để tự vệ, vì để sống trong một cộng đồng đòi hỏi những chuẩn mực gọi là “bình thường”, tinh thần con người tự động diễn sinh ra một nhân cách mới nhằm đáp ứng các nhu cầu. Những nhân cách này bù đắp cho sự thiếu hụt, ví như nhân cách Barry có tính hướng ngoại đáp ứng trong giao tiếp, Dennis thì có tinh thần mạnh mẽ và lý trí cao để dẫn dắt “lũ người”. Vậy các nhân cách đó có thể xem là đủ chưa? Hẳn là chưa, vì Kevin vẫn bị mọi người xem là bệnh hoạn và quái dị, cách nhìn đó từ xã hội vẫn luôn luôn làm tổn thương anh.
Khi nhìn vào những tên tội phạm, kẻ biến thái, kẻ khác biệt, chúng ta thường có cảm giác sợ hãi, khinh bỉ, chế nhạo, căm ghét, thậm chí tấn công họ. Nhưng có bao giờ chúng ta tự hỏi tại sao họ như thế? Ngày nay có rất nhiều thông tin để chúng ta hiểu rằng họ chỉ là nạn nhân trong quá khứ khi còn thơ trẻ, sự tổn thương thể xác và tâm hồn khiến tinh thần bị vặn vẹo hoặc khác biệt với đa số. Chính tội ác, dục vọng, cái thú tính, sự ngược đãi, sự vô cảm của con người đã sản sinh ra họ. Hoặc nhìn vào một quốc gia toàn kẻ trộm cắp, đĩ điếm, chính cái nền giáo dục từ gia đình cho đến xã hội đã tác tạo nên họ như thế, họ chỉ là nạn nhân, là sản phẩm của chính cái “nhà máy” sản xuất họ.
Hay là về tôn giáo, chúng ta gọi ISS là khủng bố, nhưng ISS sinh ra từ đâu? Vấn đề ngày phải ngược dòng trở về quá khứ của khu vực trung đông, khi khu vực này trở thành nơi mà châu Âu giày xéo và cướp đoạt, tại thời điểm ấy Mohamed đã nghe được tiếng nói Thượng Đế, ông có được sức mạnh từ đó để chống lại những kẻ xâm lăng. Có thể nói ISS là cái gì đó tối tăm nhất trong sức mạnh mà ông đã nhận được, nó tồn tại cho đến ngày nay và sẽ luôn tồn tại trong con người cho mãi về sau.
Trong 23 nhân cách, có một nhân cách trọng tâm, đó là cậu bé Hedwig. “Cô Patricia nói rằng một khi con quái vật đến thì không ai dám đem tôi ra làm trò đùa nữa”, trong tất cả, chỉ có cậu bé là giúp đỡ cô gái, khi nghĩ đến điều này, tôi cảm thấy một nỗi đau; đứa trẻ là nhân cách tuyệt vời nhất của con người, tràn ngập yêu thương, nhưng nó cũng là thứ mong manh nhất và dễ bị tổn thương nhất, bị xem thường và bị lợi dụng nhiều nhất. Hedwig được sinh ra để tìm lại cái tuổi thơ bị bà mẹ độc ác hủy hoại, để đáp ứng nhu cầu được chia sẻ và được yêu thương (khi muốn cô gái hôn nó), nó là sự cân bằng của đời sống.
Chính vì thế con quái vật được sinh ra là để bảo vệ sự tốt đẹp nhất của bản thể, và đứa trẻ có đặc quyền xuất hiện bất kỳ lúc nào nó thích. Chúng ta – những người bình thường, lúc nào chúng ta cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc nhất trong đời? có phải là khi ta còn thơ ấu, khi ta sống trong sự hồn nhiên, nhìn thế giới với những màu sắc rực rỡ, chưa hiểu biết về những khát vọng tội lỗi và bất chính. Còn những đứa trẻ bị hành hạ thì sao? Những tổn thương đó liệu có bồi đắp được không? Không! vì chúng ta chẳng thể trở về một lần nữa để thay đổi.
Như đã nói ở trên, khả năng của con người rất lớn lao, có thể ở thời điểm nào đó, để đạt được những khả năng kỳ diệu là sự ảo tưởng. Nhưng khi nhu cầu trở nên cấp bách, cái ảo tưởng sẽ thành hiện thực nếu đủ niềm tin, con quái vật trong phim là suy diễn không có nghĩa là không thể đạt tới trong hiện thực. Hầu như mọi tôn giáo đều coi trọng niềm tin, như trong Kitô giáo, sau khi chữa lành người bệnh, Chúa Jesus nói “niềm tin của bạn đã cứu bạn”.
Kevin sợ hãi bà mẹ, nếu nhân cách khác đang làm chủ mà nghe gọi tên thì Kevin sẽ trở về. Hoặc để các đứa trẻ nín khóc, chúng ta hay dọa nó về con quái vật khủng khiếp và mạnh mẽ. Vậy làm cách nào để vượt qua nỗi sợ đó? Chỉ có một cách, là đồng hóa mình với thứ làm chúng ta sợ, hoặc biến thành thứ còn mạnh hơn nó. Con quái vật là thứ mà “lũ người” tìm kiếm, dù sản sinh ra nhiều nhân cách nhưng vẫn chưa đủ, “họ” cần một thứ đủ mạnh để chống lại toàn xã hội – cái xã hội đã hủy hoại Kevin và luôn thành kiến với “họ”. Con quái vật cũng là sự tổng hợp các giá trị bản năng, tinh thần và trí tuệ, nó nhận ra “đứa trẻ” quý giá, nhận ra xã hội là một mớ tạp nham, hèn kém và đầy rác rưởi (con quái nghĩ, không phải tôi, cười!). Để lớn mạnh, nó cần những tế phẩm “ô uế”.
Khi sống trong một thế giới yên bình, một hoàn cảnh tốt đẹp, thì con người dần đánh mất sự cảnh giác trước nguy hiểm, phản ứng của con người trở nên trì độn. Trong khi 2 cô gái vẫn đùa giỡn thì Casey nhận ra sự bất thường, khi họ suy diễn và hành động ngu ngốc thì cô quan sát và hành động khôn ngoan. Tại sao có sự khác biệt này? Vì Casey cũng là một nạn nhân của ông chú bệnh hoạn, lợi dụng sự ngây thơ của cô bé để làm điều đồi bại, đó là bộ mặt hèn kém/dơ bẩn của con người. Cô bé nhận ra mình bị tổn thương và phản kháng, nhưng nó chưa học được phương pháp để tự vệ.
Nỗi đau và sự tổn thương khiến con người nhạy cảm trước những mối nguy, giúp cô có năng lực tự vệ cao hơn kẻ khác. Nỗi đau giống như một phép “tẩy lễ”, chỉ ai trải qua nỗi đau, sự xâm phạm mới có cơ hội nhận ra hiện thực cuộc sống, nó khiến tinh thần phát triển đến một mức cao hơn (hoặc bị vặn vẹo). Khi nhìn thấy các vết sẹo trên người cô, con quái vật như tìm thấy đồng loại của mình, nó bỏ qua cô. Còn kẻ khác trong mắt nó chỉ là một chủng loại yếu đuối và hèn kém, chỉ như món mồi ngon. Sau tất cả sự việc, ta thấy Casey nhìn đâm đâm bức tượng con sư tử đang đạp trên mình con nai, ta hiểu rằng cô sẽ không còn là nạn nhân của tên chú đồi bại kia.
“Ta tin rằng mình như thế nào thì sẽ trở thành người như vậy”
Bộ phim được xây dựng dựa trên nhiều yếu tố, khả năng kỳ diệu của con người, bản năng sinh tồn, bản chất xã hội và tính nhân quả, các diễn biến tâm lý, giá trị tinh thần (đứa trẻ, niềm tin). Phim cũng thể hiện một xu hướng mới đang hình thành, đó là con người muốn vươn đến tự do cao hơn, phá vỡ những giới hạn đang tồn tại (bức tranh cái cửa sổ, hành động bẻ cong song sắt) để trở thành con người siêu nhân, một con thú đầu đàn. Tôi chẳng biết đó là tốt hay xấu, tốt thì như những gì vừa nói, xấu thì nó sẽ khiến đời sống trở nên khốc liệt hơn, dù thực tế thì xã hội con người vẫn luôn khốc liệt.
Nếu bạn từng đọc Nanh Trắng và Tiếng Gọi Nơi Hoang Dã của Jack London, bạn sẽ thấy nhiều điểm tương đồng, cứ nhìn con sói như con người. Nanh trắng – tình yêu là thứ thuần hóa bản năng. Tiếng Gọi Nơi Hoang Dã – khi tình yêu mất đi thì bản năng sẽ trở lại.
Cảm ơn các bạn đã đọc bài, nhớ chia sẽ bài viết và giới thiệu Chí Blog đến mọi người, và tích cực “cứu tế” để mình có thêm động lực viết bài nghen.
OCB – ngân hàng phương đông, tk: 0003100008898001, NGUYỄN MINH CHÍ, chi nhánh Thủ Đức. Hoặc: Nguyễn Minh Chí, NH TMCP SAI GON THUONG TIN CN TIEN GIANG, Số TK: 0601 4671 8526
Top 120 Best review phim ý nghĩa trên Chí Blog
Bất Khả Xâm Phạm – Unbreakable (2000): mọi thứ không thể vô nghĩa!
Bộ 3 Quái Nhân – Glass (2019): vạch trần sự lừa dối
Mê Cung Thần Nông – Pan’s Labyrinth (2006): những người lớn “trẻ con”
Dặm Xanh – The Green Mile (1999): gánh nặng của phép màu
Ngôi Nhà Ma – The Shining (1980): phía sau ánh hào quang
Ký Ức Kinh Hoàng – Doctor Sleep (2019): thiện – ác, cuộc chiến muôn thuở