Red Notice (2021) là phim hành động thuộc loại “thức ăn nhanh”, giải trí tốt, Chí Blog thường không viết bài cho thể loại phim nhảm kiểu này, nhưng tại sao tôi lại viết bài? Để cho bạn đọc hiểu mặc dù điện ảnh Mỹ đổ nhiều tiền để sản xuất một bộ phim nhảm thì cái nhảm đó vẫn là sự chủ động và cố tình, nghĩa là chữ “nhảm” trở thành chủ đề cốt lõi để xây dựng nội dung phim, nói như vậy không có nghĩa là phim này sẽ trở thành phim hay về mặt ý nghĩa, sau khi xem xong với mục đích giải trí thì chả ai muốn xem lại, và chả ai cần nhớ gì về nó. Tôi viết bài để chỉ ra rằng loại phim “thị trường” cũng phải có hàm lượng của nó, IMDb 6.6 , bài viết tiết lộ nội dung phim.
Ý nghĩa thông điệp truyền tải
Điều đầu tiên bạn đọc cần biết là tại sao “nhảm” lại trở thành chủ đề của phim. Khán giả trẻ ngày nay thích xem một bộ phim như thế nào? Nó sẽ bao gồm nhiều yếu tố như hành động mãn nhãn có đánh đấm, bắn giết, rượt đuổi, công nghệ cao, thông minh, chuyên nghiệp, huyền bí, kết phim bất ngờ mà nhiều người hay dùng từ plot twist, diễn viên nổi tiếng, nhưng xét về giá trị tổng thể thì hoàn toàn nhảm nhí và thiếu chiều sâu. Red Notice vừa là một bộ phim nhảm về mặt hình thức để đám ứng thị trường, vừa thể hiện chữ “nhảm” về mặt nội dung và hàm ý.
Red Notice cũng thuộc thể loại phim hài, với loại này thì tôi chia ra làm 3 cấp độ khác nhau, cấp cao nhất thì tính hài hước được truyền tải vô cùng thâm thúy, bạn chỉ cười khi đủ trình độ để hiểu được nó một cách sâu sắc, ví dụ như phim Pulp Fiction, 12 Monkeys, hoặc Night On Earth; cấp thứ 2 thì thông điệp kém sâu sắc hơn và nó thường được ngụy trang thành một thể loại khác, phải hiểu mới cười được, ví dụ như phim Lucy hoặc Midnight Special; cấp thứ 3 thì giống như phim Red Notice này.
Trở lại phim, chuyện kể về những kẻ trộm muốn trộm lấy 3 trứng “phục sinh” của nữ hoàng Cleopatra từng sống cách đây hơn 2000 năm. Có điều gì thú vị ở đây? Phục sinh nghĩa là sự sống lại, trứng phục sinh có trong truyền thống Kito giáo, trước đó thì nó cũng có trong văn hóa cổ đại Ai Cập với hàm ý tương tự, nhưng 3 quả trứng vàng này là của Cleopatra, mà câu chuyện về vị nữ hoàng cuối cùng này thì đầy rãy sự phản bội và chết chóc, vợ phản bội chồng, chị em giết nhau, bạn bè phản bội nhau, ngoại tình, những âm mưu chính trị, sự tranh giành quyền lực, cuối cùng thì những người trong cuộc đều chết hết.
Vậy thì “phục sinh” cái gì ở đây ngoài sự mĩa mai! 3 quả trứng bằng vàng, một quả ở viện bảo tàng bị tráo bằng đồ giả nhưng không ai nhận ra, quả thứ 2 thì trong tay tên tội phạm, quả thứ 3 thì trong “kho tàng” của phát xít. Một bảo vật lịch sử có giá trị được tính bằng tiền, bị rơi rớt, ném qua giật lại như trái bóng bầu dục không hơn không kém, đến nỗi cuối cùng hội tụ lại và trở thành món quà dành tặng trong tiệc cưới của con gái vị tỉ phú, nhưng chúng ta thấy gì? Giá trị của nó trong mắt cô gái trẻ còn kém cỏi hơn anh chàng ca sĩ là thần tượng của cô ấy.
Chí Blog có kịch bản phim điện ảnh, ai mua không?

Hoặc quá trình trộm quả trứng thứ 2, hệ thống an ninh cực kỳ “cao cấp” nhưng kẻ trộm vào phòng báu vật dễ như bỡn, chỉ vì tên tội phạm chưa kịp nâng cấp điện thoại theo phiên bản mới nhất; chuyện này tương tự như bức tường đá trong nhà tù, nó được các tù nhân dựng lên và sụp đổ trong phút chốc bởi một hòn đá rất nhỏ. Đó là những chuyện rất buồn cười nhưng nó có thật và đang diễn ra trong đời sống thật, mọi thông tin cá nhân của chúng ta đều nằm trong chiếc điện thoại cá nhân.
Hoặc cách xữ lý của vị nữ cảnh sát, hoàn toàn không có niềm tin gì về vị đồng nghiệp của cô ấy, quả trứng bị tráo đổi và có tiền trong tài khoản của anh ta thì đủ “bằng chứng” để kết tội đồng lõa. Chuyện này phản ảnh xã hội đang vận hành một cách máy móc và hời hợt.
Phim cũng có đoạn khiến người xem cảm động, ví như chuyện về 2 người cha, một người làm cảnh sát nhưng không tin đứa con, sau khi biết sự thật cũng chưa hề nói lời xin lỗi, con ông ta sau đó thành tội phạm; một người cha khác là tội phạm nhưng luôn có mặt vào ngày sinh nhật con trai, và ông ta chỉ thất hứa sau khi bị giết, sau đó đứa con thành cảnh sát. Nhưng đến cuối phim khi chúng ta có cái plot twist để biết rằng anh chàng cảnh sát thực chất là tên trộm thì cái câu chuyện cảm động ở trên trở thành chuyện nhảm nhí, quá bất ngờ nha! Nhờ cái plot twist nhảm nhí đó mà niềm tin và tấm lòng của gã trộm kia đều chẳng còn ý nghĩa và giá trị gì, và niềm tin của khán giả về sự chính nghĩa nữa.
Hẳn nhiều khán giả trẻ của chúng ta sau khi xem cái plot twist đó thì sẽ thốt lên đầy kinh ngạc “Wa! Bất ngờ thiệt! không ngờ luôn đó nhoa! Phim hay quá! Plot twist quá độc luôn, thì ra tất cả đều là diễn kịch!”. Còn tôi thì thốt lên “nhảm ruồi!”, đó là lý do tôi nói phim là một trò đùa dai, nhưng nó phù hợp với thời đại chuộng hình thức này phải không?
Bộ phim tìm kho báu nên sẽ khiến chúng ta liên tưởng đến Indiana Jones đi tìm chén thánh, quá trình đó cực kỳ gian khổ, những thử thách mà anh ấy phải vượt qua không chỉ là vấn đề sinh tử mà còn là một “cú nhảy” của đức tin, ví như thử thách vượt qua vực thẳm với chiếc cầu đá có màu sắc tiệp với vực thẳm, nghĩa là có cầu đá nhưng nhìn như không có cầu, và người đi qua phải đủ đức tin để dám nhảy xuống vực thẳm thì cây cầu mới hiện ra. Nhưng trong Red Notice này lại tìm ra kho báu của phát xít dễ như đùa, câu chuyện đậm tính hời hợt.
Hoặc chuyện về chiếc đồng hồ, nếu trong Pulp Fiction thì đồng hồ là một bảo vật gia truyền của người cha dành cho đứa con, nó trở thành biểu tượng vì giá trị bền vững của nó, đó là nó luôn hoạt động tốt và chính xác sau mấy mươi năm. Còn trong phim này thì là chiếc đồng hồ bị hư của phát xít, phải đập vỡ nó mới tìm ra kho báu.
Hoặc tính châm biếm được thể hiện trong chi tiết 3 kẻ trộm và lực lượng cảnh sát sữ dụng những chiếc xe của phát xít để rượt đuổi và bắn giết nhau vì giành trứng “phục sinh”. Hoặc khán giả xem phim cũng giống như những người đang vỗ tay hoan hô trên khán đài ở Tây Ban Nha, họ hoan hô vì xem con bò đấu với con người.
Tựu chung lại, phim cho chúng ta thấy một thế giới lộn tùng phèo, gã trộm thì trộm cho vui, cảnh sát cũng là trộm, bảo vật lịch sử giá trị được tính bằng tiền, hệ thống hoạt động theo cách máy móc, một đời sống đầy rủi ro, con người chỉ toàn lừa nhau để sống, tất cả giống như quả trứng “phục sinh” của Cleopatra, chỉ có vẻ đẹp bên ngoài của sự vàng son và tính hời hợt nhảm nhí, cuộc sống như một trò đùa dai thế thôi.
Bạn có biết tại sao tên trộm hàng đầu thế giới lấy biểu tượng là “quân tượng”? Vì “quân tượng” đi xéo, nghĩa là không thẳng phía trước, cũng chẳng đi ngang dọc qua hướng trái-phải, một thế giới chẳng còn phân biệt được đúng sai, mọi giá trị đều mất hết.
Cảm ơn các bạn đã đọc bài, nhớ chia sẽ bài viết và giới thiệu Chí Blog đến mọi người, và tích cực “cứu tế” để mình có thêm động lực viết bài nghen.
OCB – ngân hàng phương đông, tk: 0003100008898001, NGUYỄN MINH CHÍ, chi nhánh Thủ Đức. Hoặc: Nguyễn Minh Chí, NH TMCP SAI GON THUONG TIN CN TIEN GIANG, Số TK: 0601 4671 8526
Lucy Siêu Phàm – Lucy (2014): khi nghệ thuật đá đểu khoa học (cười)
Nhãn Lực Siêu Nhiên – Midnight Special (2016): cuộc thương khó của đứa trẻ nhân loại
Chuyện Tào Lao – Pulp Fiction (1994): chuyện tào lao không tào lao – Cành Cọ Vàng
12 Con Khỉ – 12 Monkeys (1995): Mon(day) – keys giải mã Enddate
Một Tối Ở Địa Cầu – Night on Earth (1991): những “kinh đô” có gì lạ?
Có vẻ giống gà kfc ha. Người lớn hay trẻ sẽ ăn.vị của nó ra sao. Có tốt cho sức khỏe không. Cuối cùng vẫn tiếp tục ăn ko :))))
Thời đại này là của “thức ăn nhanh”, từ vật chất đến tinh thần, thức ăn hàng loạt, đồ dùng công nghiệp, thích xem tóm tắt phim hơn xem phim và đọc sách.