Bạn có thể tìm thấy tác phẩm Gatsby Vĩ Đại này trong top 100 tác phẩm thế giới của bất kỳ trang bình chọn nào, điều đó khiến tôi khá kinh ngạc vì ấn tượng mà tác phẩm mang lại không giống như và có vẻ không sánh bằng… ví dụ như đọc 1984 hoặc Mù Lòa hoặc Đồi Gió Hú. Tuy nhiên sau một thời gian ngẫm nghĩ thì tôi phần nào hiểu được lý do tại sao. Đó là vì tính kinh điển lẫn tính thời sự trong nội dung được truyền tải, tác phẩm là một dấu móc mang ý nghĩa lịch sử cho sự khởi đầu của một thời đại mới – thời hiện đại.
Sự phồn hoa và phù phiếm thì thời đại nào cũng có, tuy nhiên theo từng thời kỳ mà có sự khác nhau về hình thức và bản chất nội tại. Nếu trước đó cái phù phiếm được thể hiện bằng sự giả dối, thói đạo đức giả, sự say mê thái quá về các phương diện nghệ thuật của giới quý tộc; thì trong thời hiện đại ta lại thấy được sự xa hoa cùng cực lẫn sự thô bỉ một cách trần trụi và vô nghĩa mà thành phần giàu có đã tạo ra. Nghĩa là có sự thăng cấp trong cả nội dung và hình thức. Sự đam mê vào những lạc thú mà vật chất mang lại khiến cho nhân cách con người bị thoái hóa đến cùng cực. Nếu ngày xưa con người còn cố khoát cái áo “đạo đức” thì ngày nay họ hoàn toàn lột bỏ nó, phơi bày bộ mặt thật một cách trơ trẽn.
Hãy nhớ đến những buổi tiệc mà Gatsby đã tạo ra, biết bao người đến tham dự một cách vô cùng tự nhiên, họ mặc sức ăn uống và vui chơi dù không được mời và không biết mặt mũi chủ nhân ra sao. Những con người ấy họ đến và đi như những hành khách tụ hội ở những nhà ga, tất cả chỉ là thoáng qua, là sự mơ hồ, họ không hề quan tâm những con người mà họ cùng vui chơi hay truyện trò. Ta thấy trong đó một sự trống rỗng, mọi âm thanh, mọi vũ điệu cuồng loạn như đang phát ra từ những thân xác vô hồn. Hay như buổi tiệc trong căn phòng mà cô người tình của Tom tổ chức, nhân vật “Tôi” – Nick cảm thấy như lạc vào một làn sương mờ ảo và huyễn hoặc, từng người chợt biến đi rồi chợt hiện ra, một thoáng họ hân hoan, một thoáng họ cãi vả rồi bạo lực và khóc lóc, rồi lại say sưa tiếp tục cuộc vui. Cuối cùng sau tất cả thì không còn gì đọng lại.
Trong cái phông nền đầy ảo mộng đó ta thấy được một thân ảnh hiện lên nổi bật, đó là Gatsby, cũng như bao con người khác, anh có một khát vọng vô tận là được hòa nhập vào giới thượng lưu. Ngay từ thuở nhỏ, dù xuất thân hèn kém, anh đã tin rằng thành công và giàu sang chính là định mệnh của mình, là điều anh phải đạt được bằng mọi cách. Trong một lần tình cờ, anh đã gặp may, anh được dẫn dắt vào giới thượng lưu, anh tìm được một tình yêu, nhưng sau đó vuột mất nó, rồi anh cố công để tìm lại dù khá muộn màng. Trong sự việc này, cái đáng thương ở chỗ Gatsby đã ngước nhìn lên thế giới thượng lưu ấy như một thiên đường, một thứ gì đó được thần thánh hóa. Nhưng cũng chính vì vậy mà anh vẫn còn giữ lại được cái sự hồn nhiên, những vẻ đẹp vốn có của tâm hồn. Gatsby giống như một con ngài đang lao về phía ánh trăng hoặc ngọn lửa, và con ngài không biết rằng nó sẽ chẳng bao giờ có thể chạm đến ánh trăng dù cố sức thế nào đi nữa, nó cũng không biết ngọn lửa mà nó đang lao vào sẽ thiêu chết nó.
Sẽ là một sự thiếu sót rất lớn nếu không nói về tình yêu mà Gatsby đã dành cho Daisy – cô gái có xuất thân giàu có. Với Gatsby thì Daisy như là tâm của vùng sáng, anh tôn thờ tình yêu đó đến run rẩy cả linh hồn. Nên nhớ rằng điều mà Gatsby theo đuổi không phải là của cải vật chất hay những đam mê thấp hèn, anh theo đuổi một thế giới đang bị chính anh thần thánh hóa, có lẽ trên con đường lưu lạc thì anh dần nhìn rõ bản chất của cái thế giới ấy, nhưng cái tình yêu thuở ban đầu đó vẫn luôn cháy một cách mãnh liệt. Chỉ là … anh không hiểu rằng cái sự ngây thơ ban đầu của Daisy mà anh bắt gặp trước kia thì nay đã không còn, bởi nàng sống quá lâu trong cái thế giới phù phiếm đó, tâm hồn nàng đã biến đổi, đã bị mài mòn, đã biến chất. Chúng ta cũng không thể nào oán trách Daisy, vì đó chính là những gì phải diễn ra một cách tất yếu mà thời đại này mang đến. Và một kết thúc buồn là hệ quả không thể tránh được, cái thế giới đó sẽ giết chết Gatsby vì anh không thuộc về nó, không phải anh không xứng với nó mà là nó không xứng với anh.
Chí Blog có kịch bản phim điện ảnh, ai mua không?
Những diễn biến xẩy đến với từng nhân vật trong truyện khiến ta nghĩ rằng tất cả họ như đang tham gia vào một guồng máy và bị chi phối bởi những quy luật lớn lao từ một Thượng Đế toàn năng nào đó, có thể gọi là số phận, là định mệnh. Đôi mắt trên tấm Pano giống như đôi mắt của Thượng Đế nhìn xuống thế gian một cách lạnh lùng và hờ hững, hoặc đó cũng là đôi mắt của chính cái xã hội vô tình chứng kiến mọi thứ nhưng không làm gì cả.
Còn tính kinh điển thì sao? Hãy nhìn cho kỹ Gatsby, vì đó là hình ảnh về chúng ta, những điều anh theo đuổi chính là điều mà chúng ta theo đuổi. Ngày nào đó chúng ta điên cuồng đọc những quyển Self Help hoặc sách về “bí quyết thành công”, chúng ta đề ra biết bao kế hoạch, chúng ta lao vào tương lai với sự háo hức, nhưng than ôi điều mà chúng ta tìm thấy lại không như ta tưởng, chúng không đẹp như mơ, chúng tầm thường một cách thô bỉ và trần trụi. Một số người sẽ bỏ cuộc, số khác sẽ thỏa hiệp và đánh mất bản thân, một số khác rất ít sẽ thành công và giữ được tâm hồn như Gatsby nhưng tôi e rằng khó tránh được một kết cuộc như anh. À! Đó là nói theo cái lối bi quan như cách mà tác giả nhìn cuộc sống, tuy vậy, đó cũng là thực tế mà ta phải chấp nhận.
Nói thì nói vậy thôi, tất cả tùy thuộc vào thứ mà mỗi người chúng ta theo đuổi là gì, và với ta thì từ “thành công” được định nghĩa là như thế nào. Có không ít những tác phẩm giá trị giống như tác phẩm này, các tác giả đã chỉ cho ta đâu là những giá trị đích thực, đâu là hố lửa không nên nhảy vào. Thật đáng tiếc nếu các bạn không đọc, và không nên oán than nếu đã biết mà vẫn muốn lao vào. Mong cho chúng ta luôn giữ được đam mê và nhiệt huyết như Gatsby, và phúc cho ai không chọn con đường mà Gatsby đã chọn.
Để xã hội tốt đẹp hơn – Hãy ủng hộ tài chính Chí Blog:
Hàng tháng: https://www.patreon.com/chi_blog_movie_reviews
Paypal: https://www.paypal.com/paypalme/nguyenminhchi2806
Bank – Người nhận: Nguyễn Minh Chí, NH TMCP SAI GON THUONG TIN CN TIEN GIANG, Số TK: 0601 4671 8526
Ví momo:
………………
Top 50 bài review sách văn học kinh điển của Chí Blog
Bạn có thể tham khảo thêm trong bài review phim: Gatsby Vĩ Đại: bên bờ ảo vọng , tất nhiên nội dung của 2 bài sẽ không trùng lắp nhau, nếu có thì chỉ trong tính khái quát thôi.
Note: nếu bài viết trên trang có giá trị, nhớ tích cực like, share, comment, và giới thiệu với bạn bè về Chí Blog (Facebook) .