Review phim The Fabelmans (2022): phân tích – cuộc sống – điện ảnh

The Fabelmans là phim chính kịch hay thuộc loại nhất nhì năm 2022 đối với Chí Blog – “website duy nhất MỌI THỜI ĐẠI giải mã phim nghệ thuật”, tuy là tôi thích Tár hơn phim này một tí, vì Tár đậm tính nghệ thuật hơn, nhưng nếu xét về tính hiện thực gắn liền với cuộc sống thì The Fabelmans giàu ý nghĩa và gần gũi hơn, ai làm việc liên quan đến điện ảnh thì nên đọc bài này nghen. IMDb 7.7 , bài viết tiết lộ nội dung phim.

Ý nghĩa thông điệp truyền tải

Trước tiên để cảm nhận tốt bộ phim thì các bạn nên quên cái tên của vị đạo diễn nổi tiếng là Steven Spielberg đi, cái bạn thưởng thức là phim của ông ấy chứ không phải ông ấy, giống như khi bạn vào nhà hàng để nếm hương vị của món ăn chứ không phải “nếm” vị đầu bếp vừa mập vừa đen với làn da bóng lưỡng dầu mỡ. Thường khi đọc tiểu thuyết hoặc xem phim thì tôi rất hiếm khi nhớ đến tên nhà văn hoặc đạo diễn, trừ phi họ đạt đến cấp độ nào đó, vì thông thường nhà văn và đạo diễn dù là rất nổi tiếng chỉ giống như “người kể chuyện”, họ còn kém với số rất ít người đạt cấp độ nhà tư tưởng (tương đương với triết gia), ví dụ trong văn học là Goethe – Camus – Victor Hugo – George Orwell – Dostoevsky – Tolstoy .. , trong điện ảnh thì tôi chỉ biết có Andrei Tarkovsky. Nói thế không phải để thể hiện cái gì gọi là “đẳng cấp” mà là nó có thật sự giúp ta cảm nhận phim tốt hay không, ngược lại, tôi nhớ đến diễn viên nhiều hơn, vì họ trực tiếp hóa thân vào nhân vật trong phim, diễn xuất của họ tác động trực tiếp đến cảm nhận của chúng ta, 2 diễn viên đóng vai cha mẹ của phim này rất thường xuất hiện trong các phim đậm chất nghệ thuật.

Chưa vào phim đâu, chúng ta hãy bàn về người Do Thái thì mới đủ cơ sở hiểu phim, theo các bạn thì tại sao dân tộc này lại được xem là thông minh nhất thế giới? Có vô số nhân vật vĩ đại và nổi tiếng đủ mọi lĩnh vực từ triết gia – văn học – nghệ thuật – khoa học – kinh tế …, còn tôn giáo thì là cha đẻ của 2 tôn giáo lớn nhất là Kito giáo và Hồi giáo, tại sao vậy? Bởi vì dân tộc này có một lịch sửa 5000 – 6000 năm tin vào Thiên Chúa, đừng hiểu lầm là tôi đang truyền giáo trá hình, vấn đề không phải việc tin vào Thiên Chúa hay không, có rất nhiều triết gia vô thần và nhà khoa học vô thần có gốc Do Thái, điều cốt lõi là truyền thống của dân tộc này tin vào những khả năng vượt xa khỏi giới hạn của con người, trong một hoàn cảnh vô cùng khắc nghiệt, người nào có ý chí và niềm tin (hoặc đức tin) mạnh mẽ nhất thì người đó có khả năng sống sót cao nhất, điều này ứng với mọi lĩnh vực trong đời sống, bạn cho rằng giới hạn của bản thân ở nơi nào thì khả năng của bạn sẽ dừng ở nơi đó.

Từ những gì tôi vừa phân tích, nó ứng với tính cách của 2 nhân vật cha mẹ trong phim, người mẹ giống như một nghệ sĩ, thiên về cảm tính – cảm xúc – tinh thần , mà biểu tượng là sở thích nhạc cổ điển – loại nghệ thuật trừu tượng nhất; còn người cha là một nhà khoa học , thiên về lý tính – vật chất – thực tế, mà biểu tượng là công việc toán – tin, nếu không có ngành này thì không có internet, không có Avatar hay siêu anh hùng như bây giờ cho các bạn xem đâu. Tôi muốn các bạn quên Steven Spielberg đi để có một góc nhìn rộng lớn hơn, cha và mẹ của nhân vật chính thể hiện bản chất của con người, của xã hội, của nhân loại, họ không đơn thuần chỉ là 2 biểu mẫu cha mẹ nào đó của một đạo diễn nổi tiếng gốc Do Thái nào đó. Nếu bạn mới biết Chí Blog thì sẽ cảm giác tôi nâng tầm thái quá, nhưng nếu là bạn đọc quen thì chuyện này hết sức bình thường đối với những phim thiên về nghệ thuật của phương tây.

Câu chuyện được bắt đầu bằng việc cậu bé Sammy theo cha mẹ đến rạp xem phim, trong phim có cảnh đoàn tàu tông vào chiếc oto đang nằm trên đường ray của nó, đó là một cảnh va chạm cháy nổ rất hoành tráng và cái ấn tượng đó khắc sâu vào tâm hồn non nớt của đứa trẻ, thế là cậu bé mơ ước có được món đồ chơi như thế, Sammy được cha mua cho như món quà giáng sinh, sau khi được quà, cậu bé dùng món đồ chơi tái hiện lại cảnh trong phim, chiếc oto nhỏ bị hất tung lên, đoàn tàu trật khỏi đường ray và rơi khỏi bàn bị hư, cậu bé bị cha khiển trách dù sau đó ông ấy đã sửa chữa lại nó.

Vì sao tôi kể lại chi tiết đoạn này? Vì nó rất quan trọng, tại sao Sammy thích cảnh va chạm đó? Vì nó lạ lùng và ấn tượng, đó là bản chất cốt lõi của điện ảnh, không ai muốn xem một cảnh “thường” diễn ra là chiếc oto dừng lại để đoàn tàu đi qua, những cảnh bình thường đó họ đã nhìn thấy quá nhiều trong cuộc sống, nó chẳng tạo ra bất kỳ cảm xúc gì cho người xem. Ngoài ra thì hàm ý của đoạn này còn nằm trong phản ứng của cha mẹ của Sammy, người cha tặng cậu bé món đồ chơi – cung cấp vật chất, người mẹ nhận ra cậu bé muốn nắm giữ và điều khiển sự việc nên cho mượn máy quay để lưu giữ cảnh đó – cung cấp và khuyến khích tinh thần. Vật chất và tinh thần tạo ra bản chất con người, tương tự, sự kết hợp giữa đời sống (mang tính trừu tượng) và công nghệ khoa học sẽ tạo ra thứ mà chúng ta gọi là điện ảnh – loại hình nghệ thuật hiện đại.

Chí Blog có kịch bản phim điện ảnh, ai mua không?

“Nắm giữ thực tại” là món quà quý nhất mà người mẹ đã trao cho Sammy

Con tàu (xã hội tính) đã tông thẳng vào chiếc oto (cá nhân tính, gia đình tính) và hất tung nó lên, con người trong oto bị văng ra khỏi xe, đó cũng là những gì sẽ diễn ra đối với Sammy và gia đình của cậu bé mà chúng ta thấy suốt chiều dài của bộ phim. Sau khi Sammy tái hiện lại nhiều lần sự va chạm, cậu bé nhận ra rằng không phải lần nào thì các món đồ chơi cũng bị hư, nói cách khác, hoàn cảnh xã hội đôi lúc sẽ “đâm” thẳng vào gia đình, sau đó gia đình có thể tan vỡ, đôi khi chỉ bị xây xước nhỏ, nếu gia đình tan vỡ, có thể cá nhân trong gia đình đó sẽ gục ngã, nhưng cũng có khi mỗi cá nhân vẫn sẽ đứng vững để theo đuổi ước mơ của chính họ. Các bạn có thấy cái tầm biên kịch và đạo diễn của phương tây ghê gớm không?! Họ kết nối cảnh trong phim điện ảnh, câu chuyện đồ chơi, và ý nghĩa của cuộc sống lại với nhau. À! Mà các bạn có thấy Chí Blog gớm không, khi “nhìn” thấy điều đó để viết bài (hí hí).

Những  gì diễn ra sau đó sẽ thể hiện sâu hơn những điều tôi vừa phân tích, cậu bé Sammy tiếp tục theo đuổi sở thích điện ảnh nhờ sự khuyến khích của người mẹ, còn người cha thì nhờ sự thành công trong sự nghiệp nên cũng góp phần cho cái sở thích khá là đắt đỏ này, tài năng của Sammy được dùng vào việc lưu giữ những khoảnh khắc hạnh phúc của gia đình – đây cũng là một trong mục đích mà điện ảnh được tạo ra. Ban đầu người nắm giữ máy quay sẽ quay những thước phim trong tầm ngắm của họ, sau đó họ sẽ chắc lọc lại những gì là đẹp nhất để lưu giữ, họ sẽ xem đi xem lại nhiều lần những gì đã diễn ra, và … bất ngờ chưa! Họ khám phá ra những thứ bị ẩn giấu rất sâu trong cuộc sống, thấy được những điều mà bình thường họ đã không thấy – khi mà thực tại chỉ diễn ra một lần đối với mỗi chúng ta.

Nhờ vào đâu mà một ít người có chiều sâu nhận thức cao hơn đa số người khác? Hoặc do đâu mà phần lớn người có nhiều tuổi hơn lại hiểu biết hơn người trẻ tuổi? Vì họ có cơ hội nhìn những sự việc tương tự nhau nhiều hơn, đó có thể là kinh nghiệm sống, có thể qua những cuốn sách kinh điển, qua những bộ phim có giá trị, Sammy cũng giống vậy, cậu thiếu niên nhận ra người mẹ đã hạnh phúc hơn khi ở bên người bạn thân vui tính của gia đình, cuộc sống không chỉ tồn tại hoàn toàn niềm vui như cách mà chúng ta nghĩ. Câu hỏi đặt ra là, khi người mẹ vui vẻ bên người bạn thì phải chăng đó là lỗi của cô ấy? Trường hợp này không phải gọi là ngoại tình nhé, vì bản thân người mẹ cũng không biết điều đó.

Những điều Sammy khám phá ra là một bước ngoặc rất lớn đối với sự trưởng thành của cậu ấy, nó đến nhờ những thước phim lưu giữ cuộc sống, nó đến trong thầm lặng và như một bí mật nên nó dành cho Sammy nhiều thời gian để suy ngẫm, đó là chuyện đau lòng, nhưng rồi Sammy sẽ phải hiểu rằng không ai trong 3 người kia cha – mẹ – người bạn gia đình … là người có lỗi, người vợ vẫn yêu chồng nhưng chỉ cảm thấy hạnh phúc khi ở gần bạn thân, đó cũng là thứ mâu thuẫn trong đời sống, mà mẹ của Sammy phần lớn sống dựa vào cảm xúc.

Nếu ban đầu Sammy dựng phim cowboy hoặc chiến tranh vì tính anh hùng và “máu lửa” của nó, thì sau đó, qua những đau thương từ cuộc sống gia đình, Sammy hiểu thêm một tầng sâu hơn về sự mất mát, đó là cảnh sau cùng của bộ phim chiến tranh, và phải nói là cảnh hay nhất trong bộ phim The Fabelmans này, còn lại gì cho một người lính sau khi giết chết tất cả quân địch mà bạn thân và gia đình đều ngã xuống?! Là vinh quang trong chiến thắng? Là lý tưởng được hoàn thành? Chẳng còn gì ngoài bản thân người lính cô độc giữa chiến trường cùng với nỗi đau! Sammy hiểu điều đó và truyền đạt điều mình hiểu cho người bạn diễn viên, và cậu bạn này diễn nhập tâm đến nỗi “đạo diễn” hô “cut” mà vẫn thẩn thờ đi tiếp. Cho nên tôi mới nói muốn tạo ra một bộ phim hay thì nó phụ thuộc vào tầm nhận thức của biên kịch vào đạo diễn, chứ không phải “cầm” ở nơi này một ít, “mượn” ở nơi kia một ít thì sẽ tạo thành phim.

Những gì Sammy học được từ cuộc sống và điện ảnh cũng giúp cậu ấy vượt qua được những khó khăn khi học ở trường đại học như mong muốn của người cha, ví như việc làm hòa với gã bạn cao lớn và “loại” gã cùng trường với tư tưởng bài Do Thái, điện ảnh có thể khiến một người bình thường biến thành “anh hùng” và biến một kẻ khác thành “tên hề”, đạo diễn có thể hóa thành Thượng Đế nhào nặn ra nhân vật của họ, nhưng nó phải đặt trên tư liệu thật của cuộc sống, chỉ là cái tư liệu đó sẽ bị “gọt tỉa” như ý muốn của đạo diễn, sau đó thì khán giả sẽ thần tượng hoặc cười chê cho cái hình tượng mà đạo diễn tạo ra.

Sau khi đọc bài đến đây chắc bạn đã hiểu ý trong lời mà vị đạo diễn già đã nói với Sammy trong cuộc phỏng vấn, hoặc chân trời ở trên, hoặc chân trời ở dưới, chẳng ai muốn xem đường chân trời ở giữa. Tôi nhắc lại lần nữa, là đường chân trời thật từ cuộc sống thật hoặc ý nghĩa chân thật từ cuộc sống, chứ không phải tự vẽ bậy “đường chân trời” theo ý mình rồi bắt khán giả xem, đó không phải phim điện ảnh mà là rác rưởi.

The Fabelmans hơi có ý đá xéo Kito giáo một chút trong đoạn về cô người yêu của Sammy, nhưng các bạn cũng đừng nóng giận, cú đá đó chỉ nhẹ nhàng thôi vì nó cũng đúng với một phần sự thật, là đức tin hoặc niềm tin vào các giá trị trường tồn ở những người khác thì không sâu sắc như người Do Thái, vì cách mà người Do Thái sống trong tôn giáo họ thâm sâu hơn hoặc có phần cực đoan hơn, trong khi Kito giáo mang tính đại đồng hơn hoặc hời hợt hơn, ý tôi nói là mỗi tôn giáo có ưu và khuyết điểm riêng.

À! Về cái tựa phim, nó nghĩa là gia đình Fabelmans, từ “fabel” cũng có nghĩa là “sự phân tích” hoặc “ngụ ngôn”, muốn biết rõ các bạn cứ tìm trên google, nên có thể suy diễn ra tựa phim ám chỉ điện ảnh là thứ phân tích về con người hoặc ngụ ngôn về con người trong cuộc sống, nó vốn trừu tượng nên các bạn nghĩ sao cũng được cả.

Có thể nói rằng hình tượng người cha trong phim này rất đẹp, dù anh ấy không có nhiều cảm xúc như người mẹ, nhưng lại đủ lòng tốt, sự rộng lượng cùng với tính cương trực và cam chịu, phải chăng đó là lý do Sammy sống cùng cha chứ không phải mẹ, có lẽ người cha này cần một đứa con ở bên cạnh, anh ấy cũng không ép Sammy phải theo ý mình – cảnh anh ấy đưa cho Sammy thư trúng tuyển vào một nhà sản xuất điện ảnh.

Viết đến đây có lẽ đủ về những ý nghĩa trọng tâm, còn lại thì các bạn tự khám phá nhé. Chúc các bạn xem phim vui vẻ, nhớ chia sẽ bài viết và giới thiệu Chí Blog với nhiều người, và nhớ tích cực “cứu tế” để tôi viết thêm nhiều bài review chất lượng hơn.

OCB – ngân hàng phương đông, tk: 0003100008898001, NGUYỄN MINH CHÍ, chi nhánh Thủ Đức. Hoặc: Nguyễn Minh Chí, NH TMCP SAI GON THUONG TIN CN TIEN GIANG, Số TK: 0601 4671 8526

Review phim Tár (2022): khách hàng – cánh tả – thượng đế – robot

Review ý nghĩa phim Tango: đời là những điệu Tango tuyệt vời

Review ý nghĩa phim Loving Vincent: ai giết chết Vincent?

Review ý nghĩa phim Youth: sức sống của tâm hồn

Review phân tích phim Nostalghia: khi sự sống phân đôi

Review phim Departures: tẩm liệm, cho người chết hay người sống?

Review phim On Body And Soul: sự đồng điệu của tâm hồn

Facebook Comments

About Author

Minh Chí

Bạn tôi góp ý là: nhiều người ở VN thích làm màu, nên tôi cần làm màu hơn thế. Cho nên các bạn cứ nghĩ tôi rất "đỉnh" là được!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Next Post

Review phim Aftersun (2022): tự do không nơi chốn

T3 Th1 31 , 2023
Aftersun là phim thuần tâm lý, nhịp điệu chậm chỉ thích hợp cho những khán giả thích suy ngẫm về cuộc sống. Chí Blog – “website duy nhất … gì đó … nghệ thuật” sẽ làm rõ hơn những sự mơ hồ trong thông điệp phim. Thật ra thì đây […]

You May Like

Translate» English - Vietnamese