Bàn về điện ảnh: tạo ra một bộ phim hay có khó?

Khi nói về nền điện ảnh Việt Nam … chúng ta … không nên chê, vì nếu chê sẽ đụng chạm đến rất nhiều người cũng như rất nhiều vấn đề, và điều đó sẽ không mang đến lợi ích gì cho người chê, đôi khi sẽ nhận đến sự bất lợi; trừ phi người chê là một ‘tay cứng’ hoặc có địa vị trong làng giải trí. Thành ra tôi sẽ bỏ qua giai đoạn chê, bước sang giai đoạn nói về mong ước, chúng ta đều mong điện ảnh VN sẽ sản xuất ra những bộ phim hay và chất lượng mang tầm quốc tế, có thể không cần so với Âu – Mỹ, chỉ cần có thể đuổi theo Thái Lan, Hongkong, Nhật, Hàn, hoặc nền điện ảnh đang lên của Nga là được. Ít nhất thì những nước này thỉnh thoảng vẫn đoạt những giải ở liên hoan phim quốc tế, tất nhiên là đôi khi việc đoạt giải chưa chắc đánh giá đúng giá trị bộ phim nhưng nó vẫn là tiêu chí để người ta xem xét, hoặc nền điện ảnh của những nước này đều có sự hợp tác với nền điện ảnh Âu – Mỹ để cho ra những bộ phim hay, trong khi đối với VN thì tôi chưa thật sự thấy, mà nếu có thì điều đó vẫn chưa gọi là ‘sự hợp tác’ mang tính bình đẳng.

Bởi vì tôi chỉ là một ‘người xem’ thuần túy nên tôi sẽ chưa vào thẳng về phim ảnh mà sẽ kể cho bạn nghe về chuyện … Người Thợ May Lành Nghề, chuyện khá đơn giản: ngày xửa ngày xưa ở làng nọ có người thợ may giỏi, mọi người đều thích những cái áo được may từ ông ta. Trong làng có một thanh niên trẻ, anh ta có cơ hội đến thành thị sống, nhờ đó mà đầu óc được mở mang và nhận ra những cái áo của ông thợ ở làng đều xấu và lỗi thời, do đó anh ta tìm đến một trường chuyên nghiệp để học cắt may, sau đó một năm anh ta trở về quê mở tiệm cắt may, những cái áo do anh ta tạo ra rất đẹp, nhiều người thích và mua về nhưng những người mặc nó đều cảm thấy hoặc quá chật hoặc quá rộng, hoặc không hợp với cuộc sống của họ, và anh ta bị chê, người ta lại tìm đến ông thợ may già. Chàng thanh niên trẻ không hiểu tại sao lại như vậy, cuối cùng anh ta tìm hỏi ông thợ may. Bạn nghĩ ông thợ may sẽ nói gì?

Ông ta bảo rằng những cái áo của anh ta quả thật rất đẹp, kỹ thuật may rất khéo nhưng nó không phù hợp với người dân trong làng, vì anh ta không hiểu được mục đích trọng yếu nhất tạo nên giá trị cái áo. Mục đích tạo ra cái áo là dùng để mặc, nó bảo vệ cơ thể, dùng giữ ấm khi lạnh, mát mẻ khi nóng nực, mặc vào thoải mái dễ chịu không bị gò bó, dễ vận động khi làm việc v..v; nếu chỉ may đẹp và khéo thì chưa thể đáp ứng giá trị thật sự của một cái áo, những vật liệu mà người ta dùng may áo ở thành thị cũng không phù hợp với thôn quê vốn không đầy đủ tiện nghi hoặc phải làm việc vất vả. Nghĩa là về mặt kỹ thuật cắt may hoặc về thẩm mỹ thì anh ta giỏi hơn ông thợ già, anh ta là ‘công nhân’ may khéo nhưng không phải là ‘thợ’ may giỏi, đơn giản vì anh ta xem nhẹ ‘bản chất’ và ‘mục đích’ của cái áo. Túm lại thì tôi đang nói về ‘công cụ’ và ‘mục đích’, hay ‘hình thức’ và ‘nội dung’.

Bỏ qua chuyện cái áo, điện ảnh cũng thế, mục đích quan trọng nhất của điện ảnh là thể hiện những giá trị tinh thần có trong đời sống của con người, nếu bộ phim không có bất kỳ ý nghĩa gì về mặt nội dung thì dù nó hoành tráng đến đâu cũng đều vứt sọt rác. Có rất nhiều trường chuyên nghiệp sẽ dạy người ta cách dựng phim, quay phim, tạo âm thanh hoặc ánh sáng … nhưng nếu không có người xây dựng ra một kịch bản tốt thì có tạo được bộ phim hay hay không? Việc tạo ra một nội dung tốt thì chẳng trường nào có thể dạy hết, còn việc dạy ‘lấy’ ở đây một chút ý tưởng, kia một chút ý tưởng theo kiểu ‘đạo văn’ hoặc ‘đạo ý tưởng’ thì về bản chất nó vẫn thuần túy mang tính ‘kỹ thuật’ chứ không phải cách sáng tạo nội dung.

Muốn tạo ra một bộ phim hay thì phải hiểu về bản chất cuộc sống – con người – xã hội trước đã. Khi bạn thật sự hiểu về bản chất cốt lõi, việc sáng tạo ra nội dung chỉ là làm biến đổi về vẻ ngoài của cái bản chất đó thôi, giống như tôi tự chế câu chuyện về người thợ may để nói về điện ảnh vậy đó, và vì hiểu bản chất đó, tôi có thể chế ra hàng trăm phiên bản khác nhau để nói cùng một thứ, và mọi phiên bản đều có ý nghĩa, giống như các thiền sư kể chuyện ngụ ngôn, hoặc mấy câu chuyện cổ tích. Nhân nhắc đến cổ tích, các bạn còn nhớ truyện về con mèo bị biến thành cọp chứ, dù hình thể nó là cọp nhưng nó vẫn sợ hãi những con vật khác, vì bản chất nó là mèo; giả như con mèo đó hiểu bản chất cọp thì nó sẽ thành cọp thật, hoặc nếu con cọp hóa mèo thì con ‘mèo’ đó sẽ mạnh hơn mọi con mèo khác; sẵn tiện thì con ‘mèo’ có bản chất cọp cũng giống như mấy câu chuyện cổ tích, ý nghĩa của nó không phải chỉ dành cho trẻ con.

Việc hiểu bản chất hoàn toàn khác với cái gọi là ‘đạo ý tưởng’ nhé, về cơ bản, ‘đạo ý tưởng’ vẫn là việc sao chép mang tính hình thức, tức là sự sao chép nội dung kịch bản, còn người hiểu thật sự thì có thể sáng tạo ra vô số ý tưởng để truyền tải sự ‘hiểu’ của mình, và vì sự hiểu đó là của mình nên dù có thay đổi về vẻ ngoài thì nó luôn luôn phù hợp với cuộc sống. Giống như nếu anh chàng thợ may trẻ hiểu bản chất của cái áo như ông thợ già thì anh ta sẽ tạo ra được những cái áo vô cùng tuyệt vời, anh ta có thể tạo ra hàng ngàn mẫu áo khác nhau mà vẫn không bỏ mất bản chất cốt lõi nhất của cái áo. Còn nếu không hiểu bản chất, điều anh ta làm chỉ là tạo ra những cái áo nhìn cho đẹp chứ không mặc được.

Chí Blog có kịch bản phim điện ảnh, ai mua không?

Khi nói về điện ảnh, chúng ta không thể bỏ qua thể loại phim giải trí được đầu tư lớn mà thường gọi là ‘bom tấn’, các bạn nghĩ thể loại phim này chỉ mang tính giải trí thôi sao? Không đâu, bên trong bất kỳ bộ phim nào cũng cài cắm vô số ý nghĩa, chẳng qua là cái hình thức của nó quá đẹp đã che mất cái ý nghĩa bên trong. Tôi lấy ví dụ phim Người Nhện, một thanh niên cù lần thường bị bạn bè ức hiếp, sống thất bại và cô đơn, anh ta khát khao muốn trở thành người hùng, được mọi người tôn vinh và khen ngợi, và anh ta đạt được điều đó nhờ may mắn, nhưng trở thành người hùng lại phải trả giá rất lớn chứ không sung sướng gì, anh ta phải rời bỏ người yêu, nhưng cuối cùng cô ấy vẫn chết, vẫn sống cô độc. Hay bài học trong chuyện người nhện bị gã chủ sàn đấu lừa tiền, rồi gã đó bị cướp, người nhện không ngăn tên cướp để trả thù, sau đó tên cướp ra ngoài giết chú của người nhện. Khi vì trả thù mà ta để cho cái ác lộng hành thì lần nữa cái ác đó sẽ khiến ta phải nhận hậu quả – bài học rất kinh điển, đó là chỉ nói sơ sơ thôi nha, nếu thật sự phân tích thì còn nhiều bài học lắm.

Trong mọi phim bom tấn mà chúng ta xem đều chứa vô số các bài học như thế, hoặc phim Người Khổng Lồ Da Xanh (Hulk) tập đầu tiên, bạn nghĩ nó đơn giản? Thứ chất mà người cha tiêm cho con trai là chiết xuất từ gen của mọi loài trong thiên nhiên, sau khi được tia Gamma kích hoạt (nếu nhớ không lầm) thì anh ta có thể biến khổng lồ khi nóng giận, thật ra thì bản chất của mọi loài đều có trong loài người chúng ta và nó cho chúng ta những sức mạnh không tưởng, tiềm năng đó thường bị kích thích trong vài trường hợp đặt biệt, cảnh phim anh ta gặp ‘người khổng lồ’ trong mơ có hàm ý nói về thuyết tiến hóa đấy, giống loài mạnh hơn sẽ tiêu diệt giống loài yếu hơn, sau khi hóa thành khổng lồ thì anh ta làm gì? Điều anh ta làm chỉ là đập phá, nhưng nhờ tình yêu với cô gái mà anh ta dùng sức mạnh đó ngăn người cha điên loạn muốn tàn phá thế giới, nghĩa là con người nếu chỉ có sức mạnh mà thiếu đi tình yêu và cảm xúc thì không còn là con gười nữa, giống như người cha tự đồng hóa ông ta với tảng đá vậy – tính biểu tượng mà phim muốn thể hiện hen.

Còn bao nhiêu phim được gọi là ‘giải trí’ mà tôi phải mang ra phân tích nữa? Vì vậy đừng vội xem thường những loại phim kiểu này, những bộ phim thần thoại, kinh dị, giả tưởng, hiện thực … đều là sự thay đổi mang tính hình thức bên ngoài mà thôi. Do đó nếu bạn hiểu bản chất cuộc sống – con người – xã hội, sau đó bạn rành về khoa học, bạn có thể tạo một bộ phim giả tưởng hay, nếu bạn rành lịch sử, bạn tạo ra phim lịch sử, rành về thần thoại hoặc tôn giáo, bạn có thể tạo phim có yếu tố huyền bí. Đảo ngược vấn đề, tại sao tôi có thể phân tích ý nghĩa rất nhiều thể loại phim? Vì tôi không bị cái bề ngoài của phim làm cho lóa mắt, mà tôi ngẫm nghĩ về những hàm ý bên trong, giống như tìm hiểu về bản chất của cái áo chứ không phải chất liệu mà cái áo được tạo ra hoặc màu sắc sặc sỡ của nó.

Hiểu bản chất là thứ mà nền điện ảnh VN còn thiếu, vì thiếu nên có vài người ‘đạo’ tùm lum những phim hay, đến nỗi thứ họ ‘đạo’ mà họ cũng không hiểu nó có ý nghĩa gì, họ đạo nó chỉ vì các chuyên gia bảo là nó hay, thành ra chắp vá từa lưa thành thứ chẳng ra gì, hoặc những phim ‘chuyển thể’, mang về biến đổi thành phim của VN nhưng lại thay đổi những chỗ vô cùng ý nghĩa, vì họ xem mà không hiểu đoạn đó mang hàm ý gì, nếu họ hiểu và biến đổi nó thì ‘cái mới’ vẫn sẽ giữ lại nguyên bản giá trị; cho nên thay đoạn có ý nghĩa thành đoạn mới vô nghĩa làm giảm giá trị phim.

Nói tóm lại thì muốn tạo ra một phim hay, thì phim đó trước tiên phải có ý nghĩa, sau đó phủ lên ý nghĩa đó thứ vật liệu mà bạn muốn, tất nhiên ý nghĩa đó sẽ chuyển đổi sao cho phù hợp với vật liệu được xây dựng, sau khi đã tạo thành kịch bản hấp dẫn nhờ vật liệu mới thì mới vận dụng những kỹ thuật về điện ảnh để tạo ra một bộ phim hoàn mỹ, đó là cách mà những đạo diễn nổi tiếng đã làm. Thật ra thì cái đạo lý này nằm trong mọi thứ, trong văn học, điện ảnh, thời trang, kể cả nghệ thuật – ví như một nghệ sĩ múa ba lê dù múa giỏi cách mấy đi nữa mà không thể hiện được cho người xem cái cảm xúc trong vở diễn Con Thiên Nga thì cũng không thể trở thành nghệ sĩ lớn, mà nếu người nghệ sĩ ấy không hiểu vỡ diễn đó nói về cái gì thì sao có thể thể hiện được? Ngoài những yếu tố khác không tiện nhắc đến vì nó rất nhạy cảm, nói chung thì khuyết điểm của điện ảnh VN là thường chạy theo cái hình thức bên ngoài và bỏ qua bản chất bên trong mà bộ phim nên có.

À! Nên lưu ý một điều rất quan trọng, phim thể hiện những ý nghĩa được cài cắm chứ không phải là ép buộc người xem phải hiểu như mình nhé, sự ép buộc người xem chỉ có ở những người tưởng là họ hiểu nhưng họ không hiểu gì hết, vì cái hiểu thật sự thì luôn thuận theo tự nhiên, phù hợp logic, cảm xúc và tâm lý con người; người thật sự hiểu thì dù biến đổi hình thức câu chuyện thành thế nào đi nữa cũng mang đầy đủ hàm ý mà họ muốn truyền đạt. Nhưng ngày nay học giả thì nhiều mà tư tưởng gia lại quá ít! Học giả là chỉ biết mà không hiểu, thành ra thứ họ có thể làm là nói lại, chép lại chứ không tạo ra được cái mới như tư tưởng gia – người đã giác ngộ ra điều gì đó.

Để xã hội tốt đẹp hơn – Hãy ủng hộ tài chính Chí Blog:

Hàng thánghttps://www.patreon.com/chi_blog_movie_reviews

Paypalhttps://www.paypal.com/paypalme/nguyenminhchi2806

Bank – Người nhận: Nguyễn Minh Chí, NH TMCP SAI GON THUONG TIN CN TIEN GIANG, Số TK: 0601 4671 8526

Ví momo:

………………………….

Nhớ Share bài viết, Like Chí Blog (Facebook) để dễ dàng theo dõi những bài viết mới.

Top 120 Best review phim ý nghĩa trên Chí Blog

Top 50 bài review sách văn học kinh điển của Chí Blog

Những bài cùng chủ đề:

Bàn về điện ảnh: liên quan đến vấn đề tâm linh

Bàn về điện ảnh: Vài kinh nghiệm ít ỏi của tôi

Bàn về điện ảnh: zombie – xác sống … là chúng ta? Nhảm nhí!

Facebook Comments

About Author

Minh Chí

Bạn tôi góp ý là: nhiều người ở VN thích làm màu, nên tôi cần làm màu hơn thế. Cho nên các bạn cứ nghĩ tôi rất "đỉnh" là được!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Next Post

Review phim Upload (Series 2020): Khi thiên đường mua bằng tiền

T7 Th8 15 , 2020
Kiếp Ảo – Upload (Series 2020) là phim giả tưởng rất đặc sắc về một thế giới ảo mà con người có thể tiếp tục sống nếu muốn trốn tránh cái chết, ở nơi đó, thời gian và sự tiện nghi được tính bằng tiền trong đời thực – mua […]

You May Like

Translate» English - Vietnamese