Review sách Người Truyền Ký Ức – Lois Lowry: được và mất

Tôi biết tác phẩm Người Truyền Ký Ức qua bộ phim cùng tên được sản xuất năm 2014, nội dung mô tả về một mô hình xã hội “lý tưởng” trong tương lai. Phải nói rằng tôi rất thích xem hoặc đọc về đề tài này, vì nó vạch ra cho ta nhiều hướng đi, nhiều sự chọn lựa, những điều đạt được và những điều mất đi, và cuối cùng nhờ đó mà ta tự đánh giá được điều gì là quan trọng, sự đánh đổi có thật sự tương xứng không. Chúng ta có thể tìm thấy các tác phẩm mang tính tương tự như Thế Giới Mới Tươi Đẹp hoặc 451 Độ F; không khó để nhận ra rằng phần lớn các tác phẩm loại này đều được sinh ra sau cuộc CTTT lần 2; sau 2 cuộc thế chiến đẫm máu thì con người khát khao tìm kiếm một mô hình xã hội mang tính lý tưởng, đồng thời các tác phẩm cũng mang tính biện chứng đối với những mô hình xã hội đã – đang – sẽ hình thành, các mô hình này theo đuổi những lý tưởng hoàn hảo nhưng dựa trên sự áp đặt vô cùng cực đoan. Giá trị của tác phẩm ở chỗ đặt ra một hoàn cảnh khả dĩ có thể xẩy ra, rồi để người đọc tự phán xét và rút ra bài học cho bản thân.

Khi nói nhân loại mang tính tổng quát thì ta không thể tách rời 2 yếu tố vô cùng quan trọng, đó là sự sinh tồn và cảm nhận về đời sống nói chung. Nghèo đói – bệnh tật – chiến tranh là những tác nhân có thể hủy diệt loài người; trong đời sống của con người thì khổ đau và hạnh phúc sẽ song hành, nhưng có vẻ như con người sợ hãi và cảm nhận về sự khổ đau hơn là hạnh phúc đạt được. Khi ai đó đang sống trong hạnh phúc, họ ít khi biết trân trọng và giữ gìn, nhưng khi gặp khổ đau thì họ nhớ mãi không nguôi. Do đó khi nhìn lại lịch sử, có vẻ như một xã hội được gọi là lý tưởng khi trong nó không còn mang những tác nhân gây ra sự đau khổ, sự triệt tiêu các tác nhân đó cũng sẽ lấy đi vô số thứ giúp con người đạt được hạnh phúc, tiếc thay – với một số người thì “diệt khổ đau” lại quan trọng hơn là “đạt hạnh phúc”.

Thế nào là một xã hội lý tưởng? Không chiến tranh, không bệnh tật, không nghèo đói, mọi người được đối xữ công bằng tuyệt đối, sự phân công lao động phù hợp với khả năng của từng người, hệ thống công ích và quản lý xã hội hoàn hảo. Làm sao để đạt được điều này? Rất đơn giản, là ngăn chặn hoàn toàn những nguyên nhân tạo ra tội lỗi/tội ác, đó chính là loại trừ cảm xúc khỏi tâm trí con người. Thế giới sẽ không còn màu sắc, không triết học, không nghệ thuật, không âm nhạc, không sáng tạo, không văn học, không tình yêu, không tình dục. Con người sẽ sống như những cái máy, bản thân mỗi người không hề tồn tại “cái tôi” , dân số được duy trì theo một tỉ lệ nhất định bằng cách chọn một số lượng phụ nữ và biến họ thành những cái “máy đẻ”, nếu số lượng trẻ được sinh ra vượt qua số lượng cần thì lượng dư thừa đó sẽ bị “phóng thích”.

Sẽ có nhiều người cảm thấy kinh hoàng hoặc cho rằng phi lý khi thấy những cái “không” ấy, nhưng nếu bạn có một trí tưởng tượng phong phú và biết đặt bản thân vào cái hoàn cảnh xã hội đang diễn ra trong câu chuyện, thì bạn sẽ hiểu mỗi người trong đó chẳng thấy kinh hoàng hay phi lý gì hết, vì họ có “biết” đâu để mà có thể cảm thấy; con ếch ngồi đáy giếng thì chỉ biết cái giếng của nó thôi. Con người trong cái xã hội ấy cứ vô tư mà sống, những người được giao cho việc “phóng thích” vẫn cứ vô tư “phóng thích” những đứa trẻ vô tội.

Tác phẩm nói về một xã hội giả tưởng, nhưng nó có giả tưởng không? Không hề! Nó chỉ đơn giản hóa, cụ thể hóa những gì đã hoặc đang tồn tại, nếu bạn đủ hiểu biết, bạn sẽ nhận ra mô hình trong truyện có phần tương đồng với một vài mô hình xã hội nào đó đang tồn tại. Còn vai trò của người truyền ký ức thì sao? Thật ra thì mỗi một người được xem là trí thức đều đóng vai trò này, kẻ nào không thực thi nhiệm vụ thì không phải là một trí thức thực thụ, và sự phát triển của một quốc gia/dân tộc phụ thuộc rất lớn vào số lượng người truyền ký ức.

Chí Blog có kịch bản phim điện ảnh, ai mua không?

Nói thật là tôi rất khó để giúp bạn hiểu các cảm giác mà Jonas trải qua, cái hạnh phúc tột cùng lẫn nỗi đau khôn xiết khi cậu nhìn thấy được sự thật của thế giới; cảm giác đó giống như một ngày kia bạn chợt biết rằng lẽ ra bạn có được một đôi cánh từ khi vừa ra đời nhưng người ta đã cắt đi mất, rồi giờ đây bạn tìm lại được nó, bạn có thể lượn lờ trên các tầng mây, có thể bay xuyên qua những khu rừng, hạnh phúc đó vô cùng lớn lao. Sau cái hạnh phúc đó, bạn chợt thấy một viên đạn bắn xuyên qua tim và bạn rơi xuống, bạn lại thấy có vô vàn nhà máy được dựng lên chỉ với mục đích là cắt bỏ đôi cánh của con người, khiến họ không thể bay được nữa, nỗi đau đó là vô tận, nó âm ỉ và nhức nhối khi bạn thấy vô số con người cứ vô tư sống mà chẳng biết rằng họ từng có một đôi cánh, lẽ ra họ đã có thể bay, nhưng bạn chẳng làm gì được, bạn thấy mình bất lực.

Tôi không xem bản thân tôi là gì cả, nhưng qua các bài viết, tôi đang cố gắng để trở thành một người truyền ký ức vì tôi nghĩ điều đó là việc cần phải làm. Tác phẩm này rất cần có trong tủ sách của mỗi gia đình.

Để xã hội tốt đẹp hơn – Hãy ủng hộ tài chính Chí Blog:

Hàng thánghttps://www.patreon.com/chi_blog_movie_reviews

Paypalhttps://www.paypal.com/paypalme/nguyenminhchi2806

Bank – Người nhận: Nguyễn Minh Chí, NH TMCP SAI GON THUONG TIN CN TIEN GIANG, Số TK: 0601 4671 8526

Ví momo:

Top 50 bài review sách văn học kinh điển của Chí Blog

Note: nếu bài viết trên trang có giá trị, nhớ tích cực like, share, comment, và giới thiệu với bạn bè về Chí Blog.

Facebook Comments

About Author

Minh Chí

Bạn tôi góp ý là: nhiều người ở VN thích làm màu, nên tôi cần làm màu hơn thế. Cho nên các bạn cứ nghĩ tôi rất "đỉnh" là được!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Next Post

Review phim Spring, Summer, Fall, Winter... and Spring (2003): trên vai Phật

T4 Th6 12 , 2019
Phim Spring, Summer, Fall, Winter… and Spring (2003) có IMDb 8.1 , nội dung mang đậm triết lý nhà Phật mà sau khi xem xong sẽ khiến ta hiểu ra được nhiều điều. Dù là bạn hoặc tôi, dù thuộc về tôn giáo nào đi nữa, thì chúng ta ít […]

You May Like

Translate» English - Vietnamese