Review sách Phố Cannery Row – John Steinbeck: vẻ đẹp từ những mảnh đời đơn sơ

Có vô số nhà văn viết về những mảnh đời nhỏ bé hèn mọn, nhưng cho đến nay, tôi thật sự yêu thích chỉ có 3 người là Hector Malot, Oscar Wilde, và John Steinbeck. Qua Hector Malot ta thấy được sự cảm thông sâu sắc với nỗi đau và sự khốn cùng, qua Oscar Wilde ta thấy được tình yêu thương bao la, và qua John Steinbeck ta thấy một sự gần gũi rất mực; John Steinbeck giống như một tri kỷ, một người bạn thân thiết đang sống giữa những con người dưới đáy xã hội, ông chia sẻ niềm vui và nỗi buồn, chia sẻ cái hạnh phúc mong manh hay những rắc rối chợt đến chợt đi của họ.

Khi đọc Phố Cannery Row , bạn sẽ thấy rất ít nỗi đau, ngược lại, điều bạn thấy phần lớn là những vẻ đẹp mộc mạc đơn sơ, thấy vô số phẩm chất tốt đẹp mà chỉ khi bạn ở thật gần mới nhìn thấy được. Bằng lối viết nhẹ nhàn vui tươi, một chút châm biếm nhẹ – cách châm biếm phớt đời của tính vị tha chứ không phải sự chua cay, ta sẽ bắt gặp vô số điều thú vị diễn ra trên con phố ấy, con phố ở bên rìa của thị trấn, nơi ấy gồm những gia đình nghèo khổ, nhà thổ, kẻ vô gia cư, bọn vô công rỗi nghề, một tiệm tạp hóa của ông già người Tàu, và Phòng Sinh Vật Miền Tây. Cái nổi bật là sự vui tươi, còn nỗi đau thì ta chỉ thấy được khi thật sự thấu hiểu, một nỗi đau day dứt và bất lực.

Giả sử trong thực tế bạn đang sống giữa lòng thành phố hoặc ở nhà cao cửa rộng mà nghe nói một con phố như thế, bạn sẽ có cảm giác gì? Hẳn là sẽ sợ hãi và kinh tởm, nhưng nếu bạn thật sự sống trong ấy, sẽ chẳng ghê gớm như bạn nghĩ, tất nhiên lâu lâu sẽ xẩy ra vài vụ đánh nhau khi cãi vả, tuy nhiên con người ta vẫn có thể sống một cách thản nhiên, tôi từng sống ở một nơi như thế lúc nhỏ, một nơi toàn dân anh chị của các bến bãi, và tôi chưa bị nhiễm cái xấu gì từ nơi đó cả. Cái xấu len lỏi ở khắp mọi nơi và không kể sang hèn, để tránh được nó ta cần một thứ rất quan trọng, đó là nhận thức hoặc sự ý thức trong những việc ta làm. Giống như khi Mack – anh chàng thủ lĩnh nhóm rỗi nghề muốn tổ chức cho Doc một buổi tiệc vì lòng tốt của ông, thì sự việc lại thành tồi tệ và phá tan hoang nơi Doc làm việc:

“… Gã vẫy tay tới tàn tích trên sàn nhà ‘Giống như hồi tôi có vợ. Tôi cố chu đáo với vợ, rồi … nhưng sự việc chẳng bao giờ kết cuộc như vậy

Doc nói ‘Tôi biết‘…..”

Sau sự việc đó, Doc chỉ đấm cho Mack vài cú vì tức giận, nhưng ông không bắt Mack phải bồi thường, và ông đã tha thứ cho những gì đã diễn ra, vì ông hiểu họ. Bạn sẽ thấy những sự việc như thế trong đời sống, một người chồng nát rượu, về hành hạ vợ con, hôm sau sẽ thề thốt và hối lỗi, họ hối lỗi thật, họ hứa sẽ thay đổi cũng thật, họ cũng rất cố gắng,… nhưng sự việc lại tái diễn, đơn giản vì họ không đủ để nhận ra những sự việc bất chợt nào đó sẽ dẫn họ đến đâu; khi khả năng tư duy của họ chỉ đến đó, bạn khó có thể thay đổi họ trong phút chốc, điều cần làm là chấp nhận họ như là họ, và đề phòng những điều tồi tệ có thể diễn ra. Nếu bạn hiểu họ đủ và nếu bạn có một trái tim nhân ái, bạn sẽ biết mình sẽ làm gì, như Doc đã làm trong suốt quyển truyện.

Chí Blog có kịch bản phim điện ảnh, ai mua không?

Trong truyện này tôi thích gần như tất cả các nhân vật, Doc một trí thức duy nhất trong con phố và ông là người tốt, mọi người đều chịu ơn của ông; Mack và nhóm của anh đôi khi tạo ra rắc rối nhưng họ cũng tốt, và cách sống của họ như của những người đã nhìn thấu được cõi trần; ông Tàu già “dễ thương” tuy có chút khôn vặt nhưng lắm lúc lại rất rộng rãi, cũng thông cảm vì ông bán tạp hóa trong khu phố nghèo; tú bà Dora tốt bụng, xây dựng quán Cờ Gấu như một gia đình; Henri – anh chàng họa sĩ mơ mộng lại giỏi về đóng tàu, muốn có chiếc tàu nhưng lại sợ nước nên chả bao giờ đóng xong, tôi thích sống trong con tàu trên cạn giống anh; tôi cũng thích căn nhà từ cái nồ súp de trên bãi đất trống với các dây leo và hoa bao quanh.

Bằng hình ảnh của ngôi nhà từ nồi súp de, chiếc xe cà tàng mà Mack mượn với đủ thứ phụ tùng lấy từ khắp nơi, hay con tàu của Henri, ta thấy được một sức sống vô cùng mãnh liệt ở những con người ấy – những con người bị xem là rác rưởi, họ có thể xây dựng một thiên đường từ những thứ bị vứt đi, khiến chúng sống lại và hữu ích. Đôi khi ta tự hỏi là con người có thật sự cần quá nhiều thứ để sống? Một bộ phận thì sống trong sự thừa thãi vật chất, một phần khác thì dùng lại những thứ vứt đi. Hãy nhìn cách mà ngôi nhà bằng nồi súp de và Biệt Thự Lữ Thứ được “nâng cấp”, con người luôn hướng đến những điều tốt đẹp và ta không cần nhiều lắm để có được hạnh phúc.

Chương 31 là một chương đặt biệt, nói về một con chuột vàng, nó xây dựng một cái hang thật xinh xắn và ấm cúm nhưng chẳng tìm đâu ra một con chuột cái, thế là nó phải mò vào thị trấn để tìm, mà nơi ấy vì có vô số chiếc bẫy đang đợi chờ. Thân phận con người cũng giống như vậy, ta có thể xây tổ ấm ở bất kỳ đâu, nhưng những nhu cầu quá trọng yếu buột ta phải lao vào vòng đua chen, nơi của những cạm bẫy có thể hủy hoại cuộc đời. Giống như hình ảnh cô gái trẻ chết đuối, cô xinh đẹp và còn quá trẻ, còn một tương lai đang chờ đón phía trước, nhưng cô chết chỉ vì không nhìn thấy hết những hiểm nguy ở bãi nước cạn vô cùng xinh đẹp.

Chỉ khi có được một trái tim yêu thương đủ lớn thì John Steinbeck mới có thể thấu hiểu những con người ở ngoài rìa của xã hội đến mức độ này, và chỉ sau khi đọc Phố Cannery Row thì ông mới được tôi đặt vào ngang hàng với Hector Malot và Oscar Wilde về lòng nhân ái. Vì vậy tác phẩm này rất đáng để đọc, xứng đáng có trong tủ sách gia đình.

Để xã hội tốt đẹp hơn – Hãy ủng hộ tài chính Chí Blog:

Hàng thánghttps://www.patreon.com/chi_blog_movie_reviews

Paypalhttps://www.paypal.com/paypalme/nguyenminhchi2806

Bank – Người nhận: Nguyễn Minh Chí, NH TMCP SAI GON THUONG TIN CN TIEN GIANG, Số TK: 0601 4671 8526

Ví momo:

……….

Top 50 bài review sách văn học kinh điển của Chí Blog


Ngoài 3 nhà văn kể trên thì Victor Hugo cũng là người giàu lòng yêu thương với kẻ khốn cùng, nhưng vì các tác phẩm của ông có thêm nhiều yếu tố quan trọng khác về xã hội nên tôi không kể đến.

Facebook Comments

About Author

Minh Chí

Bạn tôi góp ý là: nhiều người ở VN thích làm màu, nên tôi cần làm màu hơn thế. Cho nên các bạn cứ nghĩ tôi rất "đỉnh" là được!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Next Post

Review sách Moby Dick - Herman Melville: là núi cao hay vực thẳm?

CN Th5 5 , 2019
Bạn biết điều gì tạo nên sự bất tử? Đó là khi nó được xem như một biểu tượng của chân lý vĩnh hằng, từ “chân lý” được dịch sát nghĩa là “sự thật”. Khi bạn đọc một cuốn sách, các nhân vật, các diễn biến, chỉ giống như thứ […]

You May Like

Translate» English - Vietnamese