Montag tự hỏi tại sao anh chẳng thiếu gì cả nhưng vẫn không hạnh phúc, anh thấy vợ anh đang chết, người bạn mà anh vừa quen thì đã chết (Clarisse), và người có thể trở thành bạn anh vừa chết chưa đầy 24h (bà già với những quyển sách bị đốt cháy), anh chẳng hiểu tại sao cả, anh biết anh thiếu thứ gì đó và nó ở trong sách. Nhìn vào đống sách trên sàn, anh sẽ giao cuốn nào cho đội trưởng Beatty đây? Khi mà mỗi cuốn trong đó có thể là cuốn cuối cùng trên đất nước này, nếu bị đốt đi, chúng có thể mất đi mãi mãi. Hãy tưởng tượng, trong tay bạn là bản duy nhất còn sót lại của Kinh Thánh, Shakespeare, Victor Hugo, Tolstoy, Camus, Kafka, Hector Malot… thì bạn sẽ giao nộp “ai” để người ta đốt? Bạn có hiểu tôi nói gì không? Nếu bạn thật sự hiểu, bạn sẽ cảm nhận được một nỗi đau khủng khiếp trong sự chọn lựa ấy.
Trên đường tìm sự giúp đỡ, Montag muốn ghi nhớ tất cả những gì được chép trong Kinh Thánh, để nếu có giao nộp thì anh còn có thể chép lại, nhưng khi anh cố nhớ thì những dòng chữ cứ trôi tuột đi như cát lọt qua một cái sàn chi chít lỗ thủng, xen kẽ vào những dòng anh đọc từ sách là các mẫu quảng cáo “Kem đánh răng Denham tuyệt hảo!” cứ bật lên trong tâm trí, 2 thứ đó trộn lẫn vào nhau khiến anh chẳng thể nào học thuộc. Có vô số lần, tôi không hiểu tại sao người ta đọc mà chẳng hiểu cuốn sách đang nói gì, giờ thì biết rồi, vì khi họ đọc, có quá nhiều những thương hiệu quảng cáo đã lướt qua tâm trí họ, không chỉ là các thương hiệu mà còn có những tư tưởng độc địa từ những sách báo tạp chí rác rưởi, tất cả chúng quấn vào nhau thành một mớ bùn nhão. Giả như nội dung trong sách là cát đá và sắt thép, mang chúng trộn với bùn nhão thì không xây lên được bất cứ công trình nào, có chăng là một đống xà bần hỗn độn.
Ông giáo sư bảo rằng Montag đúng khi anh cho rằng anh thiếu thứ gì đấy, và nó có trong sách. Thật ra thì nó có ở khắp mọi nơi, chỉ là con người bị giới hạn bởi không gian, thời gian, và các mối quan hệ, nên họ khó tìm được cho đầy đủ. Nó là các yếu tố mang lại sự sống, còn sách thì giống như một bình chứa, vì vậy họ có thể tìm được 99% “nó” từ sách. Để thay đổi thì Montag cần 3 điều:
1/ Chất lượng thông tin: hãy tưởng tượng sách như một mẫu da có nhiều lỗ chân lông để hít thở sự sống, cuốn sách càng giá trị thì có càng nhiều lỗ chân lông, có những cuốn chất lượng nhiều đến nỗi người ta phải dùng kính hiển vi để nhìn mới thấy rõ. “Văn hay thường xuyên chạm vào đời sống. Văn tầm tầm chỉ phớt qua đời sống. Văn tồi thì hãm hiếp đời sống rồi bỏ nàng đó cho ruồi”.
2/ Sự thư nhàn: Đó là những khoản thời gian rỗi dành để nghĩ và suy tư hoặc đọc sách. Chúng ta có rỗi rãi không? Có rất nhiều mà như không. Vì khi rảnh rỗi, chúng ta không dùng nó cho việc suy nghĩ, chúng ta phóng hết tốc độ trên chiếc xe, chúng ta thả tâm trí vào các trang tin lá cải, chúng ta vào các vũ trường với âm thanh chát chúa, chúng ta để tâm trí mình theo chuyện tầm phào của “bà con” trên Tivi. Mà tất cả những chuyện vô nghĩa đó gắn liền với thời gian thực, ta không thể bảo chúng dừng lại để chờ ta ngẫm nghĩ, ta không thể bảo chúng câm miệng và lắng nghe ta, vì chúng chỉ là thứ đang phát ra, không biết lắng nghe và không nhằm vào ai cả, vậy là ta bị chúng lôi đi xềnh xệch. Còn những quyển sách thì sao? Ta có thể khép nó lại và đặt xuống với mọi lý do mà ta muốn.
3/ Quyền tự do hành động: dựa trên sự tương tác của 2 cái trước. Việc này tưởng dễ nhưng không dễ tí nào, vì ta quá nhỏ bé trong cái xã hội này, ta bị rất nhiều thứ chi phối, đó là hoàn cảnh sống, thời gian, không gian, vật chất, luật lệ, mối quan hệ. Mỗi thứ như một sợi xích cột chặt vào người và gây ra nhiều sự khó khăn.
Càng có nhiều vật chất thì con người càng ham muốn sự tiện lợi và nhanh chóng, mà càng nhanh thì càng kém chất lượng, thế là những cuốn sách bị vứt bỏ, sau đó thì … “hệ thống” cảm thấy xã hội như vậy sẽ càng tốt hơn vì ít diễn ra những rắc rối và phức tạp khiến nó phải nỗ lực xữ lý, tất nhiên “ít phức tạp” là do con người trở nên ngu khờ như bọn cừu. Cuối cùng thì như thuận theo xu hướng của “sự tiến bộ” xã hội nên “hệ thống” xây dựng một tổ chức lính phóng hỏa để đốt sách, ngọn lửa phụt ra và công chúng vỗ tay hoan hô, tất cả đều an bình. Vẫn có những con người thấy việc ấy là sai trái, lẽ ra họ nên phản đối, nhưng họ lười, rồi khi mọi việc quá muộn màng thì chẳng còn mấy ai lên tiếng với họ, họ bị cô lập trong sự sợ hãi vì bị trấn áp, thế là họ sống với sự đớn hèn của mình cho đến hơi thở cuối cùng.
Xã hội đã trở nên thế nào sau khi những cuốn sách bị đốt? Sự thật biến thành gian trá, thang giá trị đảo chiều, giống như ông giáo sư nói đến hình ảnh Đức Jesus đã bị biến đổi thế nào. Giờ đây “Ngài” không rao giảng tin mừng, không nói về sự sống, mà “Ngài” khoác vào trang phục bảnh bao và quảng cáo cho các thương hiệu bánh kẹo, mọi người không còn nhớ “Ngài” từng là ai, vì Kinh Thánh đã bị đốt sạch cả rồi, vì không còn sự thật để mà kiểm chứng? Nhưng phải chăng khi xã hội trở thành yên bình thì nó thật sự yên bình? Con người cảm thấy yên bình chỉ vì họ giống như con đà điểu cắm đầu vào cát để không nhìn thấy, ngày ngày những chiếc máy bay chiến đấu vẫn gầm rú lướt qua bầu trời với tần suất càng nhiều hơn mà chả ai quan tâm, chiến tranh đang diễn ra ngay cạnh họ mà họ nghĩ nó ở nơi đâu xa lắm. Ừ thì có lẽ cứ để cho cái thể giới này sụp đổ thì sẽ tốt hơn, để ta có thể xây dựng lại một thế giới mới trên cái mặt đất đã bị san bằng, cứ để những quả bom rơi xuống thế là bọn “bà con” trên tivi đều phải câm miệng.
Đoạn này khá thú vị:
“Tôi không muốn đổi bên để rồi lại chỉ được người ta bảo cho là phải làm gì. Nếu vậy thì chả có lý do gì để đổi bên” – Montag
“Anh đã thông thái ra rồi đó” – giáo sư
Montag giờ đã không còn là một công cụ cho thứ gì đó, trên con đường tìm lại những điều còn thiếu, anh đang dần trở thành một con người.
Khi trở về nhà, anh đã thấy gì? 3 người phụ nữ đang reo hò và lặp lại những lời vô nghĩa của “bà con” trên các bức tường, họ giống y như những chiếc máy hát, y như những bức tượng vô hồn anh thấy lúc nhỏ. Họ làm anh cảm thấy như bị phát điên, anh hỏi họ về gia đình, về chồng và con của họ, họ chẳng quan tâm, có bà còn tự hào khoe rằng dù có thể sinh nở bình thường nhưng bà vẫn yêu cầu được sinh mỗ, và bà ta xem những đứa trẻ – con bà chỉ là loài ăn hại. Những gì đang diễn ra trên đất nước này? Chiến tranh đang diễn ra, những người chết vì tai nạn, những người tự sát, các ca phá thai, những đứa trẻ bị ném cho nhà trường.
“Người ta bảo nếu có ai chết thì đó luôn luôn là chồng người khác chết”, đọc câu này bạn có thấy quen không? Đây không phải là cái tâm thái mà chúng ta thường có hay sao?
“Biển đức tin/ Cũng từng có lúc đầy căng nằm tròn bờ đất/ …/ Nhưng giờ đây tôi chỉ nghe/ Nỗi u sầu của nó, tiếng gầm dài, rút xa dần/ …/ Và những đá cuội trần trụi của thế gian/ …/A, người yêu ơi hãy chân thật/ Với nhau, vì thế giới này…/ …/ Đa biệt là thế, đẹp là thế, mới mẻ là thế/ Thật ra không hề có niềm vui, không tình yêu, không ánh sáng/ …/ Nơi những đạo quân ngu dốt giao tranh lúc đêm khuya. “
Khi đọc những điều xẩy ra, những dòng thơ, những mô tả trong tác phẩm, tôi tự hỏi đó có phải là sự giả tưởng được dựng xây bởi trí tưởng tượng? Hình như không, đó là những lời tiên tri, vì thế giới hiện thực mà chúng ta đang sống cũng y như vậy, biết bao điều nhức nhối đang hiện lù lù ngay trước mắt mà chúng ta cứ giả vờ không thấy, và chúng ta sợ hãi khi phải nói ra, chúng ta trốn tránh, chúng ta hèn yếu.
Montag đã nói lời cay nghiệt với những người phụ nữ, nhưng ông giáo sư bảo rằng hãy thương họ, vì Montag đã từng “là một người trong trong bọn họ”. Ừ thì ông giáo sư nói đúng đấy, nhưng ít ai hiểu điều đó, ngày ngày lên mạng chúng ta thấy vô số nhóm người đang chì chiết nhau, phe nọ châm biếm phe kia, phe kia khinh bỉ phe nọ, mệt mỏi làm sao.
……………………
Bạn sẽ khó tìm được cuốn sách nào có thể tả thực như cuốn sách này, chỉ là tôi sợ rằng những ai đọc nó sẽ nghĩ “cuốn này cũng thường thôi và không có gì mới lạ”. Đó chỉ bởi vì cái đáng kinh ngạc, cái tưởng tượng, và là cái giả tưởng trong mắt tác giả đã trở thành sự thật, và ta quá quen với nó, chúng ta đã trở thành “một người trong bọn họ” rồi. Bài này dừng lại ở đây, bài sau là bài cuối cho tác phẩm này. Bạn nhớ tiếp tục đọc sách và theo dõi nhé.
Note: nếu bài viết trên trang có giá trị, nhớ tích cực like, share, comment, và giới thiệu với bạn bè về Chí Blog (Facebook) .