Trang phục trong phim VN nói chung và phim lịch sử nói riêng luôn là điểm yếu của điện ảnh Việt từ trước đến giờ, Chí Blog – “website duy nhất đa vũ trụ giải mã phim nghệ thuật” sẽ đưa ra giải pháp cho vấn đề này, những ai làm trong lĩnh vực điện ảnh có thể tham khảo.
Trước khi đưa ra phương án giải quyết thì chúng ta sẽ phải trả lời cho câu hỏi trọng tâm, tại sao phim TQ hoặc của phương tây có thể tạo ra những bộ trang phục hoàn hảo cho phim lịch sử còn VN thì không? Đó là vì họ có được những tài liệu lịch sử quý giá để làm cơ sở, ví dụ như những bức tranh cổ, hoặc những khảo cứu về văn hóa – lịch sử của tiền nhân để lại. Trong khi đó thì những tài liệu như thế ở VN hoặc không có hoặc cực ít, tại sao ít? Bởi vì …, cái này khá nhạy cảm nhưng tôi phải chỉ ra, đó là vì cha ông chúng ta hơi bị … thiếu não và thiếu hiểu biết, mỗi khi một triều đại mới được dựng lên thì gần như phá hủy và xóa sạch hoàn toàn những thành quả mà triều đại trước để lại, nên chẳng có sự kế thừa nào đáng kể, mọi thứ đều bắt đầu lại từ đầu, cái quan niệm “nhổ cỏ phải nhổ tận gốc” học từ TQ này rất là ngu si. Ngoài ra còn có những nguyên nhân khách quan khác, ví dụ như những cuộc xâm lăng từ bên ngoài đã xóa sổ các tài liệu quý giá đó, hoặc nền học thuật ngày xưa còn quá non kém.
Nhắc lại cái “không có” và cái “lỗi lầm” là để rút kinh nghiệm, còn ở hiện tại, việc cần làm chúng ta phải sáng tạo ra nó để bù đắp cho cái “không có” từ rất ít những cái “có” mà chúng ta gom góp được. Tôi không phải là nhà sử học nên không biết chúng ta đang có những gì về lịch sử, nhưng bằng suy luận và suy diễn hợp lý và logic, chúng ta vẫn có thể tiến hành bù đắp.
Vậy chúng ta “có” gì? Đó là 2 điểm móc đầu và cuối, điểm đầu là những hoa văn trên trống đồng Đông Sơn, điểm cuối là trang phục thời nhà Nguyễn. Nghĩa là chúng ta phải vẽ ra được sự biến đổi một cách từ từ ở giữa 2 điểm móc đó. Những bộ phim sử Việt bị chỉ trích vì trang phục sao chép y như của TQ, nhưng chúng ta không thể phủ nhận việc văn hóa VN bị văn hóa TQ ảnh hưởng rất lớn, mặc dù mỗi triều đại đều phải chống giặc Tàu nhưng sau đó vẫn phải đưa sứ thần sang để cầu hòa (làm đàn em). Như vậy suy ra điều gì? Trang phục mỗi triều đại ở VN luôn có sự ảnh hưởng từ mỗi triều đại tương ứng ởTQ, vấn đề là thay vì “ăn cắp” mẫu của TQ một cách hời hợt rồi thêm thắt chút đỉnh – khán giả vẫn nhận ra là ăn cắp thôi vì giống đến 80->90%, thì chúng ta chỉ dựa vào đó để tham khảo – sự tương đồng chỉ khoản 20-30%.
Với 2 điểm móc, với 20-30% tương đồng theo thời kỳ, chúng ta có “khung xương” cho trang phục, 70-80% khác biệt còn lại là gì? Thứ nhất là màu sắc, bởi vì các triều đại TQ là kiểu đàn anh, họ sẽ kiên kỵ việc các đàn em như VN hoặc Triều Tiên hoặc các nước nhỏ xung quanh dùng cùng loại, nên màu sắc sẽ khác biệt. Thứ 2 là vật liệu, VN chúng ta thời xưa là một nước thuần nông nhưng chưa đủ, chính xác hơn là nông – lâm, trang phục lông chim trên trống đồng chứng minh điều đó, vậy vật liệu không chỉ từ vải mà còn phải có lông da các loài thú rừng, các kim loại như vàng bạc đồng. Thứ 3 là hoa văn, có thể tham khảo từ các di tích còn sót lại như đền đài, lăng tẩm, tranh họa, vật dụng. Thứ 4 là thói quen sinh hoạt, VN chúng ta có nhiều rừng núi, đường xá thời xưa không thuận lợi nên trang phục phải gọn gàng linh hoạt, tuy nhiên cũng cần chú ý đến vấn đề khí hậu miền bắc, gọn nhưng vẫn có thể giữ ấm.
Ở trên tôi đưa ra là những dữ liệu cơ sở để xây dựng, khi đi vào chi tiết thì cần phân cấp vì đó là thời phong kiến, trang phục sẽ đi từ hình thái đơn giản đến phức tạp, vật liệu rẻ tiền đến quý giá, tương ứng với các cấp như dân cùng đinh, bình dân, phú hộ, quan lại, rồi sĩ – nông – lâm (săn bắn thú rừng) – hải (đánh cá) – công – thương, rồi thì loại trang phục nào khi ở nhà – làm việc – lễ lạc, trang phục cho nam và nữ, cho trẻ con và người lớn,… các bạn có thể thêm nhiều nhân tố khác để đa dạng hơn.
Giờ chúng ta hãy làm một ví dụ cho trang phục của dân cùng đinh: vì họ rất nghèo nên vải chỉ được sử dụng cho phần quan trọng như khố hoặc yếm, còn những loại khác dùng che mưa (á mưa), che nắng (nón) , giày dép … thì sẽ kết bằng lá cây hoặc vỏ cây mà họ có thể làm ra được.
Với bao nhiêu đó vấn đề tôi (dạng nghiệp dư) đặt ra thì đủ thấy đây là một công trình văn hóa khá đồ sộ mà một nhà sản xuất phim không thể đủ tài lực để thực hiện được, nhưng nếu được chính phủ hoặc bộ văn hóa rót vốn thì có thể thực hiện. Khi bàn chuyện trên giấy (trong bài viết này), chúng ta sẽ thấy là nó vẫn còn khá mơ hồ, nhưng nó sẽ dễ hình dung hơn nếu liên hệ đến những game nhiều người chơi mà chúng ta vẫn thường thấy, nếu các công ty game này có thể tạo ra những trang phục đủ mọi loại hình thì chẳng có lý do nào mà bộ văn hóa (hoặc cục điện ảnh) không tạo ra được. Thiết nghĩ nếu chúng ta cứ nói mà không làm thì dù đưa ra “tầm nhìn” 1 năm, 10 năm, 20 năm, thậm chí 50 năm nữa cũng không có gì khả quan.
Ngoài ra có một thực tế là, khi so sánh trang phục trong phim của VN với TQ hoặc của các nước khác thì trang phục của VN quá xấu. Ở đây tôi đang nói đến tính thẩm mỹ trong phim, tạo ra trang phục lịch sử không phải chỉ là làm lại những thứ giống y như ngày xưa. Tôi lấy ví dụ cho bạn hiểu, phương tây họ vẫn còn lưu giữ bộ áo giáp từ thế kỷ 15, nhưng khi làm phim về thế kỷ 15 thì họ vẫn phải thiết kế lại cái áo giáp đó theo tính thẩm mỹ của hiện tại, nó sẽ “giống” với món đồ cổ nhưng tinh tế hơn chứ không thô lậu; hoặc với cùng một phim về thế kỷ 15 mà phim được làm lại sau đó 10 năm, thì bộ giáp của phim sau sẽ đẹp hơn của bộ phim ở 10 năm trước rất nhiều.
Một điều khác nữa, nên phân biệt giữa tính thẩm mỹ và cái đặc tính “cũ” hoặc “nghèo” khi được thể hiện trong phim. Chúng ta có thể so sánh trang phục dân đen trong phim VN với phim phương tây, trong phim VN thì chúng ta tạo ra những bộ trang phục cho có, nên khi xem phim sẽ đưa ra một cảm giác rằng phim là loại rất “rẻ tiền”, nhưng phương tây họ tạo ra những trang phục cho dân đen rất đẹp, cái đẹp đó vẫn thể hiện qua vật liệu vải thô sơ, cái sự cũ kỷ hoặc sờn rách, hoặc các miếng vá, nó vừa có đặc tính “cũ” và “nghèo” lại vừa mang nét đẹp để thể hiện đây là một bộ phim nghệ thuật có đẳng cấp.
Nếu công trình này được thực hiện thì bao gồm những thành phần nào? Các sử gia, văn hóa – xã hội, nhà thiết kế trang phục hàng đầu, các chuyên gia mỹ thuật – nghệ thuật…
Vấn đề trang phục cho phim lịch sử VN có lẽ chỉ nói đến đây thôi, tuy nhiên tôi sẽ nói thêm một vấn đề khác liên quan đến phim lịch sử. Có rất nhiều đạo diễn hoặc nhà sản xuất bảo rằng muốn làm phim lịch sử phải có rất nhiều tiền, cái này đúng nhưng chưa đủ và nếu chỉ nghĩ đến tiền thì đó quả là một tư duy sai lầm. Giả như trao cho họ một khoản tiền từ 100-200 triệu USD, thì họ có thể làm ra một phim lịch sử hay không? Có người nói được, riêng tôi thì không chắc, tiền nhiều chỉ có thể tăng mức độ hoành tráng thôi, và nếu chỉ hoành tráng thì sợ rằng cái họ tạo ra là một phim tài liệu lịch sử chứ không phải phim lịch sử, muốn có phim lịch sử thì phải có được một kịch bản phim tương ứng với cái giá trị 200 triệu USD kia, ở VN thì nhà biên kịch nào đủ trình độ viết ra kịch bản đó? Còn nếu không có kịch bản tốt, dùng 200 triệu USD làm phim thì chẳng khác nào trao tiền cho một đứa trẻ để nó tiêu xài phun phí, dùng tiền để tạo ra lợi nhuận (theo nghĩa rộng) chứ không phải để đổ sông đổ biển.
Cảm ơn bạn đã đọc bài.