Phim Spring, Summer, Fall, Winter… and Spring (2003) có IMDb 8.1 , nội dung mang đậm triết lý nhà Phật mà sau khi xem xong sẽ khiến ta hiểu ra được nhiều điều. Dù là bạn hoặc tôi, dù thuộc về tôn giáo nào đi nữa, thì chúng ta ít hoặc nhiều đều tiếp thu phần nào đó Phật pháp từ nền văn hóa Á Đông, và cũng không ít lần có những cuộc bàn luận/nhận định về Phật pháp; nhưng nhìn chung kẻ nói vẹt thì nhiều mà người thật sự hiểu thì ít – câu này có thể dành cho tất cả chúng ta ở cả hàm ý tốt lẫn xấu. Tôi và bạn có thể là “vẹt”, cũng có thể là “hiểu”, không cần thiết tự chà đạp mình nhưng cũng không cần thiết đưa mình lên cao, tự nhận chân trong sự hiểu biết của chính ta là được. Tất cả các tôn giáo tồn tại không nằm ngoài mục đích đưa chúng ta đến sự thật, ngoài sự thật thì mọi thứ khác, kể cả giáo luật hoặc giáo pháp đều là phù du. Đây là một bộ phim cho ta thấy nhiều sự thật, giá trị hơn nhiều lần những bài giảng về tội lỗi hay về sự buông bỏ, hoặc những bài giảng về đạo đức mà ta cứ nghe mãi, nghe đến phát ngán.
Mùa Xuân – mùa của cây non đâm chồi nẩy lộc, của tuổi thơ dại với những lỗi lầm hồn nhiên. Có rất nhiều lỗi lầm không xuất phát từ sự độc ác, đó chỉ là đùa vui, là trò chơi. Vị sư phụ không ngăn cản, không bảo rằng “con đừng làm thế vì đó là độc ác và tội lỗi”, ngài chỉ làm một việc là giúp đứa bé cảm nhận được sự khốn khổ mà nó đã tạo ra; việc này cũng ứng với một câu mà ta thường nghe “những gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác”. Vị sư phụ đã đúng khi bảo rằng cậu bé sẽ không bao giờ quên nếu các con vật ấy chết, vì đó là sự thật, khi ta hiểu ra nỗi đau, ta sẽ đau đớn cho những gì mà ta gây ra.
Mùa Hạ – mùa của cây cối trưởng thành, đứa bé cũng trở thành cậu thanh niên. Thêm một lần nữa lỗi lầm đã diễn ra, cậu lạc vào sắc giới; nhưng liệu đó có phải là lỗi lầm hay không? Theo giới luật thì lỗi này cực kỳ nghiêm trọng. Thêm một lần nữa vị sư phụ đã không trừng phạt, vì ngài biết đó là bản năng của con người, đó là điều tự nhiên sẽ đến. Trong việc này hẳn người đời sẽ nghĩ khác, họ sẽ lên án, sẽ khinh bỉ, sẽ nguyền rủa. Nhưng với vị sư phụ thì không, ngài để cậu tự do theo đuổi điều cậu muốn.
Mùa Thu – mùa rụng lá, là thời gian của sự trở về với nguồn cội. Sau bao năm theo đuổi khát vọng, cậu thanh niên ngày nào đã trở về với sự cuồng nộ và nỗi đau đớn ê chề, lại có thêm lầm lỗi nghiêm trọng. Vị sư phụ đã tiếp nhận, vẫn không có sự trừng phạt nào, nếu có thì sự trừng phạt đó dành cho sự hèn nhát chạy trốn khỏi cuộc sống bằng cách tự sát, vì chạy trốn chẳng được ích gì, chẳng thay đổi được gì. Thay vào đó, ngài muốn cậu thả sự cuồng nộ ấy vào việc khắc những câu kinh, và sau đó là tiếp nhận sự trả giá cho lỗi lầm. Mùa thu cũng là lúc vị sư phụ viêm tịch – không phải tự sát, việc ngài làm chỉ là hỏa thiêu thân xác sau khi đã đóng lại lục thức và viêm tịch.
Mùa Đông – mùa của sự ngủ yên, của sự chiêm nghiệm – sau khi cây cối đã tích trữ cho bản thân đầy đủ chất bổ dưỡng từ thế giới bên ngoài. Sau khi trả xong “nợ”, người đệ tử đã trở về, tiếp nối con đường của thầy, rèn luyện và tu tập Phật pháp, dang tay đón nhận với người cần trợ giúp, và một đứa bé được trao tay.
Chí Blog có kịch bản phim điện ảnh, ai mua không?
Rồi lại Xuân – sự tuần hoàn tiếp diễn …
Cánh cổng / cửa: bạn có thấy lạ khi 2 bên của nó không có hàng rào hoặc vách ngăn? Để ngăn 2 khu vực thì người ta thường làm vách, nhưng những vách ngăn đó có đủ để ngăn lòng ham muốn của con người? Luật pháp hoặc luật đạo cũng thế thôi, khi con người vô minh, chẳng có bức tường hay lề luật nào có thể ngăn họ lại; mà cánh cổng là biểu tượng cho chánh đạo, khi có chánh đạo thì dù không có bức tường nào thì con người vẫn chọn bước qua cánh cửa.
Cây thuốc: Với cùng một hình dáng, có loại dùng làm thuốc trị bệnh, có loại ăn vào sẽ chết. Thành ra khi nhìn nên nhìn cho kỹ, cũng giống như tình yêu, ở một quảng thời gian nào đó nó khiến cô gái hạnh phúc và dứt bệnh thân xác/tâm hồn, trong hoàn cảnh khác thì nó là độc dược hại cô. hoặc cái giếng trên lớp băng, nó cung cấp nước để uống và rửa mặt, nó cũng là cái bẫy chết người. Với cùng một hình hài, sự sống và cái chết luôn song hành, “hiểu” thì “sống” mà không “hiểu” thì “chết”, đi trong “ánh sáng” thì sống mà đi trong “bóng tối” thì chết.
Sự buông bỏ: bạn sẽ làm gì với những xá lợi của một vị cao tăng đắc đạo? Bỏ vào tủ kính và thờ lạy mỗi ngày? Người đệ tử không làm vậy, anh khắc một tượng băng mang hình của thầy và đặt xá lợi vào như là sự tưởng nhớ trong một thời gian nào đó, qua mùa đông băng sẽ tan, cuộc sống con người cũng như tượng băng ấy, qua cuộc đời thân xác sẽ trở về với cát bụi. Bạn nhớ đoạn cuối vị đệ tử kéo khối đá lên núi? Những lỗi lầm khi hiểu ra ta sẽ không bao giờ quên và không bao giờ hết ray rức, nhưng khi bước sang một tầng thứ cao hơn thì ta sẽ biết buông bỏ nó, vì cuộc sống là vậy, con người là vậy; hiểu ra điều này thì không còn khổ đau, không oán hận, không phán xét, và tâm sẽ bình lặng. Đừng tin vào những lời giảng rằng bạn phải buông bỏ thứ này hay thứ kia thì sẽ được hạnh phúc, làm theo họ thì bạn không tìm được hạnh phúc đâu, tôi không bảo những lời ấy là sai, tôi muốn nói rằng thứ bạn cần là “hiểu” chứ không phải làm theo điều họ nói. Khi bạn giác ngộ/hiểu ra thì tự bạn biết buông bỏ.
Viết kinh: bạn nhớ đoạn vị sư phụ dùng nước viết chữ trên khối gạch, chưa viết hết dòng thì những chữ đầu tiên đã bay mất, hoặc viết rồi khắc chữ trên sàn, làm chi vậy? Ở trên tôi nói đừng làm theo lời giảng, vì đó chỉ là “hình” mà điều ta cần là “hiểu”, những lời kinh ấy cũng như chữ viết bằng nước, vừa viết đã phai. Nhưng chúng ta phải viết, phải đọc, phải lặp đi lặp lại mỗi ngày, để lời ấy hằn sâu vào tâm trí, vết hằn ấy không phải là xiềng xích hay luật lệ trói buột tâm trí ta, mà giống như ngọn đèn soi sáng, để khi bước sai đường thì ta nhận ra / hiểu ra và quay lại, cũng giống như cánh cửa không vách, không vách nhưng ta biết là có vách, vách nằm trong bản tâm của ta dù nó không hiện hữu bằng hình hài. Viết hoặc đọc giống như việc vị sư phụ luôn bước qua cánh cửa dù không có gì ngăn giữa 2 phòng.
Trên vai Phật: Hãy nhớ lấy hình ảnh đứa bé đứng trên vai Phật. Tất cả chúng ta đều là những đứa trẻ đang đứng trên vai Phật. Phật – ở đây là Phật, là Chúa Jesus, là các vị thánh nhân, là lời kinh giảng, là các tác phẩm kinh điển, là các bộ phim có giá trị, là các nhà văn, nhà tư tưởng, các triết gia .v.v. là trí tuệ của nhân loại. Bạn đang đứng trên cả một kho tàng nhưng liệu bạn có biết dùng, biết mua cho mình thiên đàng hạnh phúc không, đó mới là điều quan trọng!
Cảm ơn các bạn đã đọc bài, nhớ chia sẽ bài viết và giới thiệu Chí Blog đến mọi người, và tích cực “cứu tế” để mình có thêm động lực viết bài nghen.
OCB – ngân hàng phương đông, tk: 0003100008898001, NGUYỄN MINH CHÍ, chi nhánh Thủ Đức. Hoặc: Nguyễn Minh Chí, NH TMCP SAI GON THUONG TIN CN TIEN GIANG, Số TK: 0601 4671 8526
Top 120 Best review phim ý nghĩa trên Chí Blog
Oldboy: Sự báo thù dành cho thứ luân lý cay nghiệt
Ký Sinh Trùng – Parasite (2019): từ cộng sinh đến ký sinh
Người Hầu Gái – The Handmaiden (2016): đồi bại vs chân tình
Gia Đình Đạo Tặc – Shoplifters (2018): bản chất của gia đình là gì?
Không Ai Biết – Nobody Knows (2004): giá phải trả cho sự phát triển
Hương Vị Của Trà – The Taste of Tea: vẻ đẹp của văn hóa Nhật
Note: nếu bài viết trên trang có giá trị, nhớ tích cực like, share, comment, và giới thiệu với bạn bè về Chí Blog.