Review sách Bẫy 22 (Catch 22) – Joseph Heller : sự phi lý điên loạn

Catch 22 là bộ tiểu thuyết có vị trí khá cao trong bảng xếp hạng top 100 của nhiều tờ báo lớn cũng như trang mạng quốc tế về sách. Quyển này tương đối dày, gần 600 trang, có 42 chương, mỗi chương là một cái tên của các nhân vật trong truyện. Với tôi thì đây là tiểu thuyết nên đọc, đọc để hiểu cái sự phi lý đang tồn tại trong đời sống chúng ta, nó như một thứ dây thòng lọng luôn tròng vào cổ, nó chi phối mọi thứ và sẵn sàng thắt lại nếu ta phản kháng.

Câu chuyện xoay quanh anh chàng đại úy Yossarian thuộc không quân Hoa Kỳ khi tham gia đệ nhị thế chiến. Theo lẽ thông thường, khi nhắc đến cuộc chiến này, người ta – những kẻ chiến thắng sẽ vẽ lên những nét đẹp đẽ và rực rỡ về lòng dũng cảm, sự hy sinh cao cả, tình yêu nước nồng nàn, phất cao lá cờ chính nghĩa, hoặc sự đau thương cùng tội ác của chiến tranh mà nó xuất phát từ phe chiến bại. Nhưng không, truyện này đạp đổ tất cả, vạch trần mọi sự phi lý và vô nghĩa, để cuối cùng ta thấy được tất cả chỉ là một trò hề không hơn không kém. Khi đọc nó, tâm trạng của bạn sẽ thế này, nếu chia cuốn sách thành 10 phần, thì 8 phần đầu bạn sẽ bật cười liên tục, nụ cười ấy không phải vì vui sướng mà như một sự kinh ngạc, mĩa mai sâu cay trước sự điên rồ đang diễn ra, ban đầu nụ cười ấy có thể mang chút sảng khoái cùng chế nhạo, về sau thì trong nó sẽ có một nỗi đau đang lớn dần và đến 2 phần cuối thì nó thành sự uất nghẹn trong tim, sự bất lực và tuyệt vọng trước một đám đông hồn nhiên, một xã hội phi lý – bất công – điên loạn nhưng vẫn được chấp nhận như sự hiển nhiên.

Với những người thiếu tính kiên nhẫn thì truyện này tương đối khó đọc, vì ban đầu ta sẽ khó nắm bắt các móc thời gian một cách rõ ràng, chúng chỉ dần được khai mở khi gần đến cuối. Nó giống như một bức tranh ghép lại từ các mảnh nhỏ, khi ghép đủ thì một bức tranh toàn cảnh sẽ hiện ra một cách rõ ràng và chân thực. Để dễ nắm bắt hơn, bạn nên chú ý đến các sự kiện như 2 cuộc ném bom, ở cây cầu khi anh phải quay lại lần thứ 2, và ở Bologna. Các nhân vật như đại tá Cathcart – kẻ hợm hĩnh say mê quyền lực, Milo – con người tha hóa, Orr – nhân vật mờ nhạt nhưng quan trọng, binh sĩ trắng xóa – một nhân vật mang tính biểu tượng cho sự trống rỗng và vô hồn của mỗi con người trong đám đông, Nately – cậu thanh niên có tâm hồn trong trắng và tình yêu cao thượng, cha tuyên úy – nhân vật đại diện cho tính tôn giáo trong con người. Ngoài ra thì có 2 chương rất quan trọng, chương 39 Thành Phố Vĩnh Cữu – mô tả cái hiện thực ghê rợn của xã hội và của bản tính con người, tôi đã khóc cho chương này, chương 41 Snowden – tả về cái chết khủng khiếp của anh ta cũng như sẽ là kết quả có thể đến với cho bất kỳ ai.

Cuối cùng thì Bẫy 22 (Cath 22) là gì? Nó là một sự phi lý ghê tởm có thể cụ thể qua 2 sự việc sau, luật nói rằng mỗi lính không quân có thể xin về nhà sau 40 lần bay nhiệm vụ, nhưng có một luật khác bảo rằng cấp dưới phải hoàn toàn tuân theo lệnh điều động của chỉ huy, nếu không sẽ bị mang ra tòa án binh với tội đào ngũ và phản quốc; hoặc luật xác nhận về bệnh điên, ai được xác nhận là điên thì sẽ được khỏi bay, nhưng buồn cười ở chỗ kẻ điên thì đều thích lao ra chiến trường để tìm chết, trong khi luật chỉ ra rằng, ai còn sợ chết và không muốn bay thì nghĩa là không điên nên phải bay (ha ha), vậy dù bạn điên hay không điên thì vẫn phải thực thi nhiệm vụ. Yossarian bị ám ảnh bởi những nỗi sợ, anh nghĩ cả thế giới này đều muốn giết anh, dù kẻ đó là bất kỳ ai, anh sợ vãy cả hồn, nhưng mọi người xung quanh chẳng ai biết sợ chuyện đó, họ cứ hồn nhiên lao vào chỗ chết. Mọi người đều cho rằng Yossarian bị điên, vậy thì anh điên hay cả cái đám đông đó đang điên loạn như nhau?

Chí Blog có kịch bản phim điện ảnh, ai mua không?

Cath 22 chỉ ra cái sự điên loạn của toàn xã hội, họ hồn nhiên sống trong một đời sống phi lý mà chẳng hề hay biết, nó như một cái lò mỗ mà nạn nhân chẳng thể chạy đi đâu, vã lại họ cũng chẳng muốn chạy. Họ như anh chàng binh sĩ trắng xóa trong bệnh viện, một cái ống truyền thức ăn vào miệng giống như cái hố sâu đen ngòm, một cái ống khác đặt phía dưới để cho chất thải đi ra, anh chàng bị bó bột toàn thân, không thể nói, không động đậy, không có khuôn mặt, chẳng biết tên, để biết anh ta còn sống hay là đã chết thì phải dựa vào cái nhiệt kế đặt trong miệng. Khi nhìn vào điều đó, một người bạn của Yossarian đã hỏi là tại sao người ta không bỏ qua cái “thứ trung gian” ấy để nối trực tiếp 2 cái ống vào nhau cho tiện. Hoặc chuyện về anh chàng Milo, biến cả cuộc chiến thành cơ hội để làm ăn, anh ta mang đến “lợi ích” cho cả 2 phe, 2 bên đều trở thành khách hàng của anh, anh có thể mua một trận đánh như mua một chiến dịch quảng cáo, hoặc họ có thể đặt hàng ở anh và anh làm luôn cái việc đó bằng cách cho máy bay của mình thả bom ở chính căn cứ phe mình. Truyện này cho ta hiểu rằng, chẳng có cái chính nghĩa cóc khô gì hết trong cuộc chiến vĩ đại này từ cả 2 phía, nó chỉ là sự vô nghĩa đến cùng cực.

Ngoài sự phi lý thì cuốn sách cũng cho ta thấy nhiều điều khác, về những tâm hồn ngây thơ dưới đáy xã hội, như những cô gái điếm ở Rome, họ như một công cụ phục vụ cho tất cả những kẻ tham chiến từ tướng tá cho đến binh lính, rồi sau đó bị vất ra đường như thứ rác rưởi, tôi vô cùng đau xót khi đọc đoạn các cô bị đuổi ra khỏi nơi cư trú (cũng là đoạn khiến tôi khóc) :

“Lúc ấy đám con gái đang khóc lóc, nói ‘bọn em đã làm gì sai sao?’ Mấy thằng kia bảo không rồi cứ thế gí đầu dùi cui vào tụi nó và lùa ra khỏi cửa. ‘vậy thì sao mấy anh lại đuổi tụi em đi?’ mấy đứa nói. ‘Bẫy 22’ lũ kia bảo. ‘Các anh có quyền gì?’ mấy đứa nói. ‘Bẫy 22’ lũ kia bảo”

Sau khi đọc xong cuốn này, tôi nhận ra một điều, khi ta hiểu rõ hơn về cuộc sống, ta không trở nên vô cảm hơn, mà hoàn toàn ngược lại, nó khiến tâm hồn ta có nhiều tình yêu và sự vị tha hơn, và vì thế nỗi đau càng lớn lao hơn. Thật lạ đúng không? Với một số người thì càng hiểu đời càng vô tình hơn.

Tôi nghĩ rằng Cath 22 là một cuốn tiểu thuyết nên có trong bộ sách của mọi người, vì nó đặt biệt, vì nó đồ sộ, vì nó cần thiết, và càng cần thiết hơn bất cứ lúc nào trong cái xã hội hiện nay, nó là liều thuốc mạnh để ta không bị điên trong một xã hội điên loạn.

Cảm ơn các bạn đã đọc bài, nhớ chia sẽ bài viết và giới thiệu Chí Blog đến mọi người, và tích cực “cứu tế” để mình có thêm động lực viết bài nghen.

OCB – ngân hàng phương đông, tk: 0003100008898001, NGUYỄN MINH CHÍ, chi nhánh Thủ Đức. Hoặc: Nguyễn Minh Chí, NH TMCP SAI GON THUONG TIN CN TIEN GIANG, Số TK: 0601 4671 8526

Top 50 bài review sách văn học kinh điển của Chí Blog

Facebook Comments

About Author

Minh Chí

Bạn tôi góp ý là: nhiều người ở VN thích làm màu, nên tôi cần làm màu hơn thế. Cho nên các bạn cứ nghĩ tôi rất "đỉnh" là được!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Next Post

Review sách Của Chuột Và Người (Of Mice And Men) - John Steinbeck: biết trước sẽ xẩy ra chuyện mà!

T5 Th3 7 , 2019
John Steinbeck là một nhà văn Mỹ, ông từng đoạt giải Pulitzer với tác phẩm Chùm Nho Phẫn Nộ và giành giải Nobel văn học năm 1962, dù chỉ 1 trong 2 giải thưởng này cũng đủ nói lên tài năng của ông. Tác phẩm Của Chuột Và Người đã […]

You May Like

Translate» English - Vietnamese