Review phim The Unholy: phép màu trong thế giới không đức tin

The Unholy (Ấn Quỷ – 2021) là phim kinh dị – tôn giáo, chủ đề về đức tin, bài viết sẽ trình bày góc nhìn trái ngược với 100% người xem, nếu tất cả cho rằng Alice nhìn thấy quỷ thì tôi cho rằng cô ấy nhìn thấy Đức Mẹ Maria. Tất nhiên điều tôi nói sẽ được diễn giải để người đọc hiểu tại sao như thế, IMDb 5.0 , xem phim để biết thêm chi tiết hoặc đọc bài tiếp.

Phân tích ý nghĩa thông điệp truyền tải

Để hiểu được phim này cùng góc nhìn mà tôi nêu ra thì chúng ta cần bàn một chút về vài khái niệm liên quan đến tâm linh,  và chấp nhận những sự kiện như phép lạ – thần thánh – ma quỷ trong phim là có thật.

Đức tin là gì? Là niềm tin của con người về một điều gì đó là có tồn tại dù điều đó chưa được giải thích, hoặc không nhìn thấy. Trước tiên thì đức tin là một trạng thái của tinh thần. Ví như tôi chưa nhìn thấy Thiên Chúa nhưng tôi tin Thiên Chúa tồn tại.

Bán linh hồn cho quỷ là gì? Là một giao kèo với quỷ, con người đạt được gì đó từ quỷ và quỷ thì có được linh hồn kẻ đó sau khi giao kèo hoàn tất. Đó chỉ là cách hiểu cơ bản thôi, sự thật là nó không đơn giản như vậy. Ví dụ, một con quỷ hiện ra với tôi, nó muốn tôi bán linh hồn cho nó, tôi đồng ý với giá 2000 tỉ, sau khi nhận được 2000 tỉ thì tôi mang tất cả số tiền đó cứu giúp người nghèo, mở trường học và bệnh viện, vậy sau khi tôi chết thì con quỷ đó có lấy được linh hồn của tôi không?

Không! Vì đó không thật sự là “bán linh hồn cho quỷ”, và chả con quỷ nào ngu để thực hiện giao kèo đó. Nó phải là tôi dùng số tiền đó để phục vụ cho sự tham lam, nhục dục và ham muốn của xác thịt, hoặc tạo ra quyền lực để làm những điều tội lỗi. Một giao kèo chỉ là biểu tượng để chúng ta hiểu, nó trừu tượng hơn nhiều, những kẻ đang làm ác, thu lợi trên xương máu người khác thì chính là đang “bán linh hồn cho quỷ” rồi đó.

Các nghi thức trừ tà trong tôn giáo là gì? Không phải giống như trong phim đâu, bày binh bố trận, đọc kinh, dùng các tượng thần thánh, đó chỉ là hình thức thôi. Ý nghĩa thật sự của việc trừ tà là “cuộc chiến” của đức tin, nhờ vào đức tin mà “phe thiện” vận dụng quyền năng của thần thánh để chống lại quyền năng của quỷ từ “phe ác”, còn việc dùng các hình tượng chỉ là để hỗ trợ cho đức tin đó. Ví như chuyện Đức Jesus chữa cho người bị quỷ ám, Ngài chỉ phán một lời là con quỷ xuất ra ngay, chẳng cần phải “bày binh bố trận” làm gì cho mệt.

Hoặc khi một người không có đức tin vào thần thánh mà gặp quỷ, nếu trong tay họ có cây thập tự thì cũng chả diệt được con quỷ nào nếu họ không có đức tin, nếu trước đó họ không tin, nhưng sau khi gặp quỷ mà họ tin thần thánh thì tượng thánh sẽ giúp được họ. Mà nếu đã có đức tin thì cũng chả cần phải có biểu tượng mới xua được quỷ, một cây thập tự bằng gỗ hoặc người đó dùng 2 ngón tay làm biểu tượng thập tự thì đều có giá trị như nhau, đều có tác dụng bảo vệ họ trước con quỷ, quan trọng là ở đức tin. Điều tôi nói không chỉ ứng với Kito giáo mà với mọi tôn giáo mang lại chánh niệm cho con người, hoặc kể cả người vô thần cũng được, nếu lòng họ có chánh niệm thì cái ác khó mà đến gần.

Đức Jesus có một ngụ ngôn rất hay về con chiên lạc, rằng có vị chủ chăn lạc mất một con chiên, thế là ông ta bỏ hết công việc để tìm con chiên lạc đó; có rất nhiều ngụ ngôn tương tự như thế, ví như Ngài nói rằng Ngài xuống thế gian là để giúp người tội lỗi trở nên công chính chứ không phải là người đã công chính trở nên công chính.

Chí Blog có kịch bản phim điện ảnh, ai mua không?

Khi chỉ có Alice, Đức Mẹ hiện ra trong đêm tối và ban phép lạ; khi có “bộ 3”, Đức Mẹ rời đi và phép lạ cũng không còn

Trở lại phim, đối với hầu hết người xem phim, họ cho rằng Alice đã gặp quỷ và sữ dụng quyền năng của quỷ, vì những gì họ thấy được trong phim đều hướng về quan điểm đó. Nhưng cũng như tôi có nói ở trên, những gì chúng ta thấy thì chưa chắc đã là sự thật, người xem cho rằng Alice gặp quỷ bởi vì dữ liệu phim nói rằng cô ấy là hậu duệ của “phù thủy” tên là Maria từng bị thiêu sống, tuy nhiên hãy dừng một chút ở đây, chúng ta có dữ liệu gì về vị “phù thủy” này? Rằng cô ấy đã làm được phép lạ chữa bệnh cho nhiều người, rằng dân chúng cần có đức tin, rằng hãy dâng hiến linh hồn của họ, và quan trọng hơn hết là không có bất kỳ điều gì nói rằng vị “phù thủy” này làm tà ác.

Cũng giống như diễn giải của tôi về việc “bán linh hồn cho quỷ”, nếu có một “ai đó” có phép lạ để làm toàn điều thiện mà cần tôi dâng hiến linh hồn để cũng giống như thế thì tôi sẽ làm điều đó và chắc chắn việc đó không phải là “bán linh hồn cho quỷ”, vì quỷ sẽ không làm điều thiện. Việc cuốn sách trong nhà thờ nói rằng Maria là “phù thủy”, nó được ghi lại bởi những kẻ đã làm điều ác, chính họ mới là quỷ dữ, chính họ trấn nước Maria, chính họ đóng đinh chiếc mặt nạ sắt, cũng chính họ thiêu sống cô ấy. Ai là quỷ ở đây? Là một Maria dùng phép lạ để làm điều thiện hay một đám đông nhân danh Thiên Chúa để làm điều ác?

Giờ thì bạn hiểu con quỷ mà chúng ta thấy trong phim là của ai rồi đấy, nó cũng cho chúng ta nhìn rõ đức tin của người thấy nó, vị nhà báo – một kẻ dù thấy được phép lạ nhưng vẫn dùng tin tức đó để lấy một vị trí ở tòa soạn có uy tín, vị linh mục treo cổ tự sát – ông ấy nhìn thấy phép lạ nhưng không tin phép lạ đó là của Đức Mẹ, nữ bác sĩ, vị linh mục đến từ giáo hội – ông ta muốn truyền bá đức tin bằng cách nói dối và che giấu cái chết của vị linh mục treo cổ, vị thầy tu điều tra về phép lạ – nhiệm vụ này thường được giao cho người không có đức tin vì như thế thì việc đánh giá mới được gọi là “công bằng”.

Giờ thì bạn đã hiểu tại sao khi vị thầy tu làm lễ trừ tà ngay trong nhà thờ mà chẳng có tác dụng gì với con quỷ, vì làm gì có con quỷ nào đang ám Alice đâu, chính 3 kẻ đang ở trong nhà thờ mới là hiện thân của quỷ hoặc trong lòng họ có quỷ. Và như tôi đã nói, nếu không có đức tin thật sự thì ở đâu cũng vậy thôi, trong nhà thờ có đầy tượng thánh nhưng người làm phép không tin vào thánh thì sẽ không có thánh nào ở đó hết.

Hãy chú ý đến những gì diễn ra khi Alice kêu gọi đức tin từ dân chúng, ban đầu họ tin, nhưng khi vị nhà báo nói rằng tất cả đều do ông ta dựng lên thì đức tin của họ vào Alice đã lung lay và sụp đổ. Nhưng vị nhà báo đang nói dối, ông ta không dựng lên việc đó, có phép lạ diễn ra và ông ta là nhân chứng, nhiều người sẽ cho rằng ông ta buộc phải nói dối để giúp nhiều người không bị “dụ dỗ”. Không! Không! Không! Đó không phải là cách chính đáng, không thể dùng sự dối trá để phủ nhận một sự thật, vì khi làm vậy thì việc đó phá hủy đức tin của con người.

Nhưng những gì vị nhà báo nói cũng đã chỉ ra đức tin yếu đuối của đám đông, rằng điều nào đáng tin hơn, phép lạ đến từ Thiên Chúa hay tất cả là “dàn dựng” của một nhà báo dối trá? Đám đông đã tin vào vế sau. Thế là phép lạ tốt đẹp biến mất khỏi những người bệnh được chữa lành – vì việc họ được chữa lành là nhờ đức tin, đức tin không còn thì phép lạ cũng không còn.

Có người sẽ hỏi, tại sao Alice lại nghe được tiếng của quỷ? Bởi vì những gì mà cả đám người đó làm đã khiến đức tin của Alice bị lung lay, cô ấy không còn tin “người” mà cô ấy thấy là Đức Mẹ Maria. Vì sao con quỷ biến thành tro bụi khi nó chạm vào trái tim Alice? Không phải như lời giải thích của vị nhà báo sau khi đọc cuốn sách đâu, con quỷ chết vì nó chạm vào sự thần thánh trong trái tim Alice, cô ấy dùng thân mình để cứu mạng vị nhà báo, đó là sự thánh thiện.

Hãy chú ý đến biểu tượng của 2 cái cây, nó thể hiện đức tin của con người. Một cây khô ở giữa sân cỏ và một cây sống tươi tốt ở giữa khu nghĩa địa của nhà thờ, nó mang tính ẩn dụ, rằng đức tin vào Thiên Chúa của sự sống và sự tốt đẹp thì chết khô, còn đức tin vào sự chết thì xanh tươi và phát triển.

Nhớ ngụ ngôn “con chiên lạc” tôi nói ở trên không? Đức Mẹ đã hiện ra với Alice ở nơi cây khô, ở nơi con người làm điều ác, ở biểu tượng con người không có đức tin, để họ nhờ vào phép lạ mà có đức tin trở lại, nhưng không! Con người ngày nay cũng giống như những kẻ đã thiêu chết Maria ngày xưa. Những kẻ trước đây thì dùng bạo lực và giết chóc vì một đức tin bảo thủ lầm lạc, con người ngày nay thì dùng sự dối trá vì họ hoàn toàn đánh mất đức tin, hoặc họ chỉ tin vào sự tồn tại của quyền năng cái ác.

Nhờ đâu mà Alice sống lại? Nhờ vào đức tin của vị nhà báo khi đó. Có người vẫn sẽ nói rằng Alice ban đầu nghe và nói được nhưng sau đó bị câm và điếc trở lại vì con quỷ đã chết. Thật ra thì việc này tôi có một cách diễn giải khác.

Đức Mẹ đã làm phép lạ đến 2 lần dành riêng cho Alice, lần thứ nhất là hiện ra với cô ấy và chữa bệnh câm điếc, lần thứ 2 là cho Alice câm điếc trở lại. Bạn cảm thấy vô lý ở lần thứ 2? Vậy thì còn phải hỏi xem, Alice được lợi gì nếu tiếp tục câm – điếc hoặc nói được – nghe được, khi phải sống trong một thế giới như thế này. Bạn hiểu ý tôi không? Một thế giới chỉ toàn là lời nói dối, một thế giới mà khi “ai đó” nói ra sự thật thì chẳng người nào nghe hoặc quan tâm.

Đức Jesus cũng từng nói rằng “…Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì móc nó đi; thà chột mắt mà được vào Nước Thiên Chúa còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào hoả ngục…” . Hãy xem cách mà con người hủy hoại đức tin của kẻ khác, mà trong phim thì nạn nhân là Alice. Trong cuộc sống, đôi khi một tai nạn nào đó xẩy ra lại là món quà rất quý giá, ví như một gã chuyên đâm thuê chém mướn bị gãy tay nên phải bỏ nghề và làm lại cuộc đời.

Chúng ta cũng có “bộ 3” mà tôi thường nói, ở cuối phim đấy. Nữ bác sĩ – khoa học – cánh hữu – hành pháp, vị nhà báo – triết học – cánh tả – lập pháp, Alice – tôn giáo – tình yêu – tư pháp. Việc Alice bị câm và điếc đã nói lên rất nhiều thâm ý, các bạn tự diễn giải nhé.

Tựa phim là The Unholy, từ “Unholy” dịch là “báng bổ”, trái nghĩa với “holy” là “thánh thiện”. Cả bộ phim đang nói về sự báng bổ của con người đối với sự thánh thiện. Poster của phim cũng trừu tượng thuận theo suy nghĩ của từng người, có người bảo là nó thể hiện Đức Mẹ mà Alice thấy là quỷ, còn tôi thì bảo đó đúng là Đức Mẹ thật nhưng người đời thì chỉ thấy cái bóng ảo mang hình quỷ dữ.

Cảm ơn các bạn đã đọc bài, nhớ chia sẽ bài viết và giới thiệu Chí Blog đến mọi người, và tích cực “cứu tế” để mình có thêm động lực viết bài nghen.

OCB – ngân hàng phương đông, tk: 0003100008898001, NGUYỄN MINH CHÍ, chi nhánh Thủ Đức. Hoặc: Nguyễn Minh Chí, NH TMCP SAI GON THUONG TIN CN TIEN GIANG, Số TK: 0601 4671 8526

Những phim mà tôi thường giải thích lại cũng không hiếm, ví dụ như:

Kẻ Sát Nhân Không Mùi – Perfume: The Story of a Murderer (2006): phù du – vĩnh cữu

Lễ Hội Đẫm Máu – Midsommar (2019): bóng tối giữa bông hoa

Nhãn Lực Siêu Nhiên – Midnight Special (2016): cuộc thương khó của đứa trẻ nhân loại

Lucy Siêu Phàm – Lucy (2014): khi nghệ thuật đá đểu khoa học (cười)

Nếu đọc đến đây mà bạn vẫn nghĩ rằng tôi diễn giải sai thì cũng không sao cả, tôi tôn trọng mọi quan điểm của mỗi người.

Facebook Comments

About Author

Minh Chí

Bạn tôi góp ý là: nhiều người ở VN thích làm màu, nên tôi cần làm màu hơn thế. Cho nên các bạn cứ nghĩ tôi rất "đỉnh" là được!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Next Post

Review phim Riders Of Justice: trùng hợp hay nhân quả?

CN Th6 27 , 2021
Riders Of Justice (Kỵ Sĩ Công Lý – 2020) là phim hành động nhưng đậm chất triết lý, liệu một điều gì đó xẩy ra là trùng hợp hay nhân quả, nếu xem đến hết phim thì bạn sẽ nghĩ là trùng hợp, còn cái nhân quả chỉ là phụ. […]

You May Like

Translate» English - Vietnamese