Thiên Đường Tận Thế
Chương 4: Ngài ‘biết tuốt’
Mấy đêm rồi Phan Thạch không tài nào chợp mắt cho được, hắn cảm giác chuyện gì đó vô cùng lớn lao sắp xẩy đến, nếu đã thức thì phải tìm chuyện gì đó làm cho qua thời gian, hắn mở laptop xem tin tức, xem một hồi lại thấy chán, vẫn những loại tin đó, bệnh tật, chết chóc, chiến tranh, chính trị, bắt bớ, ăn cắp công nghệ, ô nhiễm môi trường, thiên tai lũ lụt. Trong căn phòng nhỏ xíu và im ắng chỉ nghe được âm thanh của tiếng ‘chuột’ chạy, thời xưa là con chuột sống, thời nay là con ‘chuột’ máy, từng cột bài viết lướt qua lướt qua trên màn hình. Chỉ cần đọc tiêu đề bài viết là Phan Thạch biết tuốt tác giả muốn nói cái gì, hắn thường xuyên ngồi cười một mình vì bản thân tự gắn cho hai từ ‘biết tuốt’, người khác ‘biết tuốt’ thì càng ngày càng giàu, còn hắn ‘biết tuốt’ thì càng ngày càng nghèo.
Đôi khi Phan Thạch thì thào câu nói trong kinh thánh để tự an ủi “Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó vì nước trời là của họ“, hắn không biết mình có tinh thần nghèo khó hay không, nếu tự vấn lương tâm thì hình như là không, hắn cũng ham giàu, cũng thích phụ nữ đẹp, mà mấy cái đó ai lại chả thích kia chứ; hắn cũng ‘biết tuốt’ những phương thức để đạt được sự giàu có và gái đẹp, nhưng bắt hắn nỗ lực để theo đuổi thì hắn thấy tâm can vô cùng mệt mỏi, vì hắn ‘biết tuốt’ khi ấy hắn sẽ đánh mất chính mình và mọi thứ đạt được trở thành vô nghĩa. Thật lạ khi điều khiến hắn say mê lại là điều khiến hắn cảm thấy vô nghĩa.
Phan Thạch tắt hết mấy trang tin tức, vào thư mục mở mấy bài hát của Trịnh Sơn ra nghe, vặn âm thanh nhỏ lại vì giờ này cũng khuya lắm rồi, không cần làm phiền người khác. Phan Thạch châm điếu thuốc, bước ra ban công ngắm nhìn chung cư đối diện, đó là một tòa nhà sơn màu trắng xám với vô số những ô cửa sổ màu đen, chúng có màu đen không phải vì chúng đen mà do người ta tắt đèn để ngủ, khung cảnh đó làm hắn nhớ lại ngụ ngôn Cái Hang của Plato. Thời nguyên thủy con người sống trong hang, thời hiện đại con người cũng sống trong hang, nhưng thời nay những cái hang đó được dồn nén lại và xếp chồng lên nhau giống như những cái tổ ong. Thời xưa hang động là nơi tránh thú dữ, thời nay chắc là để tránh con người, vì nếu ai đó dám ngủ mà quên đóng cửa ‘hang’ thì sẽ bị người khác vào dọn sạch lột sạch mọi thứ đang có.
Phan Thạch thật sự không thích lắm những ý nghĩ châm biếm cứ lỡn vỡn trong đầu hắn, bản thân hắn cũng chẳng khác chi những con người mà hắn đang châm biếm và cười cợt, hắn càng ngày càng cảm thấy bản thân muốn rút sâu hơn vào ‘hang’ của chính hắn cả ngày lẫn đêm, hắn sợ con người, chán con người và khinh con người, tuy vậy mặt khác hắn vô cùng yêu thương con người, đặt biệt là đối với trẻ con bởi tính hồn nhiên và vô tư của chúng. Hắn mơ về một thế giới mà ở nơi đó hắn được trở lại thành trẻ con và chỉ có trẻ con thôi, ừ khi đó thế giới đúng là thiên đường, hắn có thể nằm trên bãi cỏ nhìn lên bầu trời đêm đầy sao cho đến khi ngủ quên, sáng hôm sau hắn sẽ được đánh thức bởi lũ chim ríu rít trên những cành cây hoặc bởi ánh sáng của tia nắng sớm mai, và quan trọng hơn hết, hắn không sợ bị lột sạch bởi con người.
Nhạc của Trịnh Sơn thật hay, Phan Thạch nghĩ vậy, những bài hát làm hắn nhớ lại mối tình đầu, hạnh phúc và khổ đau, như một kẻ lữ hành đi xuyên qua không gian và thời gian, thành kẻ thứ ba trở lại ngắm nhìn cái thuở mà bản thân còn biết đến sự rung cảm của trái tim, để chỉ ngắm nhìn vẻ đẹp đó chứ không sở hữu, đóa hoa còn trên cành luôn đẹp hơn đóa hoa bị con người cắt rời và cắm vào bình, nó đẹp hơn và tươi lâu hơn.
Miên man với những ảo tưởng, Phan Thạch nhớ lại cái thời điểm khi hắn còn nhỏ, vào những đêm mưa, không khí trở nên mát lạnh, hắn nằm trên võng lắng nghe bản giao hưởng của đất trời, tiếng lộp bộp từ mái tôn, tiếng ộp oạp của ếch nhái ểnh ương, tiếng gió rít qua những hàng cây xào xạc, mưa vừa dứt cũng là lúc bản nhạc đổi tông, tiếng du dương réo rắc của bọn dế ẩn núp dưới lá vàng hoặc trong đám cỏ xanh ẩm ướt. Nếu đã có nhạc công thì không thể thiếu vũ công, mưa rơi xuống tạo thành những đường nước ngang dọc trên mặt đất, bọn cá lóc từ dưới ao trườn lên ẹo qua ẹo lại, bọn cá rô xếp thành hàng, vây tì xuống vừa bơi vừa bò trên đường nước cạn, nếu người ta hiểu được ngôn ngữ của loài cá thì có lẽ chúng đang ngân nga những lời như “Tiến lên nào anh em, chúng ta cùng tiến lên đi tìm vùng nước ấm, đó là nơi thiên đường của loài cá, tiến lên nào anh em, chúng ta cùng tiến lên, không tìm thấy thiên đường thề không dừng lại …“.
Kể từ ngày đó, trái đất quay vạn vòng, con người cũng tiến về phía thiên đường của họ, bản giao hưởng đất trời tắt ngấm, đất cát hóa xi măng, đường nước không chảy tràn trên mặt đất mà chảy ngầm bên trong những ống cống đen ngòm, lũ cá quên bài khiêu vũ, chúng tập trung thành từng đàn trong những ‘trại tập trung’, ngày ngày chờ đến giờ ăn, những con mạp mạp nhất và khỏe mạnh nhất là những con có thể nhảy lên cao nhất và giành lấy giỏi nhất thứ thức ăn tổng hợp mà con người vung xuống, chúng đã quên mất bài hát năm nào, quên mất miền đất hứa. Sau vạn vòng quay, tối tối Phan Thạch cứ nghe đi nghe lại một bài ca duy nhất, lời bài hát rất đặt biệt “hột vịt lộn, hột gà nướng, bắp xào đây!… Bò bía đây! … Bánh tráng nướng đây! … Ốc nướng, nghêu hấp đây! … Há cảo, xíu mại đây! … “.
Lúc này trời đã dần sáng, Phan Thạch trở vào phòng, đóng cửa chuẩn bị đi ngủ, khi con người thức hắn ngủ, khi con người ngủ hắn thức.
Còn tiếp ….. ; Tác giả: Minh Chí
Tiểu thuyết: Thiên Đường Tận Thế – (Minh Chí) Mục Lục
………………………
Nhớ Share bài viết, Like Chí Blog (Facebook) để dễ dàng theo dõi những bài viết mới.
Top 120 Best review phim ý nghĩa trên Chí Blog
Top 50 bài review sách văn học kinh điển của Chí Blog