Hang Động của Samarago là một tác phẩm rất hay mà tôi thích, vì đây là một phiên bản mở rộng và đa diện khi so với chuyện ngụ ngôn Cái Hang của Platon. Tác phẩm được xuất bản 2001 (trong thời đại chúng ta), sau 3 năm khi tác giả đoạt giải Nobel 1998. Nội dung rất đơn giản nhưng cực kỳ tinh tế trong việc mô tả đời sống thường nhật, điều mà tôi chỉ thấy ở John Steinbeck trong giới hạn đọc của mình. Chuyện kể về một gia đình làm gốm, gồm người cha, cô con gái, và chàng rể; họ đang phải đối mặt với nguy cơ đánh mất nghề truyền thống khi Trung Tâm không muốn mua hàng của họ. Họ sẽ phải làm sao đây … mua sách về đọc sẽ rõ (cười). Cuốn này xứng đáng có trong tủ sách gia đình, gần 500 trang nhưng dễ đọc, và cũng dễ hiểu, còn hiểu đến đâu thì tùy mỗi người.
Bạn biết chuyện Cái Hang của Platon chứ? Nó kể về những người bị trói chặt từ khi mới sinh ra, hướng nhìn vào vách đá ở cuối hang, nên những cái bóng phản chiếu lên vách đá là thực tại duy nhất mà họ biết, họ không biết có cả một thế giới vô cùng đẹp và bao la ở bên ngoài. Platon dùng ngụ ngôn này để nói về một thế giới lý tưởng tồn tại bên ngoài những gì mà ta thấy bằng thị giác của thân xác, đại khái thế. Với hàm ý đó, câu “ếch ngồi đáy giếng” cũng có ý nghĩa tương tự, hoặc một thiên đường sau cái chết cũng thế. Nói chung thì Cái Hang là thứ gì đó trói buộc và không cho con người đến với tự do.
Cuộc sống đôi khi rất kỳ lạ, khi một cánh cửa đóng lại thì một cánh cửa khác sẽ mở ra, sự bất hạnh cho ta thấy một viễn cảnh vô cùng tối tăm trong tương lai, nhưng nhờ có vậy mà ta sẽ phải vẫy vùng để sống sót, rồi sau đó ta bất ngờ thấy mình ở nơi quang đãng, mà nếu không có sự bất hạnh kia thì đời sống nó cứ ù lì ra và chìm dần xuống. Giống như trong câu chuyện, lúc đi giao hàng thì lão Algor cứ lo bị cướp, còn khi trở về do người ta không nhận hàng thì lão ủ rũ ra đến độ tên cướp cảm thương không muốn cướp mà lại đến gần an ủi. Thế là ông lão đáng thương đã vui lòng tặng cho “tên cướp” những món đồ bằng gốm đó. Ta thấy một sự đảo chiều ngoạn mục, và thật là đẹp với trái tim con người. Tên cướp trở thành người tốt, món hàng lẽ ra bị cướp lại trở thành món quà được ban tặng, niềm vui cho đi khiến lão Algor vơi bớt nỗi buồn, vì người đàn ông kia làm cướp cũng vì quá nghèo khổ và thiếu thốn, họ sống bên rìa của cái Trung Tâm to lớn và quyền lực kia. Rồi thì lão tặng cái ấm trà cho bà góa, nó bắt đầu cho một tình yêu của tuổi xế chiều, cái có được trở thành lớn lao hơn cái mất đi.
Dường như nỗi đau đến khiến ta “lạc mất” và khi ta thể hiện tình yêu thương, ta lại tìm thấy niềm vui và hạnh phúc, khi đó ta lại “được tìm thấy”. Giống như chuyện ngụ ngôn Đứa Con Hoang Đàng trong Kinh Thánh, tác giả rất thích dùng ngụ ngôn. Khi trở về, lão Algor phát hiện một con chó hoang đang trú mưa trong cái hang tối om của con chó đã chết của lão, lão không nhìn rõ nó, nhưng nhận ra nhờ đôi mắt lấp lánh của nó trong bóng tối. Đôi mắt là một thứ rất lạ lùng, nó tiếp thu ánh sáng, nó cũng phản chiếu ánh sáng, chúng ta xem nó là cửa sổ của tâm hồn, nếu nhớ lại thì tác phẩm Mù Lòa cũng liên quan đến đôi mắt, mắt rất quan trọng với chúng ta, nó giúp ta nhận ra thế giới, vì vậy thật đáng tiếc cho những ai có mắt nhưng nhìn mà không thấy, đôi mắt cũng có thể khiến ta phạm tội đấy, do đó nó nên được bảo vệ nhưng cũng đừng quá nuông chìu.
Cái hang là một cái hang (cười), nó sẽ là cái hang của Platon nếu nó trói buộc ta, nhưng nó sẽ là nhà khi ở đó có tự do, được che mưa nắng và có tình yêu thương. Vậy để xác định thứ gì đó chính xác là gì thì nhìn thôi vẫn chưa đủ; đoạn ở trang 109 có nói về đôi tay, đôi mắt và bộ não, mắt cho ta thấy thế giới nhưng ta cần dùng tay để chạm vào. Ý tác giả muốn chúng ta sống trong một thái độ Hiện Sinh chứ không chỉ bằng Lý Tưởng, xác định đời sống bằng những kinh nghiệm thực chứng, chỉ có như vậy thì ta mới hiểu rõ về cuộc sống và nhờ đó tác tạo nên một đời sống lý tưởng chân thật. Như cách mà lão và con gái cùng nhau tạo ra những con búp bê bằng gốm. Lý tưởng sẽ là: làm ra một loại sản phẩm mới để bán, thực tế thì để tạo ra sản phẩm hoàn hảo phải trải qua biết bao thất bại chua cay, phải dồn biết bao sức lực. Có thứ gì không phải như thế? Trong học hành, trong sự nghiệp, trong tình yêu, trong hôn nhân và nuôi dạy con cái.
Có rất nhiều người muốn vào sống trong Trung Tâm, vì nơi đó có đủ mọi tiện nghi đáng để mơ ước, kể cả sự đảm bảo về y tế cũng như giáo dục lẫn giải trí. Để được vào đó thì người ta phải có sự đóng góp lớn lao đối với Trung Tâm, nó cũng là nơi tập trung quyền lực của xã hội. Cái giá phải trả cho một “thiên đường” không rẻ tí nào, như cách mà nó và những con người ở đó đã đối xữ với lão Algor, khi nó không nhận hàng thì bất kỳ nơi nào cũng không được bán những mặt hàng đó, nó không cần biết những người như lão Algor sẽ sống thế nào, không cần biết những thành quả mà người ta dùng biết bao công sức và sự sáng tạo để làm ra. Khi nó bảo một thứ gì đó vô giá trị thì chúng phải là vô giá trị, mọi giá trị do nó định đoạt, ở bề nổi, ta chỉ thấy nó tác động vào những giá trị vật chất, nhưng nhìn kỹ hơn, thông qua vật chất thì nó định đoạt mọi giá trị tinh thần của con người, ít ra thì Karl Marx đã đúng ở điểm này. Người ở Trung Tâm rất lạnh lùng và tàn nhẫn, họ đối xữ với người bên ngoài như không phải là con người, vị phó phòng đầu tiên thì khinh lão Algor ra mặt, nhưng như vậy còn đỡ hơn vị phó phòng thứ 2, ông ta nói năng từ tốn và lịch sự, trong khi lòng dạ lạnh lùng như đang giấu một con dao mà bất cứ lúc nào cũng có thể mang ra cắt cổ người.
Cuối cùng thì cả gia đình lão Algor được chuyển vào nơi đáng để “mơ ước”. Ở đó có gì? Có đủ mọi phiên bản của thế giới, các kim tự tháp thu nhỏ, vạn lý trường thành, các đền đài di tích, những căn phòng tạo mưa và tuyết, bãi biển nhân tạo… nói chung là đủ thứ. Bạn có thấy sung sướng khi không cần vượt qua những khoản cách rất lớn mà vẫn có thể nhìn thấy thứ mình muốn? Ồ! nếu bạn thích điều đó thì tôi chúc mừng bạn, vì bạn đã chính thức bước vào cái hang của Platon (cười). Bạn không thấy những thứ đó giống với cái bóng hắt trên vách đá à? Trung Tâm giống mà khác với Cái Hang của Platon ở chỗ nó không trực tiếp xích bạn bằng dây xích, nó xích bằng những thứ khác, bằng sự gián tiếp khống chế nhu cầu vật chất, để bạn cảm thấy vào Trung Tâm là điều đáng để mơ ước. Nếu cách đây hơn 2500 năm Platon đã giải phóng chúng ta bằng câu chuyện Cái Hang, thì giờ đây, nhờ sự tiến bộ mà chúng ta tự nguyện xây cho mình một Cái Hang để chui vào, hí hửng, tí tỡn và hạnh phúc sống trong hang, thật mĩa mai!
Nếu Cái Hang của Platon là một hang đá bất động thì Trung Tâm là một Cái Hang dạng thực thể sống, nhờ nuốt vào con người nên nó ngày càng phình ra, càng phình ra thì nó nuốt người càng nhiều hơn. Ngày xưa bạn có thể bỏ chạy khỏi hang, ngày nay bạn chạy đi đâu? Khi mà những cái xúc tu của nó vươn khắp mặt đất, cái miệng nó mở rộng với biết bao “ánh sáng” mời gọi sự “sung sướng” và “an dật”. Common! Common baby! I love you!
Sự chọn lựa luôn nằm trong tay bạn! Tôi nói đùa đấy! Sự lựa chọn chỉ nằm trong tay những ai đủ hiểu biết để nhận thức được thế giới mà thôi. Cuộc sống không hề thiếu những thứ giúp ta hiểu mình là ai và xã hội này như thế nào. Cái kết của tác phẩm là một sự mĩa mai vô cùng thâm thúy, sự ngạo mạng ấy của Cái Hang hiện đại cứ như đang cười vào mũi cả loài người, giống như những cái băng rôn treo ở mặt tiền Trung Tâm, một giọng cười lồng lộng vào nền văn minh và sự tiến bộ của chúng ta.
“SẮP TỚI, CHIẾC HANG CỦA PLATON SẼ MỞ CỬA CHO CÔNG CHÚNG, ĐIỂM THĂM QUAN HẤP DẪN ĐỘC ĐÁO, DUY NHẤT TRÊN THẾ GIỚI, XIN MỜI QUÝ VỊ MUA VÉ VÀO NGAY.”
HẾT
Cảm ơn các bạn đã đọc bài, nhớ chia sẽ bài viết và giới thiệu Chí Blog đến mọi người, và tích cực “cứu tế” để mình có thêm động lực viết bài nghen.
OCB – ngân hàng phương đông, tk: 0003100008898001, NGUYỄN MINH CHÍ, chi nhánh Thủ Đức. Hoặc: Nguyễn Minh Chí, NH TMCP SAI GON THUONG TIN CN TIEN GIANG, Số TK: 0601 4671 8526
…………….
Top 50 bài review sách văn học kinh điển của Chí Blog
Những gì tôi viết chỉ là vài ý chính, còn vô số hàm ý trong tác phẩm không kể hết. Nếu có thể thì tôi khuyến khích mua cả 3 tác phẩm của Samarago, dù cuốn Mọi Cái Tên khá khó nuốt.
Note: nếu bài viết trên trang có giá trị, nhớ tích cực like, share, comment, và giới thiệu với bạn bè về Chí Blog (Facebook) .