Review sách Kaddis a meg nem született gyermekért – Kertész Imre

Đây là tác phẩm khó đọc nhất mà tôi từng đọc, được viết theo lối tự sự, trình bày các quan điểm của nhân vật về nhân sinh mang đậm tính triết học. Đây cũng là lần đầu tiên, sau khi định hình khái quát những gì mình hiểu từ sách, tôi phải đọc thêm phần “giới thiệu” của người dịch (mà tôi thường bỏ qua) để được hiểu thêm những phần còn sót.
Những dòng suy nghĩ – nhận định được tác giả viết ra theo lối tự phát, đặt biệt là ở nửa đầu cuốn sách, nếu bạn đọc đến đoạn nào đó rồi khép sách lại mà không đánh dấu, rồi vài ngày sau mở ra thì bạn sẽ không còn nhớ mình đã từng đọc đến đâu. Cuốn sách chỉ dần mạch lạc hơn, dễ hình dung hơn ở nửa sau, nhưng để hiểu cho rõ ràng mạch lạc thì đều khó như nhau. Nói thế để bạn biết rằng muốn hiểu cuốn này thì khó thế nào.
Tất cả chúng ta được sinh ra, được môi trường sống (gia đình – nhà trường – xã hội) dạy bảo, chúng ta sống theo bản năng sinh tồn vốn có và những định kiến đã tiếp thu. Có lẽ chúng ta sẽ có một cuộc sống bình thường như bất kỳ ai, theo đuổi tình yêu và sự nghiệp, lập gia đình, có con cái, rồi cuối cùng bệnh và chết. Trong quá trình sống đó, chúng ta sẽ tin vào một vài lý tưởng được phổ biến, trở thành phần tử của tôn giáo nào đó với lòng tin tưởng. Có lẽ sẽ thế nếu không có một biến cố nào đó đủ lớn đến nỗi nó hoàn toàn phá hủy con đường nhận thức về nhân sinh theo hướng thông thường đó. Biến cố đó chắc chắn là sự đau khổ hoặc sợ hãi cùng cực, là thứ mang đến sự chết.
Là một người gốc Do Thái, ông (nhân vật) bị đưa vào trại tập trung của Đức quốc xã lúc tuổi 14. Những kinh hoàng trong khoản thời gian đó đã khiến ông thay đổi hoàn toàn cách thức tiếp nhận mọi thứ. Nỗi ám ảnh và sợ hãi đối với cái chết, tuyệt vọng với sự sống tạo ra sự hoài nghi lên mọi niềm tin từng tồn tại, lên mọi điều mà chúng ta thường gọi là “hợp lý”.
Trong khoản thời gian ở trại tập trung, câu chuyện về “người thầy” trở thành viên gạch đầu tiên đặt nền móng cho tư tưởng dẫn dắt quan niệm về nhân sinh của ông cho đến lúc chết. Tại sao “người thầy” đã đặt thức ăn lên ngực ông (14 tuổi) trong khi “người thầy” cũng rất đói, trong khi tương lai của họ (những người Do thái) được xem là tuyệt vọng. Sự “hợp lý” nào, thứ bản năng nào khiến “người thầy” làm vậy? Không! không hề có thứ giải thích nào được cho là phù hợp trong cái hoàn cảnh tuyệt vọng ấy, vậy hành động đó phải là sự tượng trưng cho thứ gì đó vượt lên trên tất cả mọi thứ.
Khi tầm nhận thức của ông đạt đến một chiều sâu nhất định, ông nhận ra mọi thứ diễn ra trong cuộc sống này chẳng qua là sự thể hiện của một chế độ toàn trị, một thứ gông xiềng luôn trồng vào cổ chúng ta dù chúng ta sống theo cách hợp lý hay phi lý, dù chúng ta là ai thì hoặc chúng ta sẽ thành con sói hoặc trở thành con cừu trong cái quá trình đó.
Ông cũng nhận ra phía sau sự “hợp lý” mà những nhà chính trị hô hào, phía sau những luật lệ của tôn giáo, là những mục đích tầm thường và vô nghĩa (tôn giáo ở đây là chỉ những yếu tố thế tục đang chi phối lên tôn giáo thật, mà ý nghĩa chính của tôn giáo là khám phá sự sống). Ông cảm thấy kinh tởm và nhục nhã khi phải chịu những cái vô nghĩa đó trói vào người, ông muốn thoát khỏi chúng một lần cho mãi mãi.
Đa số con người sống theo bản năng và chịu sự chi phối của bản năng, khi nhận thức được nó, ông cảm nhận được sự tầm thường trong cái mục đích sống của ông khi theo đuổi nó, sự tầm thường làm ông nhục nhã và thế là trong ông nẩy sinh một thứ bản năng chống lại bản năng, muốn phủ định nó, điều đó mang ông đến một trạng thái lưỡng cực giữa muốn và không muốn.
Ngoài bản năng, nguồn cội cũng là một thứ nhãn mác được dán vào ông, buộc vào ông một số phận nào đó được định sẵn, hình ảnh về bà cô đầu trọc mặc váy ngủ màu đỏ ngồi trước gương được xem như một biểu tượng kinh tởm khi ông nghĩ về cái gốc Do Thái của mình, cái nguồn gốc mang ông đến trại tập trung.
Ông muốn thoát khỏi những thứ này, những thứ gắn vào ông những định tính sẵn có của nó. Cái sự thoát đó không đơn giản là sự phủ nhận “không Do Thái”, mà là để cả 2 khái niệm “Do Thái” và “Không Do Thái” hoàn toàn tiêu biến đi. Đến đây chúng ta cũng dần hiểu được điều mà ông theo đuổi chính là sự tự do tuyệt đối.
Ông cho rằng nhân sinh của con người chỉ thật sự có ý nghĩa khi hoàn tất cái số phận của chính nó, cái số phận nằm bên ngoài mọi thứ. Ngòi bút của ông chính là cái xẻng đào hố để chôn chính ông. Nhưng từng có thời, chính tình yêu đã muốn tìm cách ngăn điều đó lại. Ông tìm thấy nàng (một phụ nữ Do Thái) qua cái bản năng, qua cái số phận, nhờ ông, nàng được giải thoát, nàng tìm thấy tự do.
Nhưng bởi tình yêu, nàng bắt đầu tham gia vào công việc của ông, chạm vào cái tự do của ông, điều đó vẫn còn trong sức chịu đựng, nhưng khi nàng muốn có một đứa con thì ông thẳng thừng trả lời rằng “không”, chắc chắn là “không”.
Ông không muốn mình trở thành một phần của cái chế độ toàn trị đó, không muốn nối dài cái số phận của chính ông bằng cách sinh ra một đứa trẻ, ông muốn hoàn tất số phận của riêng mình.
Chính ngay lúc ấy, nàng nhận ra con đường ông đi chỉ dẫn đến sự chết, trong khi nàng muốn sống, nàng sẵn sàng hy sinh tất cả để mang ông đến với sự sống nhưng nàng biết là không thể. Nàng đã bỏ ông, nàng lấy một người “không Do Thái”, trong lần gặp cuối, nàng mang theo 2 đứa bé là con nàng và chồng mới. Ngay lúc này, ông chợt nhận ra, cuộc sống vẫn tiếp diễn, cái chế độ toàn trị bao phủ lên mọi thứ vẫn tồn tại, và ông vẫn sẽ hoàn tất cái số phận của riêng ông dù nó mang đến tối tăm hoặc sự chết.
…………
Tôi không thích dòng tư tưởng này của tác giả, đơn giản vì tôi không tìm thấy một ý nghĩa nào cho cái lựa chọn đó. Tôi đã hỏi chính tôi rằng tự do tuyệt đối để làm gì, hoàn tất cái số phận của riêng mình để làm gì, khi con người không còn tình yêu, không còn sự sống, không còn hy vọng?
Sự đánh đổi liệu có đáng giá không? Đó chỉ mới là câu hỏi của lý tính; còn về cảm xúc, tôi sẽ không đánh đổi cảm xúc với bất cứ thứ gì; rồi niềm tin vào một Thiên Chúa, một thiên đường, tin vào tình yêu và sự sống. Chọn lựa là của mỗi người, “tìm thì sẽ thấy, gõ cửa thì cửa mở cho”.

Top 50 bài review sách văn học kinh điển của Chí Blog

Nếu bạn thấy bài viết có ích cho bạn – cộng đồng – xã hội, hãy Share hoặc hỗ trợ tài chính bằng cách thỉnh thoảng mời Chí Blog 1 “ly cà phê bình dân”:

Người nhận: Nguyễn Minh Chí, NH TMCP SAI GON THUONG TIN CN TIEN GIANG, Số TK: 0601 4671 8526

Đừng để điều tốt đẹp biến mất chỉ vì vô tâm

Facebook Comments

About Author

Minh Chí

Bạn tôi góp ý là: nhiều người ở VN thích làm màu, nên tôi cần làm màu hơn thế. Cho nên các bạn cứ nghĩ tôi rất "đỉnh" là được!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Next Post

Review sách Chân Dung Chàng Nghệ Sĩ - James Joyce - CHÍ BLOG

T2 Th11 12 , 2018
Chân Dung Chàng Nghệ Sĩ không phù hợp với đa số chúng ta – những con người sống và lớn lên với văn hóa phương đông. Tác phẩm phù hợp với số ít người có nhiều hiểu biết về Công Giáo, triết học và mỹ học phương tây. Tác phẩm […]

You May Like

Translate» English - Vietnamese