Sự thật là điều rất nguy hiểm đối với con người, vì có biết bao người làm lợi nhờ vào dối trá, nó hiện diện ở khắp mọi nơi, nhỏ thì ở những đứa trẻ, lớn thì ở nơi công sở, ngoài xã hội, trong chính phủ, ở mọi quốc gia; nó tồn tại trong mọi mặt của đời sống, là kinh tế, là chính trị, là tôn giáo. Chính vì thế khi ai đó vạch trần sự thật, họ làm “tổn hại” đến lợi ích của kẻ tư lợi, mà những kẻ đang sống trên sự bất chính đó thường đều đang nắm giữ quyền lực trong xã hội, họ có thể mang đến tai ương cho người dám nói sự thật, sự “tổn hại” càng lớn thì sự “trả thù” càng lớn, họ khiến người ta phải câm nín bằng mọi cách, họ khiến người biết sự thật phải hãi hùng trước những hậu quả có thể nhận lãnh. Đó là những gì vẫn đang diễn ra quanh ta, trên khắp địa cầu này.
Có rất nhiều người đã chết để nói lên sự thật và làm chứng cho sự thật, họ luôn là những ngọn đuốc sáng soi đường cho những người theo sau, nếu thành phần theo sau đó đông đảo, xã hội đó sẽ văn minh và tiến bộ. Như vậy ta cũng có một hệ quả theo chiều ngược lại, xã hội văn minh là xã hội biết tôn trọng sự thật và yêu quý những con người dám nói thật, tìm mọi cách bảo vệ họ trước sự “trả thù” của những kẻ nói dối, còn nơi nào chuyên tìm giết những người nói thật, nơi đó sẽ chìm vào sự tối tăm và u mê, đây không phải là sự ám chỉ, đây là sự thật mà bất kỳ ai cũng phải công nhận nếu họ có đủ khả năng tư duy theo lối thông thường nhất. Nhưng tôi sẽ không bàn sâu về nó để khỏi đụng chạm đến những vấn đề nhạy cảm mà tôi rất e ngại, vì tôi khá hiểu rõ cái kết quả có thể đến.
Điều tôi muốn nói là cái gì đó khác hơn, tôi không khuyên con người phải dũng cảm nói lên sự thật dù chết cũng không sờn lòng, việc nói ra sự thật hay không là lựa chọn của mỗi người. Tuy vậy, việc nói, không nói, và nói theo lối châm biếm hoặc giảm tránh sẽ khiến bản thân biến đổi theo những phương hướng hoàn toàn khác nhau. Với tôi, nếu bản thân e ngại thì thà cứ giữ lấy sự thật ấy trong im lặng, hoặc nếu có nói ra thì đưa nó về một dạng chân lý mang tính tổng quát, nhờ đó mà sự thật sẽ còn được bảo toàn trong ta, đây là cách mà tôi đang dùng. Còn nếu người ta vì sự oán hận nhưng lại cảm thấy sợ hãi và thốt ra những lời châm biếm cay nghiệt, thì việc đó chẳng những không giúp ích gì cho xã hội mà còn hủy hoại chính tâm hồn của người đó, châm biếm còn tệ hơn cả lời chửi rủa, người nói sẽ ngày càng chìm sâu trong oán hận, người nghe sẽ càng tổn thương và lòng thù hận càng dâng cao, cuối cùng thì thù hận mang lại thù hận.
Nếu đánh giết là hành vi bạo lực của thân xác thì châm biếm là bạo lực của tinh thần, mà sữ dụng bạo lực thì chưa bao giờ là giải pháp tốt nhất trong mọi vấn đề. Khi đối diện với những vướng mắc và khó khăn, sữ dụng bạo lực luôn là cách chọn lựa dễ dàng nhất nhưng mang lại hiệu quả tồi tệ nhất, vì sữ dụng bạo lực càng nhiều thì con người càng đi xuống. Trong khi đó thì thành thật với nhau, chia sẻ để cảm thông nhau là điều khó khăn nhất nhưng sẽ mang đến hiệu quả cao nhất, dù việc đó tốn rất nhiều thời gian và công sức để hoàn thành, nhưng nếu có thể hoàn thành thì nó không chứa bất cứ nguy cơ tiềm ẩn nào trong tương lai, vì đó là cách mà con người cùng đưa nhau đi lên chứ không phải cùng đạp nhau xuống.
Ngoài châm biếm thì người ta còn có một sự lựa chọn khác dễ dàng hơn, đó là nói giảm nói tránh. Nếu châm biếm xuất phát từ oán hận thì “giảm tránh” xuất phát từ quan điểm mang tính tích cực, nó khiến người nghe cảm thấy dễ chịu vì đã không vạch mặt họ một cách thẳng thừng khiến họ phải xấu hổ và bẽ mặt. Điểm xuất phát có lẽ là thiện ý nhưng hậu quả của cái thiện ý đó cũng không kém phần nghiêm trọng. Vì “giảm tránh” cũng là một dạng nói dối, mà khi người nói hoặc người nghe cứ nói dối mãi thì họ dần sẽ tin đó là thật, một cái sai rất lớn nhưng lại bị xem nhẹ thành chuyện cỏn con, họ cứ vòng quanh nó, họ tìm cách giải quyết những vấn đề nhỏ nhặt trong khi bỏ qua những điều cốt lõi, thành ra có lẽ chờ đến thiên thu mới có thể hoàn thành. Ấy là chưa nói đến những vấn đề mang tính nghiêm trọng mới phát sinh, vì họ tự lừa chính họ bằng cách “giảm tránh” – một cú tự lừa khá ngoạn mục, nên cái nghiêm trọng mới sẽ bị nhìn như cái cỏn con. Cứ thế thì những vấn đề cần giải quyết cứ chất cao thành núi.
Cái lối “giảm tránh” đó có thể có tác dụng nếu thế giới này bất biến và ngưng đọng, nhưng không! Thế giới này đang biến đổi từng ngày từng giờ, càng về sau thì tốc độ biến đổi ngày càng nhanh hơn. Ta có thể so sánh tốc độ của từng thế kỷ từ thế kỷ 16 đến nay, thế kỷ sau đi nhanh hơn thế kỷ trước gấp mười lần thậm chí trăm lần, những vấn đề mới phát sinh cũng thế, ai sẽ đứng lại để chờ ta giải quyết chúng theo lối “giảm tránh” đó?
Bây giờ 2 phương cách nói mà tôi vừa nêu đang nẩy nở tràn lan trong văn hóa Việt, từ người có trình độ thấp đến người có trình độ cao. Thấp thì châm biếm một cách ngây ngô, “giảm tránh” theo lối sai lệch và phiếm diện; cao thì châm biếm sắc sảo cay nghiệt, “giảm tránh” vô cùng bài bản và hợp lý. Có lẽ họ nghĩ điều họ làm là thâm thúy và khôn ngoan, nhưng khi nhìn vào thì đó chỉ là sự khôn lỏi, đó là cách mà họ đang tự đầu độc họ và đầu độc những người có nhận thức kém hơn họ. Nhìn vào những phát biểu trên các diễn đàn của người Việt khiến tôi thấy thật đau xót, không chỉ người Việt trong nước, kể cả người Việt hải ngoại cũng thế, toàn là những lời châm biếm, những nụ cười đểu, sự lạc hướng trong cách hiểu vấn đề. Cứ như vậy thì thù hận bao giờ mới chấm dứt? Vấn đề bao giờ mới giải quyết xong?
Thời đại 4.0 bề nổi là công nghệ tự động kết nối mang tính toàn cầu, nhưng ẩn bên trong là khả năng nhận thức của con người. Không có nền tảng nhận thức mà muốn đặt chân vào thời đại mới thì chỉ là ảo tưởng, hoặc nói cách khác, khi chiều cao nhận thức không tương đương thì cái 4.0 đó sẽ đè bẹp con người, giống như đột ngột ném con người xuống chiều sâu hàng chục ngàn mét nước – nơi mà những chiếc tàu ngầm tân tiến bằng thép còn phải bẹp dúm huống hồ là da thịt trần trụi.
Để xã hội tốt đẹp hơn – Hãy ủng hộ tài chính Chí Blog:
Hàng tháng: https://www.patreon.com/chi_blog_movie_reviews
Paypal: https://www.paypal.com/paypalme/nguyenminhchi2806
Bank – Người nhận: Nguyễn Minh Chí, NH TMCP SAI GON THUONG TIN CN TIEN GIANG, Số TK: 0601 4671 8526
Ví momo:
…………………….
Note: nếu bài viết trên trang có giá trị, nhớ tích cực like, share, comment, giới thiệu với bạn bè về Chí Blog (Facebook) và vào chi-blog.com để đọc các bài review phim & sách hay khác.