Có thể nói thời đại ngày nay là cái thời đại lên ngôi của những giá trị ảo do con người tạo ra. Tôi cảm nhận được điều này một cách sâu sắc khi một đồng nghiệp gom góp tiền để mua một chiếc IPhone6Plus cách đây vài tháng. Xét về giá trị sữ dụng thì nó tương đương với 1 chiếc điện thoại thông thường chỉ bằng 1/3 giá tiền. Nó tương đương 3 tháng lương của người mua, có lẽ với người đó thì đáng giá nhưng với tôi thì quả là quá phung phí. Tôi sẽ không xem là phung phí nếu đó là một người có thu nhập cao. Mua được chiếc IPhone như mong ước sẽ làm người ta hạnh phúc trong chốc lát nhưng khó khăn trong đời sống người đó sẽ trực tiếp và kéo dài, thế là người ta cảm thấy sao đời sống mình khổ quá. Những con người như thế trong xã hội VN bây giờ nhiều vô số kể. Điều này là do đâu?
Để có được lợi nhuận khổng lồ, một sản phẩm được bán ra với giá cao gấp nhiều lần giá trị sản xuất của nó. Muốn làm được điều này thì người ta sẽ cố gán cho nó những đặc tính hay giá trị ảo và cố nhồi nhét chúng vào suy nghĩ của người tiêu dùng qua sự tuyên truyền của hệ thống truyền thông. Sở hữu sản phẩm đó thì bạn được gắn mác Sành Điệu, Quý Phái, Thời Trang, Thông Minh… mọi từ hoa mỹ mà người ta có thể dùng để vuốt ve cái tự tôn trong bạn. Đồng hành với chúng – những giá trị ảo, là sự tôn vinh các giá trị mang tính hình thức bên ngoài trong mọi mặt của cuộc sống. Có thể cũng chính vì thế mà ở một mức độ nào đó những giá trị ảo đó sẽ mang lại lợi ích thực. Ví dụ bạn sẽ được săn đón khi dùng điện thoại hiệu hay đi xe đắt tiền, nhưng xét cho cùng thì những lợi ích mà chúng mang lại không có tính bền vững.
Không bền vững vì cái hình thức mà người ta gán cho một đặc tính nào đó chỉ là sự giả dối. Một ví dụ cụ thể, trong lĩnh vực kinh doanh, để người khác tin tưởng thì một người phải trang bị cho mình một vẻ ngoài bảnh bao đắt tiền, phải thể hiện mình là bà con của ông này bà nọ, hay có một “gốc” mạnh. Vụ lừa đảo gần 60.000 người của cty đa cấp Liên Kết Việt là một bằng chứng vô cùng cụ thể, đám đông bị lừa vì đầu óc họ quen với cái việc đánh giá sự việc qua vẻ ngoài, nếu ở một nước có nền dân trí cao hơn thì cái mà khiến người ta tin tưởng chính là bảng báo cáo tài chính của cty được thẩm định bởi các chuyên gia kinh tế. Hay như nội dung của 1 bộ phim Mỹ, để thức ăn nhanh được tiêu thụ một cách chóng vánh, các tập đoàn đã liên kết với truyền thông nhằm thay đổi quan điểm về cái đẹp của con người. Các cô người mẫu không phải mình dây mà là béo tốt, mập mạp. Những bản tin như thế được phát mọi nơi và mọi lúc, sau một khoản thời gian nào đó, dân chúng nghĩ rằng phải có một thân hình mập mạp như heo mới được gọi là đẹp. Thế là người ta tranh nhau ăn những thứ thức ăn nhanh, vừa thỏa mãn tính tham ăn của họ vừa được xem là đẹp khi trở nên béo phì. Có thể nói, trong mắt của các tập đoàn lớn thì đa số dân chúng được xem như những con vật chăn thả để chờ ngày xẻ thịt.
Gần gủi hơn mà ta thường bắt gặp là những tấm ảnh tự sướng đầy rẫy trên Facebook. Người ta cố chụp ở những góc độ hay sữ dụng những phần mềm để cho ra những tấm ảnh đẹp nhất, trẻ trung nhất, quyến rũ nhất. Nhưng thực tế có phải như vậy? Những tấm ảnh hoàn mỹ tạo ra những ảo tưởng cho người chụp lẫn người xem để rồi sau đó họ sớm phải thất vọng. Nói chung mọi biểu hiện trong xã hội ngày nay đều mang tính chiết khấu cao, từ sản phẩm tiêu dùng cho tới đàn ông hay phụ nữ, cho tới những thông tin mà ta tiếp nhận trong tiếp xúc hàng ngày hoặc từ truyền thông, giật tít, câu like đầy rẫy khắp nơi. Điều đáng buồn là xu hướng ấy càng tăng cao thì những giá trị chân thật càng trở nên khan hiếm và tuyệt chủng, con người cứ đuổi hình bắt bóng để rồi sau đó đau khổ, họ khổ mà không biết tại sao mình khổ, cuối cùng khi nhận ra đâu mới là thứ có giá trị đích thực thì đã quá muộn màng. Vậy đó! Tôi nhìn và tôi buồn cho cái sự đời, tôi biết họ sẽ đi về đâu nên đoán gì trúng nấy. Ấy thế nhưng ai ai cũng bảo tôi khờ tôi ngốc, có thể tôi ngốc thật khi không chịu đi cùng họ.
Minh Chí
Facebook Comments