Ban đầu tôi không nghĩ là viết bài này, nhưng nhân việc một người thích đùa chụp vài bức ảnh (3 nam, 5 nữ) chọc cười tôi nên tôi viết. Bài này giống như là một “bí tịch võ công”, còn việc học được đến đâu thì phụ thuộc vào “ngộ tính” của người đọc vậy, thật ra thì nó khá là đơn giản, tuy đơn giản nhưng nếu học được thì có thể vận dùng cả đời cũng không hết – Chí Blog “website gì đó … tầng không” có vẻ nổ dữ hen kkkkk
Thế nào là một phim hài? Đó là phim khiến cho khán giả sau khi xem xong sẽ cười, về cơ bản thì nó cũng giống với mọi bộ phim thông thường khác, cũng chia theo từng cấp độ khác nhau về mọi thứ từ thông điệp – nội dung – hình thức, từ việc phục vụ số đông cho đến thiên về nghệ thuật sâu sắc, hoặc đáp ứng cả 2 như của Sác Lô hoặc Châu Tinh Trì, đó là về tổng thể; còn về những tình huống nhỏ trong phim cũng có sự phân chia đó. Đôi khi có những phim bản chất hài châm biếm nhưng hình thức lại là kiểu khác như chính kịch hoặc giả tưởng, và chỉ một số ít khán giả có tầm nhận thức nào đó mới nhận ra.
Trước tiên, để tạo ra một phim hài hước không phải là bạn bắt chước tình huống đó theo kiểu sao chép, mà điều cần làm là tìm ra nguyên lý của nó là gì, yếu tố nào góp phần vào việc tạo ra tiếng cười. Tôi sẽ lấy vài ví dụ cụ thể để bạn dễ hiểu.
Hot Shots! Part Deux là phim hài nhại lại phim Rambo là chính, nhại các dòng về biệt kích, điệp viên … là phụ; những dòng phim này đều có một mô típ chung là thực thành nhiệm vụ giải cứu nào đó – về mặt nội dung cốt truyện, rồi tùy vào những tình huống xẩy ra mà người ta sẽ nhấn mạnh về thông điệp phổ quát như tình yêu nhân loại, tình cảm gia đình, tình bằng hữu, tình yêu đôi lứa, sự hy sinh …
Có thể nói rằng đối với điện ảnh thì sự tương phản đóng vai trò cực kỳ quan trọng, bởi nhờ sự tương phản mà nhờ vào cái này mà người ta nhận ra cái kia và ngược lại, hoặc nó giúp cho cái tính nhân quả mang tính thuyết phục hơn. Thử phân tích cảnh khi NVC tấn công vào dinh thự tên độc tài, chúng ta thấy một bức tường (camera có góc nhìn từ dưới hướng lên), sau đó thấy một cái móc câu được quăng lên và móc vào, NVC cả người đầy mồ hôi và cực kỳ mệt nhọc nhô đầu lên từ sau bức tường và trèo lên, cảnh này khiến ta nghĩ gì? Đó là bức tường này rất cao, NVC phải rất khó khăn mới leo dây lên được – đây là lối suy nghĩ quán tính của bất kỳ ai khi thấy vậy, nhưng sau đó thì sao? Khi NVC nhảy xuống,ta thấy bức tường đó chỉ cao khoản 1m (haha, lúc này tôi bò ra cười); vậy nhân tố nào khiến ta cười? Đó chính là giới hạn của góc nhìn trước và sau đối với người xem, trong góc nhìn hẹp, nó khiến khán giả hiểu A, trong góc nhìn rộng, nó khiến khán giả nhận ra sự thật mang tính tương phản với những gì họ nghĩ.
Trong phim nhại 007 của CTT cũng có một trường hợp tương tự về nguyên lý, cảnh NVC muốn leo qua bức tường để vào dinh thự tên tội phạm, anh ta dùng mọi cách để qua nhưng không được, trong khi nữ chính thì qua bức tường rất dễ nhờ vào một cửa phụ ở gần đó, bởi lối suy nghĩ theo quán tính nên NVC đã chọn việc khó thay vì việc khác dễ hơn, cái suy nghĩ quán tính này đặt vào góc nhìn hẹp của nhân vật và khán giả, còn cái suy nghĩ quán tính của phim kia đặt vào góc nhìn hẹp của khán giả.
Trong một tình huống hài khác chúng ta sẽ thấy sự đảo chiều trước và sau của góc nhìn, trong phim Sac Lô có cảnh khi NVC trượt patin trên tầng 1 của tòa nhà, khán giả nhìn ở góc nhìn rộng, họ thấy NVC cứ trượt sát mép “vực” nhưng bản thân anh ta không biết, anh ta không rơi xuống như một sự may mắn, rồi khi anh ta nhận ra thì anh ta lại không thoát được bị chới với ngay mép “vực”; một tình huống tương tự về nguyên lý, ví như 1 anh chàng nghệ sĩ đi dây thăng bằng trên cao nhưng có dây an toàn móc vào đai lưng, bởi vì có dây an toàn nên anh ta đùa giỡn khi biểu diễn, rồi cái móc an toàn tuột khỏi đai lưng mà anh ta không biết, khán giả thì thấy được điều đó, sau đó anh ta nhận ra sợi dây bị tuột và chới với.
Trở lại cái phim ban đầu, cảnh cô gái dùng cán chổi để lấy cái chìa khóa để giải cứu tù nhân, tính tương phản ở đây là cô ấy phải lấy được nó mà không được tạo ra tiếng động, nhưng khi hành động lại tạo ra hiệu ứng ngược lại,nào là chọc cán chổi vào quạt, vào mũi và tai tên lính canh đang ngủ, mở radio, nhưng tên lính vẫn ngủ say như chết, sau đó chúng ta thấy sự tương phản tiếp theo, tiếng ồn không làm hắn tỉnh nhưng tiếng chuột kêu nhỏ xíu lại khiến hắn tỉnh; rồi người tù khi lấy chìa khóa lại làm theo suy nghĩ quán tính là phải có chìa khóa mới ra khỏi lồng giam, trong khi sự thật là anh ta có thể ra khỏi đó mà không cần chìa khóa mở cửa.
Ngoài góc nhìn, tính tương phản, suy nghĩ theo quán tính để tạo ra “sự phi lý” khiến khán giả cười, thì “sự phi lý” đó phải được đảm bảo trên một “sự hợp lý” nào đó, ví như “sự hợp lý” trong cảnh lấy chìa khóa là tên cai tù đang ngủ say – đây là cơ cở trọng tâm của tình huống; còn cảnh NVC bắn quân địch như trò chơi game – thì trọng tâm nó đặt vào yếu tố nhại cái game đó; hoặc cảnh trong phim nhại 300 chiến binh, tên hoàng đế kinh sợ khi thấy cái màn hình tạo hiệu ứng hàng ngàn chiến binh, đó là hiệu ứng điện ảnh nhưng cứ như ông ta không biết đó chỉ là hiệu ứng. Cái “sự hợp lý” tạo ra một pha hài rất là quan trọng, nó có từng kiểu từng mức độ khác nhau, sẽ không có sự phi lý như con người thịt xương bị đạn bắn mà không chết, nhưng nó sẽ hợp lý khi viên đạn bị chặn lại bởi một làn da bằng vật liệu tổng hợp với titan, ban đầu khán giả nghĩ là da thịt, khi nhân vật bị đạn bắn thì phản ứng như trúng đạn thật, sau đó thì khám phá ra da bằng vật liệu titan nên không chết.
Nói tóm lại thì điều bạn cần làm là tổng hợp lại tất cả các phim hài, các tình huống hài rồi phân tích ra cái nguyên lý tạo ra cái hài và nhờ vào nguyên lý đó mà thay đổi hoàn cảnh hoặc hình thức, bạn có thể tạo ra hàng tỉ tình huống để gây cười, nhưng nó hài hước đến mức nào đối với khán giả thì phụ thuộc vào ngộ tính – trí tưởng tượng – sự sáng tạo của chính bạn.
Ở trên là bản chất căn bản, giờ chúng ta nói đến việc nâng cấp 1 tình huống hài, nghĩa là tình huống hài mang thông điệp. Trong phim Kung Fu của Châu Tinh Trì có cảnh NVC phóng dao vào bà chủ khu nhà trọ là “tiểu long nữ”, NVC phóng dao vào kẻ thù nhưng con dao đó dội lại cắm vào vai anh ta – thông điệp là muốn hại người khác nhưng thật ra là chính mình hại mình, hoặc khi người bạn phóng dao vào kẻ thù nhưng con dao đâm vào bạn của anh ta. Hoặc cảnh hài hước tôi có chỉ ra trong phim Kill Boksoon, khi người cha dạy dỗ đứa con gái vị thành niên hút thuốc, ban đầu là cảnh nửa mặt hoàn hảo và đọc kinh xin tha tội, sau đó là cảnh nửa mặt bầm dập và con gái bị bắt nuốt điếu thuốc – thông điệp phê phán tính đạo đức giả và sự tàn bạo của người cha; hoặc trong phim nói về thời đại công nghiệp của Sac Lô, khi NVC làm công nhân, anh ta bị lậm chuyện siết ốc vít, nên khi thấy cái gì giống ốc vít thì anh ta đều dùng khóa để siết, kể cả khi nhìn thấy 2 cái nút gắn trên ngực áo của người phụ nữ – thông điệp là công nghệ biến con người thành robot.
Trong một tình huống khác của phim Sac Lô thì yếu tố trọng tâm rơi vào bối cảnh của nhân vật, phim “gà trống nuôi con” kể về NVC nghèo nhưng có lòng nhân ái đã nuôi đứa trẻ, đứa trẻ ném đá vỡ kính cửa sổ sau đó người cha đến bán kính, vì khán giả hiểu hoàn cảnh nên họ thông cảm được với hành động gian manh đó và nó tạo ra tính hài.
Có người nói rằng đã là phim Điện Ảnh thì chỉ nên dùng hình ảnh để thể hiện và tiết chế lời thoại, đây là một nhận định sai, bản chất điện ảnh là mô tả cuộc sống, mà cuộc sống thì có mọi thứ trong đó, cái trọng tâm để tạo ra một bộ phim có giá trị nằm ở chỗ những thứ trong nó mang ý nghĩa gì chứ không phải là số lượng ít hay nhiều. Có vô số những bộ phim hài được tạo ra chỉ bằng lời thoại chứ không phải hình ảnh và hành động ( nếu bạn đã đọc hết những phim mà tôi review thì sẽ hiểu), vấn đề nằm ở chỗ bạn có đủ trình độ để tạo ra một bộ phim kiểu đó hay không.
Nhân nhắc đến bộ phim Kung Fu của CTT, nó làm tôi nhớ tới 2 nhân vật là lão ăn mày và NVC, tôi tự hỏi là võ công của lão ăn mày cao cỡ nào và có cao hơn NVC ở đoạn cuối hay không, có thể có và có thể không, có thể có nếu lão ăn mày chọn con đường tham gia vào gian hồ, nhưng điều đó cũng không cho rằng việc lão bán những bí tịch thật thì có thể luyện được võ công thật, vì nó còn dựa vào nhiều yếu tố khác nữa, suy diễn ra bí tịch võ công là một chuyện, luyện được nó lại là chuyện khác; giống như chuyện lão bán cho vô số những đứa trẻ những cuốn bí tịch với giá vài xu nhưng không phải đứa trẻ nào cũng luyện thành, chỉ có những đứa trẻ còn tin vào cái lý tưởng hồn nhiên của buổi ban đầu như NVC thì mới luyện được, dù sau đó anh ta có đoạn thời gian trở thành kẻ xấu, nhưng cái “sơ tâm” vẫn còn đó, khi còn nhỏ anh ta là một con sâu, quá trình tham gia gian hồ là cái kén, “sơ tâm” còn thì cuối cùng sẽ thoát được cái kén và hóa bướm trở thành tông sư.
Nói chung thì lão ăn mày là NVC trong bộ phim của lão ăn mày – vì lão thích cuộc sống tự do tự tại hơn, còn NVC là NVC trong bộ phim Kung Fu, và anh ta có nhiệm vụ là dẫn dắt giang hồ, họ sẽ không gặp nhau. Tính ra thì sau bộ phim Kung Fu này thì Châu Tinh Trì đã trở thành một Tông Sư thật sự.