HOẠCH ĐỊNH NỀN GIẢI TRÍ VIỆT NAM TRONG 10 NĂM

Đọc tiêu đề thì các bạn nghe có vẻ “hầm hố” không? Nhưng bài này quan trọng nghen! Mặc dù tôi – Nguyễn Minh Chí – Chí Blog chỉ là dân đen – thuộc giai cấp vô sản (không thể nghèo hơn nữa), nhưng ai nghe thì sẽ thành công trong tương lai, còn nếu không nghe và không tin thì cứ coi như tôi nói nhảm “phong long” là được (cười). Sẵn tiện hỏi luôn, là các bạn có cảm thấy trong mảng điện ảnh VN tự dưng trong mấy năm gần đây bắt đầu chú trọng nội dung và thông điệp phim, hoặc về phong cách biểu diễn có sự thay đổi cực kỳ đột ngột chỉ từ giữa năm 2023 cho đến nay, trước đó thì như “con mụ nhà quê”, hiện tại thì như “hoa hậu quốc tế”, ai và điều gì đã tạo ra sự đột phá đó? Cả một nền giải trí tự dưng “thông minh đột xuất” nhở?!

Trở lại vấn đề chính, muốn nói đến tương lai thì trước tiên phải bàn đến chuyện VN đang có gì trong tay? Thứ nhất là vị trí địa lý đẹp nhất châu Á, thứ 2 là tài nguyên du lịch TỰ NHIÊN cực kỳ phong phú và đa dạng, thứ 3 là đất đai màu mỡ dành cho nông nghiệp dùng để tạo ra lương thực thực phẩm rất lớn, thứ 4 là văn hóa đa dạng – dù hơi bị thiếu chiều sâu – cái này không sao vì sẽ có cách cải thiện, cái gì thiếu thì ta cứ “thổi vào đó một linh hồn” là được, thứ 5 là văn hóa ẩm thực số 1 thế giới – với tôi là vậy, thứ 6 là người Việt rất khéo léo, dù bản tính lười biếng – khôn lỏi – giỏi bắt chước – ít động não …, đừng tự ái nghen! Vì đọc bài trên Chí Blog thì chỉ có thể nghe được lời nói thật, tính ra thì mấy cái khuyết điểm đó đều do tài nguyên quá màu mỡ tạo ra cả, chỉ cần ra đồng bắt cá là có ăn thì cần quái gì phải lo nghĩ lâu dài đúng không? Nhưng đó là vài mươi năm trước, xã hội hiện tại rất khắc nghiệt với con người, nên chúng ta phải biết quý trọng những gì chúng ta đang có và khai thác nó hiệu quả và lâu dài nhất.

Với du lịch, tôi viết hoa chữ “TỰ NHIÊN” là có chủ đích, nghĩa là KHÔNG ĐƯỢC khai thác kiểu GIẾT GÀ LẤY TRỨNG hoặc BÊ TÔNG HÓA nguồn tài nguyên này. Khách du lịch quốc tế đến VN là để thưởng thức VẺ ĐẸP THIÊN NHIÊN chứ không phải những đền đài BÊ TÔNG tráng lệ BẮT CHƯỚC NƠI HỌ SỐNG – đó là “đồ giả” với họ, họ tìm cái họ thiếu chứ không phải thứ họ thừa mứa, muốn khai thác du lịch đạt được lợi nhuận lâu dài thì phải hiểu điều này, đầu tư 1 lần “ăn” muôn đời, nói cho dễ hiểu thì những dịch vụ phục vụ khách du lịch phải hòa vào tự nhiên – khuyến khích tìm đến những nhà thiết kế kiến trúc / mỹ thuật quốc tế khi thực hiện dự án.

Kiên quyết bảo vệ tài nguyên nông nghiệp, vì như tôi đã nói, đây là nền tảng để giữ nước, mọi thứ có thể sụp đổ nhưng dân không thể đói, dân đói là mất nước!

Vì sao khách nước ngoài đến VN? Vì 2 mục đích chính là du lịch TỰ NHIÊN và ẩm thực, có thể nói ẩm thực Việt đang vươn lên vị trí số 1 thế giới, cho nên điều chúng ta phải làm là duy trì – bảo vệ – phát triển các món ăn truyền thống trên khắp mọi miền đất nước, do địa lý – động thực vật – văn hóa vùng miền của VN cực kỳ đa dạng, dẫn đến văn hóa ẩm thực cũng đa dạng theo. Ở các vùng miền khác thì tôi không biết thế nào, chứ ở TP HCM thì số lượng quán ăn rất khủng khiếp, kinh doanh ăn uống không lỗ nghen!

Điều cần có tiếp theo là làm tốt các vấn đề liên quan đến du lịch và ẩm thực! Xóa sổ mọi loại tội phạm trong khu du lịch, không trộm cắp hay giựt dọc, không thức ăn bẩn và “chặt chém” du khách, để khi họ đến sẽ còn quay lại, lực lượng công an ở VN rất lớn, việc này chắc sẽ không khó nhỉ?! Vậy giả sử chúng ta làm tốt những điều này thì điều gì sẽ xẩy ra? Khách du lịch đến VN sẽ tăng gấp 2 – 5 lần trong vòng 10 năm nữa, khi này chúng ta cần các dịch vụ giải trí để cung cấp cho họ – người nước ngoài và cả người dân trong nước. Như một “lời nguyền”, dân VN giỏi nhất là ăn chơi, là nơi đến để ăn chơi!

Hic! Lúc này bài viết mới vào chính đề:

Với điện ảnh, nội dung – thông điệp – ngôn ngữ điện ảnh – và kể cả nâng cao tầm nhận thức thì đều có trong tất cả các bài viết ở trên web Chí Blog, nhớ xem kỹ các phim nghệ thuật đó, đọc thật kỹ các bài viết của tôi là được. Nếu có điều gì cần nói thêm thì đó là: trong mỗi cảnh quay của phim nghệ thuật, các bạn hãy đặt câu hỏi “tại sao?” là được! Tại sao là bối cảnh đó? Tại sao món đồ đó đặt ở nơi đó? Tại sao sự việc đó diễn ra tại bối cảnh đó? Tại sao nhân vật lại phản ứng như vậy? Tại sao nhân vật đó nói lời thoại đó? Tại sao màu sắc đó? Tất cả mọi sự sắp đặt của đạo diễn đều phải có mục đích, điều khó làm ở chỗ tuy sắp đặt nhưng nó phải thuận với tự nhiên, và nếu có điều gì bất thường trong đó thì cũng có mục đích mang tính hợp lý và ý nghĩa của nó.

Dân Việt giỏi bắt chước và thích “mượn” ý tưởng của người khác về dùng, tôi chỉ các bạn đạo diễn và biên kịch 1 kho tàng để sử dụng, đó là … dòng truyện mạng của TQ, các truyện kiếm hiệp – tiên hiệp – lịch sử – võng du – mạt thế – kỳ huyễn – đô thị. Tuy nhiên cần chú ý 1 điều hết sức quan trọng: tư duy phần lớn tác giả truyện mạng của TQ phần lớn đều vô cảm – vô tình – vô nghĩa – bất nhân – tham lam – ích kỷ – thực dụng, chúng ta “mượn” tài nguyên về ý tưởng nhưng về tư tưởng thì làm ngược lại, coi trọng gia đình, sống có tình có nghĩa, mang tính chữa lành, hướng tới hy vọng, niềm vui và hạnh phúc. Thế giới này đã có quá nhiều điều tiêu cực và địa ngục trần gian, hãy đưa khán giả của chúng ta đến với hạnh phúc, vậy sẽ thành công, nói thật chứ cái tính lạc quan gần như ngấm vào máu xương của người Việt! Khi đó hàng tỉ người “khổ đau” trên thế giới không tìm đến chúng ta thì tìm ở đâu á!

Đối với những ai làm trong ngành giải trí mà có danh tiếng – kinh nghiệm – vốn … thì nên nghĩ đến chuyện liên kết với nhau để mở công ty giải trí / các lò đào tạo đi là vừa, nếu không sẽ khó theo kịp với sự phát triển, mô hình chuyên nghiệp thế nào thì cứ học hỏi từ những nước đi trước như Trung – Hàn – Ấn – Âu – Mỹ.

Học viên của các lò đào tạo phải mang tính đa năng, diễn xuất – ca hát – vũ đạo – võ thuật – chơi nhạc cụ – sáng tác nhạc … và nhớ chú ý đến nâng cao nhận thức, về chuyện trai xinh gái đẹp là thứ không hề thiếu ở VN. À! Khi đào tạo thì nhớ thuận theo tự nhiên nhé, tức đào sâu vào điểm mạnh của người đó, chứ không phải tạo ra những sản phẩm “công nghiệp”, nền giải trí Mỹ – Hàn – Trung đang đi xuống vì đào tạo ra mấy thứ “rác rưởi” này. Có nhớ các ca sĩ – diễn viên Hongkong thập niên 80-90 không? Mỗi người đều có một bản sắc riêng, nên học theo họ, thậm chí “mượn” họ làm tài liệu để đào tạo cũng được, học viên nào phù hợp với hình mẫu / phong cách nào thì cứ “mượn”, tất nhiên là tính luôn cả các diễn viên gạo cội của Âu Mỹ, đã “mượn” thì mượn tất! Chú ý là các học viên Nam đừng ẻo lả yếu đuối như của Trung – Hàn, cái này nên học Ấn.

Thiếu nguồn nhân lực và nghệ sĩ? Moi ra hết các thế hệ trước, mang họ trở về thế giới giải trí, từ diễn viên kịch nói, cho đến cải lương, diễn viên của các bộ phim truyền hình, mang họ trở về với các show giải trí trên TV, không ai được quyền nghỉ ngơi, thậm chí những người ở hải ngoại cũng phải lôi về VN.

Nên kết hợp giữa mảng ca nhạc và điện ảnh với nhau, có nhớ Tứ Đại Thiên Vương của Hongkong không? Trương Học Hữu – Lưu Đức Hoa – Lê Minh – Quách Phú Thành, họ vừa là ca sĩ nổi tiếng vừa là diễn viên hạng A, 30-40% diễn viên Hongkong thời đó đều hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc, 2 lĩnh vực này sẽ hỗ trợ cho nhau trong việc thu hút khán giả.

Muốn nền giải trí đi lên thì phải nắm tay nhau cùng tiến lên – không bỏ rơi một ai, thế hệ trước và thế hệ sau, cùng thế hệ, các nghệ sĩ ở 2 miền nam bắc. Các Show giải trí gần đây như 2 “anh trai”, “chị đẹp”, “our song” và … “em xinh” (nếu có trong tương lai), “rap Việt”  là bước đi rất đúng đắn, có cạnh tranh nhưng mục đích không phải cạnh tranh mà giúp các “thí sinh” không bị quên lãng  và tạo cơ hội cho người mới, những Show này nên được duy trì và phát huy. Tôi có xem 1 video phỏng vấn những “nhà quản lý” nghệ sĩ / ca sĩ trên Youtube, điều họ trăn trở không dám đầu tư mạnh là vì không biết các nghệ sĩ của họ sẽ “nổi – hot” trong bao lâu?! Cho nên các “lão đại” của ngành truyền thông cần nghĩ tới chuyện tạo điều kiện thêm cho các nghệ sĩ này duy trì độ “hot”, đôi bên đều có lợi nhỉ?!

Về âm nhạc, tôi không biết nó diễn ra thế nào ở miền bắc và trung, riêng đối với miền nam thì rất đa dạng, nhạc cải lương, Bolero, dòng nhạc tình ca của các nhạc sĩ như TCS – PD – VTA được trình diễn ở các phòng trà ca nhạc, hoặc các bài hát kinh điển của nước ngoài, dòng nhạc đang thịnh hành của giới trẻ.

Đối với chuyện đào tạo và tài nguyên thì tìm ở đâu? Tôi có nhắc đến các PHÒNG TRÀ CA NHẠC đấy, nơi đó có vô số “ca sĩ nghiệp dư” với chất giọng đặt biệt, mang họ về, đào tạo chuyên sâu, nhưng không được làm như kiểu máy dập công nghiệp, mà phải như cách đào tạo ca sĩ ở miền nam trước 1975, nghĩa là chỉ cần nghe ca sĩ đó hát là nhận ra ngay đó là Duy Khánh – Chế Linh – Elvis Phương – Duy Quang – Trường Giang – Nhật Trường – Thanh Thúy – Lệ Thu – Phương Dung – Khánh Ly – Hoàng Oanh – Thanh Tuyền – Thanh Lan – Hương Lan … hoặc Ngọc Lan – Kiều Nga – Kim Anh …; còn việc đưa những “ca sĩ” có chất giọng đặt biệt trở thành ngôi sao nổi tiếng thì dễ như ăn cháo trong nền giải trí Việt ngày nay. Nhớ! Các “ca sĩ nghiệp dư” có chất giọng đặt biệt ở những phòng trà ca nhạc tại TP HCM, ai tìm ra họ sớm nhất thì có tài nguyên tốt, ai chậm chân thì “gặm xương” nghen!

Nền âm nhạc VN tuy đang phát triển rất nhanh trong nước nhưng so với thế giới thì vẫn chưa là gì cả, vậy muốn bước ra ngoài thì cần phải làm gì?

Chúng ta phải làm 2 việc: QUỐC TẾ HÓA NHẠC VIỆT và VIỆT HÓA NHẠC QUỐC TẾ.

VIỆT HÓA NHẠC QUỐC TẾ là mang những bài hát kinh điển của tất cả các quốc gia trên thế giới về VN và được trình diễn với lời Việt, nửa lời Việt nửa lời ngoại, hoặc toàn bộ bằng lời ngoại. Việc này nhằm mục đích tạo ra nền tảng cho nền nhạc Việt học hỏi, chuyện này xẩy ra với mọi quốc gia, hoặc như chuyện một chương trình tìm kiếm tài năng âm nhạc của Đức hoặc Pháp nhưng thí sinh ca bài hát tiếng Anh chẳng hạn, hoặc bài Triệu Đóa Hồng của Nga được dịch ra mọi thứ tiếng và được hát ở mọi quốc gia – “chuyện tình yêu anh họa sĩ, gửi trong tranh vẽ những ..”. Nền âm nhạc VN hiện tại đang thiếu điều này, cần mang nó trở lại! Sẽ có một ngày mà chúng ta có thể cover lại những bài kinh điển quốc tế này và hòa vào dòng chảy âm nhạc của thế giới!

QUỐC TẾ HÓA NHẠC VIỆT là ca nhạc Việt bằng tiếng nước ngoài, hoặc nửa Việt nửa nước ngoài – điều này đã xuất hiện trong các bài thịnh hành của giới trẻ hiện nay, vậy với những bài nhạc trước đó của VN thì sao? Tại sao không có một lời nhạc bằng tiếng Anh hay tiếng Pháp nhỉ? Bài hát Diễm Xưa của TCS có lời Nhật đấy! Điều khó khăn ở đây là làm sao tạo ra lời ngoại mà khiến cho người nước ngoài nghe và cảm nhận được nó!

Tiếp theo là đào tạo “gà chiến” để tham gia các cuộc thi âm nhạc ở nước ngoài hoặc mời các ca sĩ của nước khác về VN biểu diễn – giao lưu. Hãy thay đổi tư duy: tại sao các ca sĩ ngoại quốc có thể đến mọi quốc gia để biểu diễn còn ca sĩ của VN thì không hoặc rất ít ỏi? Tại sao những bộ phim của Hàn – Trung – Thái có thể chiếu ở VN nhưng phim VN cực khó chiếu ở rạp của họ? Các nhà đầu tư điện ảnh, nhà sản xuất phim, các đạo diễn … chỉ cần tạo ra một bộ phim có thể chiếu ở nước ngoài thì cần gì phải phụ thuộc vào doanh thu ở VN ?! Trong khi chi phí để tạo ra một bộ phim ở VN là cực rẻ nếu so với các nước khác, ví dụ với 10 tr USD ở Hàn thì khó tạo được một bộ phim hoành tráng, nhưng đổi thành phim Việt với kinh phí hơn 200 tỉ thì làm được vô số chuyện, cho nên cần phải thay đổi tư duy, làm phim ở VN sẽ không bao giờ lỗ nếu vừa có thể chiếu trong nước và xuất khẩu, đừng chỉ nhìn vào cái thị trường VN, cố gắng tạo ra một bộ phim có thể xuất khẩu hen!

Facebook Comments

About Author

Minh Chí

Bạn tôi góp ý là: nhiều người ở VN thích làm màu, nên tôi cần làm màu hơn thế. Cho nên các bạn cứ nghĩ tôi rất "đỉnh" là được!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

You May Like

Translate» English - Vietnamese