Triangle of Sadness (2022) là phim trào lộng xã hội rất thú vị, nên đoạt giải Cành Cọ Vàng, Chí Blog – “website duy nhất siêu đa đa vũ trụ giải mã phim nghệ thuật” sẽ viết bài này như là cảm nhận hơn là review. IMDb 7.5 , bài viết tiết lộ nội dung phim.
Thật sự thì tôi có dự định ngừng viết bài vì thấy nản trong cách mà mọi người “quan tâm” đến Chí Blog, vì thế tối qua tôi đã cầu nguyện với Chúa “xin Chúa cho con thấy dấu hiệu của Ngài vào ngày mai, nếu không thấy gì thì con sẽ ngừng viết”, và hôm nay có một bạn đọc quen thuộc đã “cứu tế” cho tôi, các bạn có thể đọc thêm nhiều bài viết nữa trên website là nhờ vào bạn ấy. Tất nhiên việc xin dấu hiệu này tôi không lạm dụng, nó chỉ xẩy ra khi cái sự nản gần chạm đáy thôi hihi.
Ý nghĩa thông điệp truyền tải
Phim được bắt đầu bằng cuộc phỏng vấn dạng trực tiếp tại hiện trường casting “người mẫu nam” của một thương hiệu thời trang lớn, chàng MC rất “nữ tính”, anh ấy có những nhận xét tinh tế về cách mà người mẫu nam cần thể hiện trên sân khấu, cái nào là cho hàng bình dân, cái nào là cho hàng cao cấp. Với hàng cao cấp thì các bạn cần thể hiện ra sự lạnh lùng, phớt đời, đặt biệt là 2 chân mày nên nhíu lại như đang suy tư – một gã đàn ông có chiều sâu về tâm hồn và trải qua nhiều đau thương mất mát, “tam giác buồn” chính là vị trí giữa 2 chân mày, nếu muốn hình dung chính xác cái biểu tượng tôi vừa nói thì các bạn có thể tìm ảnh của chàng cao bồi “Thiện” trong phim The Good the Bad and the Ugly.
Điều thú vị là khi MC bảo họ cười thì họ cười, bảo họ “nam tính” thì họ “nam tính”; lúc đó tôi chợt nghĩ sao họ giống “chó” đến vậy, bảo ngồi là ngồi, bảo đứng là đứng, và quả nhiên là vậy, cảnh tiếp theo là các thí sinh vào phỏng vấn, có một con chó nhỏ trước ban giám khảo – ngôn ngữ điện ảnh, ban giám khảo phần lớn là nữ giới, chuyện càng quái dị hơn khi một giám khảo muốn chàng người mẫu đi như một cô gái, hãy tưởng tượng nó sẽ thế nào khi khuôn mặt “nam tính” nhưng dáng đi thì nữ tính – đó là biểu tượng cái “nam tính” của nam giới thời đại “thiên tả” của chúng ta ngày nay, nó thể hiện rất rõ trong phim American Psycho mà tôi có viết review, và cũng rất lạ khi đàn ông chỉ diễn “nam tính” khi người khác hoặc xã hội muốn điều đó ở họ, vì họ đã đánh mất nó rồi.
Cái “tam giác buồn” trong phim này còn ám chỉ “Tư bản” – hệ thống – “Xã hội”, hoặc thượng lưu – hệ thống – bình dân, mà “hệ thống” ở đây tượng trưng ở 3 biểu tượng là cuộc biểu diễn thời trang cao cấp cho giới bình dân, là chiếc du thuyền cho giới thượng lưu, là sự biến đổi trên “hoang đảo”. Xã hội chúng ta rêu rao tôn vinh “bình đẳng” về giới về sắc tộc và về đủ thứ vấn đề nhưng nó có thật sự diễn ra như vậy không? Hãy nhìn cách mà hệ thống “phục vụ” khách hàng của nó thì biết.
Trên bục cao sân khấu, những người mẫu nam và nữ nhìn xuống khách hàng bình dân giống như nữ hoàng và quân vương nhìn xuống thần dân của họ, còn khách hàng thì bị “hệ thống” điều khiển như những con rối, họ có thể “mời” khách hàng đứng lên để “nhường” ghế cho những khách hàng khác giàu có hơn, hoặc “mời” họ dịch chuyển sang phải và họ cứ làm theo mà chẳng cần biết lý do, khi được bảo thì họ làm thôi, thế là một “thượng đế” ngơ ngác khi không còn ghế ở hàng đầu.
Cuộc cãi vã của cặp người mẫu nam nữ không nằm ở chuyện tiền bạc hay sự “bình đẳng” mà là niềm tin và sự bền vững cần có trong thế giới nhiều rủi ro ngày nay. Họ có thể vượt qua chuyện đó vì họ còn trẻ, họ còn tình yêu và sức sống. Tôi lấy một ví dụ, một anh chàng thu nhập bình dân dẫn cô người yêu đi ăn nhà hàng và cô gái cứ vô tư gọi nhiều món đắt tiền, khi về nhà thì anh chàng cần suy nghĩ lại, vấn đề không phải là anh ấy tiếc tiền cho bữa ăn, mà là sự “vô tư” của cô gái thể hiện cô ấy chẳng quan tâm gì hoàng cảnh của anh chàng, chẳng cần biết sau đó liệu anh chàng có phải ăn mì gói thay cơm hay không, từ một biểu hiện nhỏ có thể suy ra chuyện lớn lao hơn, tất nhiên vài lần như thế thì cũng không quan trọng, nhưng nếu cứ “vô tư” mãi thì có vấn đề.
Chí Blog có kịch bản phim điện ảnh, ai mua không?
Trên chiếc du thuyền, “hệ thống” đối xử với khách hàng thượng lưu của họ theo cách hoàn toàn đối lập, mọi ý muốn của họ là ý chỉ của thượng đế, giờ thì “hệ thống” lại biến thành con rối cho khách hàng điều khiển, như việc một quý bà chợt mở lòng từ bi muốn toàn bộ nhân viên trên tàu được xuống biển vui chơi dù họ đã nhiều lần thoái thác. Các bạn có thấy sự ngược đời ở đây? Nó giống như cái cách mà “hệ thống” muốn người mẫu nam thể hiện cái “nam tính” mà họ không còn, lần này khách hàng thượng lưu ép buộc “hệ thống” cái đặc ân mà họ không muốn. Sự điên loạn này đến từ một chữ “tiền”, giống như cuộc họp của nhân viên mà chúng ta thấy.
Cái sự nghịch lý và sự đảo lộn đó được trình bày xuyên suốt bộ phim, một khách hàng tư bản bán “shit” có nguồn gốc từ một nước từng là XHCN, một vị thuyền trưởng từ một nước TBCN như Mỹ lại trở thành “người phục vụ”, chuyện này cũng giống như trò đùa của họ – tôi sẽ không bàn sâu vì nó nhạy cảm, nhưng nó là những gì đang diễn ra trong hiện thực.
Hay như chuyện cặp vợ chồng già sống vì “tình yêu”, thứ họ bán là … lựu đạn! Và chúng ta cũng thấy sự “bình đẳng” ở đây, nếu trước đó lựu đạn là vũ khí chiến tranh do chính phủ kiểm soát, thì sau đó nó được gọi bằng cái tên mới mang tính “thiên tả” hơn, “thiết bị gây nổ cá nhân” – nó được phổ biến rộng rải hơn, dễ mua hơn, và cuối cùng thì nó quay lại với người tạo ra nó và “hệ thống” (du thuyền) đã phổ biến nó … qua bọn cướp biển, rất là “bình đẳng” luôn! Đâu phải chỉ có chính phủ mới có quyền chơi lựu đạn, cướp biển cũng phải có quyền đó chứ!
Bình đẳng giúp xã hội ổn định, mà hệ thống là thứ tạo ra sự cân bằng để có được sự ổn định, nhưng các bạn hãy nhìn chiếc du thuyền, cảnh vị thuyền trưởng đứng trên con tàu nghiêng làm tôi thấy rất lạ lùng và độc đáo (haha). Một con tàu nghiêng mà vị thuyền trưởng say xỉn, quyền chỉ huy lọt vào tay khách hàng và gặp cướp biển thì phải bị chìm thôi.
Thế là đám người sống sót dạt vào “hoang đảo”, nếu bạn chú ý thì bờ biển và những khối đá tạo thành một góc nghiêng theo chiều ngược lại, “hệ thống” đã đổi chiều, hoặc nói cách khác thì “hệ thống” trước đó sụp đổ và được thay thế bằng một “hệ thống” mới, cái cũ hướng lên theo chiều “bình dân” – hệ thống – “thượng lưu”, giờ thì cái mới hướng lên theo chiều “thượng lưu” – hệ thống – “bình dân”. Cái hệ thống mới này cho chúng ta thấy bộ mặt thật của xã hội trước đó qua những người sống sót; đó là một thành phần “tạo ra” lương thực để nuôi sống 7 thành phần khác bao gồm: nhà tư bản cơ hội, lập trình viên, người mẫu nam, người mẫu nữ, người điều hành hệ thống , cướp, người khuyết tật. Các bạn thử ngẫm lại xem cái hệ thống xã hội của chúng ta trong thực tế có đúng là bao gồm 8 thành phần cơ bản này không nhé!
Nếu cái cũ chúng ta tạm gọi là “thiên hữu” thì cái mới chúng ta gọi là “thiên tả”, trước đó nam giới điều khiển cuộc chơi nên nữ giới phục vụ nam giới, được thể hiện qua nhân vật cô người mẫu, cô ấy kiếm tiền bằng cách đăng ảnh sexy trên các trang mạng xã hội và anh chàng người yêu thì ăn theo cô ấy; giờ thì nữ giới điều khiển cuộc chơi nên nam giới phục vụ nữ giới, đó là anh chàng người mẫu trở thành “trai bao” của bà cô già; và cái sau có phần “hạ cấp” hơn cái trước, giống như sự xuống cấp tôi có nói trong review phim Tár, khi “khách hàng là thượng đế”.
Túm lại thì bài viết này tôi chỉ có thể bàn đến đây, vì nếu bàn rộng hơn thì nó cực kỳ phức tạp và rắc rối, là “Tư Bản” hay “Xã Hội” thì cũng vậy thôi, các bạn có biết tại sao không? Vì nó phụ thuộc vào bản chất của con người, với “Tư Bản”, nó tạo ra một hệ thống trung gian với đủ thứ loại hình chồng chất và trộn lẫn vào nhau, với “Xã Hội” , nó tạo ra một hình thức trực tiếp như thời nguyên thủy; được cái này thì mất cái kia, giống như hoàn cảnh phù phiếm và bất công ở cuộc biểu diễn thời trang với du thuyền khi so với hoàn cảnh tồi tệ trên đảo hoang.
Cái kết phim đặt câu hỏi về nhân tính, về bản chất con người, liệu con người sẽ làm gì? Người phụ nữ đó sẽ đập đầu cô gái để giữ lấy quyền lực, sự công bằng mà bà ấy xứng đáng hưởng, nhưng trong một xã hội nguyên thủy, hay bà ấy sẽ trở thành trợ lý của cô gái trong một xã hội không có nhiều ưu thế và công bằng cho bà ấy? Bà ấy đập đầu cô gái, cái ảo tưởng chỉ diễn ra trong đoạn thời gian nào đó, nó sẽ sụp đổ vì nơi đó không phải là đảo hoang mà là khu du lịch; mà dù bà ấy có làm gì đi nữa, cái hệ thống dù “thiên tả” hay “thiên hữu” nhưng theo hướng tồi tệ thì trước sau gì nó cũng chìm như chiếc du thuyền thôi.
Cảm ơn các bạn đã đọc bài, nhớ chia sẻ bài viết và giới thiệu Chí Blog với nhiều người hơn nhé, và tích cực “cứu tế” để tôi viết thêm nhiều bài chất lượng.
OCB – ngân hàng phương đông, tk: 0003100008898001, NGUYỄN MINH CHÍ, chi nhánh Thủ Đức. Hoặc: Nguyễn Minh Chí, NH TMCP SAI GON THUONG TIN CN TIEN GIANG, Số TK: 0601 4671 8526
Review phim Tár (2022): khách hàng – cánh tả – thượng đế – robot
Review phim American Psycho: lột mặt nạ đạo đức xã hội
Review phim Licorice Pizza: xin lỗi Cam Thảo, chỉ còn Pizza
Review phim The Power of the Dog: một linh hồn đáng thương